Từ vốn hóa 60 tỷ USD giờ chỉ còn 4 tỷ USD, đây là 5 sai lầm làm BlackBerry suy sụp
(Tổ Quốc) - Nhiều năm sau khi iPhone ra mắt, BlackBerry vẫn tiếp tục gia tăng doanh số, nhưng hàng loạt sai lầm sau mới là điều đẩy họ xuống vực thẳm.
- Những thuận lợi và bất cập trên iPhone 14 khi không còn sử dụng sim vật lý
- "Vén màn" bí mật camera trên iPhone 14 series: Bước đột phá mạnh mẽ của Apple!
- Kết nối vệ tinh cho smartphone: Công nghệ ‘chọc trời’ hay chỉ là chiêu trò quảng cáo
- eSim có gì đặc biệt khiến Apple quyết định bỏ hẳn khe SIM truyền thống trên iPhone 14 - Thị trường smartphone sẽ thay đổi thế nào sau động thái này?
Khi Steve Jobs công bố chiếc iPhone đầu tiên năm 2007, giá trị vốn hóa của hãng RIM, nhà sản xuất chiếc BlackBerry danh tiếng đang tuong đương với Apple – với khoảng 60 tỷ USD và 75 tỷ USD. Giờ đây khoảng cách đã gia tăng lên thành 4 tỷ USD và 2.500 tỷ USD.
Nhiều người cho rằng, sự ra đời của iPhone đã đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của BlackBerry nhưng trên thực tế, doanh số của dòng điện thoại này còn tăng cao nhiều năm sau khi iPhone ra mắt. Năm 2007, RIM chỉ xuất xưởng chưa đến 10 triệu chiếc BlackBerry, đến năm 2011, doanh số của hãng đã tăng gấp 5 lần với hơn 50 triệu thiết bị cầm tay này được xuất xưởng.
Năm 2008 đánh dấu bước tiến nhảy vọt của thương hiệu điện thoại này. Doanh thu gấp đôi so với năm trước đó để đạt tới mức 6 tỷ USD. Bàn phím cứng đặc trưng với tính năng nhắn tin bảo mật BlackBerry Messenger (BBM) được người dùng ưa chuộng, đặc biệt trong các doanh nghiệp lớn và các cơ quan chính phủ. Tên tuổi dòng điện thoại này còn bay cao hơn khi xuất hiện bên cạnh tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barrack Obama.
Vậy điều gì đã khiến họ lâm vào hoàn cảnh như hiện tại? Có thể nói đó là hậu quả của 5 quyết định sai lầm dưới đây:
Quyết định sai lầm đầu tiên: ưu tiên bàn phím cứng trên thiết bị di động.
Thời điểm iPhone mới ra mắt, màn hình cảm ứng điện dung vẫn là một công nghệ mới lạ và còn nhiều nghi ngờ về khả năng của nó. Trong khi đó, bàn phím cứng qwerty vẫn đang là một trong các thế mạnh và là dấu ấn cho thương hiệu của BlackBerry, do vậy không lạ khi hãng tiếp tục ưu tiên phát triển các thiết bị dùng bàn phím cứng, thay vì màn hình cảm ứng.
Nhưng tầm nhìn của Steve Jobs đã cho thấy tại sao một thiết bị cảm ứng toàn màn hình sẽ trở thành xu hướng thống trị: đó là vì bàn phím cứng chiếm đến "40% diện tích thiết bị, dù bạn cần đến nó hay không". Khi người dùng ngày càng chuộng tận hưởng các nội dung giải trí trên smartphone, rõ ràng màn hình cảm ứng đã lấn lướt hoàn toàn các thiết bị bàn phím cứng.
Trên thực tế, RIM cũng có lúc nhận ra nhu cầu này và phát triển một số thiết bị màn hình cảm ứng như BlackBerry Storm, nhưng dường như công ty chỉ xem đây là một thử nghiệm thay vì thực sự nghiêm túc với hướng đi này. Vì vậy, dòng thiết bị cảm ứng này chỉ được phát triển hời hợt cả phần cứng và phần mềm, chỉ từ nền tảng BlackBerry 10 mới hỗ trợ cảm ứng toàn diện, nhưng lúc đó đã quá muộn.
Quyết định sai lầm thứ hai: định hướng hệ điều hành di động.
Cùng với sai lầm trong phát triển phần cứng, BlackBerry cũng mắc nhiều sai lầm lớn trong phát triển phần mềm của mình. Đầu tiên là sự chậm chạp trong việc phát triển mô hình cửa hàng ứng dụng App Store. Sự chậm chạp này khiến các nhà phát triển hầu như bỏ qua hệ điều hành của BlackBerry và tập trung phát triển ứng dụng cho iOS và Android.
Thực tế cho thấy, các cửa hàng ứng dụng đã trở thành bộ phận không thể thiếu để tạo nên hệ sinh thái di động gắn kết người dùng với thiết bị phần cứng. Sự phổ biến tuyệt đối của iOS và Android là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Không chỉ BlackBerry, việc chậm chạp phát triển cửa hàng ứng dụng cũng khiến các nền tảng di động khác như Windows Phone, Nokia bị người dùng bỏ rơi khi họ trở nên thiếu gắn kết với hệ sinh thái này.
Một sai lầm khác trong phát triển phần mềm của BlackBerry là việc họ tin rằng nền tảng Flash sẽ là tương lai của phần mềm di động, thay vì các ứng dụng được phát triển chuyên biệt. Dù rất phổ biến và xuất hiện trong nhiều ứng dụng web vào thời điểm đó, nền tảng Flash lại chứa nhiều lỗi và lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Quan trọng hơn cả, Flash không mang lại các trải nghiệm tốt như các ứng dụng di động native và cùng với sự lên ngôi của smartphone, Flash dần bị khai tử.
Quyết định sai lầm thứ ba: không quan tâm người dùng cá nhân
Vào thời điểm ra mắt iPhone, các doanh nghiệp lớn và chính phủ vẫn là những khách hàng chính của BlackBerry vì dịch vụ email và khả năng bảo mật của họ. Chỉ cần phục vụ thị trường này đã biến RIM thành hãng có giá trị vốn hóa lên tới hơn 60 tỷ USD. Nhưng để thỏa mãn hơn 10 triệu người dùng doanh nghiệp này, hãng đã từ bỏ hàng tỷ người dùng cá nhân khác trên toàn cầu.
Một trong các yếu tố mang lại khả năng bảo mật cho BlackBerry chính là việc người dùng rất khó cài đặt các ứng dụng ngoài vào thiết bị này. Hạn chế này giúp BlackBerry còn bảo mật hơn nhiều so với iOS và Android, tuy nhiên nó lại làm người dùng cá nhân khó chịu khi không thể có được những tính năng mà họ thích.
Nói cách khác, khả năng bảo mật quá chặt chẽ khiến BlackBerry giống như "ô tô không bao giờ đi quá 20 km/h" – nó gần như không thể gặp tai nạn, nhưng chẳng ai thích cả.
Quyết định sai lầm thứ tư: bỏ qua cơ hội từ ứng dụng nhắn tin đa nền tảng
Trong số các ưu điểm mà BlackBerry sở hữu, có lẽ tính năng nhắn tin BBM là thứ duy nhất có thể ràng buộc người dùng vào phần cứng của công ty. Vào thời điểm đó, những người trẻ nổi tiếng như Kim Kardashian vẫn đang là fan lớn của tính năng nhắn tin này và có thể thúc đẩy sự phổ biến của cả dòng BlackBerry.
Quan trọng hơn cả, vào thời điểm đó thị trường chưa có ứng dụng nhắn tin nào thực sự thống trị và BBM hoàn toàn có thể chiếm lấy vị trí này nếu mở rộng sang các nền tảng khác như Android và iOS. Năm 2014, Facebook từng phải bỏ ra 19 tỷ USD để thâu tóm WhatsApp nhờ khả năng nhắn tin đa nền tảng này. Đáng tiếc, BlackBerry và BBM đã không tận dụng được cơ hội này.
Quyết định sai lầm thứ năm: thiếu hợp tác với các nhà mạng Mỹ
Khác với các thị trường viễn thông khác, ở Mỹ các nhà mạng có quyền lực lớn hơn nhiều. Điều này khiến các hãng điện thoại thường phải hợp tác với nhà mạng để có thể tiếp cận người dùng dễ dàng hơn. Ngay cả Nokia, dù đang là ông vua điện thoại di động trên toàn cầu vào thời điểm đó, lại chỉ có doanh số yếu ớt tại thị trường Mỹ khi không hợp tác độc quyền với nhà mạng nào.
Khi mới ra mắt iPhone là độc quyền cho nhà mạng AT&T và thành công của iPhone đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhà mạng này. RIM cũng có cơ hội tương tự với Verizon khi nhà mạng này tìm kiếm một thiết bị cảm ứng đối trọng với iPhone. Tuy nhiên, thất bại của BlackBerry Storm đã làm RIM mất đi cơ hội mở rộng doanh số và tập người dùng của mình.
Năm 2011, doanh số BlackBerry vươn tới đỉnh cao khi xuất xưởng hơn 50 triệu thiết bị, mang về hơn 19 tỷ USD doanh thu cho hãng RIM. Nhưng thật đáng buồn, đó cũng là năm đầu tiên doanh số cả năm của iPhone vượt mặt BlackBerry và sau đó là chuỗi ngày xuống dốc không phanh của dòng điện thoại với bàn phím qwerty đặc trưng này.
Năm 2016, BlackBerry thông báo dừng sản xuất điện thoại và nhượng quyền cho các đối tác khác để chuyển sang tập trung vào các giải pháp phần mềm an ninh mạng. Từ giá trị vốn hóa hơn 60 tỷ USD, giờ đây BlackBerry chỉ còn 4 tỷ USD và gần như đứng bên lề cuộc sống công nghệ hàng ngày.
Tham khảo The Verge, MakeUseOf, Investopedia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng