Từng được ngợi ca là ‘sát thủ Tesla của Trung Quốc’, 1 startup xe điện đang gánh nợ 2 tỷ USD, khó hòa vốn cho tới năm 2024
Lợi nhuận các nhà sản xuất ô tô đang bị tổn hại nghiêm trọng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gián đoạn.
- Ít nhất 3 năm nữa, Tesla vẫn là ông vua xe điện ở Mỹ, khó ai có thể lật đổ
- Thêm một đối thủ chính thức được sử dụng hệ thống sạc nhanh của Tesla, ngành công nghiệp xe điện chuẩn bị đón bước ngoặt lớn
- Mercedes-Benz vượt qua Tesla về hệ thống lái xe tự động
- CLB vốn hóa nghìn tỷ USD: Nhờ ChatGPT, một "đại gia mới" vượt mặt cả Tesla của Elon Musk, chung mâm với nhiều ''ông lớn'' công nghệ
Ngày NIO trình làng mẫu xe thể thao đa dụng hồi năm 2017 với thiết kế bóng bẩy, màn hình lớn cùng loạt tính năng điều khiển bằng giọng nói, hãng đã được ca ngợi là "sát thủ Tesla của Trung Quốc".
Giờ đây, khi thị trường xe điện tồn tại quá nhiều những thách thức cả về giá lẫn kiểu dáng, NIO chật vật với cái bóng của chính mình. Doanh số sụt giảm trong những tháng gần đây khiến hãng buộc phải "thắt lưng buộc bụng". Giám đốc điều hành William Li cũng khẳng định NIO cần thận trọng hơn do dòng tiền đã bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do được một tổ chức chính phủ Abu Dhabi hậu thuẫn cam kết đầu tư khoảng 740 triệu USD, NIO kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ bắt đầu hồi phục vào tháng 6, sau khi hãng tung ra dòng SUV cải tiến.
NIO chậm chân hơn các nhà sản xuất ô tô khác trong chiến dịch giảm giá. Động thái gần đây cho thấy lợi nhuận các nhà sản xuất ô tô đang bị tổn hại nghiêm trọng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gián đoạn. Một số startup phải chấp nhận phá sản do mức tiêu thụ quá yếu.
Đầu năm nay, WM Motor mắc nợ đã đình chỉ hầu hết các hoạt động sản xuất và sa thải nhân viên vì hết tiền mặt. Letin Auto, thương hiệu nổi tiếng với chiếc hatchback chạy điện trị giá 4.000 USD, cũng nộp đơn xin phá sản vào tháng 5 sau khi không tìm kiếm được lợi nhuận.
Xpeng, startup EV nổi tiếng được niêm yết tại Mỹ, cũng ghi nhận doanh số bán hàng giảm đều kể từ tháng 9 năm ngoái dù đã tung ra nhiều chương trình giảm giá và cải tiến mẫu mã. Số lượng xe giao nhanh giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Từng là điểm đến của các nhà đầu tư tìm kiếm một Tesla tiếp theo, các công ty xe điện toàn cầu đang phải vật lộn với tình trạng thanh khoản eo hẹp. Một số thương hiệu Mỹ, trong đó có Rivian Automotive và Lucid Group, cũng nằm trong số những công ty phải đối mặt với quãng thời gian khó khăn.
“Không phải ai cũng có thể tồn tại trên thị trường”, Joel Ying , nhà phân tích tại Nomura nói, đồng thời cho biết các startup dễ bị tổn thương hơn so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
Theo WSJ, giới chức Bắc Kinh đang hoàn thiện các biện pháp kích thích nền kinh tế. Bộ tài chính tuần trước đã gia hạn miễn thuế đối với xe điện và xe hybrid đến cuối năm 2025.
Thị trường Trung Quốc đang trở nên thách thức hơn, không chỉ với các thương hiệu trong nước mà cả các hãng nước ngoài. Các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Ford cũng thất bại, trong khi Volkswagen chưa có dòng xe nào lọt top 10 chiếc EV bán chạy nhất.
Tesla hiện đứng vị trí thứ 2 trên thị trường xe điện Trung Quốc. Hãng đã bán được hơn 200.000 chiếc cho người dân địa phương trong 5 tháng đầu năm nay, trong khi nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD, được hậu thuẫn bởi Warren Buffett, bán được khoảng 900.000 chiếc, bao gồm cả xe hybrid. Li Auto, công ty sản xuất các loại xe hybrid đắt tiền, thì giao được hơn 100.000 xe trong cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, hàng chục nhà sản xuất ô tô tại Trung Quốc đã phải giảm giá bán, trong đó có Tesla. Nhiều đối thủ, bao gồm XPeng và BYD, cũng không còn cách nào khác ngoài tham gia cuộc chiến về giá.
NIO đứng ngoài cuộc chơi. Hãng này hồi tháng 4 và tháng 5 chứng kiến lượng xe giao nhanh lao dốc xuống còn khoảng 6.000 chiếc so với mức đỉnh 10.000 những tháng trước đó. Theo các chuyên gia, vấn đề của NIO khá phức tạp do thương hiệu quá chậm chạp trong việc tung ra mẫu xe mới.
Doanh số giảm đã ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của hãng. Tính đến cuối tháng 3, tiền mặt và các khoản thanh khoản ngắn hạn khác của NIO đã giảm 30% xuống chỉ còn 5 tỷ USD so với một năm trước đó, trong khi các khoản nợ đang ở mức 2 tỷ USD. Theo Giám đốc điều hành NIO, công ty sẽ khó lòng hòa vốn cho đến ít nhất cuối năm 2024, tức muộn hơn một năm so với dự báo trước đó. Hãng cũng đã trì hoãn đầu tư vào tài sản cố định và một số nghiên cứu.
Đầu tháng này, NIO quyết định giảm giá tất cả các mẫu xe có sẵn ở Trung Quốc xuống 4.200 USD. Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải này còn cho phép người mua mua ô tô không có pin — một trong những thành phần đắt nhất của EV — và đăng ký chương trình thay pin miễn phí.
“Cùng với các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chính sách sạc xe, đổi pin và thuê xe linh hoạt, chúng tôi sẽ thay đổi cục diện ngành xe điện. Cam kết với khu vực đánh dấu một chương mới trong quá trình phát triển toàn cầu của chúng tôi”, CEO NIO nhấn mạnh.
Tu Le, Giám đốc điều hành Sino Auto Insights chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, cho biết chương trình giảm giá sẽ tạm thời thúc đẩy doanh số bán hàng, song phía NIO có thể sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược và sản phẩm của mình nếu muốn chiến thắng.
Được biết trước đó, NIO tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường tại các quốc gia châu Âu, lần lượt là Đức, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển. Việc đặt Đức vào một trong các điểm đến và sẵn sàng cạnh tranh với những ‘ông lớn’ như Mercedes, BMW, Audi ngay tại sân nhà cho thấy NIO đặt quyết tâm rất lớn trong việc chinh phục một thị trường khó tính.
Theo: WSJ, Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng