Từng tuyên bố sẽ "găm một viên đạn vào đầu Google" nhưng nay startup này chuẩn bị khai tử hệ điều hành di động của mình

    Neo,  

    Hệ điều hành Cyanogen đình đám một thời sẽ ngừng phát triển từ ngày 31/12/2016.

    Cyanogen, startup từng tuyên bố rằng phiên bản Android tùy chỉnh của họ sẽ "găm một viên đạn vào đầu Google" vừa lặng lẽ ra thông báo "đầu hàng" sau một năm đầy biến động về nhân sự. Một loạt vụ sa thải được tiến hành và nhiều giám đốc tài năng đã rời khỏi Cyanogen trong năm vừa qua.

    "Tất cả các dịch vụ và hỗ trợ cho Cyanogen sẽ dừng lại vào ngày 31/12/216, đây là một phần trong kế hoạch liên tục củng cố sức mạnh của Cyanogen", startup này tuyên bố trên blog của công ty.

    Về cơ bản, thông báo này đồng nghĩa với việc hệ điều hành hiện đang được cài sẵn trên các smartphone của OnePlus hay Lenovo ZUK Z1 sẽ không nhận được thêm bất kỳ bản cập nhật nào. Và Cyanogen cũng sẽ ngừng tất cả dịch vụ mà họ tự phát triển như dịch vụ tìm smartphone.

    Cyanogen đã thu hút được khoản vốn 185 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Andreessen Horowitz và Ruper Murdoch. Cyanogen có một vài mối quan hệ đối tác thành công với những công ty như OnePlus (cài hệ điều hành trên các smartphone mới của họ) và có mối quan hệ thân thiết với Microsoft. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đều e ngại "dứt tình" hoàn toàn với Android bởi họ sợ sẽ đánh mất cả những gì tốt đẹp nhất.

    Tháng 7/2016, sau sự kiện sa thải 20% nhân viên, sáng lập kiêm cựu CEO Cyanogen Kirt McMaster chia sẻ rằng bên cạnh việc tập trung nghiên cứu khái niệm "mô đun hệ điều hành", Cyanogen vẫn cam kết tiếp tục phát triển hệ điều hành Cyanogen.

    Tháng 10/2016, cựu nhân viên Facebook Lior Tal giành lấy vị trí CEO còn McMaster trở thành chủ tịch điều hành. Tal công bố một kế hoạch mới cho phương thức tiếp cận "mô đun hệ điều hành", ở đó các hãng sản xuất có thể tích hợp những tính năng hay ho của Cyanogen vào smartphone của họ thay vì đầu tư nhiều vào hệ điều hành riêng của họ.

    "Android là một lục địa khổng lồ nơi mọi người cùng sinh sống", Tal nói. "Và chúng tôi cũng thế".

    Thông báo này không phải là dấu chấm hết với khái niệm Cyanogen: CyanogenMod, một phiên bản mã nguồn mở của hệ điều hành Cyanogen thứ mà ai cũng có thể tải về và chỉnh sửa vẫn làm hài lòng một cộng đồng năng động, những người vẫn chọn nó như một công cụ thay thế cho Android, một công cụ không hề có sự kiểm soát của các doanh nghiệp.

    Nhưng với một người dùng bình thường, rất khó để tải về và duy trì một hệ điều hành mã nguồn mở như CyanogenMod. Hệ điều hành Cyanogen với khả năng cập nhật hệ thống và dịch vụ giống như cách làm của Google vẫn dễ dùng hơn. Đương nhiên là sau ngày 1/1/2017 những chiếc smartphone chạy Cyanogen sẽ giảm tính hữu dụng đi rất nhiều.

    Cuối cùng, sứ mệnh mới của Cyanogen có vẻ ít kịch tính hơn so với sứ mệnh "truất quyền kiểm soát Android khỏi tay Google" ban đầu. Tuy nhiên, sứ mệnh mới của Cyanogen vẫn cung cấp cho các hãng sản xuất một cách khác để cung cấp sản phẩm mà không phụ thuộc vào công nghệ và dịch vụ của Google.

    Theo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày