‘Tượng đài’ Huawei quay trở lại: Tâm điểm của giấc mơ chip, 100 triệu chiếc smartphone sắp xuất xưởng
Huawei được mệnh danh là ‘vũ khí bí mật’ của Trung Quốc.
Sự thành công của Huawei Technologies sau khi quay trở lại thị trường điện thoại thông minh hồi tháng 8 đã tạo bất ngờ cho nhiều nhà hoạch định chính sách - những người tin rằng lệnh trừng phạt trước đây sẽ khiến tập đoàn này trở nên khó cạnh tranh.
Năm nay, Huawei được kỳ vọng sẽ có thể tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường điện thoại, thiết bị thông minh và viễn thông. Dự báo 100 triệu chiếc smartphone sẽ được xuất xưởng và Huawei, một lần nữa, trở thành một trong những công ty điện thoại lớn nhất toàn cầu.
Theo Nikkei, hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei, trọng tâm ban đầu của công ty, đã phát triển tốt bất chấp áp lực từ phía Mỹ. Điều này phần lớn đến từ vị trí dẫn đầu của Huawei trong việc xây dựng mạng 5G. Thị trường quê nhà khổng lồ đã giúp công ty bù đắp tổn thất kinh doanh tại những thị trường mà Mỹ gia tăng áp lực.
Nhờ hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông ổn định cùng doanh số điện thoại phục hồi, doanh thu Huawei tăng % lên hơn 700 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023. Thành công mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc bởi nó cho thấy các công ty Trung Quốc đang bước đầu thành công trong việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến quy mô lớn.
Vai trò của Huawei trong ngành công nghiệp chip Trung Quốc vượt xa những gì các chuyên gia kỳ vọng. Ngoài việc là khách hàng quan trọng đối với các nhà sản xuất và thiết kế chip hàng đầu, Huawei còn có năng lực hỗ trợ tài chính cho các công ty nhỏ hơn trong chuỗi cung ứng.
Với các vi mạch xuất hiện trong mẫu điện thoại Mate 60 Pro của Huawei, tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) hồi năm ngoái đã chứng minh được khả năng sản xuất chip tiên tiến. Việc đáp ứng mục tiêu xuất xưởng ít nhất 60 triệu chiếc điện thoại trong năm nay sẽ là bài kiểm tra căng thẳng.
Mate 60 Pro được cho là sản phẩm thể hiện sâu sắc nhất sự gắn kết giữa giữa Huawei và chính phủ Trung Quốc khi phần lớn các linh kiện tiên tiến đều được sản xuất tại đại lục, đặc biệt là bộ xử lý 7 nanomet của SMIC. Theo Bloomberg, trung tâm của mạng lưới các doanh nghiệp nhà nước đang hỗ trợ Huawei nằm ở quỹ đầu tư Thâm Quyến, nơi Huawei đặt trụ sở chính. Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Lớn Thâm Quyến (SMIIG) cũng đã được thành lập vào năm 2019 nhằm hỗ trợ nỗ lực sản xuất chip của Trung Quốc nói chung và Huawei nói riêng.
Hiện Huawei đang thúc đẩy hoạt động thương mại và Mate 60 Pro chính là ‘bàn đạp’. Các nhà phân tích kỳ vọng doanh số bán thiết bị cầm tay sẽ tăng vọt lên 40 triệu đến 60 triệu chiếc vào năm tới.
“Các khoản trợ cấp sẽ giúp Huawei hạ giá sản phẩm”, Chris Miller, tác giả cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology, cho biết. “Ở nhiều thị trường mới nổi, điều này có thể sẽ giúp hãng giành thị phần”.
Một số nhà phân tích dự đoán sự phục hồi doanh số bán điện thoại đang tạo tiền đề cho HarmonyOS, hệ điều hành tự phát triển của Huawei, thay thế iOS của Apple để trở thành hệ điều hành được sử dụng nhiều thứ hai tại Trung Quốc vào cuối năm nay, chỉ sau Android của Google.
Phiên bản mới nhất của hệ điều hành, HarmonyOS NEXT, đã được chia sẻ với các nhà phát triển vào tháng trước. Cột mốc đánh dấu sự độc lập hoàn toàn của Huawei.
Cho đến nay, Huawei đã đưa các nhà phát triển của hơn 200 ứng dụng phổ biến Trung Quốc tham gia phiên bản HarmonyOS. Hiện tại, HarmonyOS đang được sử dụng trên khoảng 800 triệu thiết bị, bao gồm cả máy tính bảng và máy tính xách tay.
Đây có thể chỉ là sự khởi đầu. Thật dễ dàng hình dung HarmonyOS đang được các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ứng dụng nhanh như thế nào. Hàng thập kỷ hội nhập đã cho phép Trung Quốc tích lũy rất nhiều nhân tài và chuyên môn để xây dựng nền tảng công nghệ tự lực.
Liang Mongsong được coi là ‘công thần’ đứng sau mọi đột phá công nghệ của SMIC với những con chip tiên tiến hãng này cung cấp cho Huawei. Được mệnh danh là “nhà ảo thuật chip” của Đài Loan, Liang đã thành công lãnh đạo hoạt động nghiên cứu, phát triển tại công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) suốt 16 năm, sau đó giúp Samsung xây dựng hoạt động kinh doanh sản xuất chip trước khi gia nhập SMIC.
Ngoài Liang, nhiều chuyên gia kỳ cựu trong ngành chip cấp cao có kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghiệp bán dẫn nước ngoài, chẳng hạn như TSMC và nhà sản xuất phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử Synopsys, cũng đã gia nhập các công ty Trung Quốc hoặc thành lập startup tại nước này.
Hỗ trợ nhà nước dành cho Huawei đã đạt đến độ ‘chưa từng có’, theo Bloomberg. Một mạng lưới các doanh nghiệp nhận vốn từ quỹ đầu tư chính phủ hiện đang tập trung giúp Huawei xây dựng mạng lưới chip tự cung ứng. Nhóm này bao gồm rất nhiều các chuyên gia quang học, nhà phát triển thiết bị chip và nhà sản xuất hóa chất. Kế hoạch nằm trong nỗ lực trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp Huawei xây dựng thêm các cơ sở chế tạo chip.
“Huawei hiện là trung tâm. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã thúc đẩy Trung Quốc và ngành công nghiệp xích lại gần nhau theo cách mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”, Kendra Schaefer, đối tác của công ty tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Hiện tại, SMIC và Huawei đang tăng cường tham vọng sản xuất chip AI. Dòng chip AI Ascend của Huawei đã được các chuyên gia phân tích đánh giá cao dù hiệu suất tổng thể còn kém.
Nguồn tin thân cận cho biết gã khổng lồ internet Tencent, Baidu và Meituan đã mua chip Ascend 910b của Huawei để thử nghiệm quy mô nhỏ. Nhà máy sản xuất con chip này cũng đang nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất 7nm cho các chip Huawei đặt hàng trước và phát triển quy trình 5nm tiên tiến hơn. Mục tiêu sản xuất Ascend 910b trong năm tới tăng hơn gấp đôi so với năm 2023. Kỳ vọng hơn 200.000 con chip sẽ được sản xuất.
Tuy nhiên, dấn thân làm chip AI đồng nghĩa với việc Huawei và SMIC phải giành thị phần từ Nvidia. Chip AI lớn hơn bộ xử lý của điện thoại thông minh và do đó, nhiều khả năng bị lỗi trong quá trình sản xuất. Hiện tỷ lệ sản xuất chip Ascend 910b của Huawei chỉ đạt hơn 20%, nghĩa là cứ 5 con chip được sản xuất thì có gần 4 con bị lỗi.
Bắt đầu với việc thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp Trung Quốc vào năm 2014, Bắc Kinh nuôi dưỡng ngành công nghiệp vi mạch bằng nguồn tài trợ chính phủ. Quỹ đầu tư này đã tích lũy được số tiền khổng lồ 47 tỷ USD trong thập kỷ qua và dự kiến sẽ huy động thêm 41 tỷ USD nhằm củng cố thêm năng lực tự chủ công nghệ của Trung Quốc.
Một báo cáo của công ty nghiên cứu JW Insights, chính phủ đã rót 290,8 tỷ USD vào các lĩnh vực liên quan đến chất bán dẫn trong năm 2021 và 2022, trong đó 1/3 dành cho thiết bị và vật liệu bán dẫn. Động lực đằng sau khoản đầu tư khổng lồ này rất đơn giản: thoát khỏi sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu và giành được chỗ đứng vững chắc hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng