Apple không thực sự tốt trong mảng dịch vụ trực tuyến. Họ còn khá yếu kém nếu so sánh với Google hay Microsoft.
Apple là một trong những công ty không được định nghĩa "công ty internet" hiếm hoi của giới công nghệ, nguồn doanh thu chủ yếu của họ đến từ việc bán phần cứng. Nhưng các động thái của CEO Apple, ông Tim Cook, cho thấy trong năm nay công ty sẽ tập trung vào mảng dịch vụ trực tuyến, ví dụ như iCloud, iMessage và Apple Music.
Apple không thực sự là một "công ty internet".
Và rồi một vấn đề xảy ra, Apple không tỏ ra hiệu quả trong mảng dịch vụ trực tuyến. Họ còn khá yếu kém nếu so sánh với Google hay Microsoft. Nhà phân tích Ben Thompson tại công ty Stratechery đưa ra lí do vì sao Apple yếu kém về mảng này là vì bộ máy tổ chức của công ty chưa ổn. Ông đã có những lời khuyên khá lí thú cho Apple, ông đề nghị Apple nên tách riêng mảng dịch vụ trực tuyến để dễ dàng quản lí hơn.
"Vấn đề mấu chốt của những dịch vụ này là sự thiếu thốn về trách nhiệm, nếu cứ tập trung vào việc bán phần cứng thì chẳng mấy chốc mảng dịch vụ trực tuyến của Apple sẽ xuống dốc. Để giải quyết cho vấn đề này thì họ phải tách riêng mảng dịch vụ trực tuyến của mình ra khỏi mảng phần cứng và xem nó như một nhân tố quan trọng trong công ty", Thompson cho biết.
Bộ máy tổ chức của Apple đã có vấn đề trong thời gian qua. Theo một báo cáo từ trang tin The Information, hai nhóm làm việc của mảng dịch vụ trực tuyến đã có xích mích lẫn nhau: "Hai nhóm kỹ sư làm việc trong dự án cơ sở hạ tầng điện toán đám mây đã xảy ra xích mích, nó đã khiến ít nhất một nhân viên giỏi quyết định rời bỏ công ty và có thể có nhiều nhân viên sẽ làm điều tương tự".
Ông Thompson cho biết cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là Apple phải mua lại Dropbox, một trong những nền tảng lưu trữ đám mây thân thiện với người dùng nhất hiện nay. Dropbox nổi tiếng với việc từ chối lời đề nghị mua lên đến 9 con số (USD) từ Apple vào năm 2009. Mặc dù vào thời điểm hiện tại, việc mua lại Dropbox có thể tốn hơn nhiều so với thương vụ Beat trị giá 3,1 tỉ USD, nhưng nó sẽ là điều tốt nhất cho cả 2 công ty.
Vì sao?
Thiên thời
HIện tại, Apple không có người đứng đầu chịu trách nhiệm mảng dịch vụ trực tuyến. Cả 2 nhóm có xích mích được nêu trên làm việc với ông Eddy Cue - Phó Giám Đốc mảng phần mềm và dịch vụ internet. Nhưng Cue không phải là một người chuyên về điện toán đám mây, ông chỉ tập trung vào mảng phương tiện truyền thông. Ông đã giúp xây dựng cửa hàng iTunes khá ấn tượng nhưng nó lại gặp trục trặc khi người dùng đồng bộ khối lượng lớn dữ liệu.
Và mới đây, Apple giao mảng App Store - một trong những dịch vụ trực tuyến "kiếm ra tiền" nhiều nhất của Apple - cho Craig Federighi, người chịu trách nhiệm mảng kỹ thuật phần mềm của công ty.
Vì vậy, nếu Apple thực sự muốn phát triển mạng dịch vụ trực tuyến, họ phải tìm được một người cực kỳ chuyên về điều này. Theo Thompson cho biết, việc phát triển dịch vụ trực tuyến khác hoàn toàn so với phát triển iPhone, nó phải được nâng cao và cải thiện hằng ngày, thậm chí là hàng giờ để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác.
Để làm được điều đó, Apple cần một người thủ lĩnh giỏi, một người nào đó chịu trách nhiệm chính cho mảng dịch vụ trực tuyến. CEO Dropbox, Drew Houston, là người hoàn toàn phù hợp cho vị trí này. Cue đã từng trò chuyện với Houston vào năm trước. Thậm chí con trai của Cue hiện đang làm việc tại Dropbox dưới chức danh kỹ sư. Việc mua lại Dropbox sẽ là một sự đảm bảo cho Apple. Trong 2014, Dropbox đã thu về 400 triệu USD doanh thu và hơn nữa họ có đội ngũ kỹ sư giỏi.
Địa (công nghệ) lợi và nhân hòa
Apple thường không mua lại công ty vì số lượng khách hàng hay lợi nhuận của công ty đó. Thay vào đó họ mua vì hai lí do chính: nhân lực giỏi và công nghệ của công ty. Dropbox hiện nay có khoảng 1200 nhân viên, trong số đó có nhiều cựu nhân viên Google đã phát triển thành công hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu trực tuyến cao cấp đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người dùng cùng một lúc.
Tuy Dropbox từng sử dụng nền tảng điện toán đám mây của Amazon (Amazon Web Services), nhưng mới đây họ tuyên bố công ty đã tự phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu cho riêng họ, giống như việc Apple đang làm, có tên mã "Project McQueen". Những công nghệ của Dropbox sẽ giúp ích rất nhiều cho Apple trong việc xây dựng hệ thống đám mây vững mạnh.
Về phần Dropbox, hiện công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một mô hình doanh nghiệp phù hợp với giá trị công ty như hiện nay, vì nếu họ không kịp phát triển để đáp ứng với kỳ vọng của các nhà đầu tư, Dropbox sẽ bị tụt hậu.
Apple có thể mua lại Dropbox với giá trị hơn 10 tỉ USD của công ty vào năm 2014, sau 2 vòng góp vốn thành công. Tuy số tiền bỏ ra cực lớn nhưng Apple vẫn có thể thừa sức mua lại khi họ đang có 200 tỉ USD tiền mặt. Đây sẽ là thương vụ lớn nhất của Apple từ trước đến giờ. Nhưng nó hoàn toàn xứng đáng và mang lại lợi ích cho cả hai công ty, Dropbox sẽ được Apple "chống lưng", và Apple được tiếp thêm sức mạnh để giữ vững ngôi công ty giá trị nhất toàn cầu.
Tham khảo BI
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng