TV trong phòng khách đang dần biến mất! Thứ gì sẽ thay thế nó trong tương lai?
Các nhà sản xuất TV đang tìm mọi cách từ thay đổi hình thức tới nội dung để ngăn chặn việc thiết bị này đang dần bị cạnh tranh và thay thế bởi các thiết bị có màn hình hiển thị khác trong gia đình.
Truyền hình theo nghĩa truyền thống đang trong thời kỳ khó khăn. Không cần quá nhiều dẫn chứng, chính bản thân bạn cũng khó có thể phủ nhận rằng ảnh hưởng của những chiếc TV đã không còn như trước.
Mọi người vẫn theo dõi các tập mới nhất của các bộ phim truyền hình như Game of Throne cả ngày lẫn đêm. Nhưng thiết bị họ dùng để xem không nhất thiết phải là chiếc TV màn hình lớn ở trung tâm phòng khách. Những người khác vẫn bàn luận về các video vui nhộn xem được tối qua, nhưng xác suất lớn là họ coi được từ điện thoại di động hoặc trong một ứng dụng mạng xã hội.
Thời lượng xem của TV đang bị Internet áp đảo. Nguồn Recode
Theo một dự báo được đưa ra bởi công ty nghiên cứu thị trường Zenith, từ năm 2019, mọi người sẽ dành nhiều thời gian trên Internet mỗi ngày hơn việc xem TV và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn.
Khi sự chú ý của người dùng bị thu hút bởi các hình thức truyền thông mới, cách phổ biến nội dung cũng sẽ thay đổi tương ứng. Điều này tự nhiên sẽ lấy đi không gian phát triển của các nhà cung cấp phần cứng gốc, ở đây là TV. Mọi việc có thể xảy ra một cách âm thầm và tinh tế cho đến khi bất chợt dừng lại, bạn có thể không còn nhớ lần cuối cùng mình bật TV là lúc nào.
Đối mặt với xu thế này, các nhà sản xuất TV truyền thống đang cố gắng tìm mọi cách để hồi sinh lại thị trường. Sau 3D, HDR, 4K và sắp tới có thể là 8K, giờ đây họ muốn cung cấp cho TV nhiều tính năng để định vị sản phẩm này hơn nữa, với mong muốn duy nhất là ngăn việc thiết bị này sẽ biến mất hoàn toàn.
Gấp, nối, xoay? Chỉ cần thiết bị trông khác biệt
Điện thoại thông minh thuở sở khai chỉ có một vài chức năng cơ bản. Tuy nhiên, cuộc chạy đua về công nghệ màn hình đã chi phối và thay đổi hình thức của những chiếc smartphone. Là bộ phận cung cấp thông tin đầu ra, các nhà sản xuất dần theo đuổi sự thay đổi về kích thước và kiểu dáng nhằm đáp ứng nhu cầu vô tận của người tiêu dùng.
Điều tương tự đang được áp dụng cho TV và các thiết bị hiển thị khác. Tăng kích thước, tăng cường màu sắc, giảm độ dày, loại bỏ đường viền, tất cả các thiết bị điện tử cần hiển thị nội dung dường như không thể thoát khỏi vòng xoáy này.
Nhưng bản thân màn hình không dừng ở mức chỉ thay đổi kích thước, từ 4K sang 8K, từ uốn cong sang gập. Khi độ phân giải màn hình vượt quá giới hạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường, các nhà sản xuất TV cũng bắt đầu xem xét sự thay đổi hình dạng của chính thiết bị.
Tại sự kiện CES 2019 diễn ra đầu năm nay, mẫu TV Signature của LG đã trở thành thiết bị bắt mắt nhất với tấm nền OLED linh hoạt. Công nghệ được áp dụng cho phép nó sở hữu màn hình không chỉ mỏng mà còn đủ sức cuộn lại như một bức tranh để cất giữ vào trong một chiếc hộp bên dưới.
Trước đây, nhiều người vẫn cho rằng thay đổi hình thức có thể hạ thấp vị trí của một chiếc TV trong phòng khách. Do đó, khi không được sử dụng, nó chỉ có thể tồn tại như một vật trang trí, giống ghế sofa hay một bức tranh sơn mài treo tường. Sau nhiều năm, hình dạng của một chiếc TV vẫn bị coi là đơn điệu dù đã được các nhà sản xuất khoác lên mình những tấm áo đẹp.
Nhưng sản phẩm của LG là một thiết bị đặc biệt. Nó có ba chế độ khác nhau. Khi màn hình không được mở ra, nó giống như một chiếc loa phát nhạc. Ở chế độ Line Mode, với màn hình mở ¼, nó có thể hiển thị các thông tin cơ bản như ngày và thời tiết. Khi được mở ra hoàn toàn, nó trở thành một chiếc TV đúng nghĩa. Người dùng có thể quyết định được thiết bị này sẽ là cái gì trong phòng khách của mình, tùy từng thời điểm.
Ba hình thức hiển thị của TV cuộn do LG phát triển.
Samsung cũng mang tới một sản phẩm đáng chú ý khác. Nhà sản xuất này đã sử dụng các tấm Micro-LED, cố gắng kết hợp chúng tạo thành một chiếc TV theo khái niệm mô-đun.
Sản phẩm này sở hữu các đặc tính ưu việt của công nghệ màn hình OLED, đồng thời tạo ra thiết kế không viền gần như hoàn hảo. Điều đó có nghĩa là người dùng có thể ghép màn hình thành các kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu sử dụng của cá nhân.
Ví dụ, Samsung đã "xây" nên một bức tường TV khổng lồ có kích thước tới 219 inch tại sự kiện CES. Theo đúng nghĩa đen của tên gọi The Wall, nó thực sự giống như một bức tường cao đứng choán ngay trước tầm mắt của người xem, một cách hết sức ngoạn mục.
TV phong cách ghép nối của Samsung.
Bên cạnh đó, Samsung mới đây cũng tung ra chiếc TV có màn hình xoay được ngang dọc mang tên The Sero, phát hành cho thị trường Hàn Quốc. Để thu hút người dùng thường xuyên sử dụng Instagram và các ứng dụng video ngắn, Sero đi kèm với giá xoay cho phép hiển thị video dọc. Có thể nói, đây là sản phẩm kết hợp giữa khái niệm TV truyền thống và xu hướng xem thông tin mới của người dùng. Những sản phẩm "lai" này đã và đang âm thầm thay đổi tính hữu dụng của TV.
Sự kết hợp giữa nghệ thuật và phong cách thiết kế hiện đại
Các công ty công nghệ đương đại đang mong muốn biến các thiết bị điện tử tiêu dùng của họ thành một sản phẩm thời trang, thậm chí là xa xỉ phẩm, tương tự như xu hướng trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị đeo.
Ngày nay, người dùng có thể dễ dàng nhận ra những chiếc TV đang được thiết kế để che giấu các khía cạnh kỹ thuật càng nhiều càng tốt. Đồng thời, tiến gần hơn đến với xu hướng thời trang.
Trong Tuần lễ thiết kế Milan (Milan Design Week 2019) được tổ chức vào tháng trước, Bang & Olafsen đã mang tới cho công chúng một thiết bị trông "không giống như một chiếc TV nghiêm túc".
Có tên gọi Beovision Harmony, nó có thể thay đổi hình thức theo cách người dùng sử dụng. Theo mặc định, màn hình 77 inch của TV được ẩn đằng sau hai tấm loa làm bằng gỗ sồi và nhôm. Vì vậy ở trạng thái bình thường, bạn sẽ không nhìn màn hình TV mà thay vào đó, trông nó như một món đồ trang trí.
Nếu muốn xem TV, bạn có thể nhấn nút ở điều khiển từ xa. Hai tấm loa sẽ mở rộng theo hình chữ V và đẩy màn hình phía sau lên.
Trong quá khứ, Samsung cũng từng có các ý tưởng thiết kế TV đặc sắc. Năm 2015, công ty Hàn Quốc đã hợp tác với các studio thiết kế của Pháp là Ronan và Erwan Bouroullec để ra mắt loạt TV Serif. Không giống như các sản phẩm truyền thống, mặt trước của thiết bị vẫn là màn hình hiển thị nhưng mặt sau của nó lại được làm bằng vải.
Ở chế độ có tên Curtain Mode, màn hình sẽ biến thành một bức tranh nghệ thuật sau khi tắt nguồn điện. Ngay cả khi Curtain Mode đang hoạt động, người xem vẫn có thể truy cập vào các dịch vụ như đồng hồ, loa Bluetooth, các ứng dụng và thư viện hình ảnh.
Nhìn qua, nó như một món đồ trang trí nội thất bất kể được đặt trên tủ TV hay gắn vào chân kệ. Theo quan điểm của Samsung, TV truyền thống chỉ tập trung vào chất lượng hình ảnh và hiệu suất, nhưng đối với Serif, TV có thể được chuyển đổi thành một thứ khác biệt để có thể hòa hợp với không gian sống hàng ngày của mỗi người.
Một số nhà sản xuất TV khác cũng đang tìm kiếm cách định vị riêng cho sản phẩm của mình. Khi không được sử dụng, nó có thể là một món đồ nội thất, một bức tranh tường hoặc thậm chí là một tấm gương soi. Các nhà sản xuất đang cố tìm mọi cách để thiết bị công nghệ này trở nên nhẹ nhàng hơn, tự nhiên hơn và dễ dàng hòa nhập hơn với môi trường gia đình hiện đại.
TV "tàng hình" của Panasonic.
Panasonic cũng không đứng ngoài cuộc chạy đua mới mẻ này. Hãng đã làm việc với thương hiệu đồ nội thất Vitra để thiết kế một chiếc TV trông như hộp kính trong suốt. Nhìn bên ngoài, nó trông giống như một khung gỗ. Tuy nhiên khi hoạt động, thiết bị lại trở thành một chiếc TV.
Với việc được tích hợp tấm nền OLED trong suốt, người dùng có thể xem TV khi nào mình thích, hoặc để nó trở nên "vô hình" trong phòng khách nhà mình.
Ngoài hình thức mới, TV cũng cần nội dung mới
Sự đổi mới về công nghệ chắc chắn sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất thay đổi. Uốn, gập và hay thay đổi hình dạng màn hình là xu hướng gần như chắc chắn trong tương lai gần, đang được các nhà sản xuất thiết bị điện tử có màn hình hướng tới.
Tuy nhiên chỉ sự thay đổi về hình thái sẽ là không đủ. Nếu chúng ta vẫn muốn duy trì sự tồn tại của TV, khó có thể tránh khỏi việc phải thay đổi các tiêu chuẩn nội dung ban đầu.
Trước đây, TV là màn hình hiển thị lớn duy nhất cho mỗi hộ gia đình, là thiết bị cung cấp cho mọi người các thông tin từ bên ngoài. Chúng ta sẽ thường nghĩ đến việc tìm kiếm chiếc điều khiển từ xa khi muốn nhìn thấy các hình ảnh rõ ràng trên màn hình lớn. Đây chính là tính năng cơ bản, cũng như giá trị lớn nhất của chiếc TV mà báo chí, radio hay điện thoại thông minh không thể thay thế.
Còn hiện nay, người dùng đã bị bao quanh bởi các loại màn hình hiển thị khác nhau. Mọi người đều chìm đắm trong thế giới kết nối Internet. Cho dù xem video hay nhận thông tin, TV truyền thống không còn là lựa chọn hàng đầu. Số lượng người ngồi lặng lẽ trước TV cũng tự nhiên ngày càng ít đi.
Dường như chỉ khi bạn muốn xem một số nội dung đặc biệt, cần hiển thị trên màn hình lớn, TV mới được nhớ tới. Còn hầu hết trong các trường hợp, TV chỉ được bật lên như một thứ để phát ra âm thanh nền trong khi làm việc nhà, hoặc thỉnh thoảng xem các game show hay chương trình tạp kỹ với người lớn tuổi. Với nhiều người, TV tồn tại như một món đồ nội thất trong phòng khách.
Nhưng nếu thay đổi nội dung, TV sẽ là một thiết bị đáng phải nhìn nhận lại trong tương lai. Một số người nói rằng họ muốn loại bỏ quảng cáo giữa các tập phim, một số người nói rằng muốn nó giống như một màn hình máy tính với khả năng tương tác ứng dụng văn phòng. Có người lại muốn nó trở thành một phần mở rộng của các màn hình khác, giống như một nền tảng stream và cho phép tương tác. Đây là những thói quen mới của người dùng trong thời đại kỹ thuật số mà một chiếc TV có thể hoàn toàn đáp ứng.
Tháng 9/2015, khi Apple phát hành phiên bản Apple TV mới, CEO Tim Cook cũng bày tỏ quan điểm rằng "tương lai của truyền hình là ứng dụng". Nói rộng ra thì tùy thuộc vào ứng dụng, TV có thể là rạp hát tại nhà, bảng điều khiển trò chơi hoặc một quản gia thông minh.
Khi việc xem TV không còn gắn liền với lý do duy nhất là xem tin tức, xem trò chơi và xem phim, bản thân TV sẽ không phải lo lắng về việc bị các loại màn hình khác thế chỗ.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là: Đến lúc đó, chúng ta có thể gọi thiết bị màn hình lớn trong phòng khách của nhà mình là TV nữa hay không?
Trên thực tế thì khi đó vấn đề này cũng không còn quan trọng nữa.
Tham khảo Sina
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng