Uber: hành trình đi tìm lời giải cho bài toán 50 tỷ USD
Uber đang là cái tên nóng nhất trong 2 ngày qua tại Việt Nam. Nhưng những rắc rối dạng như thế này trên thực tế chưa đủ sức ngăn cản tham vọng của Travis Kalanick, CEO Uber trong quá trình mở rộng dịch vụ ra toàn thế giới.
Những ngày vừa qua, Uberlà cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các trang báo mạng của Việt Nam khi gặp phải một rắc rối hi hữu. Chuyện là Uber đã “phạt tiền” một khách hàng có dấu hiện say xỉn, nôn lên xe và thậm chí là đòi đánh tài xế, trong khi vị khách kia khẳng định rằng câu chuyện trên không có thật, tố tài xế Uber có thái độ "1 sao" đồng thời dọa kiện Uber vì dám tự động trừ tiền của mình.
Chuyện đang trở nên gay cấn khi chưa bên nào chịu nhận sai thì Facebook của vị khách hàng kia bỗng dưng biến mất, để lại một dấu hỏi lớn cho cộng đồng mạng thực hư về câu chuyện này.
Khách hàng tố một đằng: Anh Tuấn tường thuật rằng vợ anh không hề nôn.
Uber phạt một nẻo: Email của Uber gửi cho anh Tuấn lại cho rằng vợ anh đã nôn trên xe.
Tuy nhiên, nếu bạn là một người quan tâm đến Uber thì scandal với startup mới nổi này xảy ra như cơm bữa, từ cưỡng bức phụ nữ ở Ấn Độ, bắt cóc CEO, đánh hành khách bằng búa ở Mỹ, tài xế ảo - khách ảo ở Trung Quốc và mới đây là cáo buộc chơi xấu đối thủ, trốn thuế.
Rõ ràng Uber không thể tránh những cú vấp này khi công ty đã toàn cầu hóa dịch vụ quá nhanh và chưa lường trước được những rủi ro mình sẽ gặp phải ở những thị trường có nền văn hóa đặc thù. Uber có vẻ như muốn hướng đến những điều to lớn hơn thế.
Vượt qua rất nhiều scandal, Uber vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ
Quay trở lại vấn đề chính, giá trị vốn hóa ước tính lên tới 50 tỷ USD, Uber đã vươn mình trở thành startup khủng nhất thế giới khi cung cấp dịch vụ gọi xe cho hàng triệu người dùng ở 300 thành phố lớn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển trong ngành kinh doanh vận chuyển khi vẫn giữ nguyên công thức thành công là một điều không hề dễ dàng. Trong suốt 1 năm qua, bản thân CEO Travis Kalanick đã và đang cố gắng tìm một hướng đi mới cho Uber.
Bài viết này sẽ làm rõ những hướng đi đó.
Hướng đi mới: Uber cho tất cả mọi thứ - từ đồ ăn cho tới chiếc bàn chải
Duy trì sự thành công từ dịch vụ gọi xe hiện có, Kalanick đang cố gắng xây dựng hệ thống “hậu cần đô thị” khổng lồ với mục đích vận chuyển thức ăn, đồ tạp hóa và bưu phẩm tới người dùng chỉ với vài thao tác đơn giản trên smartphone. Nắm trong tay hơn 20,000 lái xe (gấp đôi số lượng nhân viên vận chuyển của UPS - một trong những công ty chuyển phát nhất thế giới), rõ ràng tham vọng của Uber không phải là vô căn cứ.
“Chưa có một công ty nào sở hữu mạng lưới vận chuyển thời gian thực như Uber lúc này. Nếu như họ thực hiện thành công 1 hình thức kinh doanh mới trên hệ thống này, điều đó có thể thay đổi hoàn toàn dịch vụ thương mại điện tử hiện tại - như những gì họ đã thành công với dịch vụ gọi xe của Uber”, ông Jason Calacanis - một trong những cổ đông đầu tiên của startup này khẳng định. Nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy.
Uber đang nắm trong tay hơn 20,000 lái xe (gấp đôi số lượng nhân viên vận chuyển của UPS - một trong những công ty chuyển phát nhất thế giới)
Mục tiêu ban đầu của Uber là bắt tay với 12 nhà bản lẻ khác nhưng hiện nay con số đó đã rơi rụng một nửa. Mới đây, Gilt Groupe - một trong những đối tác còn lại tuyên bố rằng thỏa thuận đôi bên đã đổ vỡ mà nguyên nhân chính do Uber đã không có bảo hiểm cho các mặt hàng giá trị lớn - rủi ro mà bất cứ một công ty bán lẻ nào cũng gặp phải khi bán hàng trực tuyến.
Trước đó, Uber cũng đã hụt mất 2 hợp đồng béo bở với Starbucks và Apple vào tay của Postmade - một startup cung cấp dịch vụ vận chuyển khác. Ứng dụng gọi đồ ăn phổ biến là Eat24 thuộc sở hữu của Yelp và GrubHub cũng từng đám phán với phía Uber nhưng không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Bắt đầu với UberEats - mang bữa trưa tới tận bàn của bạn
Gần 1 năm trước, Uber đã khởi động UberEats - dịch vụ vận chuyển thức ăn từ các nhà hàng nổi tiếng tại New York, Chicago, Los Angeles, Toronto và Barcelona tới khách hàng chỉ trong 10 phút. Mục tiêu ban đầu của Uber khi mở dịch vụ UberEats là cho phép tài xế của mình có cơ hội kiếm thêm tiền trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 2h chiều. UberEats cũng rất sáng suốt khi sắp xếp tài xế làm việc xung quanh các trung tâm thương mại, nơi có rất nhiều khách hàng công sở.
Mức thu nhập của tài xế Uber cũng khá tốt: 12 USD/h làm việc, bonus 2 USD cho mỗi đơn đặt hàng và phụ cấp 20 USD/ngày khi bắt đầu làm dịch vụ. Mức phí này có thể thay đổ theo từng thành phố nhưng Uber đảm bảo cho tài xế của mình thu nhập 19 USD/h sau khi trừ một số khoản phụ phí.
“Trên quan điểm là một lái xe, tôi thấy đôi bên cùng có lợi. Cánh tài xế chúng tôi dành ra 3 tiếng cho UberEats và thu về một khoản thu nhập cố định cộng với hoa hồng, khá là hậu hĩnh.” tài xế Ramon De Leon, 47 tuổi ở Chigaco chia sẻ.
Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển thức ăn cũng tạo ra những thách thức không hề nhỏ cho các tài xế. Họ phải dừng xe ở trạm dừng quy định, đặt món đồ còn đang nóng hổi vào túi giữ nhiệt được cắm với bật lửa thuốc lá và đôi khi phải chấp nhận đỗ xe trái phép để đợi khách hàng nhận đồ ăn.
... nếu chưa giải quyết được bài toán "thức ăn thừa"...
Bên cạnh đó, cũng có nhiều khách hàng vô tình đặt UberEats trong khi họ đang muốn gọi xe của của Uber. Điều này buộc Uber phải ngừng hệ thống chuyển phát thức ăn lúc 2h chiều và hướng dẫn nhân viên của mình đổ đi thức ăn thừa - một sự lãng phí khá lớn. Tuy nhiên, đại diện của UberEats vẫn khẳng định rằng nó vẫn “đang vận hành vô cùng thuận lợi” và có thể mở rộng phạm vi dịch vụ ra 15 thành phố lớn trong thời gian tới.
UberRush: vận chuyển hàng hóa bằng xe đạp
Năm vừa qua, Uber cũng đã thử nghiệm UberRush: dịch vụ chuyển phát hỏa tốc bằng xe đạp tại New York. Đối tượng của UberRush là khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thấy được tiện tích hiện đại của dịch vụ này khi so sánh với những công ty chuyển phát truyền thống.
Ví dụ khi khách hàng đặt mua một bộ vest của Suitsupply, họ sẽ chỉ phải chi thêm 15 USD để sử dụng dịch vụ chuyển phát của UberRush. Ngay khi nhận được yêu cầu từ người dùng, Uber sẽ lập tức điều 1 chiếc xe chuyển phát tới ngay cửa hàng bán lẻ, lấy bộ vest và giao tận nhà khách hàng - thay vì việc phải chờ đợi như một số dịc vụ chuyển phát khác. Độc đáo hơn, các nhà bán lẻ và khách hàng có thể theo dõi trực tiếp lộ trình của sản phẩm - giống như Uber Taxi.
Tuy nhiên, mô hình UberRush khó có thể tthành công với những ngành thương mại có quy mô lớn hơn mà nguyên nhân chính do các doanh nghiệp này thường phụ thuộc vào hệ thống phần mềm quản lý phức tạp trong việc quản lý hàng hóa và điều phối vận chuyển.
Trong quá khứ Uber đã gặp phải trường hợp này: một công ty bán lẻ quần áo giao toàn quyền cho Uber về việc vận chuyển và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên sau đó kế hoạch này đã thất bại vì ứng dụng của Uber không thể kết nối được với phần mềm quản lý hàng tồn trong kho. Nghĩa là khi có một khách hàng đặt mua 1 chiếc áo sơ-mi từ công ty này, ứng dụng của Uber không xác định được trong kho liệu có còn áo size này không, và số lượng bao nhiêu chiếc?
Và tất cả chỉ mới bắt đầu
Không chỉ riêng Uber, các đối thủ cạnh tranh và những startup mới nổi đều dễ dàng nhận ra rằng kỉ nguyên của smartphone đã tạo ra một loại hình mua sắm mới, khi người dùng chỉ cần ở nhà và mua sắm tất cả mọi thứ dễ dàng như gọi một chiếc taxi. Các nhà đầu tư của Uber đang rất lạc quan về mảng kinh doanh mới này trong khi Uber vẫn đang thực hiện vòng huy động vốn tiếp theo, CEO Kalanick kì vọng công ty sẽ chạm mốc 50 tỷ USD - tương đương giá trị IPO của FedEx.
Trong năm vừa qua, lợi nhuận của Uber đã vượt mốc 400 triệu USD và công ty đang có kế hoạch mở rộng thị trường khi bơm 1 tỷ USD vào Trung Quốc - thị trường đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, họ hiện vẫn chưa công khai tham vọng của mình về kế hoạch kinh doanh dịch vụ vận chuyển trong tương lai.
Cuộc đua mới sẽ vô cùng khốc liệt với rất nhiều đối thủ
Trong tương lai gần, sự cạnh tranh trong lĩnh vực vận chuyển sẽ ngày càng trở nên khốc liệt, những công ty startup mới nổi như Instacart hay Deliv (chuyên vận chuyển hàng từ các cửa hàng tạp hóa và các siêu thị bán lẻ tới tận nhà người dùng) cho tới những “ông lớn” như Amazon.com, Ebay hay Google. Ngay cả Lyft, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Uber trên thị trường chia sẻ xe ở Mỹ cũng đang nghiên cứu và triển khai hình thức vận chuyển mới của riêng mình.
Không thể phủ nhận những nền tảng mạnh mẽ mà Uber đang sở hữu khi dấn thân vào thị trường vận tải tuy nhiên tất cả mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Bản thân Jeff Holden - Giám đốc sản phẩm của Uber, người từng là một trong những lãnh đạo đời đầu tại chuỗi cung ứng của Amazon khẳng định: “Mảng kinh doanh vận tải của Uber vẫn còn rất non trẻ. CEO Kalanick không muốn ăn "bánh vẽ" và anh ấy chỉ muốn nói về những việc đang thực sự được tiến hành”.
Trong lễ kỷ niệm sinh nhật 5 tuổi của Uber vào tháng này, CEO Kalanick chia sẻ: “Trong thế giới công nghệ có thể điều cho bạn 1 chiếc xe chỉ trong vòng 5 phút, hãy thử tưởng tượng xem tất cả hàng hoá và dịch vụ khác mà bạn muốn cũng sẽ được vận chuyển một cách nhanh chóng, an toàn chỉ bằng vài thao tác trên màn hình cảm ứng".
Tất cả chỉ mới bắt đầu, liệu Uber có thể tìm được lời giải cho câu hỏi 50 tỷ USD từ đáp án của những bài toán nhỏ - mà rắc rối những ngày vừa qua tại Việt Nam cũng là một trong số đó.
Tổng hợp
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng