Sau khi triển khai ở TP.HCM, dịch vụ chuyên chở khách bằng ôtô Uber vừa “tấn công” ra thị trường Hà Nội.
Một xe 7 chỗ của dịch vụ Uber đến đón khách khi được yêu cầu bằng điện thoại thông minh - Ảnh: T.T.D.
Dù giá cước rẻ hơn taxi nhưng khách hàng vẫn băn khoăn về tính pháp lý, trong khi đó các hãng taxi, cơ quan quản lý thì bối rối, bức xúc.
Luật su Nguyễn Hữu Thế Trạch - Ảnh: CTV
* Ông Tạ Long Hỷ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM):
Cần đưa Uber vào pháp luật
Nếu Nhà nước không có giải pháp hợp lý để quản lý và ngăn chặn, hậu quả sẽ khó lường. Uber hoạt động không tuân theo pháp luật VN, huy động xe không có chức năng vận tải hành khách để đưa đón khách, áp dụng giá cước rẻ hơn so với taxi vì không tốn khoản thuế, phí nào...
Với cách này, Uber thu hút lượng khách ngày càng cao, đồng nghĩa với việc nồi cơm của hàng vạn lái xe taxi bị đe dọa.
Sở dĩ một số người hoan nghênh Uber do giá rẻ hơn taxi. Nếu các hãng taxi không phải đăng ký kinh doanh, không chịu thuế phí, không chịu sự ràng buộc nào của pháp luật như hoạt động hiện nay của Uber... thì cũng có thể áp dụng mức cước bằng hoặc thấp hơn giá của Uber.
Trước khi xuất hiện Uber đã xuất hiện hai loại hình khác là Easy Taxi và Grab Taxi. Hai loại hình này còn có thể ứng dụng trong hoạt động taxi, còn Uber thì hoàn toàn không. Từ nguy cơ Uber giành khách không lành mạnh với các hãng taxi và lái xe taxi... nên Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng, đề nghị có giải pháp quản lý.
Đến nay chúng tôi đã nhận được sự quan tâm phản hồi và vào cuộc tích cực từ cấp Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Thuế, UBND TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM. Chúng tôi tin rằng Nhà nước sẽ sớm có giải pháp hợp lý để quản lý, đưa hoạt động của Uber vào quỹ đạo điều chỉnh của pháp luật VN.
Ông Dương Hồng Thanh - Ảnh: T.T.D
* Ông Dương Hồng Thanh (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Kiến nghị Bộ GTVT có hướng xử lý
Cách hoạt động của Uber dẫn đến nhiều bức xúc từ phía các đơn vị kinh doanh vận tải và tài xế taxi do cạnh tranh không bình đẳng, ảnh hưởng đến trật tự vận tải trên địa bàn TP.HCM.
Sở GTVT TP.HCM đã họp với các sở, ngành và đơn vị liên quan để nghe và báo cáo UBND TP để UBND TP có ý kiến với Bộ GTVT xem xét có hướng giải quyết đối với loại hình vận tải mới này.
* Hành khách Trần Minh Quang (Q.Gò Vấp, TP.HCM):
Rẻ nhưng vẫn băn khoăn
Tôi đi taxi từ vòng xoay Hồ Con Rùa (Q.3) về chợ Ga (Q.Phú Nhuận) tốn khoảng 60.000 đồng, nhưng khi đi xe của Uber tốn khoảng 42.000 đồng. Cung cách phục vụ của lái xe khá tốt.
Nhưng tôi cũng có nhiều băn khoăn: trước hết là tính pháp lý, dù là xe chở khách giống như taxi nhưng không có logo và có đăng ký loại hình vận tải với Nhà nước hay không vì tôi có hỏi tài xế thì tài xế cũng lúng túng không biết gì hết. Tài xế nói là chỉ chạy xe cuối tháng lãnh tiền và nếu vượt chỉ tiêu thì có thêm tiền thưởng.
Vì tính chất pháp lý không đảm bảo nên xảy ra trường hợp mất, quên đồ trên xe thì ai là người đứng ra giải quyết khi tài xế từ chối hợp tác. Đối với xe taxi của các hãng, khi mất đồ dù khó tìm lại được nhưng ít ra chúng tôi còn liên hệ với công ty có bộ phận giải quyết, đằng này đối với xe Uber là chưa thấy vì hỏi tài xế cũng không biết.
Dù gì thì Nhà nước cũng cần phải có những quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Hành khách như chúng tôi không chỉ muốn hưởng được dịch vụ đi lại chi phí thấp mà còn phải đảm bảo an toàn.
* Anh T. (một tài xế cho Uber):
Đòi hỏi tài xế tận tình hơn so với chạy taxi
Cũng như nhiều tài xế khác, tôi làm tài xế cho Uber thông qua một công ty vận tải chứ không phải chủ xe. Hằng tháng tôi chỉ nhận tiền lương qua công ty chứ không phải trực tiếp từ Uber. Qua vài ngày làm việc, tôi cảm nhận được dịch vụ này khá tốt cho mọi người vì khách hàng chủ động chọn xe, cước phí rẻ hơn taxi.
Hành khách cũng không cần phải boa tiền thêm cho tài xế. Ngược lại sau mỗi hành trình, hành khách đều được nhận xét chất lượng tài xế. Mức nhận xét tốt nhất là 5 sao, nhưng nếu tài xế nào chỉ nhận được 1, 2 sao thì nguy cơ bị mất việc rất cao vì chưa làm hài lòng khách hàng của mình. Điều này đòi hỏi tài xế luôn phải tận tình, niềm nở với khách.
Là một tài xế mới nên tôi cũng được giao chỉ tiêu phải chạy 15 cuốc xe/ngày sau đó có thể được nghỉ ngơi. Mỗi khi đón và trả khách xong, tôi thường ở loanh quanh khu vực trả khách chờ được khách tiếp theo gọi chứ không phải chạy lòng vòng kiếm khách như các tài xế taxi khác.
Tuy nhiên, chỉ có điều tôi băn khoăn đây cũng là loại hình vận tải giống như taxi, lỡ cảnh sát giao thông có “hỏi thăm” tôi cũng chẳng biết phải giải thích thế nào vì giấy tờ xe là dạng xe tư nhân, không đăng ký loại hình vận chuyển hành khách.
Ông Tạ Long Hỷ- Ảnh: CTV
* Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:
Phải chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp
Nếu Uber là một dịch vụ chuyên chở, họ bắt buộc phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp. Khi đó Uber phải tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về loại hình mà mình kinh doanh.
Chẳng hạn Uber phải quản lý được tài xế và có những trách nhiệm ràng buộc với người tiêu dùng. Để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, bảo đảm quyền lợi cho các hãng taxi truyền thống hiện nay, Uber phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hành nghề vận chuyển hành khách một cách hợp pháp.
Nếu không, phương pháp kinh doanh của Uber sẽ tiềm tàng nhiều nguy cơ đối với người tiêu dùng, đồng thời Uber cũng cạnh tranh không công bằng đối với taxi được cấp phép chính thức.
* Ông Mike Brown (tổng giám đốc khu vực Úc và Đông Nam Á - Công ty công nghệ Uber):
Tạo cơ hội cho tài xế có thêm thu nhập
Uber không sở hữu, vận hành bất cứ phương tiện chuyên chở hay thuê mướn tài xế nào. Uber đang tạo ra một giao dịch miễn phí. Chúng tôi bảo đảm kết nối tài xế với những chuyến đi an toàn. Mỗi đối tác là một “công ty vận chuyển” nên có hợp đồng làm thuê và lợi nhuận của riêng họ. Uber chỉ tạo cơ hội cho tài xế kiếm thêm tiền.
Chúng tôi khuyến khích tài xế taxi trải nghiệm cùng những lợi thế với các hãng taxi khác nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách trở thành đối tác của chúng tôi. Uber tuân thủ tất cả pháp luật về thuế hiện hành và đóng thuế liên quan đầy đủ ở bất cứ quốc gia nào chúng tôi tham gia. Mọi chi phí trên hệ thống Uber không dùng tiền mặt và có thể theo dõi được.
Chúng tôi khẳng định dịch vụ của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với pháp luật giao thông vận tải và được cơ quan chức năng công nhận.
Giới taxi thế giới phản ứng
Trong cuộc họp giữa các sở, ban, ngành về Uber vừa qua, Cục Thuế TP.HCM cho biết việc thanh toán chi phí đi Uber thực hiện bằng thẻ thanh toán quốc tế, Uber và chủ các xe này không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế là bất hợp pháp.
Song Cục Thuế TP không thể quản lý bởi Uber nằm ở nước ngoài, việc thanh toán cũng thông qua tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi xác định được địa chỉ cụ thể vẫn chưa chắc truy thu, nộp thuế được do không xác định được doanh thu.
Còn Sở Thông tin và truyền thông cho rằng nếu họ hoạt động bất hợp pháp thì có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn. Tuy nhiên, việc này phải kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông để xem xét xử lý.
Đại diện Công an TP.HCM cho rằng đơn vị điều hành xe không ai biết được, tài xế không qua các lớp tập huấn, không biết được lái xe có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện hay không? Vì vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hành khách, kể cả nguy cơ gặp cướp có thể xảy ra do chính lái xe thực hiện.
Tại VN, Uber hiện diện ở TP.HCM và Hà Nội. Những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hiệu taxi, không logo, đồng hồ tính tiền cước như những taxi khác. Giá cả thấp hơn so với taxi thông thường (trong đó Uber hưởng 20% phí dịch vụ, chủ xe hưởng 80%).
Người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh để đăng ký hành trình. Hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia Uber). Sau đó, hệ thống sẽ hiển thị thông báo về chi phí chuyến đi, về chiếc xe sắp đến đón là loại gì, biển số, tài xế tên gì, số điện thoại. Chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế.
Công ty Uber Technologies Inc thành lập năm 2009 tại Mỹ, liên tục đối mặt với các khó khăn về tính pháp lý từ nhà chức trách, các cơ quan quản lý tại những quốc gia Uber hoạt động, bên cạnh đó là các mối lo ngại về độ an toàn và đặc biệt là những đợt xuống đường phản đối quy tụ rất đông giới tài xế taxi tại Mỹ và các nước châu Âu như Anh, Pháp, Ý...
Các tài xế yêu cầu nhà chức trách cần thực thi những quy định nghiêm khắc hơn đối với Uber, trong khi mức phí đăng ký giấy phép có thể lên đến 270.000 USD tại châu Âu thì Uber lại cung cấp dịch vụ chia sẻ ôtô, cho phép khách hàng đặt chuyến xe từ các tài xế không có giấy phép hành nghề.
Giới tài xế taxi cho biết ứng dụng Uber tính toán chi phí theo từng mét di chuyển, điều này chỉ được phép áp dụng cho các taxi đã đăng ký, không dành cho các xe thuê.
TS Nguyễn Đức Thành
TS Nguyễn Đức Thành (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội):
Không thể cấm đoán xu hướng mới
Theo tôi, nếu cấm Uber là hành vi hạn chế quyền kinh doanh, hạn chế sáng tạo, hạn chế quyền sử dụng ứng dụng mới trên nền tảng điện thoại thông minh.
Thực tế nhiều nước đã cho sử dụng dịch vụ Uber để đặt taxi. Tất nhiên, các hãng taxi đang hoạt động sẽ không hài lòng và có nhiều lý do để cấm. Nhưng tại sao người sử dụng Uber ngày càng tăng, trong khi theo lý thuyết các hãng taxi có thể bảo vệ họ tốt hơn, như khi mất đồ?
Theo tôi, mặc dù Uber không buộc các xe cung cấp dịch vụ vận tải phải treo biển taxi nhưng nó có thể sinh ra một mô hình dịch vụ mới. Do đó cần phải tính toán để có biện pháp quản lý, chứ không phải cấm.
Ngoài ra cũng đòi hỏi các nhà quản lý có biện pháp quản lý, thu phí, tránh việc tiền thuế không thu được.
C.V.KÌNH - Q.KHẢI - M.TRƯỜNG - N.ẨN - P.VÂN, Theo Tuổi trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng