Úc: cá thể thực vật lớn nhất thế giới đã già 4.500 tuổi, phủ vùng nước rộng gấp 40 lần Hồ Tây

    Kim,  

    Một cá thể thực vật duy nhất phủ một vùng nước rộng 200 kilomet vuông.

    Khoảng 4.500 năm trước, một hạt giống duy nhất - xuất thân từ hai loài cỏ biển khác nhau - đã gieo mình xuống địa điểm mà ngày nay là Vịnh Cá mập, ngoài khơi bờ biển Tây Úc. Không chịu ảnh hưởng bởi con người, hạt giống đã có cơ hội sinh trưởng ngoài sức tưởng tượng.

    Các nhà khoa học vừa phát hiện ra hạt giống nhiều ngàn tuổi đã sinh trưởng thành cá thể thực vật lớn nhất Trái Đất, phủ kín một diện tích rộng tới 200 km2, tức là gấp 40 lần diện tích Hồ Tây. Loài cỏ biển đang được nhắc tới có pháp danh khoa học là Posidonia australis, thường được tìm thấy dọc miền biển phía Nam Úc.

    Úc: cá thể thực vật lớn nhất thế giới đã già 4.500 tuổi, phủ vùng nước rộng gấp 40 lần Hồ Tây - Ảnh 1.

    Posidonia australis.

    Khi phân tích khác biệt trong gen giữa các loài cỏ biển có trong khu vực, nhóm nghiên cứu phát hiện ra điều khác lạ. Hai mẫu cỏ biển, lấy từ hai khu vực cách nhau tới 180km không thuộc về hai loài Posidonia australis khác nhau, mà tới từ cùng một cá thể thực vật khổng lồ.

    Bãi cỏ rộng 200 kilomet vuông có vẻ đã lan ra từ một hạt giống duy nhất”, Jane Edgeloe, một sinh viên nghiên cứu tới từ Đại học Tây Úc nhận định. Cô và các cộng sự phân tích khoảng 18.000 dấu vết gen, mong muốn tìm ra những loài cỏ khác nhau cho mục đích bảo tồn, họ ngã ngửa khi biết rằng tất cả các mẫu đều tới từ một cá thể duy nhất.

    Posidonia australis có thể lớn thêm tới 35 cm/năm, và dựa trên con số này, nhóm nghiên cứu ước tính cá thể thực vật đã tồn tại ít nhất 4.500 năm để có thể lan ra rộng đến vậy. Các nhánh cỏ biển đã tạo thành một đồng cỏ dưới nước khổng lồ, vài dải lá chỉ dài khoảng 10 cm, trong khi đó có những dải lá dài tới khoảng 1 mét.

    Úc: cá thể thực vật lớn nhất thế giới đã già 4.500 tuổi, phủ vùng nước rộng gấp 40 lần Hồ Tây - Ảnh 2.

    Thảm cỏ biển khổng lồ nhìn từ trên không.

    Môi trường sống tại Vịnh Cá mập cũng chẳng mấy dễ dàng, thế mà Posidonia australis vẫn sống tốt trong vùng nước có mật độ muối đặc gấp đôi những khu vực khác trong vịnh. Chúng cũng sinh trưởng tốt trong làn nước lạnh 15 độ C, hay cả khi nước ấm tới 30 độ C.

    Theo lời giáo sư Elizabeth Sinclair, cơ thể Posidonia australis chứa cả hai nhiễm sắc thể của hai giống cỏ biển cha mẹ, khiến nó sở hữu một độ đa dạng di truyền hiếm có. “Thay vì lấy một nửa gen từ cha và mẹ, nó lại giữ tất cả các gen”, bà Sinclair nói.

    Cũng theo khẳng định của nhóm nghiên cứu, sinh vật khổng lồ này vô sinh phần lớn, nên phải tự dựa vào khả năng sinh trưởng của mình để phát triển, chứ không thể tạo ra hậu duệ.

    Những thực vật không được ‘phối giống’ thường sở hữu độ đang dạng di truyền thấp - thứ vốn là yếu tố tối quan trọng trong đối đầu với thay đổi trong môi trường sống”, nhà sinh vật học công tác tại Đại học Flinders, giáo sư Martin Breed cho hay.

    The Guardian dẫn lời chuyên gia về cỏ biển Kathryn McMahon, người không có đóng góp trong nghiên cứu mới, rằng tuổi thọ của loài sinh vật nước mặn này có thể dao động giữa 2.000 và 100.000 năm. Vì thế, việc cá thể Posidonia australis sống được 4.500 năm nay, trải dài suốt 20.000 héc-ta không phải bất khả thi.

    Chúng có cho mình một mẫu hình sinh trưởng linh hoạt, giúp chúng có được tuổi thọ cao”, cô McMahon nhận xét. “Chúng có thể vươn tới những vùng biển giàu dinh dưỡng để hấp thụ những gì mình cần, hoặc với tới những vùng nước lớn nơi chúng có thể sinh trưởng mạnh. Điều đó cho thấy nếu chúng có cho mình một địa điểm sinh sống phù hợp, chúng có thể tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày