Ứng dụng gọi xe Lyft: Từ cuộc gặp của 2 chàng trai quen nhau qua Facebook đến công ty tỷ USD
Với mục tiêu chung là sử dụng công nghệ để cải thiện giao thông, Logan Green và John Zimmer chấp nhận nghỉ việc, không nhận lương và sống luôn tại phòng làm việc để xây dựng startup gọi xe.
Trước khi thành lập Lyft, hai nhà đồng sáng lập của startup này đều bắt đầu các chương trình chia sẻ xe khi còn là sinh viên và tại chính khuôn viên trường đại học của họ.
Logan Green - CEO của Lyft - lớn lên ở California và tốt nghiệp Đại học California Santa Barbara. Còn John Zimmer, đến từ Greenwich, một vùng ngoại ô giàu có ở Connecticut, và là cựu sinh viên của Đại học Cornell.
Green tạo ra một chương trình chia sẻ xe trong khuôn viên đại học, sau khi anh cảm thấy thất vọng vì tình hình giao thông và các phương tiện công cộng tại California. Trong khi đó, Zimmer cũng dành nhiều thời gian ở Cornell để tìm những người đi chung xe với mục đích chia sẻ các chuyến đi.
Hai nhà đồng sáng lập Lyft: Logan Green (trái) và John Zimmer (phải). Ảnh: John Zimmer.
Khi đang làm việc cho Lehman Brothers ở New York, Zimmer được một người bạn giới thiệu làm quen với Green trên Facebook. Với mục tiêu chung là sử dụng công nghệ để cải thiện giao thông, họ dần trở nên thân thiết. Không lâu sau, 2 người cho ra đời Zimride, tiền thân của Lyft. Công ty kết nối tài xế với hành khách thông qua một ứng dụng miễn phí của Facebook.
Đến năm 2008, Zimmer bỏ việc tại Lehman Brothers để chuyển đến San Francisco và tập trung vào việc xây dựng Zimride với Green. Trong năm đầu tiên hoạt động, startup này nhận được 250.000 USD tiền đầu tư từ Facebook và mở rộng thành một công ty có 6 nhân viên. Khách hàng của họ là hơn 30 trường đại học, Wal-Mart Stores Inc., và Cigna Corp.
Những ngày đầu thành lập công ty, Green và Zimmer không có lương và sống tại thung lũng Silicon – ở một nơi họ gọi là "apartfice" – có nghĩa là văn phòng kiêm luôn phòng ngủ. Hàng ngày, Zimmer ngủ trên đi văng và hai người sống sót nhờ những bữa ăn mua từ chuỗi tạp hóa Trader Joe's.
John Zimmer. Ảnh: John Sciulli/Getty Images.
Năm 2012, Zimride đã có hàng nghìn người dùng, với 150 trường đại học và công ty tham gia vào mạng lưới đi chung xe của họ. Đội ngũ của Green và Zimmer có khoảng 20 người, nhưng họ bắt đầu cảm thấy sự hạn chế của Zimride trong việc cung cấp các chuyến đi đường dài. Một trong những vấn đề lớn nhất của công ty chính là việc mọi người không sử dụng dịch vụ này thường xuyên.
Zimmer nói với người cộng sự: "Chà, nếu chúng ta có thể tăng tần suất sử dụng thì sao? Bằng cách sử dụng điện thoại thông minh?". Nói là làm, trong vòng 3 tuần, hai kỹ sư đã tạo ra ứng dụng Lyft.
"Vào thời điểm đó, Uber tồn tại, nhưng họ chỉ cung cấp dịch vụ cho xe hơi sang trọng và xe limo, và với chúng tôi điều đó không thú vị", Zimmer chia sẻ với Business Insider.
Tháng 6/2012, Green và Zimmer thành lập Lyft. Họ bán lại Zimride một năm sau đó để tập trung vào phát triển ứng dụng chia sẻ xe theo nhu cầu này. Chỉ trong nửa đầu năm 2013, Lyft huy động được 75 triệu USD tiền đầu tư.
Logan Green, đồng sáng lập và CEO Lyft. Ảnh: Getty Images.
Hiện nay, dù nhỏ hơn nhiều so với Uber, Lyft vẫn là một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp gọi xe. Năm 2018, công ty đạt doanh thu 2,16 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm trước và cao hơn nhiều so với 343 triệu USD của năm 2016. Tuy nhiên, như nhiều ứng dụng gọi xe khác, Lyft vẫn lỗ 911 triệu USD trong năm ngoái, cao hơn mức lỗ 688 triệu USD của năm 2017.
Cuối tháng 3 vừa qua, công ty của Zimmer và Green phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với mức định giá 24,3 tỷ USD. Con số này vượt qua mục tiêu mà Lyft đặt ra trước đó khi các nhà đầu tư lạc quan về khả năng có lãi của công ty. Thương vụ IPO thành công giúp Zimmer và Green trở nên giàu có dù họ vẫn chưa phải là tỷ phú. Forbes ước tính hai nhà đồng sáng lập Lyft nắm giữ tổng cộng chưa đến 5% cổ phần của công ty.
IPO của Lyft mở đường cho hàng loạt các startup công nghệ dự định lên sàn trong năm nay, gồm cả Uber, Pinterest, Slack Technologies và Postmates. Theo các ngân hàng đầu tư, Uber có thể được định giá tới 120 tỷ USD khi IPO.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng