Ứng dụng Trung Quốc này đã bị cấm từ 4 năm trước: Kỳ lạ thay, dân tình ở đây vẫn vô tư dùng như thường

    Quốc Vinh,  

    Nằm trong số 59 ứng dụng bị cấm, CamScanner vẫn được người dân ở đây sử dụng vì tiện lợi, nhiều tính năng lại miễn phí.

    Ứng dụng Trung Quốc này đã bị cấm từ 4 năm trước: Kỳ lạ thay, dân tình ở đây vẫn vô tư dùng như thường- Ảnh 1.

    Tháng 10 vừa qua, một YouTuber nổi tiếng đã đăng bài viết về một tài liệu do Ủy ban bầu cử Ấn Độ ban hành được quét bằng CamScanner - ứng dụng quét tài liệu đến từ Trung Quốc.

    Vấn đề ở chỗ, CamScanner đã bị cấm ở Ấn Độ kể từ tháng 6/2020, khi chính phủ nước này ban lệnh cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng nơi biên giới.

    Ủy ban bầu cử không phải là đơn vị duy nhất của chính phủ Ấn Độ vẫn sử dụng ứng dụng quét tài liệu bị cấm này. Trang Rest of World đã tìm thấy 30 trường hợp khác về các tài liệu do các bộ và sở ban ngành của chính phủ tải lên được quét bằng CamScanner. Các tài liệu dễ dàng được nhận dạng vì chúng có dòng chữ mờ: "Đã quét bằng CamScanner".

    Câu hỏi đặt ra là: Vì sao ứng dụng đến từ Trung Quốc bị cấm chính thức như vậy mà người dùng ở Ấn Độ vẫn sử dụng?

    Bị cấm sao vẫn dùng được?

    Trên thực tế, lệnh cấm của chính phủ chỉ ngăn chặn việc tải xuống, trong khi những người đã cài sẵn CamScanner trên điện thoại vẫn có thể tiếp tục sử dụng, Deepanker Verma, nhà phát triển phần mềm và nhà nghiên cứu bảo mật, chia sẻ với Rest of World.

    Ứng dụng Trung Quốc này đã bị cấm từ 4 năm trước: Kỳ lạ thay, dân tình ở đây vẫn vô tư dùng như thường- Ảnh 2.

    CamScanner ra mắt vào năm 2011 và có hơn 100 triệu lượt tải xuống tại Ấn Độ trước lệnh cấm.

    Theo Karthika Rajmohan, cố vấn chính sách cộng sự tại Internet Freedom Foundation, để thực hiện lệnh cấm ứng dụng một cách hiệu quả, cơ quan chức năng cần làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ internet nhưng thực tế không có động thái nào như vậy liên quan đến CamScanner.

    Ngoài ra, CamScanner vốn dĩ cũng không yêu cầu kết nối internet nên việc truy cập vào ứng dụng này bất chấp lệnh cấm khá dễ dàng. Bà cho biết "Thực tế là chặn ứng dụng không bao giờ là giải pháp hoàn hảo".

    Có nhiều công cụ quét tài liệu thay thế cho CamScanner, bao gồm Google Drive, ứng dụng camera trên iPhone, Adobe và Microsoft Lens, cùng nhiều công cụ khác.

    Kaagaz, một ứng dụng quét tài liệu của Ấn Độ ra mắt chỉ hai tuần trước khi CamScanner bị cấm, đã nhận được 100.000 lượt tải xuống trong 24 giờ sau khi ứng dụng đến Trung Quốc không còn khả dụng - Snehanshu Gandhi, người sáng lập ứng dụng cho biết.

    Sự chứng thực của Bộ Giáo dục và Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ đã thúc đẩy lượt tải xuống của Kaagaz tăng cao hơn nữa và con số hiện đã vượt quá 30 triệu.

    Nhưng nhiều người dùng trung thành vẫn không từ bỏ CamScanner. "Thật mừng vì không phải gỡ cài đặt.. nó đã cứu mạng tôi :)", Shalini Singh, nhà phân tích sản phẩm cấp cao tại công ty phần mềm AppsForBharat, viết trên X.

    Singh ca ngợi tính dễ sử dụng, tốc độ, UX, các tùy chọn chia sẻ liền mạch và chuyển đổi loại tệp của ứng dụng.

    Ứng dụng Trung Quốc này đã bị cấm từ 4 năm trước: Kỳ lạ thay, dân tình ở đây vẫn vô tư dùng như thường- Ảnh 3.

    Một số tài liệu ở Ấn Độ vẫn được quét bằng CamScanner.

    Một số ứng dụng quét khác do Ấn Độ sản xuất được ra mắt sau lệnh cấm như AIR Scanner, Carbon Scanner và Apna Scan, không được cập nhật thường xuyên hoặc đã biến mất hoàn toàn khỏi các cửa hàng ứng dụng.

    "Thương hiệu CamScanner, được xây dựng trong hơn một thập kỷ, tất nhiên là có sức nặng hơn nhiều", Gandhi chia sẻ.

    Lệnh cấm còn chưa rõ ràng

    Theo Shruti Narayan, cố vấn chính sách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Access Now, một vấn đề khác là chính phủ Ấn Độ chưa truyền đạt rõ ràng với công chúng lý do tại sao họ cấm ứng dụng này.

    Để thực hiện lệnh cấm, Ấn Độ đã dẫn các quy tắc từ năm 2009 về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của cá nhân cũng như lo ngại về an ninh quốc gia. Một số ứng dụng di động đã "đánh cắp và lén lút truyền dữ liệu của người dùng theo cách trái phép đến các máy chủ có vị trí bên ngoài Ấn Độ", thông cáo báo chí của chính phủ cho biết.

    "Người ta không biết cơ sở của những cáo buộc này là gì và liệu chúng đã được điều tra hay chưa. Và sau đó không có bước tiếp theo nào nữa", Narayan nói với Rest of World. "Nếu bạn không thực sự giao tiếp và nâng cao nhận thức về những rủi ro thực sự, bạn sẽ không có khả năng thực hiện lệnh cấm thành công vì công chúng chỉ nghĩ rằng cấm chỉ để cho có".

    Ngoài ra, việc cấm ứng dụng đôi khi không đến từ vấn đề an ninh mạng mà xuất phát từ hành động chính trị.

    Điều này không lạ khi Mỹ gần đây cũng đã có những hành động mang tính chính trị chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc. Chính phủ Mỹ và ít nhất 30 tiểu bang đã cấm quan chức chính phủ và các thiết bị do chính phủ cấp cài và sử dụng TikTok, nhưng không cấm đối với công chúng nói chung.

    Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng lệnh cấm không phải là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là khi chúng nhắm vào công nghệ từ một quốc gia duy nhất.

    "Cách để tiến lên là đưa ra các chính sách mà tất cả các công ty, tất cả các ứng dụng phải tuân theo", Rajmohan cho biết, đồng thời nói thêm rằng Ấn Độ cần có chính sách an ninh mạng quốc gia mạnh mẽ và luật bảo vệ dữ liệu mà các công ty trong và ngoài nước phải tuân thủ.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày