Ưu, nhược của các loại bút cảm ứng hiện nay
(GenK.vn) - Có nhiều loại bút cảm ứng khác nhau với chất lượng khác nhau.
Hiện nay các nhà sản xuất tablet thường bán kèm theo bút cảm ứng Stylus như một cách quảng cáo, tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm. Từ tablet Android, Windows, cho tới các nhà sản xuất bút cảm ứng cho iPad, có rất nhiều loại bút để người dùng lựa chọn. Tuy nhiên, có một điều cần phải khẳng định ngay đó là không phải tất cả các bút này đều giống nhau. Công nghệ được dùng trong màn hình cảm ứng của thiết bị sẽ quyết định loại bút cảm ứng mà bạn có thể sử dụng. Hiểu được chức năng, sự khác biệt giữa các loại bút sẽ giúp bạn đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho nhu cầu của mình. Một ví dụ đó là nếu bạn muốn tạo nên các bức vẽ chuyên nghiệp trên màn hình tablet, lựa chọn sử dụng Surface Pro 2 cùng bút đi kèm nó (có tên Surface Pro Pen) sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc mua Dell Venue 8 Pro, mặc dù sản phẩm này cũng được quảng cáo là hỗ trợ bút cảm ứng như Surface.
Bút Stylus điện dung
Hiện nay hầu hết các thiết bị đều đã chuyển sang sử dụng màn hình cảm ứng điện dung, chỉ có một số ít ngoại lệ dùng cảm ứng điện trở như GamePad của Wii U. Màn hình cảm ứng điện dung giúp bạn chỉ cần chạm vào màn hình để điều khiển, không phải ấn mạnh xuống như màn hình điện trở.
Cách rẻ nhất, đơn giản nhất để có thể trải nghiệm bút cảm ứng đó chính là sở hữu cho mình một chiếc bút cảm ứng điện dung. Cách thức hoạt động của loại bút này giống y hệt như ngón tay của bạn: thay đổi trường điện từ của màn hình khi bạn chạm vào. Loại bút này cũng rất dễ sản xuất và thậm chí chỉ cần một chút mày mò là tự bản thân bạn cũng có thể làm được.
* Điểm mạnh:
- Tương thích với bất kì thiết bị nào: Miễn là thiết bị của bạn dùng màn hình cảm ứng điện dung, bạn có thể sử dụng chiếc bút này trên thiết bị đó.
- Không cần đến pin: Bạn không cần phải sạc pin cho bút.
- Rẻ: Dễ chế tạo, thậm chí tự bản thân người dùng cũng có thể tự làm một chiếc bút cảm ứng này.
* Điểm yếu:
- Không có độ nhạy lực: Cũng giống như việc màn hình không thể nhận diện và phân biệt được lực mà ngón tay của bạn tác động lên là lớn hay nhỏ, bút cảm ứng điện dung cũng không có độ nhạy lực như các loại bút sẽ nói ở phần dưới. Do đó, nếu bạn có ý định sáng tạo nên các bức vẽ chuyên nghiệp trên tablet, bạn không nên tìm đến loại bút này.
- Không nhận diện để từ chối tác động từ lòng bàn tay: Nếu vô tình để lòng bàn tay chạm vào màn hình trong quá trình dùng bút, màn hình sẽ không phân biệt và vẫn nhận diện động tác từ tay của bạn.
- Không có các chức năng phụ: Ví dụ như chức năng tẩy đi các nét vẽ.
Bút dùng bộ số hóa Wacom
Bút Surface Pro Pen.
Wacom chuyên sản xuất các loại bàn vẽ tablet cho giới họa sĩ, tuy nhiên, công nghệ của họ cũng được áp dụng cho các sản phẩm dành cho thị trường phổ thông. Surface Pro của Microsoft là một ví dụ. Chiếc tablet lai laptop này sử dụng một lớp số hóa do Wacom sản xuất bên trong màn hình cảm ứng, và được đi kèm một bút cảm ứng để dùng với lớp số hóa này. Điện thoại Galaxy Note và bút S Pen của Samsung cũng dùng công nghệ của Wacom.
Bằng cách tích hợp một cảm biến đặc biệt vào trong màn hình cảm ứng và thiết kế 1 chiếc bút stylus để tối ưu cho cảm biến, bộ số hóa của Wacom giúp cung cấp thêm rất nhiều tính năng mà một chiếc bút cảm ứng điện dung ở trên không làm được, ví dụ như độ nhạy lực. Tuy nhiên, số độ nhạy mà bút có thể nhận diện sẽ tùy thuộc vào từng thiết bị và bạn cần tìm hiểu điều này trước khi mua sản phẩm.
* Điểm mạnh:
- Nhạy lực: Đây là tính năng quan trọng nhất mà lớp số hóa của Wacom mang lại. Bút Wacom có thể nhận diện được các mức độ nhấn mạnh hay nhẹ khác nhau. Bút cảm ứng của Surface Pro được quảng cáo là có 1024 mức lực nhấn. Ở đây, màn hình không làm nhiệm vụ nhận diện lực nhấn, mà nó được đảm nhiệm bởi đầu bút. Đầu bút sẽ thu lại khi bạn tạo ra một lực mạnh lên màn hình, và lớp số hóa Wacom bên trong màn hình sẽ hiểu được sự thay đổi này của đầu bút.
- Từ chối tác động từ lòng bàn tay: Điều này rất quan trọng nếu bạn dùng bút để vẽ, bởi bạn có thể đặt tay lên màn hình trong quá trình thực hiện tác phẩm mà không sợ làm sai lệch các nét vẽ do tác động của tay.
- Các tính năng phụ: Cục tẩy là một ví dụ. Ở một đầu của bút cảm ứng dùng trên Surface có một cục tẩy giúp bạn xóa đi các nét vẽ sai. Hay trên bút sẽ có 1 nút bấm giúp bạn thực hiện thao tác click phải bằng cách giữ nút này rồi gõ vào màn hình. Lớp số hóa Wacom cũng nhận diện được động tác rê bút bên màn hình.
- Không cần pin: Bạn cũng không cần phải lo sạc pin cho bút.
* Điểm yếu:
- Hỗ trợ ít thiết bị: Bạn không thể dùng các loại bút này cho mọi loại thiết bị.
- Tốn...tiền: Bộ số hóa Wacom là một phần cứng chuyên biệt và thường chỉ được trang bị trên các sản phẩm cao cấp như Surface Pro hay Galaxy Note. Nhà sản xuất sẽ phải bỏ thêm chi phí để trang bị phần cứng này và nó làm cho giá sản phẩm thường đắt hơn.
- Yêu cầu phải có ứng dụng hỗ trợ: Các ứng dụng phải được lập trình trước mới có thể sử dụng công nghệ, tính năng của Wacom. Ví dụ như bạn không thể tận dụng tính năng nhạy lực trên ứng dụng Microsoft Paint.
Bút cảm ứng Bluetooth
Bút Intuos Creative Stylus của Wacom.
Ngoài 2 loại bút với những ưu nhược điểm riêng nói trên, chúng ta còn có thêm loại bút cảm ứng thứ 3 có thể giao tiếp với các mẫu tablet thông qua kết nối Bluetooth. Theo mặc định, loại bút này có chức năng như bút cảm ứng điện dung thông thường (loại đầu tiên). Khi sử dụng, màn hình có thể nhận diện được vị trí mà bút tác động vào, tuy nhiên, nó sẽ không hiểu được các mức độ nhấn mạnh nhẹ khác nhau, hay nói cách khác màn hình không có khả năng nhận diện lực nhấn như loại màn hình được tích hợp phần cứng của Wacom. Việc nhận diện lực nhấn sẽ do chính chiếc bút đảm nhận, sau đó truyền thông tin này qua kết nối Bluetooth để thiết bị hiểu.
Bản thân Wacom hiện nay cũng cung cấp bút cảm ứng dạng này cho iPad, với chiếc Intuos Creative Stylus có giá bán 99 USD. Intuos Creative Stylus có 2048 độ nhạy lực và kết nối với iPad qua Bluetooth năng lượng thấp giúp thời lượng pin của nó cũng khá tốt.
* Điểm mạnh:
- Nhận diện lực nhấn: giống như lớp số hóa của Wacom, loại bút này cũng có thể nhận diện các lực nhấn mạnh nhẹ khác nhau.
- Từ chối tác động của lòng bàn tay: Các bút cảm ứng Bluetooth cũng có thể từ chối tác động của lòng bàn tay.
- Tương thích với nhiều thiết bị hơn: Chúng hoạt động với cả các tablet không được trang bị cảm biến nhận diện lực nhấn như iPad; nhưng vẫn cho khả năng nhạy lực khi sử dụng.
- Nút bấm tắt (giống như phím tắt trên bàn phím): Bút có thể gửi đi một tín hiệu nào đó qua Bluetooth khi bạn thao tác vào nút bấm có trên bút.
* Điểm yếu:
- Phải yêu cầu pin: Do phải kết nối qua Bluetooth, bạn sẽ phải sạc pin để cung cấp năng lượng cho bút, chưa kể đến việc phải thay pin sau một thời gian sử dụng.
- Phải kết nối: Không thể dùng ngay được như 2 loại ở trên, bạn buộc phải thực hiện thao tác kết nối bút với thiết bị. Dẫu sao thao tác này cũng không phải quá bất tiện bởi bạn chỉ cần kết nối 1 lần.
- Ứng dụng phải được lập trình để hỗ trợ bút.
- Giá đắt
Nắm được các thông tin trên sẽ giúp bạn đưa ra được sự lựa chọn hợp lý cho mình khi mua tablet hay thiết bị nào đi kèm bút cảm ứng. Liệu thiết bị đó có được trang bị lớp số hóa chuyên dụng của Wacom hay không, hay một chiếc bút cảm ứng đơn thuần, thông thường...Đó là bộ số hóa của Wacom cũng có nhiều loại khác nhau với chất lượng khác nhau. Hay bản thân chất lượng các bút Bluetooth cũng "thượng vàng hạ cám" nhưng thường được nhà sản xuất quảng bá chất lượng cao để hấp dẫn người dùng.
Tham khảo: Howtogeek
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng