Khi phụ nữ 40-45 tuổi, tỷ lệ mang thai và có con khỏe mạnh sẽ tiệm cận mức 0%.
Daljinder Kaur là một người phụ nữ Ấn Độ 74 tuổi. Sở dĩ bà nên được gọi là phụ nữ, bởi nghe như vậy có vẻ trẻ trung so với độ tuổi làm mẹ của bà. Cho tới năm 2016, Kaur mới sinh hạ đứa con đầu lòng của mình khi đã 72 tuổi. Chồng của bà Kaur là cha của đứa bé, khi ấy cũng gần 80.
Người ta gọi cậu bé là món quà của Chúa Trời. Và dĩ nhiên món quà của Kaur không tự nhiên mà có. Bà đã phải mất 2 năm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, đối mặt với rất nhiều rủi ro đến tính mạng và cả vấn đề đạo đức.
Daljinder Kaur đã lập nên kỷ lục về độ tuổi làm mẹ lần đầu của một người phụ nữ. Dĩ nhiên, những trường hợp tương tự như bà Kaur không có nhiều.
Đa số phụ nữ sẽ không thể làm mẹ sau tuổi 40. Và nếu y học hiện đại có thể tặng cho họ món quà, một đứa bé ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm hoặc chuyển phôi, món quà đó cũng đắt đỏ cả về chi phí lẫn những gì người mẹ và đứa trẻ phải chịu đựng.
Bà Daljinder Kaur và chồng chào đón đứa con đầu lòng khi đã hơn 70 tuổi
Tuổi tác và vấn đề sinh sản của phụ nữ
Phụ nữ có thể mất tới 90% nang trứng khi bước sang tuổi 30. Và cho tới tuổi 40, họ chỉ còn lại 3% các tế bào có thể lớn lên thành trứng, theo một nghiên cứu của Đại học Edinburgh.
Nhưng tin tốt là mỗi người phụ nữ đều dự trữ một lượng khổng lồ, tới 600.000 tế bào nang trứng. Bởi vậy, khi họ chỉ còn 3% trong số này, về lí thuyết một người phụ nữ bước sang tuổi 40 vẫn còn khả năng sinh ra 18.000 trứng. Họ vẫn có khả năng sinh con tự nhiên.
Mặc dù vậy, khả năng sinh sản của phụ nữ đã bắt đầu giảm dần từ tuổi 30. Trong vòng 10 năm, nó sẽ giảm rất chậm, khiến cho tuổi tác không ảnh hưởng đáng kể tới tỷ lệ mang thai thành công cho đến tuổi 40. Nhưng vượt qua tuổi đó lại là một câu chuyện khác.
"Ở tuổi 40, nguy cơ cho người mẹ bắt đầu tăng, và tỷ lệ sinh con ra khỏe mạnh bắt đầu giảm”, Edward Marut, một bác sĩ sản khoa tại Trung tâm Sinh sản Illinois, cho biết. Nếu một người phụ nữ muốn sinh con sau tuổi 40, họ sẽ phải cân nhắc rất nhiều.
Nếu chưa có con và vẫn còn hoàn toàn khỏe mạnh, phụ nữ vẫn có thể thử sinh con trong khoảng 40-45 tuổi. Nhưng thực tế, đây là khoảng thời gian tỷ lệ mang thai và có con khỏe mạnh đã bắt đầu tiệm cận mức 0%.
Sau 45 tuổi, tính đến chuyện mang thai có lẽ là sự lãng phí về mặt thời gian. Ngay cả khi chuyện đó có xảy ra, người phụ nữ cũng sẽ phải đối mặt với những nguy cơ không đáng có, nhất là trong trường hợp họ không có sức khỏe tốt.
Brian Levine, chuyên gia nội tiết sinh sản vô sinh từ Trung tâm Y học Sinh sản Colorado, nói rằng phụ nữ có thể sẽ không còn khả năng sản xuất trứng có chất lượng, khi họ bước qua tuổi 46. “Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể thụ thai", Levine nói.
Với sự tiến bộ của kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hiện nay, những người phụ nữ đến giữa tuổi 50 vẫn có thể nhận trứng. Ngay cả sau khi đã mãn kinh, họ vẫn có khả năng sinh con thành công.
Theo số liệu điều tra sinh sản năm 2015 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tỷ lệ sinh sản thành công nhờ cấy phôi không thay đổi nhiều theo tuổi tác. Cả phụ nữ dưới 30 và trên 47 tuổi đều có 60% cơ hội có con nhờ kỹ thuật này.
Cho đến tuổi 40, phụ nữ sẽ chỉ còn khoảng 3% nang trứng để thụ tinh
Mặc dù vậy, chuyển phôi để có con không phải là một phương pháp kinh tế. Một chu trình thụ tinh trong ống nghiệm bằng trứng từ người hiến tặng (hoặc của chính mình được đông lạnh trong quá khứ) có thể tốn 10.000 đến 30.000 USD (tương đương 230- 680 triệu VNĐ).
Bên cạnh đó, Levine cho biết đối với phụ nữ trên 54 tuổi, mang thai là họ phải sẵn sàng trả một cái giá đắt về sức khỏe, đặc biệt là với hệ thống tim mạch. "Cơ thể sẽ trải qua rất nhiều thay đổi, cả trong thời kỳ mang thai và khi sinh con", ông nói.
Một nghiên cứu mới đăng tuần trước trên tạp chí Human Reproduction cho thấy: Mang thai và sinh con có thể khiến phụ nữ già đi 11 tuổi. Con số được ước lượng bằng chiều dài đoạn telomere của họ, một vùng phân tử ở đầu nhiễm sắc thể được dùng để phản ánh tuổi sinh học của chúng ta ở cấp độ tế bào.
Telomere của những người phụ nữ sau sinh bị ngắn đi 116 cặp cơ sở (các cặp A-T, G-C của DNA), tương đương với 11 năm lão hóa nhanh. Phát hiện được coi là bất ngờ, bởi so với các tình trạng khác, nó quá cao: Béo phì có thể khiến telomere rút ngắn đi 8,8 tuổi. Trong khi đó, hút thuốc lá khiến bạn già hơn 4,6 năm.
Telomere ngắn hơn có liên quan đến các bệnh lão hóa, chẳng hạn như bệnh tim mạch, suy giảm nhận thức, mất trí nhớ, thậm chí là ung thư. Hãy tưởng tượng một phụ nữ có con ở tuổi 45, sau khi sinh, cô sẽ phải chăm con trong cơ thể của một người 56 tuổi.
Xu hướng kết hôn và có con muộn
Theo báo cáo của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, năm 1975, 67% người Mỹ tuổi từ 25 đến 35 đã đạt được ba cột mốc quan trọng là: tách khỏi bố mẹ để ở riêng, kết hôn và có một đứa con. Vào năm 2016, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 32%.
Tuổi sinh con đầu lòng của phụ nữ Hoa Kỳ đã tăng từ 21,4 (năm 1970) lên 25,8 ( năm 2012). Sự gia tăng này phần nào đến từ việc kiểm soát tình trạng làm mẹ ở tuổi vị thành niên. Nhưng nó cũng đến từ sự sụt giảm trong tỷ lệ sinh của phụ nữ tuổi từ 20 đến 30. Nhiều người trong số họ đã trì hoãn sinh con để học tập và làm việc.
Năm 1976, tỷ lệ phụ nữ Mỹ trong độ tuổi 20-24 có ít nhất một con là 31%. Đến năm 2014, nó đã giảm xuống còn 25%, theo báo cáo của Cục Điều tra Dân số. Trong cùng khoảng thời gian này, tỷ lệ phụ nữ từ 25-29 đã làm mẹ giảm từ 69% xuống còn 59%. Và đối với phụ nữ từ 30 đến 34 tuổi, tỷ lệ có con của họ cũng giảm từ 84% xuống 71%.
Những người phụ nữ đã đánh đổi thiên chức làm mẹ lấy điều gì? Theo một nghiên cứu năm 2005 của Khoa Kinh tế, Trường Đại học Virginia, việc sinh con muộn có thể thúc đẩy sự nghiệp của một người phụ nữ thêm 10%. Mức lương trung bình trong suốt cuộc đời của họ tăng thêm 3%.
Nhiều phụ nữ lựa chọn đông lạnh trứng và thụ tinh ống nghiệm để có con sau khi phát triển sự nghiệp
Không chỉ là tuổi tác
Tuổi tác và việc có con không chỉ là mối quan hệ giữa một con số với một đứa trẻ. Bác sĩ Marut cho biết mọi người có thể bỏ qua nhiều yếu tố khác gây phức tạp cho việc mang thai.
Tỷ lệ cao phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có một vấn đề về sức khỏe mạn tính nào đó – ví dụ như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh tim hoặc các vấn đề về thần kinh. Tất cả các vấn đề này nên được đánh giá trong kế hoạch thai sản của họ.
Một người phụ nữ khỏe mạnh mang thai ở tuổi 40 có vẻ như còn tốt hơn một phụ nữ mắc bệnh mạn tính mang thai ở tuổi 30, bác sĩ Marut nói.
Mặc dù vậy, nhìn chung, vẫn có những rủi ro nhất định tương quan với tuổi tác của người mẹ. Ví dụ như, đứa trẻ được sinh ra bởi một bà mẹ dưới 30 rất hiếm khi mắc hội chứng Down và nhiều bất thường khác.
Mức rủi ro sẽ tăng hàng năm sau đó. Lên đến tuổi 49, cứ 11 đứa trẻ sinh ra thì có 1 trong đó mắc hội chứng Down, 1 phần 8 có bất thường trong nhiễm sắc thể.
Nguy cơ sảy thai cũng tăng theo độ tuổi. Trước độ tuổi 30, một người phụ nữ chỉ có 10% nguy cơ sảy thai. Nhưng mang thai trong độ tuổi 40-44 có thể tăng nguy cơ lên 34%. Cứ 2 người mẹ trên 45 tuổi mang thai thì có 1 người bị sảy.
Khả năng thụ thai của phụ nữ không suy giảm đáng kể cho đến năm 40 tuổi
Nói tóm lại, độ tuổi của phụ nữ luôn gắn liền với việc giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ rủi ro cho cả người mẹ và đứa trẻ được sinh ra. Nhưng nói riêng về khả năng thụ thai, nó không suy giảm đáng kể cho đến năm 40 tuổi.
Một vài năm sau khi phụ nữ bước qua tuổi 40, họ vẫn có thể sinh con tự nhiên và khỏe mạnh. Nhưng sau đó, nếu muốn có con sau tuổi 45, phụ nữ phải nhờ đến các kỹ thuật y tế đắt đỏ như thụ tinh ống nghiệm và cấy ghép phôi với tỷ lệ thành công chưa cao tại thời điểm này.
Cho đến giữa những năm 50 tuổi, y học hiện đại là không đủ thể giúp đa số phụ nữ sinh con. Mặc dù vẫn có những trường hợp cá biệt như bà Kaur, rõ ràng, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể nhận được một “món quà từ Chúa Trời”.
Sinh con muộn để lại nhiều rủi ro cho cả người mẹ và đứa trẻ. Trong trường hợp của bà Kaur, nó không chỉ là sức khỏe của của bà và cậu bé hơn 1 tuổi. Vào sinh nhật đầu tiên của cậu, cả gia đình bà Kaur đã đến ngôi Đền Vàng ở Amritsar để xin ban phước.
“Mọi người cứ nói, điều gì sẽ xảy ra với đứa trẻ khi chúng tôi chết”, người cha nói. “Nhưng tôi toàn tâm tin vào Chúa Trời. Đấng toàn năng có mặt ở khắp nơi, Ngài sẽ chăm sóc mọi thứ”.
Tham khảo Tonic, Huffingtonpost, Independent
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng