Vận đen của Galaxy Note7 không phải là lần đầu số phận mỉm cười với iPhone
Bằng cách này hay cách khác, chiếc iPhone của chúng ta đã luôn luôn gặp may trong những thời điểm tình thế có thể trở nên đặc biệt khó khăn.
Có thể nói rằng "năm smartphone 2016" của chúng ta đã chính thức khép lại với sự kiện ra mắt của Galaxy Note7, LG V20 và iPhone 7. Từ giờ đến cuối năm, ngoại trừ Nexus là một dòng sản phẩm khá kén người dùng, sẽ không có thêm một chiếc smartphone đầu bảng đình đám nào ra mắt nữa.
Chúng tôi đã từng có lần "than phiền" với bạn đọc rằng năm 2016 là năm đáng chán nhất của lịch sử smartphone cảm ứng và chiếc smartphone đáng chú ý nhất trong năm có vẻ đã... chứng minh điều đó. Sau ba chiếc iPhone 6s, 6s Plus và SE kém ấn tượng, trong năm nay Apple đã ra mắt một sản phẩm không thực sự đột phá và mới lạ như mong muốn của các iFan. Khi một chiếc smartphone ra đời và người ta dành ra phần lớn thời gian để tranh cãi về... cổng tai nghe, bạn chắc hẳn cũng có thể hiểu iPhone 7 và iPhone 7 Plus thực sự hấp dẫn đến mức nào.
Ấy vậy nhưng iPhone 7 Plus vẫn hấp dẫn hơn hẳn so với đối thủ lớn nhất của mình: Galaxy Note7. Ra mắt ngay từ tháng 8 để đón đầu các đối thủ nặng ký gắn mác Táo, Galaxy Note7 đã vô tình trở thành thảm họa lớn nhất của Samsung Mobile khi phát nổ một cách... ngẫu nhiên dù đã bán ra được 2,5 triệu máy. Đợt thu hồi Galaxy Note7 được dự kiến sẽ khiến Samsung hứng chịu các khoản thiệt hại tầm vóc tỷ đô và chi phí cơ hội hay... danh dự bị đánh mất chắc chắn sẽ khiến năm 2016 trở thành kỷ niệm buồn của gã khổng lồ xứ Hàn.
Vụ việc của Galaxy Note7 thực sự là một phép màu kỳ diệu cho Apple, bởi gần như toàn bộ các bài đánh giá của báo giới đều khẳng định phablet của Samsung có trải nghiệm sử dụng rất ấn tượng. Đáng tiếc rằng không một trải nghiệm nào đủ ấn tượng để bạn nên chấp nhận rủi ro cháy nhà, cháy xe bất cứ lúc nào.
Đây không phải lần đầu tiên số phận mỉm cười với iPhone kể từ khi Steve Jobs vén màn chiếc smartphone cảm ứng đa điểm đầu tiên của thế giới vào năm 2007. Một năm sau sự kiện Macworld, BlackBerry vén màn "câu trả lời" dành cho Apple: chiếc Storm 9530. Lúc này, BlackBerry và Nokia vẫn là những thế lực thống trị trong lĩnh vực smartphone và sự xuất hiện của một chiếc điện thoại "full cảm ứng" như Storm hoàn toàn có thể là dấu chấm hết cho nỗ lực di động của Táo.
Kết quả: Storm 9530 đạt tỷ lệ lỗi... 100%.
Đối tác phân phối của RIM là nhà mạng Verizon phải đổi trả cho người dùng gần như toàn bộ 1 triệu mẫu máy bán ra vào năm 2008. Khoản lỗ Verizon gánh chịu từ "thảm họa" Storm là 500 triệu USD. BlackBerry chính thức bắt đầu cú trượt dài từ đây.
Một năm sau đó, đối thủ có thể đe dọa vị thế của Apple là Palm cũng ra mắt chiếc Pre trong thất bại. Palm được bán cho HP và chỉ mất 2 năm để... tắc thở bên trong nhà sản xuất PC số 1 hành tinh.
Giai đoạn manh nha của những chiếc smartphone cảm ứng đánh dấu rất nhiều những quyết định sai lầm từ các đối thủ tiềm tàng của Apple. LG không hiểu vì lý do gì bắt tay với Microsoft để phát hành điện thoại chạy Windows Mobile trong vòng 3 năm cho đến tận 2012 mới từ bỏ. Quan trọng nhất, gã khổng lồ dễ "bóp chết" iPhone nhất là Nokia lại vô tình ngủ quên trên chiến thắng của N95 và không chịu nhìn ra sự thật rằng smartphone cảm ứng mới là xu hướng của tương lai. Sau đó, "tội đồ" Stephen Elop còn khai tử nền tảng MeeGo đầy tiềm năng để chạy theo Windows Phone - một quyết định sau này đã được chứng minh là thảm họa.
Những chiếc Android đầu tiên cũng tỏ ra hoàn toàn kém cỏi so với iPhone, và phải đến 2011 một nhà sản xuất Android mới có thể thực sự đe dọa tới vị trí của Apple. Nhưng trước đó một năm, Apple đã kịp hoàn thiện chiếc iPhone 4 có thiết kế hai mặt kính tuyệt đẹp và cũng kịp tạo ra trò đùa đầu tiên của thế giới smartphone cảm ứng. Bạn nghĩ thế nào về việc 3 nhà lãnh đạo cao cấp của một tập đoàn công nghệ tổ chức hẳn một sự kiện để khẳng định người dùng... cầm điện thoại không đúng cách? Xin chào bạn đến với iPhone 4.
Sự kiện mà chúng ta vừa nhắc đến ở trên chính là một trong những lỗi thiết kế kinh điển nhất của thế giới smartphone: Antennagate. Không hiểu vì bất cứ lý do gì, Apple lại đặt anten thu sóng di động vào vị trí người dùng rất dễ che khuất khi cầm tay. Những chiếc iPhone 4 mất sóng liên tục, Apple vừa chữa cháy bằng cách phát ốp lưng miễn phí, vừa chê người dùng... không biết cầm điện thoại.
Điều đáng nói là một scandal tầm vóc Antennagate có thể giết chết bất cứ một công ty nào, nhưng Apple lúc này vẫn chưa có một đối thủ xứng tầm nào cả. Chiếc Galaxy S đầu tiên vẫn hoạt động không ổn định và vẫn có vẻ ngoài y hệt như một bản sao "lỗi" của Táo. Nếu bạn muốn một chiếc smartphone cảm ứng chất lượng vào năm 2010, bạn chỉ có thể lựa chọn iPhone 4. Số phận đã thay bạn lựa chọn iPhone 4 là chiếc smartphone của năm 2010.
Tạm bỏ qua năm 2011 khá êm đềm của iPhone 4S, đến cuối 2012 Apple ra mắt iPhone 5. Chiếc iPhone này đã may mắn theo một cách rất khó chịu: phải mãi đến năm 2014 người ta mới phát hiện ra rằng iPhone 5 bị lỗi pin chai nhanh và lỗi dễ liệt nút nguồn. Nhưng khi lỗi được phát hiện thì iPhone 5 cũng đã về vườn để nhường vị trí chủ đạo cho iPhone 5s. 2 lỗi tưởng chừng như trầm trọng đã chẳng thể ảnh hưởng đến doanh số iPhone 5 theo bất cứ một cách nào cả.
Lại nói đến iPhone 5s. Dù mang rất nhiều cải tiến đáng giá nhưng chiếc iPhone này lại ra mắt vào thời điểm màn hình lớn đã trở thành tiêu chuẩn của smartphone Android. Khi những chiếc iPhone 6, 6 Plus, 6s và 6s Plus đã trở nên khá phổ biến, bạn khó có thể hình dung được tình cảnh của iPhone khi đó: tại sao Apple vẫn có thể điềm nhiên ra mắt điện thoại 4 inch trong bối cảnh tất cả các đối thủ đều đã tiến lên 5 inch và 5.5 inch?
Quả nhiên sau đó kích cỡ màn hình đã trở thành lời phàn nàn phổ biến nhất về iPhone 5s, song ngay cả những lời phàn nàn đó cũng chẳng có thể ngăn chiếc smartphone đầu bảng này trở thành ngôi sao của Apple trong năm 2013 và 2014. Lý do là bởi ngay trước thềm ra mắt iPhone 5s, Apple đã kịp ký kết hợp đồng phân phối chính thức với China Mobile, nhà mạng số 1 của Trung Quốc. Cơn khát iPhone của người dân Trung Quốc nay đã được giải qua những kênh chính thức, và trong vòng 3 năm sau đó, đất nước này tiếp tục là thị trường màu mỡ nhất, tiềm năng nhất của Apple.
Quyết định trì hoãn smartphone cỡ lớn của Tim Cook sau này đã tỏ ra hoàn toàn đúng đắn với sự ra mắt của iPhone 6 và 6 Plus, 2 mẫu iPhone đưa Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên có thể đạt 700 tỷ USD giá trị vốn hóa. Bước qua một năm khá kém may mắn với iPhone 6s và 6s Plus khi doanh số iPhone lần đầu tiên suy giảm kể từ khi ra mắt, đến lượt iPhone 7 và 7 Plus lại nhận được nụ cười của số phận khi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 của Samsung có thể... nổ như bom bất cứ lúc nào. Thậm chí, ngay trong ngày ra mắt của iPhone 7 và 7 Plus, Samsung còn đánh cắp được một ít "hào quang" khi một người đàn ông kém may mắn tại Florida bất lực chứng kiến chiếc xe Jeep Cherokee của mình phát nổ vì sạc Note 7 bên trong.
Số phận đã luôn ưu ái cho chiếc iPhone theo cách như vậy. Bằng những cú sảy chân của đối thủ, iPhone đã luôn giữ vững được vị trí là mẫu smartphone số 1 của phân khúc đầu bảng. Nhưng trong năm nay, kể cả với thảm họa của Galaxy Note 7, Apple vẫn sẽ phải đứng trước một thử thách chưa từng có khi thị trường smartphone toàn cầu đã bão hòa và người dân Trung Quốc đang ngày một hững hờ với sản phẩm Táo. Liệu chiếc iPhone của chúng ta có tiếp tục gặp may trong tương lai? Hãy chờ xem.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng