Văn hóa Chó sói - Động lực đưa Huawei vươn ra toàn cầu và cái giá phải trả là rắc rối hiện tại
Trong khi thúc ép nhân viên Huawei làm mọi việc có thể để mang lại lợi ích cho công ty, văn hóa chó sói này đã khiến đội ngũ lãnh đạo và nhân viên vượt qua các ranh giới pháp luật, và đẩy họ vào rắc rối hiện nay.
Khi người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei bắt đầu mở rộng ra toàn cầu, để cung cấp các thiết bị viễn thông đến cả những nơi xa xôi nhất của hành tinh, văn hóa công ty thôi thúc các nhân viên bằng cách chào mừng các thương vụ kinh doanh mới như những chiến công hiển hách.
Động đất, tấn công khủng bố hay cả mức oxy thấp của đỉnh Everest cũng không thể cản bước đi của họ. Giờ làm việc gần như vắt kiệt sức lực họ. Theo những nhân viên được New York Times phỏng vấn, họ được khuyến khích bỏ qua một số luật lệ nhất định của công ty, miễn là điều đó giúp làm giàu cho công ty chứ không chỉ dành riêng cho cá nhân nhân viên.
Nhân viên trong công ty và những người biết về nó thậm chí còn đặt cho nó một cái tên để nói lên tinh thần này: "văn hóa chó sói" (wolf culture). Trong khi văn hóa công ty mạnh mẽ này đã giúp họ có được bước phát triển thần tốc, nó bắt đầu mang lại hậu quả cho chính công ty.
Từ văn hóa khuyến khích cống hiến
Huawei được thành lập vào cuối những năm 1980, trong những năm đầu tiên của quá trình đổi mới ở Trung Quốc. Ông Nhậm Chính Phi là một kỹ sư với gần một thập kỷ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Trung Quốc PLA trước khi thành lập nên công ty. Điều đó giải thích tại sao các giá trị quân đội – bền bỉ, cống hiến, vận động – đã thấm đẫm trong văn hóa công ty.
Trong những năm đầu tiên của mình, hàng đoàn nhân viên kinh doanh Huawei vươn ra khắp Trung Quốc trong những chiếc xe thể thao để bán lẻ từng chiếc switch điện thoại (bộ chuyển mạch) cho các bưu điện. Thậm chí nhân viên còn được phát đệm để họ có thể chợp mắt khi làm việc muộn vào ban đêm.
Những quyển sách truyền cảm hứng của công ty đầy câu chuyện về những nhân viên tận tụy, trải qua các thử thách khắc nghiệt về thể chất. Họ duy trì hoạt động cho các dịch vụ viễn thông, bất chấp một cuộc tấn công khủng bố ở Mumbai hay một trận động đất tại Algeria. Họ đương đầu với cái lạnh tê dại và không ngủ nhiều ngày để cung cấp sóng di động cho những người leo núi trên đỉnh Everest.
Theo 3 nhân viên ẩn danh do NYT phỏng vấn, ngay cả bây giờ, thời gian làm việc dài vẫn là một đặc trưng của Huawei, cho dù các giường gấp ở công ty dành cho những người chợp cần chợp mắt buổi trưa hơn là ngủ xuyên đêm trên văn phòng.
Các nhân viên mới của Huawei đều phải tham gia một khóa huấn luyện theo kiểu doanh trại quân đội, khi phải tập chạy buổi sáng và nghe giảng về văn hóa công ty. Họ còn phải sáng tác và trình diễn các bài thơ trào phúng để minh họa cho việc mình sẽ kiên trì phục vụ khách hàng trong những điều kiện khó khăn như thế nào, ví dụ các vùng chiến sự.
Trong phòng thí nghiệm nghiên cứu tại trụ sở Huawei ở Thâm Quyến, một đoạn thư pháp trên tường viết: "Hy sinh là sự nghiệp cao cả nhất của người lính. Chiến thắng là đóng góp vĩ đại nhất của anh ta."
Môi trường làm việc căng thẳng này không phải là điều đáng ngưỡng mộ tại Trung Quốc. Người dùng internet đã nổi giận với Huawei sau khi một nhân viên 25 tuổi của họ chết vì viêm não vào năm 2006. Một loạt vụ tự tử của nhân viên Huawei càng làm giới truyền thông Trung Quốc thêm phẫn nộ.
Đến những nhân viên dám vượt qua ranh giới
Đối với các nhân viên tại Huawei, có những "ranh giới đỏ" không thể vượt qua trong bất kỳ trường hợp nào. Những ranh giới đó bao gồm: tiết lộ bí mật công ty, vi phạm pháp luật và phong tục.
Nhưng theo những nhân viên Huawei mà NYT phỏng vấn, với cách nói của công ty, còn có các "ranh giới vàng" khác đối với nhân viên. Họ cho biết, họ được khuyến khích bỏ qua một số quy tắc nội bộ nhất định, ví dụ lệnh cấm sử dụng quà tặng hoặc các ưu đãi khác để giành được khách hàng, nếu điều này mang lại lợi ích cho công ty.
Đối với một số người ở Huawei, những ranh giới này đều khi bị mờ đi khi công ty tăng trưởng nhanh chóng trên toàn cầu.
Năm 2002, chính phủ Iraq đã đệ trình lên Liên Hiệp Quốc bản tuyên bố dài 12.000 trang về chương trình vũ khí của mình và Huawei là một trong hàng chục công ty nước ngoài phá vỡ lệnh phong tỏa và bán công nghệ cho chính quyền ông Saddam Hussein. Công ty phủ nhận việc này khi cho biết mặc dù đã tham gia đấu thầu hai dự án viễn thông tại đây vào năm 1999 nhưng đã rút lui vì các lý do thương mại.
Một ví dụ khác đến vào năm 2003, khi Huawei bị Cisco Systems, nhà sản xuất thiết bị mạng máy tính của Mỹ, khởi kiện vì cáo buộc sao chép phần mềm của mình và thậm chí cả ngôn ngữ trong hướng dẫn sử dụng của mình. Cả hai bên sau đó đã dàn xếp tại tòa.
Một thập kỷ sau, T-Mobile cho biết các nhân viên Huawei đã chụp ảnh và ăn trộm một phần của robot kiểm tra smartphone có tên Tappy để giúp Huawei sản xuất robot của riêng mình. Huawei thừa nhận vi phạm và cho biết các nhân viên này đã bị sa thải. Một bồi thẩm đoàn sau đó đã bồi hoàn cho T-Mobile 4,8 triệu USD tiền thiệt hại.
Các cáo buộc về những loại hành vi sai trái khác còn theo bước Huawei khi mở rộng sang châu Phi. Ở Ghana vào năm 2012, một nhóm chống tham nhũng cho biết, công ty đã tài trợ cho chiến dịch tranh cử của đảng cầm quyền để đổi lại việc giảm thuế. Năm đó, một giám đốc của Huawei cũng thành công ở Algeria khi hối lộ một quan chức trong hãng viễn thông nhà nước tại quốc gia này.
Ông Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi), nhà sáng lập của Huawei.
Vào thời điểm đó, Huawei không bình luận về cáo buộc tại Ghana. Và sau phán quyết của tòa án Algeria, công ty cho biết họ đã nghiêm túc xem xét quyết định này và đang đánh giá lại hậu quả.
Trong thông điệp Mừng Năm mới 2013, ông Guo Ping, giám đốc điều hành Huawei tại thời điểm đó, thừa nhận rằng việc tăng trưởng quá nhanh đã tạo ra nhiều vấn đề và rủi ro.
"Không lâu trước đây, tăng trưởng tốc độ cao là ưu tiên của Huawei." Ông Guo cho biết. "Điều này giúp Huawei trưởng thành nhanh chóng, nhưng nó cũng làm đội ngũ quản lý của Huawei trở nên cẩu thả. Giờ đây, chúng ta phải kiểm soát động lực mở rộng, và ghìm giữ các nhà quản lý chủ chốt, những người đã tự trở nên quá mỏng manh."
Trong năm 2015, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty, ông Ren Zhengfei cho biết, nhờ một phần chương trình ân xá của công ty, hàng ngàn nhân viên thừa nhận hàng loạt hành vi vi phạm, từ giả mạo báo cáo thông tin tài chính cho đến hối lộ, mua chuộc.
Và hậu quả của ngày nay
Khó có thể biết chính xác văn hóa doanh nghiệp của Huawei có tác động như thế nào để đưa họ đến các thỏa thuận với Iran. Nhưng với sức ép luôn tiến về phía trước để mở rộng khả năng cung cấp thiết bị viễn thông của công ty ra toàn cầu – điều mang đến tăng trưởng thần tốc trước đây của công ty – dường như đang làm họ bị giám sát chặt chẽ.
Bà Mạnh Vãn Chu, CFO của Huawei được tại ngoại nhưng bị quản thúc tại gia do các cáo buộc có liên quan đến giao dịch tại Iran.
Huawei tiến vào thị trường Iran năm 1999. Trong một thập kỷ sau đó, đại sứ quán Trung Quốc ở Tehran tuyên bố rằng 130 thành phố ở quốc gia này đã được kết nối bằng hệ thống mạng cáp quang của Huawei.
Không lâu sau đó, Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống lại Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Năm 2011, Huawei cho biết họ không ký tiếp các hợp động mới ở quốc gia này, do liên quan đến tình hình "phức tạp" tại đây. Họ cũng cho biết sẽ giới hạn việc kinh doanh chỉ ở các khách hàng hiện tại.
Tuy nhiên những lời buộc tội chống lại bà Mạnh Vãn Chu lại bắt nguồn từ các sự kiện liên quan đến hoạt động của công ty này với Iran vào năm 2013.
Trong buổi điều trần bảo lãnh cho bà Mạnh, một bản khai được công bố cho thấy, Huawei đã sử dụng một công ty có tên Skycom để làm bình phong cho hoạt động kinh doanh tại Iran. Phía Mỹ cũng công bố hồ sơ cho thấy bà Mạnh đã che giấu liên kết giữa Skycom và Huawei để HSBC và các ngân hàng khác không phát hiện ra việc Huawei vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt vào Iran.
Vì vậy, HSBC và một chi nhánh của họ tại Mỹ đã tiến hành thanh toán cho hơn 100 triệu USD số tiền giao dịch giữa Skycom và Iran vào năm 2014.
Hậu quả của các giao dịch này đã dẫn tới việc bắt giữ bà Mạnh thời gian qua và làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ - Trung khi hai nước này đang trong giai đoạn làm dịu đi các căng thẳng xung quanh xung đột thương mại.
Tham khảo New York Times
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng