Ghé một quán trà dưới chân tòa building chả có gì độc mấy chiếc ghế nhựa và thùng xốp, dân văn phòng quần áo chỉnh tề chẳng nề hà ngồi uống trà đá đơn giản lắm. Cứ thế, vài ly trà, dăm ba câu chuyện đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu đối với họ.
"Dạo này bạn có hay đi trà đá Hồ Gươm?". À không nhất thiết ở phố cổ, khắp các ngõ ngách tại Hà Nội, vài 3 chiếc ghế nhựa hay thậm chí chỉ là vài cục gạch lót báo, thêm miếng xốp là có thể làm nên một góc trà đá thân quen. Người Hà Nội đó, vốn cầu kỳ trong khoản ẩm thực nhưng chả hiểu sao với trà đá, họ lại rất thoải mái. Cũng chẳng ai biết trà đá vỉa hè có từ bao giờ?, nguồn gốc ở đâu?,...nhưng có một điều chắc chắn rằng, thức uống lề đường này dường như đã trở thành một nét văn hóa của người dân Hà Thành.
Nếu để ý xung quanh bạn sẽ nhận ra một điều, dân công sở dù lắm khi ngập đầu trong họp hành, công việc nhưng chỉ cần có phút giây giải lao lại gọi nhau ý ới: "Trà đá vỉa hè thôi anh em ơi!". Và lúc này bỏ lại đằng sau một Hà Nội vội vã, nhịp sống bỗng chốc chậm lại. Họ tám dóc với nhau đủ thứ chuyện trên đời, kể nhau nghe nhiều điều hay ho trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ 15 đến 30 phút.
Dân công sở ngồi tán gẫu bên những ly trà đá.
Hà Nội giờ hiện đại lắm rồi, nhưng mà "Chủ quán ơi, cho tôi xin 1 ly trà đá"
Đúng tầm trưa, dân công sở lại "lũ lượt" từ khắp các tòa nhà văn phòng xuống hàng quán vỉa hè dùng bữa. Cả một dọc đường lại được dịp huyên náo, ồn ào khi người này người kia rôm rả bàn tính "Trưa nay ăn gì". Giờ nghỉ giải lao chỉ tầm 1 - 2 tiếng nhưng điều này không làm dân công sở mất đi những thú vui vốn có. Một trong số đó sở thích lân la trà đá, ngồi vỉa hè cắn hướng dương, ăn bánh trái hoặc hút điếu cày. Những lúc như này, họ bàn công việc thì ít mà tám chuyện thì nhiều, cốt yếu để tìm kiếm sự thoải mái và an nhiên. Thế mới nói, cứ uống thôi vì Hà Nội... không vội được đâu!
Hà Nội giờ hiện đại lắm rồi nhưng nhóm nhân viên văn phòng vẫn cứ thích tụm 5 tụm 7 đi uống trà đá. Đủ sự lựa chọn khi các hàng quán cafe mọc lên như nấm nhưng ly trà đá vẫn thừa sức chứng minh "sức sống trường tồn" của nó. Dân văn phòng vẫn thường thủ thỉ rằng trà đá tuy không ngon, với nhiều người thức uống này còn thực sự khó uống. Nhưng mà không sao, đưa lên miệng uống 1 ngụm, cái chát đắng nhanh chóng tan biến hết nhường chỗ cho sự thanh mát. Uống nhiều rồi thành quen, quen rồi thành nét văn hóa từ lúc nào không hay mà chẳng buổi ăn trưa nào thiếu.
Chỉ cần vài cái ghế nhựa thêm cốc trà đá là thành quán rồi.
Ăn trưa xong, dân công sở lại rủ nhau nhâm nhi trà đá.
Ghé một quán trà đá, không menu cũng chẳng có nhân viên phục vụ. Chỉ độc mỗi cô bán hàng cùng "gánh gia tài" gồm mấy chiếc ghế nhựa và thùng xốp. "Cô ơi, cho tôi xin 1 ly trà đá!". Và chưa đầy một phút, ly trà thanh mát có mấy viên đá nhỏ bên trong được đưa tận tay người uống.
"Bọn mình uống trà đá quen rồi! Cứ hễ ăn xong bữa trưa lại kéo nhau xuống ngồi trà đá "chém gió". Nói là quán cũng không đúng đâu, vì cứ ngồi lên ghế nhựa nhâm nhi cốc trà thôi chứ chẳng hàng quán như những thức uống khác. Ngồi đến khoảng 2h chiều, anh em lại lên văn phòng làm việc", chị Linh (25 tuổi) chia sẻ.
Có hướng dương, bánh rán,... ăn kèm nếu thích.
Một nét đặc biệt của những quán trà đá "cộp mác" dành cho dân văn phòng là chúng thường rất "linh hoạt". Quán thường rất "chảnh", bắt đầu bán từ 11h rưỡi đến khoảng 1, 2h chiều là dọn dẹp ra về. Một số rất ít quán có “trụ sở” hẳn hỏi cũng chỉ đến tầm 5h chiều. "Cô thường mở bán từ trưa đến 1h chiều, khách người ta cũng ngồi tí rồi ra về. Ngày nào cô cũng gặp dân công sở uống trà, ăn hướng dương hoặc mua thêm xoài, cóc ngồi nhâm nhi", cô bán trà đá trên đường Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) tâm sự.
Dân văn phòng ăn mặc chỉnh tề, son phấn trải chuốt đầy đủ mỗi khi đi làm. Đến giờ giải lao trà đá vẫn cứ bộ dạng đó ngồi ghế nhựa thành hàng. Không ai sợ mất hình ảnh, cũng chẳng ai để tâm mình là ai mỗi khi uống trà. Bởi lẽ vì ly trà đá nó được sinh thành đơn giản lắm nên người uống cũng chẳng cầu kỳ gì.
Đôi khi chỉ là gạch lót giấy báo thôi cũng thành quán rồi.
Cứ trưa đến cả dãy phố lại nhộn nhịp khi dân công sở kéo nhau đi uống trà đá.
"Nhìn ăn mặc "sang chảnh" đồng phục áo trắng quần đen thế này thôi nhưng ngồi trà đá chẳng nề hà gì đâu. Lúc này ai cũng như ai, uống trà đá thảnh thơi sau giờ làm sáng là một cách giảm stress rất hay", anh Hùng (27 tuổi) cho hay.
Hà Nội dạo này thời tiết ẩm ương, bữa mưa bữa nắng nhưng "nắng mưa là chuyện của trời", anh em công sở vẫn gọi nhau ý ới đi trà đá. Có cô chủ quán biết ông trời hay "dở chứng" nên chuẩn bị sẵn mấy cái bạt, mưa thì căng bạt lên, khách vẫn ngồi uống trà tán gẫu như thường. Giữa phố xá người qua kẻ lại, cả dàn dân văn phòng vẫn thường ồn ào, huyên náo làm lên những buổi trưa chiều thật đặc trưng của Hà Nội. Có lẽ chỉ có ở những tòa building cao tầng mới sinh ra những buổi giải lao thảnh thơi rộn rã như thế.
Quần áo chỉnh tề thế thôi nhưng chẳng ai nề hà khi ngồi trà đá tám chuyện.
Dẹp mọi công việc bộn bề sang một góc, anh em cùng tám chuyện bên ly trà đá
Chẳng ai gọi một cốc trà đá chỉ để uống hết một ngụm rồi đánh xe đi. Bên ly trà đá, người ta kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện. Riêng với dân văn phòng, ngồi trà đá sau bữa trưa có 2 loại. Một là tranh thủ bàn công việc với đối tác, xấp tài liệu giấy tờ rồi máy tính bảng trên tay, ly trà đưa lời giúp công việc nhiều khi cũng "trôi chảy" hơn. Nhưng số người trong nhóm này không nhiều, chỉ là họ đang tranh thủ nghĩ ngợi ở một không gian khác không phải góc làm việc mà thôi.
Với ly trà đá chỉ 3.000 đồng, người ta có được nhiều thứ hơn ngoài vài ba câu chuyện trò. Phút giây ngồi tụ bàn quanh những cốc trà, dân văn phòng như muốn quên hết mọi áp lực bộn bề của cuộc sống. Quán trà tuy nhỏ, đơn sơ giản dị nhưng có lẽ quán nào quán ấy như đều gánh đủ hỉ nộ, ái ố của bao nhiêu con người.
Ly trà đá 3k nhưng nó đong đầy nhiều câu chuyện.
"Cứ 2 ngày 1 lần nhóm anh lại rủ nhau ngồi trà đá bữa trưa. Mỗi lần như này cũng chỉ ngồi tầm 10 - 15 phút, nhiều nhất là 30 phút nhưng rất vui. Mọi người không bàn chuyện công việc gì nhiều, tán gẫu là chính đỡ căng thẳng sau giờ làm", anh Đức Duẩn (30 tuổi) tâm sự.
Với trà đá, người ta sẽ thấy nhịp sống bỗng chốc chậm lại, dù chỉ là chút ít. Không xô bồ hối hả quá, trà đá dành cho những người biết thưởng thức. Từ từ cái vị chát chát đầu lưỡi sẽ hòa tan nhẹ nhàng khiến người uống cảm thấy cổ họng thanh mát. Một cốc rồi 2, 3 cốc, người ta sẽ gọi uống đến khi nào kể hết câu chuyện thì thôi. Riêng chị em phụ nữ dân văn phòng, đây là lúc hỏi ý kiến nhau tối nay ăn gì, cuối tuần mua quần áo ở đâu hay mua quà gì tặng mẹ chồng. Bao nhiêu chuyện từ vụn vặt đến "quốc gia đại sự" như thế đều được đưa ra bàn tán sôi nổi bên bàn trà đá.
"Chị em uống trà đá giải khát là phụ mà tâm sự mới là chính. Tiếng cười giòn giã lắm những khi kể đúng chuyện của nhau, khi người này "gia sư" đúng chuyện cho người kia. Cứ dần dà sống chậm lại tí, 2h chiều rồi hãy lên văn phòng làm việc sau", chị Mỹ Hoa (28 tuổi) kể.
Ra trà đá chủ yếu là "chém gió" đôi ba câu chuyện để thấy nhiều khi cuộc sống vồn vã khiến mình sống hơi nhanh, hơi gấp, hơi vội. Dân công sở hàng ngày "gánh" trên vai nhiều áp lực, nào deadline công việc, nào tiền lương,... nhưng lắm khi giây phút bên trà đá họ cười nhiều lắm. Dường như khi đó, chỉ có anh em và cốc trà thôi, những chuyện ồn ào khác không đáng để bận tâm.
Bỏ lại phố thị huyên náo, dân công sở kể cho nhau nghe bao chuyện buồn vui.
Giữa chốn phồn hoa đô thị nơi mà nhiều thú vui khác du nhập vào thì trà đá vỉa hè vẫn là một thứ gì đó tao nhã, bình dị đến mức thân quen. Với dân văn phòng, nó là một thói quen đến mức đã trở thành văn hóa. Nếu bữa nay không đi trà đá có gì đó thiếu thiếu, nên là cứ tầm 12h trưa, nhiều người lại rủ nhau: "Này anh em dừng công việc tí đi, mình đi uống trà đá chứ?", hoặc lắm khi cũng đơn giản: "Anh em ơi, trà đá thôi!". Thế là cả nhóm lại kéo nhau xuống chân tòa nhà nhâm nhi trà đá, cắn hạt hướng dương và để bao chuyện cả vui lẫn buồn đi theo ngụm nước.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng