Ngọc Linh cần một khoản tiền để lo việc cá nhân song không thể vay ngân hàng vì vướng nợ xấu. Linh sau đó lên Facebook tìm kiếm, thấy một quảng cáo chuyên cho vay tiền online.
Cô gái bị lừa 4 lần trong 2 ngày
Linh, 25 tuổi, ở TP Tuyên Quang, liên hệ với người cho vay tiền qua Zalo. Người cho vay giới thiệu tên Hải, chức vụ là “Thẩm định phê duyệt”, làm việc ở một ngân hàng lớn.
Hôm 14/3, Hải yêu cầu Linh gửi số điện thoại, chụp ảnh căn cước công dân và sổ hộ khẩu để làm thủ tục vay vốn. Sau khi kiểm tra, Hải báo khoản vay được duyệt là 50 triệu đồng.
“Giờ thống nhất em vay 50 triệu, trả trong 24 tháng, mỗi tháng 2.483.000 đồng”, Hải nhắn và yêu cầu Linh đóng 1.500.000 đồng tiền phí vay dành cho người có nợ xấu.
Tin tưởng, Linh gửi cho Hải 1.500.000 đồng qua ngân hàng, tên người thụ hưởng là Le Van Tu, với hy vọng sớm nhận được khoản vay 50 triệu.
Hải sau đó gửi cho Linh một hợp đồng tín dụng, ghi rõ số tiền, thời hạn, mục đích vay và điều kiện giải ngân. Theo hợp đồng, điều kiện giải ngân là “bên vay phải mua bảo hiểm 4.250.000 đồng”. Số tiền bảo hiểm này sẽ được trả lại cùng với số tiền vay 50 triệu.
Hải mạo danh người của ngân hàng, gửi hợp đồng tín dụng và tin nhắn xác nhận khoản vay.
Linh lúc này bắt đầu hoang mang vì không có tiền để mua bảo hiểm. “Tôi nói anh Hải trừ vào tiền giải ngân nhưng anh ta không đồng ý. Anh ta hứa sẽ chuyển lại khoản tiền này nên tôi đi vay mỗi người một ít, chuyển cho Hải 4.250.000 đồng”, Linh nói.
Sau đó, Linh nhận được một tin nhắn chứa mã OTP và cuộc gọi từ “bên ngân hàng”, kiểm tra thông tin cá nhân xem có khớp hay không. “Bên ngân hàng” nói Linh đang có khoản nợ xấu 5.900.000 đồng, chỉ cần Linh chuyển 5.100.000 đồng thì sẽ hỗ trợ xóa nợ xấu, thuận tiện cho việc giải ngân.
Linh tiếp tục gửi 5.100.000 đồng đến số tài khoản có tên Le Van Tu. Song cô vẫn chưa được giải ngân. “Phía ngân hàng” tiếp tục gửi đến một tin nhắn, yêu cầu “bắt buộc phải thanh toán trước 2 tháng đầu, số tiền 4.966.000 đồng. Thanh toán xong sẽ được giải ngân sau 20 phút”.
“Hải nói khoản tiền này để đảm bảo mình đủ khả năng chi trả. Hai tháng sau khi giải ngân mới phải đóng tiếp. Anh ta chắc chắn đóng nốt lần này là xong, không thêm khoản nào nữa. Nếu không được giải ngân, anh ta hứa danh dự sẽ hoàn trả tất cả”, Linh kể.
Cô gái quê Tuyên Quang tiếp tục gửi cho Hải 4.966.000 đồng. Nhưng sau khi chuyển, cô gọi điện Hải không nghe, nhắn tin không trả lời. Linh tỏ sự bức xúc, đe dọa báo công an thì hắn gửi cho 2 clip có nội dung đồi trụy. Đến nay, hắn đã khóa tài khoản, Linh mất gần 16 triệu sau 4 lần bị lừa.
Hải sau khi nhận tiền không trả lời tin nhắn, gửi cho Linh clip đồi trụy rồi khóa tài khoản.
Mất 400 triệu vì vay 40 triệu qua mạng
Công an tỉnh Long An hôm 13/3 thông tin về vụ một phụ nữ tên N. (ở xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) vay tiền online và bị lừa 400 triệu đồng.
Theo điều tra, các đối tượng lừa đảo đăng trên mạng xã hội những tin bài cho vay tiền không cần thế chấp, kèm một đường link. Chị N. truy cập vào đường link này và để lại số điện thoại liên lạc. Sau đó, một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng thẩm định hồ sơ của công ty hỗ trợ vay vốn TNHH ECB tư vấn, hướng dẫn làm hồ sơ vay số tiền 40 triệu đồng
Sau khi hồ sơ được duyệt, người này yêu cầu chị N. cung cấp số tài khoản cá nhân và bắt chị ứng trước 10% số tiền vay (4 triệu đồng) vào tài khoản của công ty. Theo hứa hẹn, khi giải ngân, số tiền trên sẽ được chuyển trả cùng với số tiền được vay.
Khi chị N. yêu cầu được giải ngân, “nhân viên thẩm định hồ sơ” nêu các lý do như: cung cấp sai thông tin tài khoản, sai số ID; nhắn tin chuyển khoản sai cú pháp; chuyển tiền nhầm số tài khoản được quy định giao dịch trong ngày; tài khoản đóng băng; nâng cao độ tin cậy đối với tài khoản của khách hàng và thất lạc hồ sơ, để yêu cầu chị N. chuyển khoản trước số tiền lần lượt là 20 triệu đồng, 40 triệu đồng, 79 triệu đồng, 129 triệu đồng. Sau khi chị N. chuyển tiền, kẻ lừa đảo cắt đứt mọi liên lạc.
Đến ngày 3/3, chị N. đã chuyển hơn 400 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo.
Người dân đến cơ quan công an trình báo sau khi bị lừa vay online. Ảnh: Công an TP Hà Nội.
Cùng thủ đoạn này, anh H. (29 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng bị lừa 65 triệu đồng. Thông tin từ Công an quận Hà Đông cho biết, ngày 11/3, Công an quận này tiếp nhận đơn trình báo của anh H. về việc có đăng ký vay online 30 triệu đồng.
Khi làm hết thủ tục, anh H. được một người yêu cầu chuyển tiền đóng phí bảo lãnh ngân hàng mới được giải ngân khoản vay. Sau đó, anh H. đã chuyển khoảng 65 triệu vào tài khoản do người này cung cấp nhưng không nhận được khoản vay.
Họ yêu cầu anh tiếp tục chuyển 50 triệu đồng, với lý do đăng ký sai tài khoản rút tiền. Lúc này anh H. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo. Hiện Công an quận Hà Đông đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo trên.
Vạch trần “bẫy” lừa đảo
Liên quan hành vi này, Công an TP Hà Nội cho biết những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng xã hội.
Để không mắc bẫy lừa đảo, người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ, đặc biệt là các đầu số nước ngoài. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng mục đích gì. Không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ, không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.
Ngoài ra, người dân không nên thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể cả của người thân, bạn bè. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác, không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” thì không được sử dụng số tiền ấy, chỉ liên lạc với ngân hàng để giải quyết.
Xử lý thế nào nếu bị lừa?
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, cho biết các thủ đoạn lừa đảo như trên đã xuất hiện vài năm trở lại đây. Dù đã có những cảnh báo thế nhưng đến nay vẫn không ít người lâm cảnh tiền mất tật mang.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch.
Sau đó, nạn nhân lập tức trình báo với cơ quan công an xã/phường/thị trấn hoặc quận/huyện nơi gần nhất để điều tra, xác minh, làm rõ và bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đồng thời, nạn nhân có thể đề nghị ngân hàng, tổ chức tài chính phối hợp với cơ quan công an để điều tra, xác minh, giúp nạn nhân nhanh chóng thu hồi số tiền bị chiếm đoạt.
Để phòng trường hợp bị lừa, người dân cần chọn lọc thông tin về các khoản vay từ kênh chính thống. Thông thường, các trang web chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn). Còn các trang web đăng ký giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top), (.cc), (.com-xxx)… đều là giả mạo.
Khi có nhu cầu vay, người dân nên liên hệ chi nhánh ngân hàng gần nhất nơi mình cư trú để làm thủ tục vay, tuyệt đối không làm việc với người tự xưng là nhân viên ngân hàng thông qua Facebook, Zalo hay website.
Khi được chào mời dịch vụ vay tiền online, bạn nên kiểm tra, xác minh kỹ các website, ứng dụng (app) trong các tin nhắn mà người dùng nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu, tin nhắn từ các đầu số ngắn; tuyệt đối không truy cập vào các website, ứng dụng có nguồn gốc và nội dung không rõ ràng.
*Tên nạn nhân đã thay đổi
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng