Vì sao bị từ chối lại gây ra đau đớn và những cách để vượt qua cảm giác đó

    Long.J,  

    Sự từ chối có thể gây đau đớn về cả thể chất lẫn tinh thần. Hầu hết chúng ta phải đối mặt với nó hàng ngày, từ công việc cho tới tình cảm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua những cảm giác không mấy dễ chịu từ việc bị từ chối.

    Trong một bài viết gần đây được gửi cho TED, nhà tâm lý học Guy Winch - tác giả của cuốn sách "Emotional First Aid" (Sơ cứu những vết thương tinh thần), đã vạch ra những lý do tại sao chúng ta lại cảm thấy tồi tệ khi bị từ chối và nên làm gì để cảm thấy tốt hơn.

    Bị từ chối tương đương với tổn thương thể chất

    Theo một nghiên cứu về tâm lý học gần đây cho thấy, bị từ chối và tổn thương thể chất có biểu hiện tương tự nhau trong não.

    Các nhà nghiên cứu cho biết, cùng một khu vực trong não bộ sáng lên khi phân tích bằng máy MRI (chụp cắt lớp) mỗi khi chúng ta trải qua cảm giác bị từ chối hoặc nỗi đau thể xác.

    Đó là lý do vì sao mỗi khi bị khước từ, bạn lại cảm thấy như vừa bị đấm vào bụng, thậm chí là dao đâm. Điều đó hoàn toàn đúng theo nghĩa đen vì tổn thương tinh thần hay thể chất đều tác động đến bộ phận giống nhau trong não bộ.

    Từ thời nguyên thủy, con người đã sợ cảm giác bị từ chối

    Theo thuyết tâm lý học tiến hóa, con người ở thời săn bắt hái lượm gần như không thể tồn tại một mình, khi một cá nhân bị tẩy chay khỏi bộ tộc thì việc đó tương tự với một bản án tử hình. Do đó, cơ thể chúng ta tự phát triển một cơ chế cảnh báo, thấy sợ hãi khi phải đối mặt với việc bị "đá ra ngoài".

    Cơ chế này dường như không mất đi trong quá trình tiến hóa của con người. Những người thường xuyên bị từ chối một cách "đau đớn" có nhiều khả năng sẽ thay đổi hành vi của họ và giữ được vị trí trong tập thể.

    Đau đớn nhất là tự chối từ bản thân

    Thật không may, bị từ chối bởi người khác không gây đau đớn bằng tự chối từ bản thân.

    Sau khi thường xuyên bị từ chối, nhiều người có xu hướng tự "tàn phá" bản thân, tự gây đau đớn. Thay vì mang những cảm giác đó thổ lộ ra bên ngoài, chúng ta giấu kín sự thất vọng và giận giữ.

    Winch cho biết, dù tự nhận thức được việc đó rất tồi tệ nhưng chúng ta dường như không thể dừng lại. Tuy nhiên, mặt tốt của việc này chính là bản thân tự tạo ra được động lực để thoát ra khỏi vòng xoáy đó. Cơ bản, bạn cần phải có sự nỗ lực.

    Làm thế nào để “đối phó” với những nỗi đau này?

    Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cảm giác đau khổ khi bị từ chối có thể được điều trị bằng... thuốc giảm đau, giống như những nỗi đau về thể xác. Vào năm 2010, đã có những thông tin cho rằng thuốc giảm đau có thể giúp con người hàn gắn vết thương lòng.

    Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa cho một nửa số tình nguyện viên loại thuốc giảm đau mang tên Tylenol và nửa còn lại là thuốc bổ bình thường. Các ứng viên được yêu cầu uống liên tục mỗi ngày trong vòng 3 tuần. Kết quả thu được cho thấy trên những người dùng Tylenol, mọi hoạt động của não liên quan đến nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần đều đã suy giảm, trong khi những tình nguyện viên dùng thuốc bổ thì không.

    Thuốc giảm đau có thể giúp vượt qua nỗi đau khi bị từ chối. Tuy nhiên, để chữa trị những nỗi đau tinh thần thì việc dùng thuốc không phải là những lời khuyên tối ưu nhất mà đôi khi lạm dụng lại gây hậu quả khôn lường.

    Có rất nhiều tài liệu viết về việc làm thế nào để đối mặt và vượt qua những lời từ chối có tính chất quan trọng, như trong chuyện tình cảm hay công việc. Trong đó có một vài chiến lược được các chuyên gia đưa ra như sau:

    - Biết rõ khả năng của mình trong mọi lĩnh vực: Dù bạn có thất bại trong việc có được một công việc mà tỉ lệ cạnh tranh là rất lớn cũng không được phép thất vọng đến nỗi để chuyện đó làm nản lòng.

    - Bị từ chối không phải lúc nào cũng là lỗi của bạn: Đôi khi bạn bị từ chối vì những lý do khách quan như do hoàn cảnh và nhiều yếu tố khác. Không nên để việc bị từ chối ám ảnh bản thân, từ đó thiếu tự tin trong những lần tiếp theo.

    Bị từ chối cũng không phải điều gì quá tệ: Dù đem lại những cảm xúc tiêu cực, nhưng việc bị từ chối đôi khi cũng không phải là một chuyện gì đó quá tồi tệ. Theo một nghiên cứu của giáo sư tại ĐH John Hopkins (Mỹ), việc bị từ chối có thể kích thích những khả năng tiềm ẩn và truyền cảm hứng cho những tư duy sáng tạo.

    Trong tình yêu, bị từ chối một vài lần cũng không phải là một chuyện gì quá nghiêm trọng. Trước khi cảm thấy xấu hổ hay tự ti về bản thân, bạn cần suy nghĩ lại liệu người đó có xứng đáng để đón nhận tình cảm của mình không, hay những tính cách của người đó có phù hợp với mình hay không.

    Như người ta vẫn thường nói, một cánh cửa đóng lại cũng là lúc một cánh cửa khác được mở ra. Không nên để việc bị từ chối ngày hôm nay làm nản chí, để có thể thoải mái, tự tin hướng tới những điều tốt đẹp vào ngày mai.

    Theo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày