"Vì sao bỏ thung lũng Silicon về Việt Nam khởi nghiệp?" Câu trả lời của chàng Việt Kiều Mỹ khiến ai nấy đều bất ngờ
Nhìn bất cứ đâu ở Việt Nam thời điểm này tôi cũng thấy toàn cần cẩu – loại cần cẩu xây dựng. Nếu như một vài người nhìn vào đó và chỉ thấy sự xấu xí của những thiết bị xây dựng thì tôi lại nhận ra một khía cạnh khác: Những tòa nhà được xây dựng ở đó đang hướng thẳng lên bầu trời – tượng trưng cho tham vọng vươn mình và tiềm năng cực kỳ to lớn của Việt Nam.
Justin Nguyen là một doanh nhân, nhà đầu tư và kỹ sư – người đóng vai trò thiết yếu trong 4 startup có trụ sở tại thung lũng Silicon, Thượng Hải và Việt Nam. Gần đây, anh mói thành lập một công ty game hướng tới phục vụ chủ yếu người châu Á mang tên Aspect Gaming. Justin học chuyên ngành kỹ sư máy tính tại Đại học Californa Polytechnic State ở San Luis Obispo nhưng hiện tại anh đang quay lại Việt Nam để khởi nghiệp. Và trong một bài viết trên trang Techinasia, Justin đã có dịp chia sẻ về quyết định khá bất ngờ, thậm chí "ngược đời" này.
Vâng, chào mừng các bạn đến với Việt Nam – cũng chính là nơi tôi sinh ra - vùng đất tràn ngập vẻ năng động và sức trẻ - những thứ gợi nhắc tôi về những ngày tháng sống tại thung lũng Silicon. Hiện tại tôi đã quyết định quay trở về đây, không phải vì sự ủy mị buồn phiền nhớ thương quê hương hay mong muốn tìm về vùng đất khai sinh ra mình (mặc dù thật sự tôi rất yêu mảnh đất này) mà bởi tôi tin rằng quốc gia này đang sẵn sàng trở thành trung tâm công nghệ tiếp theo của thế giới, khai sinh ra những công ty khởi nghiệp có tiềm năng to lớn trở thành công ty quốc tế trong tương lai.
Nếu chưa từng hoặc đã đến Việt Nam từ rất lâu rồi, bạn có thể ngạc nhiên về sự sôi nổi đang diễn ra trong lĩnh vực công nghệ ở đây. Những cuốn lịch được phủ kín với những buổi hội họp, sự kiện và hackathon (những sự kiện liên quan tới lĩnh vực thiết kế). Những startup mới, vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm đang mọc lên ngày một nhiều hơn mỗi ngày. Nguồn năng lượng ở đây có thể nói là đang hấp dẫn và gây mê hoặc vô cùng.
Tuy nhiên chỉ nói chuyện phiếm, "nổ" thôi không thể giúp doanh nghiệp sinh tồn. Thứ bạn cần phải là lợi nhuận. Nhìn chung thì tôi sẽ không bao giờ dám "liều" thay đổi hoàn toàn cuộc sống hiện tại, quay trở lại Việt Nam để gây dựng lại sự nghiệp từ đầu nếu như không nhìn ra được những cơ hội to lớn.
Tôi có thể khẳng định rằng Việt Nam đang sở hữu tất cả những yếu tố cần thiết cho sự bùng nổ trong lĩnh vực sáng tạo, đổi mới: Dân số trẻ, có trình độ học vấn và cộng đồng lớn những người gốc Việt quay trở lại quê hương đóng vai trò như chất xúc tác đẩy nhanh quá trình này. Và đây là những lý do để đưa ra khẳng định đó:
Hiệu ứng Việt Nam
Mặc dù là quốc gia khá nghèo với GDP bình quân đầu người chỉ 2.100 USD, Việt Nam có tỷ lệ xóa mù chữ lên tới 94,5%. Và điều quan trọng hơn là khi nói về lĩnh vực khởi nghiệp, con người Việt Nam gây ngạc nhiên bởi khả năng về toán và khoa học.
Cứ nhìn vào các cuộc thi quốc tế và bạn sẽ thấy một số lượng sinh viên Việt Nam không hề nhỏ luôn đứng trong top đầu. Ví dụ, một sinh viên Việt Nam vừa giành chiến thắng trong cuộc thi Olympic Toán học quốc tế. Thành tích này gây ấn tượng tới mức mà nhiều chuyên gia quốc tế đang phải nghiên cứu cái gọi là "hiệu ứng Việt Nam" - thứ tạo ra thành tích đáng kinh ngạc về điểm số trong các kỳ thi toán học sinh viên Việt Nam đạt được mà không ai có thể dự đoán đúng nếu chỉ dựa vào GDP.
Để trở thành một công ty công nghệ toàn cầu, yếu tố quan trọng nhất là cần hiểu về các nền văn hóa và thị trường ở phương Tây. Việt Nam – quốc gia chiếm 1/6 dân số toàn khu vực có gần 1 nửa số sinh viên đang theo học đại học và cao đẳng tại Mỹ. Trong năm 2016, Việt Nam đã có 21.403 sinh viên tới Mỹ – nhiều hơn Indonesia, Philippines và Thái Lan gộp lại.
Ngoài ra, một yếu tố khác vô cùng quan trọng khiến tôi tin tưởng hơn vào tiềm năng phát triển của Việt Nam là một cộng đồng lớn những người ở hải ngoại đang quay trở lại quê hương và thành lập nên các công ty công nghệ cao.
Cũng như tôi, quyết định của những Việt Kiều kể trên rất đơn giản là bởi vì Việt Nam đang chứa đựng rất nhiều nhân tài chất lượng cao với chi phí nhân công không quá đắt đỏ; và đây cũng là nơi rất vui vẻ, thú vị và sôi động - những nhân tố cần thiết để nuôi dưỡng, hình thành startup. Bản thân những Việt Kiều này lại có hiểu biết đa văn hóa, thông thạo cả văn hóa phương Tây và phương Đông.
Một vài người như vậy có thể kể tới như Binh Tran – Đồng sáng lập startup có trụ sở tại San Francisco là Klout đã quay lại Việt Nam và trở thành quản lý tại 500 Startups Việt Nam; Henry Nguyễn – người lớn lên tại bang Virginia cũng quay lại quê nhà và hiện trở thành quản lý tại IDG Ventures; Sonny Vu – Đồng sáng lập Misfit hiện đang trở thành Chủ tịch kiêm CTO của Fossil Group.
Bản thân chính phủ Việt Nam cũng rất đón nhận những người này với chính sách visa linh hoạt và thậm chí bỏ ngỏ khả năng họ trở thành công dân của nước nhà một lần nữa.
Ngoài ra nếu không tính những người quyết định quay trở lại hẳn quê hương để lập nghiệp thì trên phương diện kinh tế, những người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã gửi về nước tới 13,4 tỷ USD vào năm 2016 theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - so với con số tương tự chỉ 1,3 tỷ USD vào năm 2000.
Sức trẻ
Việt Nam cũng phát triển nhờ sức trẻ có trong nội tại. Theo dữ liệu năm 2010, 85% dân số quốc gia này đang trong độ tuổi 54 hoặc trẻ hơn và một nửa lượng dân số trong tuổi 30 hoặc trẻ hơn. Có rất nhiều room để phát triển cả ở nguồn lực thị trường lẫn tài năng.
Vấn đề quy mô
Việt Nam có thể có lợi thế to lớn về quy mô. Sức cạnh tranh trong khu vực để phát triển ra quốc tế có vẻ khó khăn nhưng nếu suy xét kỹ hơn sẽ thấy, quốc gia này có thể tiến lên phía trước nhờ lợi thế không quá lớn cũng không quá nhỏ.
Với dân số quanh mức 260 triệu người, Indonesia hiện là quốc gia lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Họ lớn đến mức nhiều công ty trị giá hàng tỷ USD chỉ có thể phục vụ nguyên quốc gia này do đó cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt. Nhìn chung các công ty lớn chỉ tập trung vào thị trường nội địa.
Singapore thì khác, với GDP bình quân đầu người gần 53.000 USD, được xem là "Phương tây" nhất trong số những nước Đông Nam Á. Nhưng với dân số nhỏ chỉ hơn 5 triệu người, hiển nhiên các doanh nhân tại đây luôn muốn mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, dường như vì sức ảnh hưởng của Singapore mà những công ty này có xu hướng nhắm tới khu vực nhiều hơn là mở rộng ra xa ngoài châu Á.
Tất cả những điều đó để lại cơ hội phát triển cho Việt Nam. Với trên 90 triệu người, đất nước này là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Tuy nhiên với số lượng tầng lớp trung lưu nhỏ (mặc dù đang trên đà tăng nhanh), các công ty công nghệ tại đây biết rằng họ buộc phải vươn xa hơn ra ngoài thị trường nội địa nếu muốn trở thành kỳ lân.
Nhìn chung thì tôi cho rằng mình có quyết định đúng đắn!
Cho đến thời điểm này tôi chỉ đang cảm thấy mình đã chọn lựa đúng. Việt Nam đang cho tôi cảm giác giống thung lũng Silicon nơi tôi lớn lên - đầy trẻ trung và sôi động. Và quan trọng nhất là rất nhiều người cũng đang thích nó. Các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới đang thành lập công ty ở Việt Nam, mang tới những đổi mới thật sự.
Dĩ nhiên rất khó để đo lường nhưng tôi đã làm việc cùng rất nhiều kỳ sư và doanh nhân tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam và giống như những đồng nghiệp ở thung lũng Silicon, họ tin rằng mình có thể thay đổi thế giới.
Tôi cũng nghĩ là họ sẽ làm được.
Và bởi vậy tôi quyết định gây dựng sự nghiệp ở đây!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng