Vì sao chúng ta lại thấy người phụ nữ bí ẩn trên sao Hỏa?

    PV,  

    Những bức ảnh bí ẩn trên Sao Hỏa như kim tự tháp, hay hình ảnh người phụ nữ bí ẩn... đã được giải đáp!

    Vào tháng 12 năm 2012, robot thám hiểm tự hành (Rover) mang tên Curiosity do NASA chế tạo đã chính thức hạ cánh trên Sao Hỏa , và từ đó đến nay đã gửi về cho các nhà khoa học trên Trái Đất vô số bức hình chụp Hành tinh Đỏ.

    Tuy nhiên, bên cạnh những bức hình thông thường, có những bức ảnh khiến các khoa học gia phải đau đầu không lý giải nổi. Ví dụ như bức hình Kim tự tháp trên Sao Hỏa khiến nhiều người đặt ra giả thuyết về người ngoài hành tinh.

    150811mars01-4968a
    Bức hình kim tự tháp bí ẩn trên Sao Hỏa được nhiều người cho là có "bàn tay" của người ngoài hành tinh

    Gần đây nhất là bức hình ghi lại bóng dáng một… phụ nữ trên Hành tinh Đỏ.

    150811mars02-4968a

    Hay thậm chí trên Sao Hỏa có cả... cua

    150811mars03-4968a

    Thế nhưng trên thực tế, việc nhìn thấy các hình ảnh như mặt người trên các khung cảnh mang tính trừu tượng cao (như mây, núi đá…) lại khá phổ biến. Theo đó, khi một người được thông báo rằng một vật giống điều gì đó, não bộ của chúng ta sẽ tin vào điều này, và khiến cho ta nhìn thấy đúng những gì chúng ta tin tưởng.

    150811mars04-4968a
    Một miếng bánh pizza có hình giống Đức mẹ Đồng Trinh Mary được bán đấu giá lên tới $28,000 (gần 600 triệu VNĐ)

    Tại sao lại vậy? Các nhà khoa học đã đưa ra lời giải cho việc nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ ở những nơi không ngờ đến: đó là hiện tượng pareidolia.

    Thuật ngữ pareidolia xuất phát từ tiếng Hy Lạp: para có ý nghĩa “lầm tưởng”, và eidolon – mang nghĩa “hình ảnh, hình dạng”. Điều đặc biệt là hiện tượng pareidolia có thể là hình ảnh hoặc âm thanh.

    Pareidolia có thể hiểu đơn giản là một hiện tượng xuất hiện khi ta nhìn thấy hình ảnh hoặc nghe được âm thanh, trí não của ta nhận thấy hình ảnh hoặc âm thanh quen thuộc ở đó, trong khi thực tế không hề có. Một ví dụ điển hình cho hiện tượng này, đó là việc con người ta nhìn thấy các hình ảnh khác nhau khi ngắm mây.

    150811mars05-4968a
    Hiện tượng Pareidolia khiến chúng ta thấy đám mây có hình mặt người

    Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về hiện tượng này được đưa ra, tuy nhiên giả thuyết của Carl Sagan – nhà vật lý, thiên văn học người Mỹ - là được nhiều người chấp thuận nhất.

    Trong một cuốn sách của mình, Sagan giải thích rằng khả năng xác đinh nguy hiểm ở khoảng cách xa, hoặc trong điều kiện tầm nhìn hạn chế là điều kiện tối quan trọng quyết định sự sống còn của loài người cổ xưa. Tổ tiên của chúng ta khi nhìn thấy một điều mà họ nghĩ là nguy hiểm, họ sẽ bỏ chạy, và tất nhiên họ sống sót. Những người không quan tâm đến những mối nguy hiểm đó có thể sẽ chết. Ông viết: “Thà bỏ chạy không lý do, còn hơn hối tiếc vì mình đã không bỏ chạy”.

    150811mars06-05856
    Carl Sagan (1934-1996)

    Loài người hiện đại ngày nay nhiều khả năng đã thừa kế các loại gene này từ tổ tiên, đồng thời tiếp tục duy trì cho các thê hệ sau. Sagan cho rằng việc nhìn thấy các hình ảnh thực chất có thể không tồn tại, chính là khả năng đề phòng nguy hiểm trong quá khứ. Điều này giải thích tại sao ta nhìn thấy những gương mặt, hoặc sự vật quen thuộc trên những hình ảnh mang tính chất trừu tượng.

    150811mars07-72c36
    Ảnh chụp Sao Hỏa vào ban ngày

    Nhưng dù sao, đó cũng chỉ là giả thuyết về việc nhìn thấy người phụ nữ và cua khổng lồ trên Sao Hỏa. Để có thể kết luận được chính xác, có lẽ các khoa học gia cần có các giải pháp nghiên cứu thêm, như đưa các robot tự hành có thể chụp ảnh có độ phân giải cao trong tương lai, hoặc... đích thân lên Hành tinh Đỏ để nghiên cứu.

    Theo Kenh14 / Trí thức trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày