Vì sao iPhone thu 90% lợi nhuận ngành smartphone mà Apple vẫn lo sợ? Tại sao Facebook vẫn thống trị mạng xã hội mà lại phải bỏ tiền theo đuổi VR?
Trong quý vừa qua, Alphabet thu về 20,26 tỷ USD. Google đóng góp gần như toàn bộ số này, khi các mảng kinh doanh ngoài dù chỉ mang về vỏn vẹn 166 triệu USD, tức là chưa nổi 1% tổng doanh thu của Other Bets.
Đáng lo ngại hơn, các Other Bets đã đốt của Google tới 802 triệu USD trong quý trước. Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Alphabet cho biết các khoản lỗ từ các Other Bets để "tìm kiếm tương lai" đã lên tới 3,6 tỷ USD.
Cùng lúc, mảng kinh doanh chính của Google vẫn phát triển mạnh mẽ. Không cần tới con số doanh thu quảng cáo lên tới 18 tỷ USD trong quý vừa rồi thì ai cũng vẫn hiểu rằng vị trí của Google trên các mảng tìm kiếm, hệ điều hành di động hay video trực tuyến là không thể thay thế.
Google đã bỏ ra hơn 3 tỷ đô mua lại một chiếc máy đo nhiệt độ và... vô số vấn đề nhân sự.
Ai cũng có thể thấy điểm vô lý ở đây. Trong lúc vẫn ở vị thế độc tôn trên các mảng kinh doanh cốt lõi thì Google vẫn vung tiền đi theo đuổi các dự án chưa hề mang lại lợi ích thiết thực nào cả. Thất bại về doanh thu là một chuyện, các công ty con như Nest, Verily và Boston Dynamics còn gặp trục trặc nội bộ trầm trọng.
Và thực tế là đến giờ người ta vẫn chưa thấy bất cứ một cuộc cách mạng tương lai nào bước chân ra khỏi các "Other Bets" của Google cả. Máy báo cháy Google có thu hút bằng 1/1000 smartphone Google? Kính thông minh để làm gì? "Công nghệ sinh học" Google đã có dự án nào giúp ích cho con người hay chưa?
Những cái giá quá đắt
Những câu chuyện khó hiểu giống như Google không phải là hiếm gặp. Năm 2013, Facebook bỏ ra 2 tỷ USD để mua công ty chuyên về thực tại ảo Oculus VR. Chưa ra mắt Rift mà Facebook đã phải vội vàng lên tiếng khẳng định rằng "Chiếc Rift sẽ chẳng có mấy ý nghĩa với tài chính của chúng tôi trong năm nay".
2 tỷ USD lớn tới chừng nào? Thị trường VR của năm 2016 sẽ có giá trị chỉ vào khoảng 3,6 tỷ USD, theo số liệu dự đoán gần đây nhất của SuperData. Con số đó sẽ bị chia sẻ giữa Oculus Rift của Facebook, Vive của HTC, Gear VR của Samsung, PlayStation VR của Sony (nếu sản phẩm này kịp ra mắt) và cả một binh đoàn VR giá rẻ học theo mô hình Cardboard của Google.
Các khoản đầu tư trước và sau sáp nhập (dự đoán vào khoảng vài trăm triệu USD mỗi năm) rõ ràng chưa mang lại cho Facebook trái ngọt, ngoại trừ thương vụ hợp tác với Samsung để chuyển giao công nghệ cho Gear VR. Nhưng cuộc cách mạng "VR xã hội" mà Mark Zuckerberg lên ý cũng chưa có dấu hiệu "sắp" xảy ra.
Lại nhắc tới Gear VR, Samsung đã quyết định tặng kèm kính chiếc kính này cùng với Galaxy S7, S7 edge và rất có thể là cả chiếc Galaxy Note 6 sẽ ra mắt trong tháng 9 sắp tới. Với giá bán vào khoảng 100 USD, hãy tạm ước tính rằng chi phí sản xuất của Gear VR vào khoảng 30 USD. Nếu như phải tặng 10 triệu chiếc Gear VR kèm 10 triệu máy Galaxy S7, S7 edge bán ra, Samsung sẽ "đốt" tới 300 triệu USD để cuốn hút người dùng đến với trải nghiệm thực tại ảo của mình.
Một năm trước đó, Samsung thảm bại khi chạy trước đón đầu smartwatch với chiếc Galaxy Gear. Đến khi mảng smartphone bắt đầu đi xuống thì mảng sản xuất chip của Samsung mới là đơn vị đóng vai trò vực dậy tình hình kinh doanh chung. Các thiết bị đeo Samsung vẫn tỏ ra mờ nhạt.
Có rất nhiều ví dụ về các dự án viển vông được các ông lớn theo đuổi khi miếng ăn chính của họ vẫn còn rất màu mỡ: Apple phát triển xe tự lái, Microsoft ra mắt kính thực tại hỗ trợ HoloLens v...v...
Tại sao lại đốt tiền theo đuổi những giấc mơ viển vông?
Đây không phải là một câu hỏi khó.
Lịch sử công nghệ đã luôn chứng minh rằng những tên tuổi dù có lớn đến mấy, nếu không bắt kịp với thời thế rồi cũng sẽ lụi bại. Cuộc khủng hoảng của Sony bắt đầu khi LCD thay thế CRT, Nokia chết vì smartphone cảm ứng thay thế điện thoại tính năng, Nintendo sống dở chết dở vì game di động thay thế 3DS.
Vậy lý do đó có thể thực sự thuyết phục các ông lớn như Google và Facebook, khi mà trải nghiệm họ mang lại đều là không thể thay thế? Không có bộ máy tìm kiếm nào đem lại chất lượng cao như Google và cũng không có một trải nghiệm mạng xã hội nào mang sức trói buộc như Facebook – mạng xã hội nào có nhiều bạn bè, người thân nhất sẽ là mạng xã hội hữu hiệu nhất. Ngay cả Apple dù chuyên về phần cứng nhưng cũng có vị thế quá vững chắc ở phân khúc tầm cao khi sở hữu một lượng fan trung thành và dư dả tài chính.
Nhưng bài học từ Microsoft vẫn còn đó: dù vẫn giữ vai trò tuyệt đối không thể thay thế trên toàn cầu nhờ thống trị thị trường PC, sai lầm khi bỏ lỡ thị trường di động đã khiến Microsoft phải trả giá quá đắt. Cho đến tận thời điểm hiện tại, ngoại trừ các khoản phí bản quyền bằng sáng chế từ các nhà sản xuất Android hay các dịch vụ đang chiếm… thế yếu trên 2 hệ điều hành đối thủ thì Microsoft gần như chẳng thu được gì từ cuộc cách mạng smartphone và tablet có giá hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Microsoft chưa bao giờ cận kề với cái chết nhưng cũng đã cách quá xa đỉnh cao.
Chỉ tồn tại trên ranh giới lỗ lãi là không đủ. Chưa kể, vẫn chẳng có điều gì đảm bảo chắc chắn rằng chiếc PC hay nhu cầu tìm kiếm sẽ trường tồn cả.
Cách mạng công nghệ không hề dễ dàng
Hãy nghĩ lại về chiếc smartphone. Khi chúng đã trở nên phổ biến như ngày nay, bạn có thể đã cảm thấy iPhone và smartphone Android đã quá nhàm chán và tầm thường. Nhưng, hãy nhớ lại rằng năm 2007 không một nhà sản xuất nào hình dung ra được trải nghiệm smartphone cảm ứng dễ sử dụng và đẹp như iPhone. Ngay cả LG dù đã ra mắt chiếc Prada có màn hình điện dung cỡ lớn nhưng lại là điện thoại "ngu" với màn hình… đơn sắc. Windows CE của Microsoft cũng rất khác với iPhone OS của Apple.
Rõ ràng là những sản phẩm cách mạng như iPhone hay IBM PC đều là sự quy tụ và cân bằng giữa nhiều yếu tố, và thất bại của các sản phẩm tương tự đi trước cho thấy rằng không phải ai cũng có đủ tầm nhìn để tạo ra sự cân bằng này. Cách mạng công nghệ là không hề dễ dàng, và bởi không dễ dàng nên các ông lớn mới phải đốt tiền đi tìm tương lai.
Bởi vậy, sẽ là chẳng có gì khó hiểu nếu như các công ty tiếp tục đốt hàng tỷ đô vào hành trình đi tìm cuộc cách mạng tiếp theo trong khi mảng kinh doanh của họ vẫn đang ở thế thống trị. Khi nhìn lại, bạn sẽ thấy Google có vẻ ngớ ngẩn khi ra mắt chiếc Glass để rồi thua lỗ hàng trăm triệu USD hay bỏ ra 3,2 tỷ USD để mua lại Nest để rồi chỉ… mang tiếng xấu. Nhưng giả sử, nếu như Glass thành công thì chẳng phải Google cũng đã đi đầu trong một cuộc cách mạng có thể thay thế được smartphone và laptop hay sao? Samsung chạy trước đón đầu với Galaxy Gear chẳng phải là để tiếp tục sống sót nếu smartwatch có thể giết được smartphone?
Những kịch bản đó không phải là chưa từng trở thành hiện thực. Amazon bỗng dưng vung hàng đống tiền để theo đuổi đám mây khi vẫn đứng đầu mảng thương mại điện tử để ngày nay đám mây AWS đè bẹp các đối thủ.
Bạn có thể không thấy tương lai điện toán nằm trong những đoạn video 360 độ phát trên Facebook hay trong cảm biến tiểu đường đặt mống mắt của Google. Nhưng hãy nhớ rằng đến tận năm 2007, vẫn chẳng có mấy người nghĩ rằng thế giới sẽ có ngày bị bao trùm trong những chiếc smartphone. Những dự án đốt tiền viển vông của Google, Facebook hay bất cứ một ông lớn nào cũng vậy. Phần lớn chúng sẽ thất bại. Nhưng nếu chỉ một trong số đó thành công thôi, cuộc sống của bạn sẽ vĩnh viễn thay đổi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng