Vì sao màn hình thác nước lại là xu hướng thiết kế smartphone không ai nên học theo?
Đẹp đẽ và mang dáng dấp tương lai, nhưng thiết kế của màn hình thác nước lại mang tính khoa trương về công nghệ kỹ thuật của nhà sản xuất hơn là hướng tới trải nghiệm người dùng.
Màn hình điện thoại đang ngày càng cong và thuận tiện cho việc sử dụng một tay. Nhưng các nhà sản xuất smartphone không muốn dừng lại ở đó. Họ sáng tạo ra màn hình cong, tràn viền, vô cực... và mới đây là Waterfall Screen hay còn gọi là màn hình "thác nước". Kiểu màn hình mới này cho phép hình ảnh được hiển thị đẹp, đồng thời có dáng dấp của một thiết bị công nghệ tương lai. Chúng làm cho người dùng khó nhận ra viền màn hình của điện thoại, bởi phần uốn cong có góc gần như vuông.
Hiện tại, một số mẫu điện thoại sử dụng thiết kế này đang có trên thị trường là Huawei Mate 30 Pro và Vivo Nex 3 5G. Nhưng các trải nghiệm thực tế ban đầu đã cho thấy ngoài việc mang lại sự độc đáo về ngoại hình, kiểu thiết kế này không có nhiều tác dụng thật sự hữu ích. Bạn sẽ nhanh chóng muốn quay trở lại với một chiếc điện thoại có các cạnh thẳng hoặc ít nhất là những chiếc máy có màn hình ít cong hơn.
Dưới đây là một vài lý do giải thích tại sao màn hình thác nước không phải là thứ dành cho bạn.
"Thác nước" khiến màn hình dễ vỡ, hỏng
Có thể ai cũng dễ dàng nhận ra, những chiếc smartphone với màn hình thác nước mong manh như thế nào. Khi diện tích tiếp xúc là kính càng nhiều, có nghĩa là khả năng vỡ, nứt của nó càng cao, đặc biệt khi va chạm hoặc để rơi điện thoại.
Các loại kính cường lực ngày nay đã trở nên ngày càng bền chắc, nhưng suy cho cùng chúng được chế tạo chỉ để bảo vệ điện thoại khỏi những va chạm, xây xước nhẹ nhàng. Thậm chí, khi bị ép trở nên cong mượt mà, các lực căng bên trong của kính sẽ tự khiến nó trở nên dễ vỡ hơn. Đừng ngạc nhiên nếu một ngày không có va chạm gì mà màn hình smartphone của bạn cũng có thể nứt ra. Đó, đơn giản chỉ là vấn đề vật lý.
Tất nhiên, sẽ có những lần bạn đánh rơi điện thoại trên nền gạch đá mà nhặt lên không xây xước gì. Nhưng rõ ràng đó là vấn đề may mắn chứ không phải kỹ thuật. Rất nhiều người khác chỉ đánh rơi smartphone một lần và không có cơ hội làm điều đó lần hai, với cùng một thiết bị.
Ngoài ra, một vấn đề khác của màn hình thác nước là nó khiến những chiếc ốp lưng kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ điện thoại của người dùng. Với thiết kế "hiện đại", ốp lưng cho dòng máy với màn hình thác nước này sẽ không thể che chắn các cạnh cùng nút điều khiển như với điện thoại thường. Trong khi đó, việc tìm kiếm một chiếc ốp lưng tốt vốn đã là việc khó khăn, thì khá dễ hiểu cho việc tìm một ốp lưng cho màn hình siêu cong mới này sẽ là chuyện gần như "bất khả thi".
Các ứng dụng và nội dung chưa sẵn sàng cho màn hình thác nước
Bạn sẽ không thích chơi PUBG Mobile với cách hiển thị nút chức năng trên màn hình thác nước thế này đâu!
Ở hiện tại, các ứng dụng và nội dung trên di động chưa hoàn toàn sẵn sàng để phục vụ các thiết bị có màn hình thác nước.
Mặc dù hầu hết các ứng dụng sẽ không gặp bất kỳ vấn đề nào, nhưng một số ứng dụng với các nút điều khiển ở rìa hay cạnh bên sẽ khiến người dùng khó sử dụng hơn. Chẳng hạn như một số thành phần trong game PUBG Mobile như trên hình, sẽ khó nhìn thấy và rất khó để chạm ngón tay vào trên màn hình thác nước.
Vấn đề này không chỉ của các game thủ, mà là với tất cả mọi người. Một số ứng dụng gõ chữ như Gboard hoặc Swiftkey, khi bạn quay ngang màn hình ra để sử dụng, sẽ bị thay đổi kích thước và vị trí các nút. Khi sử dụng thiết bị bằng một tay để gõ chữ, bạn sẽ nhận thấy khoảng cách tới các phím q và p bỗng trở nên xa xôi hơn với bình thường.
Còn khi vào một số trang web, một số văn bản hiển thị ngay sát mép màn hình sẽ bị ảnh hưởng, gây khó đọc.
Phím Q và P sẽ trở nên xa cách hơn trên màn hình thác nước.
Hiển thị quang học kém
Ngay cả khi bạn không chạm vào chúng, màn hình thác nước vẫn có thể gây ra sự cố. Bởi khi xem video, các hình ảnh sẽ bị biến dạng một chút ở các cạnh, có thể gây mất tập trung cho người dùng.
Còn khi sử dụng điện thoại dưới ánh sáng mặt trời, mặt kính cong có thể tạo ra tia sáng phản chiếu rất mạnh. Có một thanh ánh sáng chói lòa sẽ chạy dọc theo cạnh, khiến bạn khó đọc văn bản và xem tin tức hơn.
Có một vấn đề quang học khá rõ ràng với màn hình thác nước.
Ngay cả trong điều kiện ánh sáng bình thường, độ cong của màn hình cũng tạo ra hiệu ứng đổi màu nhẹ ở các cạnh. Tùy thuộc vào màu nền và góc nhìn, người dùng sẽ thấy các cạnh trở nên hơi tối hơn hoặc sáng hơn so với phần còn lại của màn hình.
Nỗi khổ của việc không có nút âm lượng vật lý
Ngay cả khi không nói về màn hình, màn hình cong vẫn dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn khác. Ví dụ, để tối ưu cạnh màn hình, các nhà sản xuất như Huawei và Vivo đã loại bỏ các nút chỉnh âm lượng.
Trên Mate 30 Pro, bạn phải chạm hai lần vào cạnh cong để hiển thị các nút điều khiển âm lượng dưới dạng phần mềm. Làm quen với điều đó đòi hỏi một chút khó khăn. Bởi rõ ràng điều khiển âm lượng dưới dạng hiển thị phần mềm chậm hơn và khó sử dụng hơn các nút thông thường. Đây không phải là một vấn đề lớn, nhưng đôi khi bạn cần điều chỉnh âm lượng càng nhanh càng tốt (trong một cuộc họp, một lớp học hoặc vào đêm khuya khi mọi người đã ngủ).
Thêm vào đó, đôi khi bạn cần thực hiện điều này bằng... một tay, hoặc thậm chí là khi không nhìn vào điện thoại. Điều nó không dễ với smartphone không có nút chỉnh âm lượng vật lý. Chưa kể tới việc giờ bạn không thể chụp ảnh nhanh bằng cách sử dụng nút chỉnh âm lượng như trước.
Huawei Mate 30 Pro (trên) và Vivo Nex 3 (dưới).
Vivo Nex 3 cũng thiếu các nút âm lượng vật lý, nhưng nhà sản xuất đã nghĩ ra một cách tiếp cận khác. Thay vì chạm hai lần, Vivo đã làm cho khung hình cảm ứng nhạy cảm hơn. Bạn có thể thay đổi âm lượng bằng cách nhấn vào bên trên hoặc bên dưới nút nguồn. Đây là phần khung có kết cấu nhạy cảm với áp suất. Một tiếng vo vo nhỏ phát ra có nghĩa là bạn đã nhấn nút thành công.
Mặc dù cách xử lý này vẫn không hiệu quả như nút âm lượng cổ điển, ít ra nó cũng mang lại trải nghiệm tốt hơn so với nhấn đúp trên Mate 30 Pro.
Viền cong giúp nhà sản xuất tăng lợi nhuận
Có một số ý kiến cho rằng các nhà nhà sản xuất đang cố tình đẩy người dùng về phía điện thoại có các cạnh viền cong, vì họ nhận ra rằng có thể kiếm được nhiều tiền nhờ vào chi phí sửa chữa cao hơn. Rõ ràng một vết nứt trên màn hình thông thường sẽ không có giá sửa chữa cao như trên màn hình cong kiểu thác nước. Và nhân chi phí sửa chữa này lên với con số hàng triệu sản phẩm, lợi nhuận sẽ là khổng lồ cho một ngành công nghiệp đang có dấu hiệu đình trệ, khi người dùng ngày càng ít nâng cấp hay mua mới smartphone hơn. Rõ ràng cho dù không mua điện thoại mới, bạn vẫn phải tốn tiền đi sửa màn hình cho thiết bị của mình và các nhà sản xuất sẽ có thêm nguồn thu đáng kể.
Nhưng dấu cho thuyết âm mưu này có là sự thật, nó cũng không thay đổi được rằng người dùng ngày nay mua hàng bằng bằng trái tim, hơn là dùng bộ não. Ai cũng có thể biết rằng các cạnh bằng kính là rủi ro, nhưng vẫn mua vì chúng trông rất đẹp.
Lợi thế vượt trội, điều mong muốn của nhà sản xuất, không phải người dùng
Samsung xứng đáng nhận được sự khen ngợi vì đã khởi đầu xu hướng màn hình cong, thứ hiện đang phát triển thành màn hình thác nước. Mate 30 Pro và Vivo Nex 3 đã lấy ý tưởng từ Samsung và đẩy nó lên một tầm cao mới. Và dù muốn hay không, Huawei và Vivo/Oppo đang trở thành những người tạo ra xu hướng. Giống như công việc sơn nhiều tông màu lên cùng một chiếc smartphone hay máy ảnh pop-up, "vây cá mập", xu thế về màn hình thác nước sẽ được áp dụng ngày càng xa và rộng hơn.
Có thể vào năm tới, màn hình thác nước sẽ là tính năng cơ bản cho các dòng smartphone cận cao cấp, hoặc thậm chí là tầm trung. Trong hai năm tới, có lẽ chúng ta sẽ thấy kiểu màn hình này trên smartphone giá rẻ.
Và chúng ta biết xu hướng này cuối cùng sẽ đưa tất cả đến đâu. Đúng, chính là một thiết bị full màn hình, một cách hoàn chỉnh. Xiaomi gần đây đã giới thiệu Mi Mix Alpha, chiếc smartphone kỳ quặc với màn hình bao quanh thân sản phẩm. Các cạnh thủy tinh của Mi Mix Alpha chạy dài về phía sau, đẩy khái niệm về màn hình thác nước đến tân cùng. Nhưng nó cũng chứng minh cho một điều rằng hướng đi này liệu có phải đang chệch hướng quá xa, bởi tại sao chúng ta lại muốn hướng tới việc sở hữu một thiết bị cồng kềnh, đắt tiền và chắc chắn là không dễ sử dụng.
Mi Mix Alpha
Cũng như khe cắm thẻ nhớ microSD, giắc cắm tai nghe và việc làm pin mỏng hơn, các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẵn sàng hy sinh một chút thực tế vì lợi ích đem lại từ phong cách. Đặc biệt nếu điều đó khiến họ nổi bật hơn so với đối thủ. Và đó là lý do mà người dùng đang phải bỏ thêm tiền để chi trả cho các bộ nhớ dung lượng lớn hơn, tai nghe không dây hoặc các bộ sạc nhanh.
Thật dễ dàng để làm cho một chiếc điện thoại trông tươi mới và thú vị, bởi nó dễ hơn là thực sự tạo ra các tính năng hữu ích và thuận tiện hơn cho trải nghiệm người dùng. Không ai yêu cầu màn hình thác nước, màn hình kép, những màu sơn lạ mắt hay máy ảnh pop-up. Nhưng chúng vẫn xuất hiện, gần như cùng lúc. Và người tiêu dùng chỉ có thể thừa nhận chúng một cách bị động mà thôi.
Tham khảo androidauthority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng