Vì sao nói Kiếm Thế thua xa Võ Lâm Truyền Kỳ?

    PV, Hoàng Anh 

    Nếu bạn là gamer kỳ cựu từng gắn bó với cả 2 trò chơi, thì kết luận này không có gì là khó hiểu.

    Kiếm Thế là phiên bản nối tiếp của dòng game VLTK 2D và được coi là sự kết hợp hoàn hảo của các phiên bản trước đó. Điều này cộng thêm với việc chọn thời điểm chính xác đã khiến trò chơi  nhanh chóng hút khách suốt từ thời điểm ra mắt cho tới hiện nay.
     
    Tuy nhiên, trên thực tế Kiếm Thế vẫn không thể tái lập được những thành công của VLTK thời gian trước bởi chính "nội lực" của game không sâu, không cuốn hút bằng người đàn anh.
     
    Không có sự độc đáo
     
    Kiếm Thế tuy có nhiều môn phái hơn so với VLTK (12 so với 10) nhưng lại ít hơn về "con đường tu luyện" khi mỗi môn phái trong trò chơi chỉ có hai đường trong khi VLTK con số này thông thường là 3.
     
     
    Hơn nữa, trong Kiếm Thế, các skill đều có phần na ná như nhau (về hiệu quả cũng như mục đích sử dụng). Điều này không giống như trong VLTK khi mỗi môn phái đều có những chiêu thức rất riêng, độc đáo vào không trùng lặp.

    Có thể game thủ Kiếm Thế sẽ phản đối điều này nhưng chỉ cần điểm lại một lần danh sách các skill cũng như chiêu thức hỗ trợ của các môn phái giữa hai trò chơi, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra điều này.
     
    Hỗ trợ quá đầy đủ
     
    Có một sự thật rằng Kiếm Thế chưa thể cuốn hút các game thủ VLTK kỳ cựu. Hệ thống hỗ trợ của Kiếm Thế quá hoàn hảo khiến cho mọi thứ, mọi nhiệm vụ đều rõ ràng và minh bạch.
     
    Không có nhiều đất cho các game thủ "khám phá" và tạo ra sự khác biệt. Được hỗ trợ quá đầy đủ vô tình đã làm trò chơi mất đi sự thử thách trong quá trình trải nghiệm.



    Nhớ lại thời gian đầu của VLTK, hàng chục, hàng trăm topic mọc lên hướng dẫn về các nhiệm vụ trong game bởi các NPC quá... khó tìm và hoàn toàn không có hệ thống dẫn đường như Kiếm Thế. Game thủ phải tự mày mò, tìm đường thực hiện các nhiệm vụ của mình.
     
    Thậm chí, có những nhiệm vụ hoàn toàn không... hiện ra trong game mà game thủ phải mày mò tự tìm hiểu. Điều này tạo ra sự thú vị cho gamer VLTK đặc biệt trong thời gian đầu.
     
    Quá đơn giản trong cách xây dựng nhân vật
     
    Xây dựng nhân vật là một điều vô cùng quan trọng  bất cứ game online nào đặc biệt là game nhập vai. Việc xây dựng một nhân vật đúng sẽ đem lại cho bạn sức mạnh vượt trội so với người khác.
     
    Đây là điều mà nhiều game thủ đã từng gắn bó với VLTK thất vọng nhất về Kiếm Thế. Nếu đã chơi VLTK chúng ta đều biết rằng việc tăng điểm cho nhân vật là không hề dễ dàng.
     
    Các skill thuộc các hệ khác nhau trong cùng một phái đôi khi có ảnh hưởng lớn đến nhau (ví dụ như các skill hỗ trợ côn, quyền của Thiếu Lâm sẽ tăng chí mạng cho hệ đao) và việc tăng điểm tiềm năng sao cho đúng lại là cả một nghệ thuật mà các game thủ VLTK thời kỳ đầu đã phải mày mò vô cùng vất vả.


    Thậm chí, các game thủ này đã phải test đi test lại bằng nhiều phương pháp khác nhau để tạo ra các bảng tính damage, tính chính xác, mốc tốc độ... để phục vụ cho việc tăng điểm của game thủ. Điều này đã tạo ra rấ nhiều hứng thú cho game thủ. Ngoài ra game thủ còn phải tính toán điểm để mặc đồ
     
    Trong khi đó, trong Kiếm Thế mọi việc quá đỗi đơn giản thì đường nào tăng đường nấy còn điểm tiềm năng thì chỉ có 1, 2 cách tăng. Điều này làm cho ai cũng giống ai và khiến cho game mất hẳn đi độ khó trong khâu tăng điểm.
     
    Trang bị - Kiếm Thế thua xa
     
    Trong Kiếm Thế, trang bị của mỗi nhân vật có thể nói là... giống y như nhau. Các set trang bị đã ghi rõ ràng hệ phái, các trang bị cũng đã được "tính toán" để kích hoạt hết yếu tố ẩn. Hơn nữa, việc kiếm trang bị là vô cùng dễ dàng khiến đồ đạc cùng một thứ (chỉ có điều khác cấp độ cường hóa).



    Còn với VLTK, game thủ phải rất vất vả tính toán ngũ hành (trừ trường hợp có nhẫn càn không) và đồ sao cho hợp lý. Hơn nữa, trong thời gian đầu của game, đồ đạc rất khó kiếm và không phải cứ có tiền là mua được. Đây là điểm vô cùng thú vị của game mà đàn em Kiếm Thế không thể theo được.
     
    Kỹ năng của game thủ
     
    Game VLTK được đánh giá rất cao về những trận PvP (đặc biệt trong lãnh địa 2D), các trận PvP thường độc đáo và có màu sắc rất riêng phụ thuộc nhiều vào phong cách của người điều khiển. Điều này một phần là từ việc các con đường của VLTK rất độc đáo và có nhiều cách kết hợp cộng thêm với sự mày mò của game thủ.
     
    Vì thế, có thể nói hai nhân vật cho dù cùng môn phái thì yếu tố đồ đạc cũng chỉ đóng góp khoảng 50% sự thắng thua của "trận chiến". Yếu tố ngũ hành tương khắc được đẩy lên cao độ bằng những chỉ số rất cao và rõ ràng, đặc biệt là kỹ năng PvP của game thủ rất quan trọng. Với những phái như Thiếu Lâm Đao thì kỹ năng PK và khả năng phán đoán tình huống còn đẩy lên cao hơn.
     
     
    Còn Kiếm Thế, các trận chiến thường không cuốn hút khi nhìn vào phi phong người ta đoán được đến 90% kết quả của trận đấu. Đồ đạc trong Kiếm Thế quyết định đến 95% kết quả, đặc biệt với những môn phái như Đoàn Thị chỉ cần nhìn đồ gần như đoán chắc 100% kẻ thắng người thua (cho dù là chênh lệch rất ít).
     
    Hơn nữa, yếu tố ngũ hành tương khắc trong Kiếm Thế thua xa VLTK. Thí dụ như một Cái Bang Rồng trong Kiếm Thế thừa sức thắng 1 Nga My (khắc hệ) khi mà đồ chỉ cần chênh khoảng 10% trong khi ở VLTK hãy quên điều tương tự đi trừ khi CB vô cùng khủng còn NM là.... NM buff.

     
    Tính hấp dẫn của các trận PvP thì có thể nhìn ngay kết quả các giải đấu solo đầu tiên của hai game. Trong khi VLTK người ta hầu như không thể dự đoán được người chiến thắng và các kết quả trận đấu ở giải đầu tiên thì Kiếm Thế gần như đã biết kết quả từ lúc giải đấu chưa bắt đầu.
     
    Nói tóm lại, ngoài khía cạnh đồ họa, Kiếm Thế chưa thể sánh được với đàn anh VLTK. Nếu đã từng gắn bó với hai game các bạn sẽ cảm nhận rõ điều này.