Vì sao Việt Nam cần có một "bà đỡ" như NIC cho hành trình Đổi mới sáng tạo của Quốc gia?
Sự thành công của “phép màu” Singapore là bài học đáng giá cho những quốc gia đang vươn mình trên hành trình trở thành một điểm đến đổi mới sáng tạo của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Từ hương muỗi, lưỡi câu tới thiết bị bán dẫn, công nghệ sinh học
Cách đây hơn 13 năm, công ty phần mềm AvePoint (Mỹ) đã nhận thấy tiềm năng của Đông Nam Á và phát hiện ra khởi điểm của mình nằm ở Singapore. Ông Tianyi Jiang, giám đốc điều hành - đồng sáng lập của AvePoint cho biết, ông rất ấn tượng với những tiềm năng của môi trường kinh doanh sôi động tại Singapore.
"Mặc dù là một đất nước nhỏ bé nhưng trọng tâm mà Singapore đặt vào năng suất và phát triển nhân tài đã đưa nước này lên vị trí dẫn đầu về sáng tạo với một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ", ông Jiang nói. Hiện nay, trung tâm phát triển và nghiên cứu (R&D), cũng như các trụ sở đặt tại châu Á của AvePoint phát triển mạnh tại Singapore.
ServiceNow, công ty công nghệ tại Thung lũng Sillicon, cũng đi theo lộ trình tương tự khi xác định được giá trị chiến lược của Singapore trong vai trò trung tâm của khu vực từ cách đây hơn 1 thập kỷ.
"Singapore nổi tiếng là một trong những nền kinh tế công nghệ tiên tiến nhất trong khu vực. Điều này khiến Singapore trở thành một địa điểm lý tưởng để đặt trụ sở khu vực. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi có mặt ở đó", Chủ tịch quốc tế của ServiceNow Ulrik Nehammer chia sẻ.
Singapore đã thể hiện năng lực thích ứng của mình trước các xu hướng kinh tế và tận dụng hiệu quả lợi thế công nghệ. Ông Jiang đề cập tới những chính sách chủ động mà Singapore đã đưa ra để tạo nên môi trường phát triển kinh doanh phù hợp cho AvePoint.
"Trong ASEAN, Singapore đứng thứ nhất khi nói tới các sáng kiến số, ví dụ như chương trình Smart Nation (Quốc gia Thông minh) của chính phủ Singapore", ông Jiang nói. Khởi động từ năm 2014, chương trình Quốc gia Thông minh đầy tham vọng của chính phủ Singapore tích hợp công nghệ số vào mọi mặt trong xã hội.
Ngoài ra, còn có sáng kiến AI Singapore, một chương trình nghiên cứu phát triển cấp quốc gia nhằm tăng cường năng lực của đất nước và mang tới những ảnh hưởng tích cực của trí tuệ nhân tạo. Đây là một nỗ lực nhằm thiết lập những quy định tân tiến cho AI và tài sản số, thúc đẩy một hệ sinh thái đáng tin cậy cho sự phát triển và ứng dụng của lĩnh vực này.
Một yếu tố sống còn khác góp phần vào sức hút của Singapore là sự cởi mở khi chiêu mộ nhân tài khắp thế giới. Nước này lâu nay vốn đã chào đón các doanh nhân quốc tế và chuyên gia công nghệ, thu hút những doanh nghiệp non trẻ và lao động kỹ thuật cao.
Nehammer cho biết, các chính sách lao động rất có lợi của Singapore đã giúp ServiceNow củng cố năng lực hoạt động tại khu vực: "Chúng tôi không chỉ có thể khai thác lực lượng lao động kỹ thuật cao mà còn có thể đưa chương trình phát triển nghề nghiệp toàn cầu của mình tới Singapore".
Sự cam kết chắc chắn của Singapore vào thúc đẩy công nghệ đã củng cố địa vị của nước này như một trung tâm đổi mới sáng tạo chưa có đối thủ trong khu vực. Theo Nikkei, Singapore hiện nắm giữ 18 doanh nghiệp kỳ lân, gấp hơn 4 lần so với mức trung bình thế giới (4).
Nếu như 50 năm trước, Singapore còn sản xuất, xuất khẩu hương muỗi, lưỡi câu thì ngày nay, thứ mà đảo quốc này đưa ra thế giới là các sản phẩm không gian vũ trụ, thiết bị bán dẫn, công nghệ sinh học.
Ngoài vai trò như một trung tâm thương mại của khu vực, Singapore còn được coi là trung tâm công nghệ hàng đầu của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Hiện tại, Singapore đã trở thành điểm đến hàng đầu cho những công ty công nghệ toàn cầu có mong muốn mở rộng hoạt động ở châu Á. Theo Business Insider, trên thực tế, 80 trong số 100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới có mặt ở Singapore. Đảo quốc này là nơi hiện diện của rất nhiều công ty công nghệ toàn cầu như Google, IBM, Meta, Microsoft, Apple...
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đứng thứ 8 thế giới: Phép màu không dựa trên kỳ tích
Trong khu công nghiệp nhẹ Ayer Rajah ở vùng ngoại ô rậm rạp của Singapore, có một tòa nhà xưởng cũ rất đặc biệt mang tên Block 71 (Blk71).
Tại đây, các nhà đầu tư, các doanh nhân, các kỹ sư phần mềm có thể dễ dàng tương tác với nhau. Ai có vấn đề gì thì có thể nhờ trợ giúp từ các startup láng giềng. Nhà đầu tư có thể gặp gỡ những công ty non trẻ mà họ muốn rót vốn. Nhà kinh doanh trẻ có thể tìm thấy nhân tài phù hợp với mình hoặc đối tác để khởi nghiệp.
Không chỉ cho thuê địa điểm với mức giá rẻ ở một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới, Block 71 còn cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm cả cố vấn nhằm hỗ trợ người trẻ kết nối với các cộng đồng khởi nghiệp khắp thế giới. The Economist gọi Block 71 là hệ sinh thái khởi nghiệp chặt chẽ nhất thế giới.
Block 71 là nơi ươm mầm cho rất nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp kỳ lân. Tổng giá trị các start-up tại Block 71 tạo ra năm 2020 là hơn 5 tỉ USD, chiếm gần 25% tổng giá trị của toàn bộ start-up tại Singapore giai đoạn này. Trong năm tài khóa 2019-2020, doanh thu từ các start-up tại Block 71 đạt gần 800 triệu USD, tương đương với 0.2% GPD của Singapore trong lĩnh vực Dịch vụ Thông tin.
Quy tụ hàng trăm công ty khởi nghiệp liên quan tới công nghệ, các nhà đầu tư mạo hiểm và các vườn ươm doanh nghiệp, Block 71 được coi như trái tim hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore - hệ sinh thái đổi mới sáng tạo duy nhất của Đông Nam Á lọt top 10 thế giới (theo báo cáo năm 2023 của Startup Genome).
Vậy hệ sinh thái này có gì đặc biệt?
Vào cuối thập kỷ 90, Trung Quốc trở thành một cường quốc sản xuất và mạng internet do Mỹ khởi xướng bùng nổ. Những yếu tố ấy khiến các nhà hoạch định chính sách Singapore phải suy nghĩ, cân nhắc xem liệu những chiến lược kinh tế đã đưa đất nước từ Thế giới thứ ba lên Thế giới thứ nhất có đủ để giúp Singapore tiếp tục duy trì vị trí này hay không.
Và kết quả là 2 sáng kiến "nhìn xa trông rộng" được khởi chạy từ đầu những năm 2000. Thứ nhất là nâng cao năng lực nghiên cứu cho các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*Star). Thứ hai là khuyến khích "khởi nghiệp công nghệ" và bồi dưỡng một hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động.
Chiến lược của Singapore được xem là tương đối khác biệt. Nước này phát hiện thấy con đường của mình là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trọng điểm là đổi mới sáng tạo. Các luồng đầu tư này đã tạo ra nhiều việc làm, dẫn tới nhu cầu giáo dục tăng cao.
Singapore càng thu hút nhiều FDI thì nhu cầu giáo dục càng tăng và ngày càng có nhiều người Singapore học cách sáng tạo. Sau đó, đến lượt quá trình đổi mới này tạo điều kiện cho Singapore đầu tư vào các sản phẩm ngày càng phức tạp, tạo ra những công việc giá trị cao hơn cho người dân.
Kể từ thời điểm đó, Singapore đã khởi chạy hàng loạt chiến lược và chính sách số, đồng thời tiến hành nhiều sáng kiến, dự án quốc gia chiến lược. Các chính sách thân thiện với khởi nghiệp bao gồm nhiều cơ chế vườn ươm và trợ cấp - trong đó phải kể đến 2 cơ quan: Enterprise Singapore và Liên minh Đổi mới sáng tạo Toàn cầu (GIA).
Enterprise Singapore là một cơ quan chính phủ thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách giúp họ nâng cao năng lực, đổi mới, cải tiến và phát triển ở quy mô quốc tế. Đơn vị này xây dựng các chiến lược nhằm tạo điều kiện cho các công ty ở một số lĩnh vực cụ thể tiếp cận các thị trường mới, mở rộng trong khu vực và tiến vào quốc tế thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Có thể nói, Enterprise Singapore giúp Singapore phát triển như một trung tâm khởi nghiệp và thương mại toàn cầu, xây dựng lòng tin cho các sản phẩm, dịch vụ của Singapore thông qua các tiêu chuẩn và chất lượng.
Trong khi đó Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu Singapore (GIA) lại được khởi động để củng cố liên kết của Singapore với các trung tâm đổi mới sáng tạo lớn khắp thế giới thông qua 3 cột trụ: Innovators Academy (Học viện Sáng tạo), Innovation Launchpads (Bệ phóng Sáng tạo) và Partnership Forums (Diễn đàn Đối tác).
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore khẳng định, GIA tạo ra thêm nhiều cơ hội cho người dân, sinh viên, doanh nhân Singapore nhằm có được các kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, kết nối và hợp tác với các đối tác quốc tế.
Ngoài ra, còn nhiều đơn vị, dự án góp phần tạo nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiệu quả của Singapore - ví dụ như: Quỹ Đầu tư Mạo hiểm Giai đoạn đầu của Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Singapore (NRF) chuyên xúc tiến việc thành lập các quỹ đầu tư vào startup; Kế hoạch Nghiên cứu, Sáng tạo và Doanh nghiệp (RIE) 2020 đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trong 4 năm, cơ chế ưu đãi thuế dành cho công ty mới khởi nghiệp hiện đang miễn tới 75% thuế cho 100.000 SGD (tương đương 1,8 tỉ đồng) lợi nhuận đầu tiên và miễn 50% thuế cho 100.000 SGD tiếp theo.
Sự thành công của Singapore là bài học đáng giá cho những quốc gia đang vươn mình trên hành trình trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới, trong đó có Việt Nam.
Câu chuyện của Việt Nam
Một buổi sáng, Vinnie Lauria thấy mình đang chen chúc trên những con đường đông đúc của thành phố Hồ Chí Minh trên chiếc xe gắn máy để đưa cậu con trai ba tuổi tới trường. Nếu vẫn còn sống ở Thung lũng Silicon thì hành trình di chuyển của anh sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Lauria, người Mỹ, đồng sáng lập Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures, đã chuyển tới sống ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 sau một thời gian làm việc ở Singapore và San Francisco. Anh là một trong số những người nước ngoài tới đây với niềm tin rằng đô thị sôi động này sẽ là một thánh địa mới cho khởi nghiệp.
"Đông Nam Á sẽ trở thành một cỗ máy tăng trưởng toàn cầu trong vòng 10 năm tới và Việt Nam sẽ ở vị trí trung tâm", Lauria chia sẻ với South China Morning Post (SCMP).
Với nhiều người phương Tây, Việt Nam vẫn bó hẹp ở hình ảnh của 1 quốc gia nghèo đói, chịu hậu quả của chiến tranh, nơi Nike đặt nhà máy sản xuất. Nhưng trên thực tế, hiện tại, kỹ sư, lập trình viên đang đổ về thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm thương mại của đất nước - để cho ra đời những công ty khởi nghiệp.
Theo báo cáo của HSBC và mạng lưới KPMG, số lượng start-up tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi kể từ thời điểm bắt đầu của đại dịch Covid-19 cho tới giữa năm 2022. Một số nhà đầu tư lớn trên thế giới như Sequoia Capital, Warburg Pincus LLC và Alibaba đang hậu thuẫn cho những start-up có các giải pháp hứa hẹn.
Năm 2021, Việt Nam thu được mức kỷ lục 2.6 tỉ USD thông qua 233 thỏa thuận, một báo cáo của Google, Temasek và Bain&Co nêu rõ. Các công ty trong nước cũng đang cạnh tranh với bạn bè Đông Nam Á, nắm giữ 13% tổng dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào khu vực.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Sáng tạo Đổi mới Toàn cầu năm 2022 của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới (WIPO), Việt Nam đứng thứ 2 về tốc độ đổi mới sáng tạo trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.
Nguồn tin của SCMP cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh có các yếu tố để trở thành một Thung lũng Silicon "hạng nhẹ" kế tiếp: một hệ thống giáo dục chú trọng vào toán và khoa học, một ngành công nghiệp outsource phần mềm có tuổi đời nhiều thập kỷ tạo ra một lực lượng đông đảo kỹ sư tài năng và những lợi ích từ quá trình phát triển kinh tế thần tốc của Việt Nam.
Các start-up công nghệ tại Việt Nam cũng được hưởng lợi từ nhiều chính sách của nhà nước khi chính phủ đặt mục tiêu trở thành một xã hội số toàn diện vào năm 2030, đề cao tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo. Năm 2020, chính phủ đã công bố chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, nhằm tăng tỷ trọng GDP của nền kinh tế kỹ thuật số từ mức 14% hiện tại lên 20% vào 2025.
Mặc dù có những thuận lợi như vậy nhưng các nhà đầu tư vẫn cảnh báo về một số trở ngại có thể ảnh hưởng tới lộ trình phát triển.
"Đầu tư còn hạn chế của các tập đoàn lớn vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trở ngại đáng chú ý đối với các start-up Việt Nam", VinaCapital chia sẻ với CNBC, "Điều này làm giới hạn tiềm năng đổi mới sáng tạo và hợp tác đa ngành, khiến các công ty khởi nghiệp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm các đối tác tiềm năng quan tâm tới sản phẩm hoặc dịch vụ của họ".
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC): "Bà đỡ" cho doanh nghiệp
Nói tới vị trí của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, trong báo cáo phân tích SWOT (ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và các mối đe dọa), Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng:
"Việt Nam đang ở ngã rẽ trên quá trình phát triển. Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hạn chế về lao động và vốn, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Điều đó đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước".
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đặt ra câu hỏi về một "hệ sinh thái" đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) là câu trả lời cho câu hỏi này.
Là đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019, NIC có chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Khi mới chỉ là đề án đang được thảo luận, NIC đã được kỳ vọng là hạt nhân cho nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Trung tâm không chỉ đơn thuần là một tổ hợp với nhiều phân khu chức năng mà giữ vai trò như một "bà đỡ" cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã đạt được một số kết quả đáng kể, cơ bản hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, hình thành và phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam.
NIC sẵn sàng cung cấp cho các công ty công nghệ hàng đầu không gian làm việc đầy đủ về hạ tầng, pháp lý, lao động, logistics với mức chi phí thấp, từ đó nâng cao được năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
NIC đặt ra sứ mệnh là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Trung tâm không chỉ là nơi kết nối các chủ thể của hệ sinh thái Việt Nam mà còn là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong việc trao đổi, chia sẻ những thành tựu đổi mới sáng tạo tiêu biểu.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 16 về Kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore tháng 12/2022, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã ký biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo với Vụ Đông Nam Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Công thương Singapore.
Từ đó tới nay, NIC đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với 2 trường đại học hàng đầu của Singapore: Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU Singapore) nhằm thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo ở cả hai nước.
Đánh giá về hợp tác chung, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC nhấn mạnh: "Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với vai trò là đơn vị thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, trong đó giúp đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở giáo dục và đào tạo ở nước ngoài, chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với NUS, một trong những trường đại học danh tiếng nhất châu Á và thế giới, đồng thời cũng là đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Sự hợp tác này giữa NIC và NUS sẽ tạo điều kiện trao đổi kiến thức, tiếp cận các nguồn lực và mở ra cánh cửa hợp tác, đóng góp cho sự phát triển phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta và củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực."
Tiếp nối thành công của Triển lãm lần đầu tiên năm 2021, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) từ 28/10 đến 1/11, kết hợp với Lễ Khánh thành Cơ sở của Trung tâm tại Khu CNC Hòa Lạc.
VIIE 2023 dự kiến sẽ có sự góp mặt của gần 300 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, đón tiếp hàng chục nghìn khách tham dự sự kiện.
Có thể nói, đây sẽ là sự kiện tiêu biểu về đổi mới sáng tạo của Việt Nam, mang lại các giá trị lớn cho các đối tác, các thành phần tham dự, thúc đẩy cơ hội hợp tác, chia sẻ kiến thức, đồng thời tạo ra một môi trường kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Đăng ký tham gia VIIE 2023 tại đây: https://expo.nic.gov.vn/
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng