Vì sao Windows RT phải chuốc lấy thất bại thảm hại?
Làm mất lòng đối tác, giá bán sản phẩm cao, thiếu ứng dụng...là những nguyên nhân khiến Windows RT "chết từ trong trứng nước".
Trong một thế giới công nghệ với hàng loạt công ty làm ăn khó khăn và liên tiếp lỗ, Microsoft có thể tự hào rằng họ vẫn là một trong số ít những công ty làm ăn có lãi. Quý IV năm tài khóa 2013 vừa qua, họ lãi ròng gần 5 tỷ USD, một con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh tươi sáng đó, có một sản phẩm mà gần như chúng ta ai cũng thấy rằng nó hoàn toàn thất bại: Windows RT.
Minh chứng rõ ràng nhất của thất bại này là khoản lỗ gần 1 tỷ USD do chiếc tablet Surface RT - máy tính bảng chạy Windows RT của Microsoft - gây ra. Hàng loạt đối tác quay lưng khi ngừng sản xuất thiết bị chạy HĐH này trong đó có Lenovo ngừng sản xuất Yoga 11S, hay Asus tuyên bố sẽ không ra mắt sản phẩm mới chạy Windows RT nữa...Đâu là nguyên nhân đã khiến cho Windows RT - HĐH từng được kì vọng sẽ giúp Microsoft lật đổ iPad, phải "chết yểu"?
Mất lòng đối tác
Khi Microsoft ra mắt chiếc máy tính bảng Surface RT, Microsoft đã tự phá bỏ triết lý: Chỉ phát triển hệ điều hành để cung cấp cho các đối tác phần cứng - các công ty sản xuất máy tính, không sản xuất phần cứng nhằm tránh tình trạng "dẫm chân" lên quyền lợi của họ. Chủ tịch Acer từng đăng đàn trực tiếp chỉ trích Microsoft vì đã phá vỡ mô hình truyền thống này và dọa sẽ ngừng hợp tác với gã khổng lồ phần mềm, chuyển sang một HĐH khác.
Việc tuyên chiến với các OEM đã khiến cho Microsoft vô tình bị cô lập. Không có quá nhiều đối tác hào hứng sản xuất thiết bị chạy Windows RT. Số lượng thiết bị được sản xuất có thể đếm trên đầu ngón tay như Yoga 11S của Lenovo (đã ngừng sản xuất), VivoTab RT của Asus, XPS 10 của Dell...Với thực tế đó, sự thất bại của HĐH này cũng là điều dễ hiểu.
Phương pháp tiếp cận
Khi đặt tên gọi cho HĐH này, rõ ràng Microsoft muốn "dựa hơi" vào tên gọi Windows nhằm thu hút người dùng rằng chiếc tablet chạy HĐH của họ có liên quan tới HĐH đã thống trị thị trường máy tính trong suốt nhiều thập kỉ qua. Tuy nhiên, khi người dùng "phát hiện" ra rằng Windows RT không như những gì họ kì vọng, không chạy được các ứng dụng mà họ cần, không cài được Photoshop, ..., họ đã vô cùng hụt hẫng và "ghẻ lạnh" nó. Vô tình, cách gọi tên đã giết chết Windows RT từ trong trứng nước. Tại sao tôi phải dùng Windows RT khi mà với Windows 8 Pro (phiên bản Windows 8 đầy đủ), tôi có thể chạy được hàng triệu ứng dụng cũ? Trong doanh số hơn 1 triệu Surface mà Microsoft bán được, con số chủ yếu đến từ chiếc Surface Pro dùng chip Intel và chạy Windows 8. Dell, một đối tác sản xuất tablet chạy Windows RT của Microsoft, nói rằng khách hàng của họ không hề biết Windows RT là gì.
Ứng dụng
Một khi không còn tập trung nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng như cách mà Apple đã làm được với iPad, rõ ràng Microsoft đã không có sự quan tâm thích đáng cho kho ứng dụng của Windows RT. Chỉ có 60.000 ứng dụng vào thời điểm ra mắt, Windows RT đã tự nhận phần thua về phía mình khi mà tại cùng thời điểm, iPad đã có hơn 400.000 ứng dụng.
Sự thiếu hụt không chỉ nằm ở số lượng mà còn nằm ở cả chất lượng. Windows Store không có những ứng dụng thiết yếu mà iPad có được như Facebook, Instagram, Gmail, Google Maps, Dropbox...Mặc dù với bản nâng cấp Windows 8.1, sự thiếu hút này sẽ được khỏa lấp 1 phần nào (với ứng dụng Facebook, Instagram) nhưng cho tới thời điểm đó, Windows RT không có sự hấp dẫn nào về ứng dụng so với các đối thủ.
Trong các đoạn quảng cáo so sánh iPad với Surface, Microsoft nhấn mạnh rằng HĐH của mình có khả năng chạy đa nhiệm, tương thích với các tập tin Office. Tuy nhiên, khi mà sự thay thế cho Office trên iPad là không thiếu thì đó là một lợi thế không đủ lớn để giúp Windows RT nổi bật.
Giá bán
Trong khi kho ứng dụng còn đang thiếu thốn và không có sức bật, Microsoft đã định hình Surface RT chạy Windows RT là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với iPad. Thế nhưng, khi đặt các sản phẩm để so sánh trực tiếp với nhau, Surface RT thậm chí thua kém iPad về nhiều mặt. Ở cùng một mức giá, iPad được trang bị màn hình Retina độ phân giải siêu cao trong khi Surface RT vẫn chỉ dùng màn hình độ phân giải 1366 x 768 pixel. Mặc dù bộ nhớ của Surface RT lớn hơn iPad (32 GB so với 16 GB của iPad) nhưng đổi lại, HĐH cài lên phần bộ nhớ này chiếm tới 17 GB và người dùng chỉ còn 15 GB để lưu trữ dữ liệu của mình mà thôi. Những so sánh cũng cho thấy tablet của Microsoft thua kém về camera so với iPad của Apple.
Microsoft nhấn mạnh vào chiếc phụ kiện Touch Cover đi kèm máy, cho rằng đây là sự khác biệt với iPad khi mang lại cho người dùng trải nghiệm gõ phím tốt hơn. Thế nhưng người dùng lại phải bỏ thêm ra 100 USD nữa để sở hữu nó.
Khi mà Surface RT - một sản phẩm có thể coi là "mẫu mực", định hình cho các thiết bị chạy Windows RT, tỏ ra thua kém đối thủ ở nhiều mặt, rõ ràng những chiếc tablet khác chạy Windows RT từ các OEM đối tác của Microsoft, cũng không thể hấp dẫn người dùng.
Phân phối
Microsoft đang học theo cách làm của Apple ở nhiều mặt, bao gồm "đóng kín" HĐH, tự sản xuất phần cứng...Thế nhưng có một thứ vũ khí mà họ vẫn tỏ ra quá thua kém "Táo khuyết": Hệ thống phân phối. Nếu như Microsoft chỉ tập trung phân phối Surface RT tại thị trường Mỹ, Apple có một chuỗi cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới với số cửa hàng lên tới khoảng 400. Chuỗi cửa hàng này đã giúp cho Apple dễ dàng phổ biến các sản phẩm của mình. Hàng chục tỷ USD lợi nhuận mà Apple Store đem lại đủ chứng minh cho sức mạnh của hệ thống phân phối mà Apple tạo dựng.
Surface mặc dù cũng có những ưu điểm nhất định, thế nhưng Microsoft đã không tìm ra cách phổ biến nó tới người dùng như Apple đã làm được. Với việc một sản phẩm chủ đạo chạy Windows RT không được ai biết tới, việc HĐH này thất bại là khó tránh khỏi. Microsoft cũng đang học hỏi mô hình này với chuỗi cửa hàng trải nghiệm thực tế, thế nhưng, để đạt được quy mô như Apple Store chắc chắn sẽ cần thêm một thời gian dài nữa.
Tạm kết
Có thể thất bại của Windows RT không làm ảnh hưởng quá nhiều tới việc kinh doanh của Microsoft. Gã khổng lồ phần mềm nổi tiếng với mô hình kinh doanh đa lĩnh vực. Khi một sản phẩm nào đó thất bại, họ có phần lợi nhuận từ các sản phẩm khác bù lại. Tuy nhiên, khi mà tương lai của điện toán sẽ là các thiết bị di động như smartphone và tablet, việc phát triển HĐH dành cho máy tính bảng như Windows RT sẽ là điều mà Microsoft phải thực hiện bằng được. Nâng cao chất lượng và cả số lượng ứng dụng, mở rộng hệ thống phân phối, tìm cách giảm giá bán...là những bài toán mà họ phải tìm cách giải quyết trước khi để iPad và tablet Android chiếm hết thị phần.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng