(GenK.vn) - Theo ước tính, số lượng người dùng Viber hiện vào khoảng 12 triệu, Line khoảng 4 triệu, Zalo khoảng 10 triệu… Và dự kiến, đến cuối năm 2014 Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người dùng dịch vụ OTT.
Tóm tắt bài viết:
- Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh dịch vụ OTT đã phát triển mạnh tại Việt Nam thời gian qua. Số lượng người dùng Viber khoảng 12 triệu, Line khoảng 4 triệu, Zalo khoảng 10 triệu. Dự kiến cuối năm đạt 30 triệu thuê bao OTT.
- Các ứng dụng này liên tục khiến doanh thu nhà mạng giảm mạnh. Chưa có chế tài quản lý OTT khiến nạn tin nhắn rác bùng nổ, thậm chí cả những tin nhắn dịch vụ phòng the.
- Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel nhấn mạnh việc Bộ TT&TT cần sớm nghiên cứu và ban hành văn bản quản lý các doanh nghiệp OTT.
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Trong thời gian qua, dịch vụ kinh doanh trên hạ tầng mạng Internet di động (Over The Top - OTT) đã phát triển mạnh tại Việt Nam. Theo ước tính, số lượng người dùng Viber hiện vào khoảng 12 triệu, Line khoảng 4 triệu, Zalo khoảng 10 triệu… Và dự kiến, đến cuối năm 2014 Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu thuê bao OTT.
Dịch vụ OTT bùng phát khiến các doanh nghiệp viễn thông đau đầu vì sụt giảm doanh thu. Ảnh: Nguyên Đức.
Thực tế tại Việt Nam đang cho thấy, ngay từ đầu năm 2013, dịch vụ OTT liên tục bùng nổ với các dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí của Viber, WhatsApp, Zalo, Line…, khiến doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn của nhà mạng bị sụt giảm, gây phản ứng từ các nhà mạng.
Cùng đó, do chưa có quy định quản lý, chế tài xử phạt, việc OTT bùng phát cũng đi đôi với tình trạng tin nhắn rác xuất hiện tràn lan, quảng cáo cho đủ loại hình dịch vụ, thậm chí cả chuyện phòng the, coi cầu lô đề, hàng cấm như máy nghe lén…, càng khiến cho thực tế trở nên phức tạp đối với cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý rất khó quy trách nhiệm cho doanh nghiệp nội dung hay nhà mạng, hay do nhà cung cấp dịch vụ OTT (nhất là hiện Viber, WhatsApp... đặt máy chủ tại nước ngoài).
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM bày tỏ đây là vấn đề đang nóng liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông cũng như đối với công tác giám sát, kiểm tra loại hình dịch vụ này trên địa bàn TP.HCM.
Tuy nhiên Sở TT&TT đang lúng túng trong vấn đề này. Đề nghị Bộ TT&TT giao cho đơn vị chức năng sớm xây dựng văn bản quản lý để đảm bảo dịch vụ phát triển bền vững tại Việt Nam, đảm bảo sự hài hòa giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đứng ở quan điểm doanh nghiệp viễn thông, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel cũng nhấn mạnh đến việc Bộ TT&TT cần nghiên cứu để sớm ban hành văn bản quản lý các doanh nghiệp OTT.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh trong bối cảnh số lượng người dùng OTT đang tăng nhanh tại Việt Nam, nếu công tác quản lý dịch vụ OTT không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến nhà mạng, việc sử dụng hạ tầng viễn thông, an ninh an toàn thông tin…
Hiện, Bộ TT&TT đã giao cho Cục Viễn thông chủ trì xây dựng văn bản quản lý loại hình dịch vụ này để có thể ban hành trong thời gian sớm nhất.
Theo ICTnews.
>> Facebook Messenger cập nhật tính năng gửi video ngắn 15 giây
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng