Việt Nam sẽ phát triển chip 'AI hoá' các thiết bị điện tử gia dụng

    Chí Hiếu,  

    Không thể đi theo ngành công nghiệp điện tử truyền thống, Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn.

    Với xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần chuyển dịch sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá là có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào.

    Trong khuôn khổ Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ TT&TT) cho biết, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là cột mốc đánh dấu đầu tiên Việt Nam có chiến lược dài hạn như vậy.

    Dựa trên bối cảnh toàn cầu và thực tiễn đất nước, Việt Nam đã đưa ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo công thức: C=SET+1 (C: chip bán dẫn; S: chip chuyên dụng; E: công nghiệp điện tử; T: nhân tài, nhân lực; +1: Việt Nam), trong đó thành tố chính bao gồm chip chuyên dụng, ngành điện tử công nghiệp điện tử, nhân tài số và hợp tác quốc tế.

    Việt Nam sẽ phát triển chip 'AI hoá' các thiết bị điện tử gia dụng- Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT (Bộ TT&TT).

    Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT&TT, Việt Nam sẽ tham gia vào hướng đi sản xuất chip chuyên dụng, chuyên dùng. Ví dụ những chip nguồn ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày, chip phục vụ cho IOT (Internet Vạn vật).

    Ông Nguyễn Khắc Lịch nhấn mạnh: "Chúng ta khi đi vào sản xuất chip, không thể đi vào chip đa dụng được, có lẽ sẽ cần nhiều năm nữa. Khi chiến lược khả thi hơn, n gành công nghiệp điện tử thế hệ mới, chúng ta sẽ có chip để AI hoá các thiết bị điện tử gia dụng và chuyên dụng. Bài học trên thế giới có thể nhìn từ Xiaomi, hãng biến bất kỳ sản phẩm gia dụng đều thông minh hoá".

    Để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, Việt Nam không thể đi theo ngành công nghiệp điện tử truyền thống mà cần phát triển ngành công nghiệp điện tử thế hệ mới song hành với ngành công nghiệp bán dẫn.

    Việt Nam cần làm chủ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử, nếu không muốn trở thành đất nước gia công, trong đó phát huy lợi thế địa chính trị, đi theo xu hướng đầu tư, chú trọng đến phát triển hạ tầng điện, nước cũng như có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

    Trước mắt, Việt Nam cần có một nhà máy chế tạo chip, quy mô nhỏ nhưng có công nghệ cao để giải quyết nhu cầu trong nước, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng trong trường hợp đứt gãy chuỗi cung ứng.

    Việt Nam sẽ phát triển chip 'AI hoá' các thiết bị điện tử gia dụng- Ảnh 2.

    Việt Nam cần có một nhà máy chế tạo chip, quy mô nhỏ nhưng có công nghệ cao.

    Năm 2030 doanh thu công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ đạt 25 tỷ USD trong 1.000 tỷ USD trên toàn cầu. Hiện nay doanh thu công nghiệp điện tử đạt 225 tỷ USD trong năm 2030.

    Đặc biệt năm 2024 đã dự kiến đạt 152 tỷ USD, 2050 doanh thu công nghiệp bán dẫn đạt trên 100 triệu USD, doanh thu công nghiệp điện tử trên 1.045 tỷ USD.

    Để đạt con số này, doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn. Cùng với đó trong giai đoạn 2024-2030 nước ta sẽ đạt mục tiêu 50.000 kỹ sư, 2030-2040 cần 100.000 kỹ sư, biến Việt Nam trở thanh trung tâm nhân lực toàn cầu về bán dẫn.

    Việt Nam sẽ phát triển chip 'AI hoá' các thiết bị điện tử gia dụng- Ảnh 3.

    Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội.

    Việt Nam nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, được hỗ trợ và có những cơ chế đặc thù trong chính sách, tuy nhiên vẫn còn những thách thức cần được tháo gỡ.

    Trong khuôn khổ sự kiện, ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết, Việt Nam cũng như thành phố Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức như về cơ sở hạ tầng và logistic, quy định thủ tục hành chính còn phức tạp nhất định, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng… Để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày