Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào?

    zknight,  

    ECMO sẽ là trái tim và cả lá phổi cho bệnh nhân.

    Có thể bạn đã biết, Covid-19 là một căn bệnh gây suy hô hấp cấp tính ở người. Chủng virus corona gây ra nó sẽ tấn công trực diện vào các tế bào phổi, tàn phá chúng và có thể dẫn đến một cơn bão cytokine – xảy ra khi các tế bào miễn dịch phản ứng thái quá với mầm bệnh và sẽ giết chết cả các tế bào phổi còn khỏe mạnh.

    Phản ứng cytokine đặc biệt dễ xảy ra ở những người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu và đã mắc các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch và ung thư. Lá phổi bị cơn bão cytokine quét qua sẽ phải chịu tổn thương kép, từ chính virus và sau đó là tế bào miễn dịch của bệnh nhân.

    Phổi của bệnh nhân sẽ bị tràn dịch, hạn chế khả năng hấp thụ oxy. Và khi các tổn thương trong phổi hồ bị sẹo hóa, lá phổi sẽ cứng lại và không thể tự hô hấp được nữa.

    Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào? - Ảnh 1.
    Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào? - Ảnh 2.

    Nếu bệnh nhân Covid-19 tiếp tục không đáp ứng với các phương pháp hỗ trợ hô hấp thông thường như sử dụng mặt nạ oxy (Oxygen therapy), thở oxy lưu lượng cao (HFNO), thông khí không xâm nhập (NIV), đặt nội khí quản (Endotracheal intubation) và thở máy thông khí cơ học (Mechanical ventilation), họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong do suy hô hấp nặng.

    Đó là lúc mà các bác sĩ đứng trước lựa chọn cuối cùng của mình, nối cơ thể người bệnh vào một cỗ máy gọi là ECMO (viết tắt từ Extracorporeal membrane oxygenation hay "Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể").

    ECMO: Là trái tim và cả lá phổi

    ECMO là một kỹ thuật hỗ trợ sự sống cực kỳ tinh vi được phát triển từ nửa cuối thế kỷ 20. Ý tưởng của nó là giúp hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp cho những bệnh nhân bị suy tim, phổi hoặc thậm chí cả hai cơ quan trọng yếu này.

    Khi bị suy tim, trái tim của người bệnh sẽ không thể hỗ trợ vòng tuần hoàn ở phổi, nơi máu lấy oxy và thải cacbonic, đồng thời không thể bơm máu đi khắp cơ thể được nữa. Tương tự, khi bị suy hô hấp, phổi bệnh nhân sẽ không còn làm được nhiệm vụ trao đổi oxy và cacbonic, dẫn đến dòng máu của họ bị nhiễm CO2 cao và thiếu oxy trầm trọng.

    Cả hai tình huống đều nhanh chóng đẩy họ đến nguy cơ tử vong. ECMO lúc này là phương pháp cuối cùng giúp họ duy trì sự sống. Cỗ máy được nối với cơ thể người bệnh thông qua các ống thông vào tĩnh mạch và động mạch lớn ở cơ thể người bệnh, thường là các mạch lớn ở cổ, háng hoặc ngực.

    ECMO: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể

    Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào? - Ảnh 4.

    Dòng máu chảy vào ECMO được đưa tới một lá phổi nhân tạo, là nơi mà nó được loại bỏ cacbonic và tiếp thêm oxy. Bản thân lá phổi nhân tạo trong máy ECMO cũng là một hệ thống hết sức tinh vi. Nhìn từ ngoài vào, nó giống như một hộp lọc nước màu đỏ.

    Nhưng bên trong hộp lọc đó thực chất là một tấm màng thấm khí nhưng không thấm máu có diện tích từ 2 tới 4 mét vuông. Màng này được thiết kế dưới dạng sợi rỗng, cho phép máu chảy bên ngoài các sợi, trong khi oxy chảy theo hướng ngược lại phía bên trong.

    Khi máu và dòng khí đi ngược chiều nhau trên một tiết diện lớn như vậy, chúng sẽ trao đổi oxy và cacbonic hiệu quả với nhau. Oxy sẽ khuyếch tán từ dòng khí vào máu, ngược lại cacbonic được rút ra ngoài. Hoạt động của phổi nhân tạo sẽ giúp dòng máu của bệnh nhân bình thường trở lại.

    Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào? - Ảnh 5.
    Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào? - Ảnh 6.
    Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào? - Ảnh 7.

    Sau khi quá trình trao đổi oxy và cacbonic diễn ra thành công trong phổi nhân tạo, hệ thống bơm của ECMO sẽ làm nhiệm vụ thay cho trái tim người bệnh. Nó đẩy dòng máu hỗ trợ sự sống lại cơ thể thông qua một ống thông vào mạch máu.

    Để hỗ trợ quá trình này diễn ra trơn tru, bệnh nhân sử dụng ECMO thường được cho sử dụng thuốc làm loãng máu, để máu của họ không vón cục và làm cản trở hệ thống máy móc ngoài cơ thể.

    Mua thêm thời gian và sự sống cho bệnh nhân

    Sự kì diệu nhưng cũng là điểm yếu của ECMO, đó là về bản chất cỗ máy này không trực tiếp giúp cứu sống bệnh nhân. Nó chỉ đang làm việc thay trái tim và lá phổi để giúp họ duy trì sự sống.

    Trong trường hợp các bệnh nhân Covid-9 bị suy hô hấp nặng, các bác sĩ có thể nối cơ thể họ vào một máy ECMO, nhưng đồng thời vẫn phải thực hiện các biện pháp chữa trị khác như dùng thuốc ức chế miễn dịch để dập tắt cơn bão cytokine, các loại thuốc ức chế virus đang được thử nghiệm và kháng sinh để điều trị nhiễm trùng cơ hội.

    Nhiều khi, công việc chỉ dừng lại ở chỗ giúp bệnh nhân duy trì sự sống và đợi cho cơ thể của họ tự chữa lành lại.

    Một thống kê năm 2015 cho thấy 52% bệnh nhân suy hô hấp sử dụng ECMO đã được cứu sống. Tỷ lệ ở các cơ sở y tế có kinh nghiệm sử dụng cỗ máy này thậm chí còn cao hơn nữa, lên tới 60-70%. 

    Trong dịch Covid-19, các máy ECMO đã được sử dụng ở Trung Quốc để điều trị cho những bệnh nhân nặng nhất. ECMO cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào phác đồ khuyến cáo, để điều trị cho bệnh nhân suy hô hấp nặng khi mắc phải Covid-19.

    *Bạn cần làm gì khi nghi ngờ mình nhiễm virus corona? Kiểm tra trong bài trắc nghiệm dưới đây để biết:

    Vietsub: Máy trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể cứu sống bệnh nhân Covid-19 như thế nào? - Ảnh 10.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày