Viettel kiến nghị Chính phủ cho đầu tư ngoài ngành để tìm cơ hội mới

    PV,  

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó TGĐ Viettel đề nghị Chính phủ cho phép các DNNN được đầu tư ra ngoài ngành theo một tỷ lệ nhất định để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

    Nội dung nổi bật: Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel đề xuất:

    - Không nên cực đoan cấm tuyệt đối đầu tư ngoài ngành. Một số ngành sẽ biến mất, nếu doanh nghiệp không tìm kiếm không gian mới thì sẽ phải ngừng hoạt động.

    - Đề nghị Chính phủ thu nhiều nhất là 30% đối với các doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ đã xác định là giữ lại và cần tăng vốn để phát triển.

    - Viettel có năng suất lao động đạt tới 6,5 tỷ đồng/người/năm. 3 năm qua, doanh thu bình quân mỗi năm tăng gần 20% nhưng số lượng nhân sự không tăng. Xin Chính phủ cho áp dụng cơ chế khoán về nghiên cứu theo sản phẩm cuối cùng và tăng cường tự động hóa.


    Tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014 – 2015 diễn ra ngày 18/2/2014 dưới sự điều hành, chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Viettel đề xuất: "Không nên cực đoan cấm tuyệt đối đầu tư ngoài ngành. Một số ngành sẽ biến mất, nếu doanh nghiệp không tìm kiếm không gian mới thì sẽ phải ngừng hoạt động.

    Trong khủng hoảng có rất nhiều cơ hội ngoài ngành, nếu cấm thì sẽ thiệt hại. Đầu tư ra ngoài ngành trong một số trường hợp là để tìm kiếm cơ hội mới. Đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp Nhà nước được 1 tỷ lệ nhất định đầu tư ra ngoài ngành với yêu cầu phải hiệu quả thông qua tỷ lệ lãi trên vốn chủ sở hữu".

    Trên thực tế, cũng giống nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác đã và đang triển khai đầu tư nhiều lĩnh vực ngoài ngành, Viettel cũng đã chủ động tìm kiếm nhiều cơ hội kinh doanh mới bên cạnh lĩnh vực hoạt động chính là viễn thông - công nghệ thông tin. Tuy nhiên, theo lộ trình Đề án tái cơ cấu Viettel đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2013, Viettel đã phải triển khai hoạt động thoái vốn tại Công ty Cổ phần Công nghệ Viettel và Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại Vinaconex.

    Phân tích một khía cạnh khác về những khó khăn trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các doanh nghiệp Nhà nước đều có quy mô còn rất nhỏ, nếu muốn cạnh tranh quốc tế thì phải tăng vốn.

    Ví dụ như Viettel hiện nay đang phải cạnh tranh quốc tế với những doanh nghiệp có vốn lớn hơn mình gấp khoảng 30 lần. "Các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thì chủ yếu tăng vốn thông qua lợi nhuận sau thuế, không thể tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Bởi vậy, việc thu về ngân sách 70% lợi nhuận sau thế theo quy định hiện hành là rất cao (Trung Quốc chỉ thu 15% và sắp tới mới là 30%). Đề nghị Chính phủ thu nhiều nhất là 30% đối với các doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ đã xác định là giữ lại và cần tăng vốn để phát triển", ông Hùng đề xuất.

    Liên quan đến hoạt động tái cơ cấu, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Tái cấu trúc ngoài việc thay đổi chiến lược kinh doanh thì cơ chế vận hành cũng hết sức quan trọng. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu một cơ chế mang tính đột phá để doanh nghiệp Nhà nước phát triển, đặc biệt là cơ chế lương. Hiện tại, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đều phải tuân theo cơ chế thị trường nhưng lương lại không theo. Chính phủ có thể cân nhắc phương án thưởng cho cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước trên tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế".

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Viettel có năng suất lao động đạt tới 6,5 tỷ đồng/người/năm. 3 năm qua, doanh thu bình quân mỗi năm tăng gần 20% nhưng số lượng nhân sự không tăng. Hiện Viettel đang thực hiện cơ chế khoán lương trên doanh thu trừ chi phí trước lương; khoán 50% quỹ lương dựa trên giá trị tăng thêm nhằm khuyến khích các đơn vị, chi nhánh hạch toán phụ thuộc phải liên tục tạo ra giá trị mới. Viettel cũng đang xin Chính phủ cho áp dụng cơ chế khoán về nghiên cứu theo sản phẩm cuối cùng và tăng cường tự động hóa bằng các công cụ CNTT để tăng năng suất lao động.

    Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Viettel được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 753 ngày 17/52013. Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các Bộ liên quan, Bộ Quốc phòng đã trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt.

    Để triển khai đề án tái cơ cấu, Tập đoàn Viettel đã thực hiện kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; hoàn tất việc chuyển đổi, đưa mô hình 2 Tổng công ty hạch toán phụ thuộc gồm Tổng công ty Viễn thông và Tổng công ty Mạng lưới Viettel cùng với Công ty Truyền hình Cáp Viettel vào hoạt động.

    Mặt khác đã sáp nhập Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực vào Tập đoàn Viettel. Hiện nay, Tập đoàn Viettel đang phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện hoàn tất thủ tục hồ sơ để thực hiện sát nhập.

    Theo Xuân Bách
    ICTnews.vn

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày