Viettel Solutions chia sẻ lời giải cho những câu hỏi không thể dùng kinh nghiệm để trả lời
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) cho rằng: “Hệ thống dữ liệu sẽ đặc biệt cần kíp với những đơn vị có số lượng khách hàng hoặc số lượng nhân sự lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là các doanh nghiệp đa ngành”.
- Viettel IDC đồng hành cung cấp hạ tầng cloud cho KardiaChain, phát triển blockchain tại Việt Nam
- Viettel Global thay Chủ tịch
- Viettel IDC giành “cú đúp” giải thưởng quốc tế uy tín về điện toán đám mây
- Xuất hiện hãng xe điện Make in Vietnam chuyên dùng để giao hàng: Tự tin có hệ sinh thái pin ưu việt hơn VinFast hay Dat Bike, hợp tác cùng Lazada, DHL, Viettel Post...
- Nhìn lại những lựa chọn 'cắm cờ' ở nước ngoài của các 'ông lớn' Việt: Vingroup, Viettel và FPT có gì khác nhau?
Trước khi triển khai Data Lake cho khách hàng, bản thân Viettel đã phát triển hệ thống dữ liệu nội bộ ra sao?
Chúng tôi bắt đầu triển khai hệ thống dữ liệu từ những năm 2010, khi Viettel bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ với hàng chục triệu khách hàng trong nước, quốc tế và bắt đầu chuyển sang nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Nhu cầu là rất rõ ràng đối với việc hiểu rõ các các lĩnh vực hoạt động của mình.
Trong quá trình điều hành, lãnh đạo Viettel phân tích rất sâu và hỏi rất xoáy (cười), ví dụ như khu vực nào đang kinh doanh tốt, kinh doanh tốt cái gì, cái gì đang không tốt, không tốt thì vì sao. Lãnh đạo Viettel đưa ra rất nhiều câu hỏi khó không thể dùng kinh nghiệm để trả lời được. Việc phát triển hệ thống dữ liệu lúc này là nhu cầu rất bức thiết, phải làm thế nào để thu thập dữ liệu, khai thác dữ liệu thành các thông tin có ý nghĩa để có thể ra quyết định dựa trên thông tin đó.
Thời điểm đó, chúng tôi bắt đầu thuê các đơn vị tư vấn, với câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để thu thập, khai thác được dữ liệu. Chúng tôi đã lựa chọn 1-2 nghiệp vụ rất cơ bản, các chuyên gia hỗ trợ chúng tôi xây dựng công cụ và chuyển giao toàn bộ các quy trình, từ quy trình của các đơn vị kỹ thuật cho đến các đơn vị nghiệp vụ kinh doanh: quản lý, quản trị như thế nào, nên nhìn ở góc nhìn thế nào, đánh giá hệ thống kỹ thuật ra sao, sử dụng dữ liệu như thế nào… Quá trình đào tạo để các đơn vị hiểu và sử dụng được một cách hiệu quả dữ liệu cũng rất mất thời gian. Chúng tôi mất tới 2 năm cho việc này.
Sau này, khi triển khai Data Lake cho khách hàng, Viettel nhận thấy những vấn đề trong việc vận hành, quản lý mà các doanh nghiệp thường gặp phải là gì?
Viettel tiến hành khảo sát một số công ty, và rút kinh nghiệm từ chính hiện trạng của Viettel trước khi triển khai các hệ thống dữ liệu. Vấn đề thường gặp là trong quá trình số hóa, các công ty xây dựng, sử dụng rất nhiều các phần mềm khác nhau. Thậm chí, mỗi một phòng ban, mỗi một bộ phận, từ đầu tư, tài chính, nhân sự, quản lý khách hàng,…đều có phần mềm quản lý riêng của họ.
Sự kết nối giữa các phần mềm này rất lỏng lẻo, dẫn đến việc các quy trình hoạt động, tương tác bị chồng chéo rất nhiều. Với một số khách hàng chúng tôi khảo sát, cùng một thông tin có khi lại phải nhập lên 2 phần mềm, thậm chí là 3 phần mềm khác nhau.
Thứ hai, khi có nhu cầu tổng hợp dữ liệu liên bộ phận, thì rất vất vả. Mỗi bộ phận sẽ xuất dữ liệu từ hệ thống của mình, tổng hợp lại, gửi về một nơi, rồi mới tổng hợp, phân tích. Các thao tác thủ công này gây tăng tải rất nhiều, bởi một việc có thể bị làm đi làm lại ở nhiều nơi.
Vấn đề tiếp theo là không chia sẻ được thông tin giữa các bộ phận với nhau. Cùng một thông tin mà mỗi một bộ phận lại có một nguồn số liệu khác nhau, các định nghĩa số liệu có thể khác nhau dẫn đến khi trao đổi thì thông tin đồng nhất, thiếu chính xác, rất khó để hỗ trợ việc ra quyết định.
Doanh nghiệp có những đặc điểm nào thì nên nghĩ đến triển khai Data Lake, hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu, báo cáo điều hành thông minh?
Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay thì doanh nghiệp nào cũng cần dữ liệu, không doanh nghiệp nào có thể nói là không cần hệ thống dữ liệu được (cười). Tuy nhiên, trước mắt, hệ thống dữ liệu sẽ đặc biệt cần kíp với những đơn vị có số lượng khách hàng hoặc số lượng nhân sự lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực… và đặc biệt là các doanh nghiệp đa ngành.
Bởi lẽ, việc ứng dụng dữ liệu sẽ giúp tối ưu chi phí rất hiệu quả. Ví dụ những công ty có đến hàng ngàn nhân công, nếu như tối ưu được quy trình tương tác giữa các nhân công đó với nhau, chẳng hạn trong quy trình bán hàng, chi phí sẽ được tối ưu hơn nhiều.
Hay đối với những đơn vị có tập khách hàng lớn, lên đến hàng chục triệu khách hàng như Viettel, việc có một hệ thống dữ liệu được quản trị khoa học, chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng hơn, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng và góp phần tăng doanh thu.
Một trường hợp mà chúng tôi mới triển khai gần đây là một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất - Rạng Đông.
Hệ thống dữ liệu được quản trị khoa học, chuyên nghiệp giúp Rạng Đông kết nối từ khâu đầu vào nguyên liệu sản xuất, là các nhà cung cấp đến các dây chuyền sản xuất, các nhà máy sản xuất khác nhau, rồi đến các sản phẩm, đến kênh phân phối, và đến khách hàng. Với Data Lake do chúng tôi tư vấn triển khai, Rạng Đông có thể có góc toàn cảnh nhất.
Ví dụ, khi nhập nguyên liệu đầu vào, nhìn trên dữ liệu họ nhập từ đối tác này thì sản phẩm đầu ra chất lượng ra sao, tỷ lệ hỏng hóc cao hay thấp, từ đó tối ưu quá trình nhập. Hay cùng một nguyên liệu, sản phẩm đi qua nhà máy nào thì chất lượng đầu ra tốt nhất, thì có thể so sánh được trình độ sản xuất giữa hai nhà máy của họ.
Lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp muốn hướng tới việc xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu khoa học và chuyên nghiệp là gì?
Có ba yếu tố mà doanh nghiệp cần chuẩn bị: thứ nhất là văn hoá và nhận thức của lãnh đạo, thứ hai là cần một chiến lược tiếp cận bài bản và thứ ba là có hệ thống số hóa, hệ thống quy trình để có dữ liệu sống, sạch. Rạng Đông là một trường hợp đã làm tốt những điều này.
Về văn hóa và nhận thức, trước khi triển khai, việc đầu tiên bao giờ chúng tôi cũng làm là tư vấn cho lãnh đạo cấp cao. Bởi lẽ, thay đổi văn hóa, cụ thể là tạo ra văn hóa sử dụng dữ liệu, văn hóa chuyển đổi số, thì phải bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất, sau đó mới đi dần xuống lãnh đạo cấp trung.
Trong chuyển đổi số nói chung và trong mảng dữ liệu nói riêng, chúng tôi thường hay tiếp cận theo hướng chọn ra những vấn đề bức xúc nhất của doanh nghiệp để giải quyết, để doanh nghiệp thấy ngay được nếu ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu vào thì công việc của họ tốt hơn thế nào. Từ đấy, họ sẽ có thiện cảm để bắt đầu thay đổi, cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi, và chia sẻ với chúng tôi.
Đối với Rạng Đông, may mắn là ban lãnh đạo của họ đã nhận thức và xây dựng được cho quản lý cấp trung, cũng như cả công ty một văn hóa số tương đối ổn rồi, nên khi chúng tôi tham gia vào cũng tương đối thuận lợi. Việc sau đó chỉ là làm thế nào để chúng tôi có thể nắm bắt, chia sẻ được những kiến thức chuyên ngành của họ và tạo ra được giá trị từ đó thôi.
Chuyển đổi số là quá trình tương tác hai chiều rất sâu sát giữa chúng tôi và khách hàng. Chúng tôi có thể có góc nhìn về dữ liệu, nhưng lại không có sự nhạy cảm dữ liệu với góc nhìn của người trong ngành đó.
Liên quan đến chiến lược tiếp cận, hiện nay, quá trình tin học hóa và số hóa của nhiều doanh nghiệp đang phát triển theo kiểu “thiếu gì thì làm đó”. Nhưng để có thể phát triển bài bản và đồng đều, doanh nghiệp nên có một kiến trúc, có một bức tranh tổng thể. Mình là doanh nghiệp gì, nên có những phần mềm gì và nên có những dữ liệu gì, rồi mới phát triển.
Cuối cùng, về hệ thống số hóa, quy trình, thông thường đối với những đơn vị chưa bắt đầu chuyển đổi số, khi triển khai dự án, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là số hóa và chuẩn hóa lại toàn bộ quy trình để có dữ liệu.
Còn với Rạng Đông, khi bắt đầu triển khai Data Lake, chúng tôi cũng không phải xây dựng lại toàn bộ quy trình nữa. Những đơn vị đã có những bước tiến nhất định trong chuyển đổi số thì về cơ bản, các quy trình của họ đã được số hóa sẵn rồi, và khi đó dữ liệu của họ đã tương đối sạch.
Tóm lại, chuyển đổi số cần bắt tay làm từ việc nhỏ, nhưng tư duy thì cần tổng thể, để sau này lắp ghép các “bức tranh” dữ liệu lại với nhau thì không bị “vênh”.
Sau khi đã có dữ liệu rồi, chúng ta làm gì tiếp theo? Câu trả lời là: khai thác dữ liệu, tạo ra tri thức, những thông tin có giá trị. Ở giai đoạn này cần có sự tham gia của các nhà khoa học dữ liệu (data scientist) và chuyên gia phân tích kinh doanh (business analyst). Triển khai hệ thống dữ liệu với bất cứ một ngành nghề nào cũng cần người hiểu nghề, hiểu lĩnh vực đó.
Đối với việc triển khai Data Lake, lợi thế của Viettel so với các nhà cung cấp khác là gì?
Chúng tôi tự đánh giá mình có hai lợi điểm so với những đơn vị khác trên thị trường.
Thứ nhất là kinh nghiệm. Chúng tôi đã từng triển khai các dự án rất lớn cho nội bộ Tập đoàn Viettel, cũng như một số khách hàng chúng tôi đã hỗ trợ, cùng với cách tiếp cận bài bản của các đơn vị tư vấn nước ngoài tốt nhất thế giới hiện nay. Những khách hàng mà chúng tôi đã hỗ trợ, những vấn đề trong hoạt động quản trị mà họ thường gặp phải về cơ bản là như nhau. Nên ngay khi khảo sát khách hàng, lắng nghe những vấn đề của họ, cơ bản là chúng tôi đã hiểu được và có một số phương án xử lý rồi.
Tất nhiên, mỗi một doanh nghiệp sẽ có một đặc thù quản trị riêng. Phía chúng tôi sẽ đưa ra một số gợi ý về cách giải quyết vấn đề, đưa ra góc nhìn tổng thể hơn. Phía khách hàng sẽ bổ sung thêm những đặc thù riêng của họ, để chúng tôi có thể ra được giải pháp phù hợp.
Thứ hai, chúng tôi cũng làm chủ được nền tảng kỹ thuật.
Bản thân Viettel, chúng tôi bắt đầu tiếp cận với khái niệm Data Lake (kho dữ liệu) từ năm 2010 và 2012. Với đặc thù là một doanh nghiệp đa ngành nghề, cả viễn thông, công nghệ thông tin và bán lẻ, sản xuất, logistics… chúng tôi đã thuê rất nhiều các đơn vị tư vấn trong nhóm Big 4 của thế giới để tư vấn một chiến lược dữ liệu, một cách tiếp cận đúng đắn để triển khai các hệ thống. Chúng tôi cũng tổ chức các đội nghiên cứu để làm chủ các nền tảng dữ liệu đó.
Trong tương lai, liệu Data Lake có trở thành xu hướng mà các doanh nghiệp cần theo đuổi hay không?
Chính phủ đã phát động từ đầu năm, là năm 2023 sẽ là “Năm Dữ liệu số”, và tất cả các công ty đều đang nói về chiến lược dữ liệu. Tôi cho rằng, dữ liệu cũng là xu thế tương lai.
Trong tương lai, dữ liệu cũng như máu của doanh nghiệp. Các hệ thống công cụ dữ liệu cũng quan trọng như các mạch máu vậy. Việc ứng dụng dữ liệu sẽ là xu thế bắt buộc của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cảm ơn chia sẻ của ông!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng