Virus đáng sợ như trong series phim Hành tinh Khỉ được xây dựng dựa trên khoa học thực tế như thế nào?
Sự thật khoa học thường bớt đáng sợ hơn những cảnh tượng trong phim giả tưởng, nhưng vẫn có % nào đó nó sẽ xảy ra ...
Bài viết có nói trước về nội dung phim Đại chiến Hành tinh Khỉ - War for the Planet of the Apes. Độc giả cân nhắc trước khi đọc.
Trong bộ phim thứ ba của series Hành tinh Khỉ cực kì ăn khách, loài người lại đối mặt với một dịch bệnh mới. Đại chiến Hành tinh Khỉ - War for the Planet of the Apes tiếp nối phần trước, và con virus – bản thân là một sinh vật sống – cũng tự biết tiến hóa theo cách riêng của mình.
Loại virus đột biến mới này khiến cho loài người không còn khả năng nói chuyện, hành xử như động vật – về cơ bản, con người đã bị “lùi hóa” và kết cục cuối cùng cho loài yếu thế này sẽ là sự tuyệt chủng..
Con virus này kéo loài người xuống, kéo loài khỉ lên và kéo toàn bộ 3 phần bộ phim này tới với tầm của phần phim Hành tinh Khỉ nguyên bản hồi năm 1968. Tại đó, con người cũng không thể nói, gợi ý rằng con người đã không còn đủ thông minh để có ngôn ngữ riêng. Nhưng nhìn chung, thì con virus nói trên là một “điểm kịch bản” mà dựa vào đó, rất nhiều đòn bẩy của bộ phim có chỗ dựa để bật lên.
Và ít nhiều nó cũng giống với thế giới này mà ta đang sống nữa.
Đoạn mở đầu phim, với tiết tấu rất chậm rãi, dần dần hé lộ cho ta thấy về một thứ dịch bệnh đang len lỏi vào từng thế hệ người còn sống sót. Con virus này có khả năng lây lan mạnh, nên những cá nhân mắc bệnh hoặc là phải sống cách ly với cộng đồng, hoặc là bị chính cộng đồng ấy tiêu diệt để tránh dịch bệnh lây lan. Khi mà con virus này đã gõ cửa tới mọi nhà, chẳng mấy chốc “cộng đồng” sẽ biến thành “bầy đàn”.
Nhưng vẫn có chút khoa học giả tưởng nơi đây. Liệu có tồn tại một loại virus có sức lây lan khủng khiếp, có thể thích nghi tốt đến đáng sợ như vậy, có thể tạo ra nhiều triệu chứng tới mức làm tiêu tan cả một giống loài? Ta hiện đang nắm trong tay những công nghệ có thể hồi sinh được những dịch bệnh đã chết trong môi trường phòng thí nghiệm, liệu rằng một vụ bùng phát có thể quét sạch cộng đồng này?
Nhà khoa học Ann Powers, một giáo sư đang nghiên cứu những dịch bệnh lây lan mạnh tại Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh, trả lời ngắn gọn lại là “Không”. “Trong phim, họ đã kết hợp nhiều đặc điểm khác nhau của nhiều loại virus”, bà Powers nói. Tuy nhiên, phim làm vậy cũng chẳng phải là xấu, vì nó lại khiến cộng đồng quan tâm tới những loại virus đang hoành hành hiện tại.
“Có vẻ như đạo diễn và các nhà sản xuất phim làm mọi thứ để khiến cho con virus này có một mạch truyện hay và cuốn hút”, Peter Hotez, chủ nghiệm khoa Bệnh Nhiệt đới tại Đại học Baylor cho hay. Bỗng dưng, bộ phim khiến cho ngành nghiên cứu virus thú vị hơn nhiều phần.
Vậy thì hãy nghiên cứu về lịch sử của con virus trong phim này chút đỉnh nhé. Trong phần đầu tiên, Sự nổi dậy của Hành tinh Khỉ - Rise of the Planet of the Apes, phương thuốc ALZ-113 được cho là sẽ chữa thành công bệnh Alzheimer lại gây chết người. Bản thân phương thuốc ALZ-113 là một loại retrovirus nhân tạo (loại virus này có một biến thể đặc biệt, có thể được tích hợp vào bộ gen của con người và di truyền qua nhiều thế hệ).
Tiền thân của nó là ALZ-112, cả hai đều có khả năng cường hóa trí thông minh của linh trưởng (khi các nhà khoa học trong phim tiêm chúng vào người linh trưởng để thử nghiệm) và được tạo ra nhằm chữa bệnh Alzheimer, tuy nhiên chỉ có ALZ-113 gây chết người. Và rồi, từ một người lây nhiễm, ALZ-113 lây lan ra toàn cầu và được biết tới trong phim với cái tên Cúm Khỉ.
Cảnh mở đầu trong Bình minh Hành tinh Khỉ, cho thấy virus Cúm Khỉ lây lan như thế nào.
Tuy nhiên, bản thân loài retrovirus thì không lây lan qua đường hàng không, giống như cách mà Cúm Khỉ lây lan trong phim. Thay vào đó, retrovirus lây lan từ người sang người qua đường dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn, sinh con, cho con bú sữa mẹ. Bạn thấy quen thuộc phải không? Đó là vì HIV cũng là một loại retrovirus.
Nhưng trong lịch sử nhân loại, có một trường hợp retrovirus truyền qua đường hàng không như trong phim. Đó là Jaagsiekte, một loại retrovirus trên cừu và cũng là trường hợp duy nhất loại virus này lây truyền qua đường hàng không, từ con cừu này sang con cừu khác. Jaagsiekte gây nên bệnh ung thư phổi trên động vật và bỗng nhiên, nếu như Hành tinh Khỉ mà có thật, thì có lẽ phim phải đổi tên thành Hành tinh Cừu.
Các nhà khoa học cũng có sử dụng virus như là những dụng cụ đựng để đưa các gen ngoại lai vào trong một tế bào và đặc biệt thay, retrovirus lại đặc biệt giỏi khoản này. Đó cũng là cách loại retrovirus này sinh sôi trong tự nhiên: chúng sẽ đưa gen của mình vào trong ADN của vật chủ, cướp lấy trung tâm xây dựng protein của tế bào để sản xuất ra thêm nhiều hạt virus (virios, virus particle).
Khi các nhà khoa học sử dụng chúng trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu khả năng kháng ung thư, một phần bộ gen của các con virus này sẽ bị lấy ra khỏi chúng, để chúng không thể tự nhân đôi mà sinh sôi nữa. Thay vào đó, các nhà khoa học biến chúng thành những công cụ vận chuyển các gen chữa bệnh vào trong tế bào, đưa vào ADN của bệnh nhân những gen chữa bệnh chứ không phản gen của bản thân con virus. Vì thế, việc các con virus này quay lại được trạng thái ban đầu, sinh sôi và trở nên nguy hiểm gần như là bất khả thi.
Dù vậy, các nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ, nhà khoa học Stephen Russell nói. Vẫn có một tỉ lệ nhỏ nào đó viễn cảnh thực tại sẽ giống trong phim, khi mà phương pháp chữa bệnh bằng virus này sẽ trở thành một nguồn bệnh xóa sổ loài người.
Trong Đại chiến Hành tinh Khỉ, con virus Cúm Khỉ xưa kia đã đột biến và lây lan trong cộng đồng người còn sót lại. Lần này, nó không trực tiếp xóa sổ con người nữa, mà chính con người lại quay lại tiêu diệt chính mình. Khi mà đội ngũ dưới sự dẫn dắt của vị tướng do Woody Harrelson thủ vai thẳng tay giết những người bị bệnh, những người còn sống với hi vọng các nhà khoa học sẽ tìm ra được một phương thuốc chữa trị virus mới đã tổ chức tấn công đội quân nói trên.
Phe nổi loạn với sự cầm đầu của vị tướng do Woody Harrelson thủ vai.
Retrovirus cũng có xu hướng đột biến. Việc chúng tự tạo ra một bản sao của mình cũng giống như việc ta gõ lại bằng tay một đoạn văn vậy – không phải sử dụng chức năng copy và paste. Một số loài virus có khả năng “tự kiểm tra chính tả”, đoạn văn được viết lại sẽ không hề có lỗi nào, giống hệt đoạn gốc. Nhưng mỗi khi một con retrovirus lây nhiễm cho một tế bào mới, nó sẽ phải tự “viết lại mình” mà không có khả năng “tự kiểm tra chính tả”. Điều đó khiến cho phiên bản mới có thể có lỗi – chính là sự đột biến.
Nhiều kiểu đột biến khiến cho con virus mới không khác gì con cũ, một số kiểu đột biến sẽ khiến con virus mới tự lăn ra chết. Nhưng cứ đột biến liên tục như vậy, sẽ có phần trăm cơ hội nào đó việc đột biến sẽ có lợi. Đó chính là cách mà các con virus kháng thuốc trong thời đại này, đồng nghiệp của giáo sư Powers, Ronald Rosenberg nói.
Nghe đáng sợ là thế, nhưng để một con virus có thể đột biến được tới mức đó, phải cần tới rất nhiều điều kiện khác nhau. “Kết nối được toàn bộ những điều kiện ấy lại để đột biến gần như là bất khả thi”, Rosenberg nói. “Nhưng nếu mà chúng ta có thể tưởng tượng ra được viễn cảnh ấy, thì viễn cảnh ấy cũng dựng thành phim khoa học giả tưởng được”.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng