Với một loạt sản phẩm đình đám bị đóng cửa, Google có vẻ đã đánh mất khả năng bắt kịp rồi đè bẹp đối thủ
Công thức thành công của Google vốn đơn giản: tham gia vào một lĩnh vực đầy chậm trễ và rồi đè bẹp các đối thủ bằng tiềm lực khổng lồ. Đáng tiếc rằng trong cả 1 thập kỷ qua, Google không có sản phẩm "bám đuổi" nào thực sự thành công cả.
Theo sau rồi đè bẹp đối thủ không phải là chuyện mới mẻ trong làng công nghệ. Các hãng "clone" PC đã đẩy IBM ra khỏi cuộc đua phần cứng máy vi tính. Microsoft đã copy giao diện đồ họa trực quan từ Macintosh rồi đẩy Apple vào cảnh khốn cùng. Samsung đợi đến 2009 mới có mẫu smartphone Android đầu tiên, đến 2010 mới vén màn Galaxy S nhưng rồi vẫn trở thành ông chủ của thị trường smartphone.
Hơn ai hết, chính Google cũng đã nhiều lần dẫn đầu bằng cách... đi sau. Android ban đầu vốn được phát triển cho các thiết bị "copy" BlackBerry bỗng chốc đã chuyển hướng học theo iOS ngay sau khi iPhone ra đời vào năm 2007. Chrome ra đời trong cảnh thống trị của Internet Explorer vẫn có thể vươn lên số 1.Trước đó, Gmail đã đánh bại Yahoo Mail và Hotmail dù chẳng hề tiên phong cho khái niệm "email nền web".
Đứt mạch thành công
YouTube gaming đã không thể bắt kịp Twitch.
Đáng tiếc rằng con đường thành công này đến năm 2019 có vẻ đã chấm dứt. Cuối tháng 5, Google tuyên bố sẽ ngừng phát triển ứng dụng YouTube Gaming và đưa tính năng của ứng dụng này trở về với YouTube "chính". Dĩ nhiên, người mê game vẫn luôn có thể tìm lên YouTube, nhưng tham vọng tạo ra một nền tảng stream/video dành riêng cho game thủ và đánh bại Twitch – kẻ tiên phong trong lĩnh vực video cho game thủ – coi như đã chấm dứt.
Điều đáng nói là, YouTube Gaming chẳng phải thất bại đầu tiên của Google trong công cuộc bắt kịp và đè bẹp những đối thủ tiên phong. Mới chỉ vài tháng trước, Google đã phải công bố đóng cửa mạng xã hội Google sau khi dính scandal lộ thông tin hàng triệu người dùng. Trước khi Google đưa ra công bố này, Google trong nhiều năm trời đã là mạng xã hội chẳng ai thèm dùng. Facebook cùng lúc vẫn sống khỏe.
Cũng trong lĩnh vực xã hội, Google đến nay không có nổi một nền tảng nhắn tin. Chưa nói đến Facebook Messenger, WhatsApp hay WeChat, ngay cả một ứng dụng nhắn tin gắn liền với phần cứng của một hãng duy nhất như iMessage cũng vẫn có thể đè bẹp bất kỳ nỗ lực nào của Google, từ Google Talk, Hangouts cho đến Allo. Ngay cả một kẻ chậm chân, một startup bị khó khăn bủa vây như Snapchat cũng vẫn có thể đánh bại Google.
Thật đáng ngạc nhiên, Google vẫn là kẻ yếu thế trong lĩnh vực ứng dụng nhắn tin.
Tính tổng cộng, Google đã đóng cửa gần 150 dự án. Trong vòng 1 thập niên qua, Google chưa đạt được thêm bất kỳ thành công thực sự mới mẻ nào cả. Trong lúc thế giới liên tục chứng kiến những tên tuổi mới vươn lên, tất cả các sản phẩm thống trị của Google vẫn là các sản phẩm thống trị từ hơn 10 năm trước: Tìm kiếm, Gmail, YouTube, Maps, Android... không có bất kỳ tên gọi nào đến từ một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Vì sao thành công, vì sao thất bại?
Để hiểu được lý do vì sao Google có thể dễ dàng bắt kịp rồi đè bẹp các đối thủ, chúng ta cần nhìn lại bản chất của Google. Đầu tiên, Google nắm trong tay một sản phẩm "độc cô cầu bại" mà không ai khác bì kịp được – Tìm kiếm. Bằng những khoản tiền thu được từ Tìm kiếm, Google đầu tư mạnh tay vào các lĩnh vực tham gia sau đó, khiến các đối thủ hụt hơi.
Ví dụ, Android vươn lên vị trí áp đảo một phần là vì Apple (hay thậm chí là Microsoft) không dám cung cấp hệ điều hành miễn phí cho phần cứng không thuộc quyền kiểm soát của mình. Google thì ngược lại, và như thế Android có thể dễ dàng lấp các phân khúc giá mà Apple không tham gia.
Google biết điểm yếu của đối thủ, và khai thác điểm yếu đó để tạo ra thành công cho chính mình.
Hay, Gmail đánh bại Yahoo Mail một cách dễ dàng bởi Google dám chơi ngông đến mức tung ra bộ lưu trữ 1GB khi đối thủ mới có... vài MB. Gmail thời gian đầu còn "hot" đến mức người dùng phải truyền tay nhau thư mời từ Google. Sau này, Gmail đã trở thành cái tên đầu tiên người ta nghĩ đến khi nói về "email miễn phí". Thống kê các trình duyệt mail cho thấy Gmail đứng đầu, cao hơn đối thủ gần nhất là Outlook tới... 5 lần.
Nhưng bởi Google thành công bằng cách khai thác điểm yếu của kẻ đi trước, những kẻ tiên phong của ngày hôm nay biết cách để chống trả Apple. Twitch vẫn liên tục ra mắt tính năng mới, liên tục có các chương trình quảng bá, khuyến mại để đảm bảo game thủ sẽ không "mò" sang YouTube. Từ Facebook, Instagram cho đến Snapchat, các ứng dụng xã hội không để cho Google có cơ hội gây tiếng vang tới người dùng.
Trong lĩnh vực nhà thông minh, Amazon cũng đã nhanh chóng thu hút hàng trăm thương hiệu đồ gia dụng, hàng nghìn nhà phát triển ra mắt "skill" (câu lệnh) cho Alexa. Những kẻ tiên phong đang khoác lên mình những bộ giáp quá vững chắc, Google không thể nào tìm ra điểm yếu.
Google vẫn bám đuổi, các đối thủ vẫn cứ bỏ xa.
Chính lúc này, bản chất "kẻ chạy sau" của Google đang khiến gã khổng lồ tìm kiếm tụt hậu. Năm 2019, Google đang là gã khổng lồ duy nhất chưa chạm tay đến cột mốc nghìn tỷ - Apple, Amazon và Microsoft đều đã (vài lần) chạm tay vào cột mốc đó. Cuộc đua giá trị vốn hóa là cuộc đua bằng những viễn cảnh tươi đẹp cho tương lai: Google không thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng tương lai của hãng này sẽ có thứ gì mới mẻ, ngoại trừ những thành công vốn đã hơn 10 năm tuổi đời như Gmail hay YouTube.
Nếu còn tiếp diễn, sớm hay muộn Google cũng sẽ trở thành Microsoft của năm 2002 hay Apple của năm 1991: vẫn cứ thành công, vẫn có doanh thu khủng nhưng dần dần lụi bại. Google cần một thành công mới, cần phải đi đầu trong những cuộc đua mới, song đáng tiếc rằng cả lịch sử công ty này mới chỉ có một lần đi đầu (với tìm kiếm) mà thôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng