Với Surface Studio, Microsoft đang muốn hốt trọn đối tượng người dùng mà Apple bỏ quên
Những gì Microsoft trang bị trên Surface Studio sẽ khiến không ít người dùng Mac cảm thấy bị hấp dẫn.
Đêm qua tại sự kiện Microsoft, mặc dù hãng không ra mắt thế hệ mới của dòng máy Surface Pro 4 hay Surface Book như những gì người ta mong đợi, giới công nghệ vẫn được một phen trầm trồ khi được chứng kiến chiếc Surface Studio - một chiếc máy tính dạng AiO (All-in-one) với mức giá lên đến 3000 USD.
Vậy điều gì đã khiến cho Surface Studio trở nên đặc biệt? Đó chính là màn hình rộng 28 inch, hỗ trợ cảm ứng, bút Surface Pen và phụ kiện đặc biệt mang tên Surface Dial. Những chiếc máy AiO như Apple iMac, Asus Zen AiO Pro hay HP Pavillion 27 đã không còn lạ lẫm với người dùng, tuy nhiên, Surface Studio là sản phẩm đầu tiên kết hợp ý tưởng về một chiếc máy tính mạnh mẽ, một màn hình và một bảng vẽ lớn vào bên trong một thiết bị duy nhất.
Chiếc máy tính Microsoft Surface Studio
Đương nhiên, Surface Studio không phải là một sản phẩm dành cho tất cả mọi người. Nếu nhu cầu của bạn chỉ là lướt web, soạn thảo văn bản hay xem phim, chơi game, thì chắc chắn bỏ ra hơn 3000 USD cho chiếc máy này sẽ là một lựa chọn sai lầm. Đối tượng mà Studio hướng đến là giới sáng tạo chuyên nghiệp: những nhà thiết kế, những kiến trúc sư, những nhà họa sĩ... những người đang mang trong mình những ý tưởng mới và mong muốn chia sẻ nó với toàn thế giới.
Đây là đối tượng mà Surface Studio hướng đến
Với sự độc đáo của mình, hiện tại vẫn chưa có một sản phẩm nào khác có thể sánh được với Surface Studio. Trong khi chiếc Wacom Cintiq 27QHD cũng hỗ trợ cảm ứng và bút, nó lại chỉ là một cái màn hình và không đi kèm máy tính, mặc cho mức giá lên đến 2300 USD. Vậy nên, Surface Studio thường được đem ra so sánh với Apple iMac - vì đây là đối thủ "truyền kiếp" của Microsoft trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Apple cũng là người có nhiều kinh nghiệm nhất, và cũng là thành công nhất với dòng máy AiO.
Rất nhiều người đã cho rằng Surface Studio sẽ thất bại khi có mức giá khởi điểm 2999 USD, trong khi iMac 27 inch 5K với cấu hình tương đồng (Intel Core i5, RAM 8GB, 1TB Fusion Drive) chỉ có giá 1999 USD. Tôi thì cho rằng so sánh đó là hoàn toàn khập khiễng. Như đã nói ở trên, Surface Studio là sản phẩm dành riêng cho một đối tượng người dùng rất nhỏ - đó là đối tượng chuyên nghiệp. Còn iMac, kể từ thời điểm ra mắt năm 1998 đến nay, chỉ được hãng coi là một chiếc máy tính để bàn dành cho người dùng bình dân. iMac với màn hình Retina rõ ràng có màn hình sắc nét hơn nhiều những gì mà đa số chúng ta cần. Nhưng, một màn hình đẹp vẫn là chưa đủ để khiến giới chuyên nghiệp cảm thấy hài lòng.
iMac thường được đem ra so sánh với Surface Studio
Trên thực tế, từ lâu Apple đã không còn còn tỏ sự quan tâm của mình đến đối tượng này. Chiếc máy tính dành cho giới chuyên nghiệp của hãng - Mac Pro, tính đến nay đã hơn ba năm tuổi và vẫn chưa một lần được cập nhật kể từ giữa năm 2013. Nó vẫn đang sở hữu con chip Intel Xeon sử dụng kiến trúc Ivy Bridge-EP cũ kỹ. Kèm theo việc không một lần được Apple điều chỉnh giá trong suốt những năm qua, người dùng cảm thấy mình như đang vứt tiền qua cửa sổ khi mua một chiếc Mac Pro vào thời điểm này. Đáng xấu hổ hơn, khi xét về hiệu năng CPU, một vài mẫu iMac hay thậm chí là... MacBook Pro cũng đã vượt qua phiên bản Mac Pro với chip 4 nhân, đủ để thấy sự tụt hậu của chiếc máy này là lớn đến mức nào.
Khi so sánh điểm multi-core qua công cụ Geekbench, có thể thấy model Mac Pro 4 nhân với giá hơn 3000 USD còn thua kém cả iMac hay MacBook Pro với giá thấp hơn
Thực tế, số phận người dùng MacBook Pro cũng không khá khẩm hơn là bao. Đối với phiên bản 15-inch được giới chuyên nghiệp sử dụng phổ biến, lần cuối nó được nâng cấp cấu hình là vào giữa năm 2014 (giữa năm 2015 Apple có tung ra một bản cập nhật cho MacBook Pro 15", nhưng chỉ bổ sung bàn rê hỗ trợ Force Touch). Hiện tại, những chiếc MacBook Pro này đang chạy kiến trúc Haswell, tính đến nay cũng đã hơn hai năm tuổi.
Nói đến đồ họa thì màn hình có lẽ là yếu tố quan trọng nhất. Nghịch lý thay, Apple lại không hề bận tâm đến nó. Chiếc Thunderbolt Display ra mắt năm 2011, cũng không được Apple cập nhật dù chỉ là một lần. Mặc cho kỷ nguyên 4K nở rộ, chiếc màn hình này vẫn sở hữu độ phân giải 2560x1440, đặc biệt khi xét đến cái giá 1000 USD khiến ai cũng phải ngán ngẩm. Và sau hơn 5 năm "vất vưởng", nó đã chính thức bị Apple khai tử vào hồi tháng 6 năm nay. Thậm chí, hãng còn khuyên người dùng mua những chiếc màn hình thương hiệu khác để thay thế.
Đã từ rất lâu rồi, Apple không còn hứng thú với đối tượng người dùng chuyên nghiệp
Cũng chính vì vậy, khi mà cả hai thành phần quan trọng nhất cấu thành nên một chiếc máy tính là CPU (Mac Pro) và màn hình (Thunderbolt Display) đều đã lỗi thời, nhiều người đã buộc phải chuyển sang sử dụng iMac 5K vì họ không còn sự lựa chọn nào khác. Và do iMac chỉ là một chiếc máy tính bình dân, nó không đem lại các tiện ích mà người dùng chuyên nghiệp đã mơ ước từ lâu.
Trong khi người dùng đang tỏ rõ sự mệt mỏi trước cảnh phải chờ đợi và rồi lại bị Apple gây thất vọng, thì sự ra mắt của Surface Studio thể hiện rõ ý đồ của Microsoft cho thấy hãng đang muốn lấy lại lượng người dùng này từ Apple. Thế nhưng, sức hút của Surface Studio không chỉ đơn giản là nằm thiết kế quyến rũ, tạo cảm hứng cho sự sáng tạo, hay sự hữu ích mà chiếc bút Surface Pen có thể đem lại, mà còn là rất nhiều những thay đổi lấy đối tượng chuyên nghiệp làm trọng tâm.
Surface Dial là một ý tưởng mà tôi đánh giá rất cao. Việc sở hữu Surface Dial đi kèm với Surface Studio là rất quan trọng, không chỉ bởi những công cụ hữu ích mà nó sẽ đem lại trong quá trình sáng tạo, mà đây còn là một điểm tỳ hoàn hảo cho đôi tay còn lại của bạn. Nếu không có Surface Dial, chắc chắn tay còn lại của bạn sẽ phải giữ cạnh màn hình, tạo cảm giác không thoải mái khi sử dụng bút, ngoài ra còn gia tăng khả năng chạm nhầm vào các đối tượng khác trên màn hình.
Surface Pen và Surface Dial là hai công cụ mà người dùng Mac đã mong muốn từ lâu, nhưng Apple đã chậm chân trước đối thủ
Thế nhưng, đằng sau Surface Studio còn là những tiểu tiết mà khi nghe đến có thể không ấn tượng, nhưng nó lại cực kỳ đáng giá với giới chuyên nghiệp. Màn hình của Surface Studio không chỉ lớn và có độ phân giải cao, mà còn sử dụng dải màu DCI-P3, cho khả năng hiển thị nhiều màu sắc hơn 25% so với dải sRGB truyền thống. Tuy nhiên, biết rằng 99.9% người dùng ngoài kia vẫn sử dụng chuẩn sRGB, Microsoft đã bổ sung tính năng chuyển đổi giữa hai dải màu này một cách nhanh chóng qua Action Center của Windows 10. Đây là một điều mà ngay cả macOS trên iMac 5K (vốn cũng có màn hình DCI-P3) cũng chưa thể làm được.
Có thể dễ dàng chuyển đổi giữa hai dải màu DCI-P3 và sRGB chỉ bằng một nút bấm
Mọi thứ chưa dừng lại ở đó. Bên cạnh màu sắc, hãng còn trang bị một công nghệ mang tên True Scale, cho phép các ứng dụng như Microsoft Word có thể hiển thị chính xác kích thước của vật thể trên màn hình (ví dụ như một tờ giấy) so với khi nó được in ra. Điều này khiến cho những tính năng như "Print Preview" trở nên vô nghĩa, và chắc chắn những nhà thiết kế sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi có sự hỗ trợ của nó.
Khả năng hiển thị kích thước chân thực nhờ vào công nghệ True Scale
Một chi tiết cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là bàn phím. Không hiểu nổi tại sao, nhưng trong suốt những năm qua Apple luôn từ chối việc tạo ra một chiếc bàn phím không dây với đầy đủ các phím số. Hiện tại, tất cả những bàn phím đi kèm iMac đều là dạng tenkeyless. Nếu muốn sử dụng bàn phím số đầy đủ, người dùng sẽ buộc phải mua loại có dây. Mặc dù dãy phím này thường khá ít được sử dụng, nhưng một khi cần đến, bạn mới thấy được giá trị của nó là lớn đến mức nào. Và tôi cảm thấy rất vui mừng khi thấy Microsoft vẫn trang bị cho Surface Studio một bàn phím không dây, nhưng vẫn đầy đủ các phím.
Bàn phím Magic Keyboard đi kèm iMac tuy nhỏ gọn, nhưng lại thiếu đi dãy phím số ở bên tay phải
Nhưng ơn giời, Microsoft lại không nghĩ vậy khi thiết kế bàn phím của Surface Studio
Như những gì mà ông Panos Panay - Phó chủ tịch mảng thiết bị Microsoft đã nói ở buổi ra mắt Surface Studio: "Đó là những thay đổi nhỏ, nhưng tạo nên sự đột phá lớn". Những nhà thiết kế chắc chắn sẽ cảm thấy bị ấn tượng mạnh với chiếc máy tính này, bởi những tiện ích lớn mà họ chưa bao giờ có được như Surface Pen hay Surface Dial, hay những tiểu tiết nhỏ khiến họ cảm thấy phấn khích như True Scale hay True Color. Đây cũng chính là những điều mà Apple từng khiến giới chuyên nghiệp đến với họ vào những năm đầu 2000.
Nhưng khi mà "biểu tượng của sự sáng tạo" một thời giờ đây chỉ còn biết chạy theo đối thủ (è hèm, Apple Pencil), thì tôi tin rằng, bộ ba Surface Pro, Surface Book và Surface Studio mới nhất chắc chắn sẽ làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về chiếc máy tính dành cho giới sáng tạo. Vâng, đó sẽ không còn là Mac nữa, mà chắc chắn sẽ là Surface. Dù sao, chúng ta vẫn còn một sự kiện Apple về Mac nữa trong đêm nay. Và hãy cùng mong rằng sau sự kiện này, với những sản phẩm mới của mình thì Apple sẽ chứng tỏ rằng những nhận định trên của tôi là sai.
Cập nhật 28/10: Vậy là sự kiện Apple đã kết thúc - và những nhận định của tôi ở trên vẫn là chính xác. Xin được chúc mừng Microsoft.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng