Trên khía cạnh thiết kế phần cứng, cả hai đều có những điểm giống hệt nhau, vậy còn phần mềm thì sao, khi mà phía Vinsmart khẳng định phần hồn như hệ điều hành, trải nghiệm người dùng và thuật toán camera… đều do đội ngũ R&D của họ tự phát triển 100%?
Những ngày gần đây, làng smartphone Việt Nam đang nổi lên vụ tranh cãi giữa việc sản phẩm mới nhất Vsmart Live có phải là bản sao của Meizu 16XS hay không. Ông Nguyễn Minh Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết bị di động của Công ty VinSmart cũng đã đưa ra phát ngôn về vụ việc này, cho biết sản phẩm Vsmart Live và mẫu điện thoại Trung Quốc kia khác nhau hoàn toàn về bản chất và "cả Vsmart lẫn Meizu là hai đồng sở hữu của thiết kế này" và không ai nhái ai cả".
Trên khía cạnh thiết kế phần cứng, cả hai đều có những điểm giống hệt nhau, vậy còn phần mềm thì sao, khi mà phía Vinsmart khẳng định phần hồn như hệ điều hành, trải nghiệm người dùng và thuật toán camera… đều do đội ngũ R&D của họ tự phát triển 100%?
Chúng tôi sẽ thực hiện loạt bài so sánh phần hồn này, và bài đầu tiên sẽ nhắm vào cụm camera của cả hai. Liệu rằng xác chung nhưng hồn có chung?
Giao diện camera hoàn toàn khác nhau
Cả hai sản phẩm tuy chia sẻ chung thiết kế phần cứng, nhưng giao diện người dùng cho đến giao diện camera đều khác nhau hoàn toàn.
Các tính năng đều được Vsmart Live đưa thẳng ra ngoài, trong khi đó Meizu chỉ đưa Chân dung, chụp ảnh và quay video ra màn hình chính, tất cả những thứ còn lại nằm ở mục More. Theo quan điểm người viết, cách đưa ra ngoài như chiếc Live giúp việc thao tác được nhanh hơn đôi chút.
Mọi chế độ chụp đều được đưa ra ngoài giao diện chính.
Còn Meizu 16XS thì "giấu" bên trong phần More.
Một điểm cộng cho Vsmart Live là có thêm chế độ AR Sticker, gán các hình ảnh vui nhộn lên ảnh để tăng độ "cute", còn Meizu 16XS không có phần này. Tính năng này trên chiếc Live có mặt ở cả camera sau lẫn camera trước và hoạt động rất mượt.
Cả hai đều có chế độ Chuyên Nghiệp, thay đổi được các thông số từ ISO, tốc độ màn trập, cho đến WB, lấy nét tay.
Chế độ chuyên nghiệp của Vsmart Live.
Meizu 16XS cũng có chế độ này, và tốc độ màn trập được đẩy lên đến 1/8000s, trong khi Live là 1/6400s.
Điểm đáng giá tiếp theo mà Live mang đến cho người dùng là có lựa chọn chụp ảnh định dạng RAW (có thể bật lên trong Cài Đặt), mang đến giải pháp hậu kỳ tốt hơn so với ảnh JPEG thông thường.
Chất lượng ảnh cũng có sự khác biệt
Tính năng đầu tiên mà tôi thử là Chân Dung. Vsmart Live mang đến nhiều cấp độ xoá phông khác nhau để người dùng lựa chọn, trong khi đó Meizu 16XS chỉ một cấp độ duy nhất. Như vậy người dùng Meizu sẽ bị bó hẹp hơn trong khoản này, nếu bối cảnh xung quanh chủ thể quá phức tạp mà muốn xoá nhiều hơn (hoặc giảm bớt) thì sẽ không tài nào làm được, khiến chủ thể sẽ khó mà nổi bật theo ý muốn.
Vsmart Live có nhiều cấp độ xoá phông khác nhau, đây là cấp độ xoá mù mịt nhất.
Đây là ở mức xoá trung bình.
Và mức xoá thấp nhất ở Vsmart Live.
Tính năng xoá phông này của Vsmart Live làm việc rất tốt, tuy nhiên thời gian xử lý có hơi chậm một chút (khoảng 1-2 giây) nhưng kết quả đem đến hoàn toàn có thể hài lòng. Thuật toán có thể nhận diện chủ thể rất nhanh và biết được những vùng cần được xoá phông, kể cả foreground lẫn background.
Trong khi đó, người dùng chỉ có một lựa chọn xoá phông duy nhất ở Meizu 16XS.
Tương tự với camera selfie, Vsmart Live cũng có lựa chọn các cấp độ xoá phông khác nhau, thuật toán xử lý để tách nền với chủ thể cũng rất tốt, tỉ lệ bị xoá lẹm cũng ít.
Ảnh chụp xoá phông mức cao nhất ở Vsmart Live, hạt bokeh ở tán lá phía ngoài trời trông tròn đẹp hơn.
Ở Meizu 16XS, khả năng xoá phông selfie có phần bị lẹm nhiều hơn, nhất là ở vùng cổ áo phía sau (bên phải) và gọng kính cùng lớp tóc bên trái ảnh bị xoá lẹm khá nhiều so với Vsmart Live.
Tính năng AR Sticker - thứ không hề có ở Meizu 16XS.
Thử chuyển sang chế độ chụp tự động, HDR cũng được chuyển sang tự động, cả hai cho khả năng tái tạo màu sắc rất tốt, chi tiết lên đầy đủ và sự khác biệt sẽ không thật sự nhiều nếu không quan sát kỹ.
Meizu 16XS tái tạo vùng tối/sáng khá tốt.
Tuy nhiên nếu nhìn kỹ phần vệt nắng kéo từ chân tường cho đến sàn nhà, bạn sẽ thấy ở Vsmart Live đậm đà hơn, độ tương phản cũng cao hơn đôi chút.
Sang phần sử dụng camera tele, chiếc điện thoại của Meizu cho chất ảnh hơi bệt ở vùng tối (bảng đen góc trái không có nắng rọi vào hơi xám).
Và đây là bức ảnh chụp tele của Vinsmart Live, tất nhiên không có sự khác biệt nhiều về chi tiết nhưng độ tương phản của cả hai cũng nói lên được phần hồn và thuật toán xử lý của mỗi bên thế nào.
Meizu khi bật sang chế độ siêu rộng có vẻ bị ám sang màu xanh dương nhiều hơn, nhìn vào góc trái của tán lá cây bạn sẽ thấy rõ.
Trong khi đó, Live cho màu sắc tái tạo hài hoà và ít bị ám hơn.
Nhìn chung qua trải nghiệm nhanh, bản thân người viết có thể xác định rõ dù phần cứng của cả hai đều chia sẻ nhiều điểm chung nhưng rõ ràng phần giao diện, thao tác lẫn các tính năng và chất lượng thuật toán đều có sự khác nhau rõ rệt. Nếu so về tổng quan, có thể người dùng cơ bản sẽ không mấy quan tâm, nhưng với những bạn trẻ thích nhiều tính năng vui nhộn và hữu ích hơn trong các trường hợp chụp (như xoá phông chẳng hạn) thì Vsmart Live lại tỏ ưu thế phần nào.
Chúng tôi sẽ tiếp tục loạt bài so sánh phần hồn này, hãy đón đọc màn so giao diện người dùng và trải nghiệm sử dụng/thời lượng pin ở phần sau nhé.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng