VTC Online tới giờ mới 'học bơi' nội dung số

    PV,  

    Trước cơn "đại hồng thủy" đã ập đến.

    “Có thể nói, 5 tuổi đối với một doanh nghiệp chưa phải điều gì lớn lao. Nhưng, cũng giống như đứa trẻ đủ tuổi đến trường, một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, VTC Online cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc để khẳng định sự tồn tại và phát triển của mình…”- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VTC Online chia sẻ.


    Hãy học Thuyết tiến hóa tự nhiên!


    - Tháng 4 tới, VTC Online sẽ tròn 5 tuổi, cảm xúc trong anh thế nào?


    Bồi hồi, xúc động như người cha đang ngắm nhìn đứa con xúng xính áo quần chuẩn bị đi học lớp 1 vậy. Mà thực ra tôi luôn lo nhiều về tương lai hơn là bồi hồi về quá khứ.


    VTC Online tới giờ mới 'học bơi' nội dung số 1
    Chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam: Cần thay đổi để phát triển.

    Mới đó mà đã 5 năm. Lúc sinh ra, VTC Online vốn là một công ty cổ phần. Sáng lập viên gồm có anh Phan Anh Tuấn, anh Nguyễn Xuân Hùng và tôi. Anh Tuấn và tôi lúc trước cũng đều là thành viên sáng lập của VTC Intecom.


    Mô hình doanh nghiệp cổ phần đảm bảo cho VTC Online cơ chế pháp lý đầy đủ và cởi mở. Tuy nhiên, là doanh nghiệp mới chưa có thương hiệu, chưa có nhiều nguồn lực, số vốn ban đầu chỉ có 20 tỷ nên chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn.


    Bước sang tuổi mới, một giai đoạn mới, cơ hội cũng rất nhiều và rủi rõ cũng ko ít, VTC Online cũng cần có những tái cấu trúc nhất định để tập trung cho những công việc hiệu quả hơn.


    - Năm 2009 VTC Online bắt đầu đẩy mạnh chiến lược VTC Global với phương châm sẽ đặt chân vào thị trường 10 nước trên thế giới. Tuy nhiên năm vừa qua đã rút xuống còn 4 nước. Đó có phải là dấu hiệu của thất bại?


    Còn quá sớm để nói đó là một thành công hay thất bại. Nhưng tôi có thể khẳng định đó là một chiến lược đúng đắn.


    Đúng là VTC Online đã bắn 9 mũi tên và hiện giờ đang giữ lại 4 nhưng đó là sự chọn lọc tự nhiên. Có những nơi chúng tôi đến, thị trường cạnh tranh quá cao hoặc còn quá non.


    Có nơi lại đòi hỏi phải bắn… “bom nguyên tử” trong khi mình chỉ có “đạn cối”. Thế nên, chúng tôi chọn cách lùi một bước để tiến thật chắc còn hơn bước mà không biết dưới chân có gì.


    Tôi dự định trong 2 năm tới sẽ triển khai thêm thị trường ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó sẽ là Brazil. Bên cạnh việc đào sâu vào từng thị trường hiện có thì vẫn cần phải mở rộng thêm các vùng đất mới.


    - Nghĩa là VTC Online vẫn trung thành với chiến lược toàn cầu?


    Chắc chắn rồi. Thậm chí, chúng tôi coi đó là tương lai của mình, dẫu trên đường đi có lúc rẽ trái, rẽ phải một chút để phù hợp với thời cuộc. Đó là sự tiến hóa tự nhiên.


    Trong bối cảnh rất ít doanh nghiệp Việt Nam dám đi ra nước ngoài, chúng tôi nguyện làm quân tiên phong. Nếu không thành công thì sự thất bại đó cũng có ích, để lại những bài học, những nguồn lực cho thế hệ kế tiếp.


    Mặc dù, rút quân ở các thị trường kia nhưng VTC Online đã có được một đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm làm việc quốc tế và xác định được những thị trường tốt nhất để tập trung đầu tư. Những điều này không thể đong đếm được bằng tiền.


    VTC Online tới giờ mới 'học bơi' nội dung số 2
    Squad - Một sản phẩm tiến quân ra nước ngoài của VTC Online


    - Từ khi ra đời đến nay, Mạng Việt Nam liên tục thay đổi giao diện. Hình như vẫn chưa có một chiến lược cụ thể nào cho việc phát triển go.vn?


    Các sản phẩm công nghệ thông tin luôn có sự tiến hóa, thay đổi từng ngày. Đến cả mạng xã hội đình đám như Facebook cũng đã thay đổi rất nhiều về giao diện trong suốt 3 năm qua. Mạng Việt Nam cũng thế, nó đang trong quá trình chắt lọc, gạn đục khơi trong.


    - Các cuộc thi “Olympic tiếng Anh” hay “Giao thông thông minh” do mạng Việt Nam tổ chức nhằm hướng đến việc tăng lượng truy cập cho go.vn hay vì mục đích kinh tế?

      

    Nếu mọi người nhìn vào các ông lớn như Yahoo, Facebook, Google thì sẽ thấy họ cung cấp hàng loạt các dịch vụ nhưng không phải cái nào cũng kiếm ra tiền mà đơn giản là tạo ra nền tảng, tạo ra “hệ sinh thái” đa dạng để thu hút người dùng. VTC Online cũng đang đi theo cách ấy.


    - Qua điều tra thực tế, các chuyên gia đã khẳng định gần 90% số người truy cập Internet để lấy thông tin, còn lại là giải trí. Trong khi đó Mạng Việt Nam có vẻ không chú trọng việc cung cấp thông tin cho người sử dụng?


    Thực tế, lượng nội dung mà go.vn đang cung cấp là rất nhiều. Có đầy đủ các “món ăn” phục vụ nhu cầu xem, nghe, học, đọc, chơi, “tám”. Mô hình kinh doanh của go.vn không tự tạo ra nội dung mà là tổng hợp lại và trình bày thành một “mâm cỗ” cho người dùng. Hoặc truyền thống hơn, có thể ví như một siêu thị, chúng tôi không sản xuất ra nước mắm hay dầu gội đầu nhưng sẽ gom tất cả các mặt hàng đó lại cho khách hàng lựa chọn.


    - Tính đến thời điểm hiện tại, chiến lược xuất khẩu game ra thế giới của VTC Online đang được triển khai như thế nào?


    Đầu năm 2012, VTC Studio đã xuất khẩu 2 game online Squad và Generation 3 ra hơn 10 nước trên thế giới, chủ yếu là Châu Âu và Mỹ La Tinh. Vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công hay thất bại.


    Từ trước đến nay, Việt Nam luôn phải chi tiền bản quyền cho các sản phẩm nội dung số. Việc VTC Online xuất khẩu game là một bước tạo đà để đưa trò chơi Việt ra thị trường quốc tế, hiện thực hóa khát khao được nắm bản quyền của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam.


    Nhiều người vẫn thích nói đến cụm từ “game thuần Việt” nhưng với tôi, nó không có ý nghĩa gì lớn lao. Cách đây khoảng 20 năm, người ta tin tưởng làn sóng lắp ráp điện tử sẽ phát triển tốt, đem lại giá trị gia tăng cao, nhưng không phải.


    Rồi cách đây 10 năm, người ta quay sang gia công xuất khẩu phần mềm nhưng cuối cùng nhận ra mình vẫn chỉ ở cái thế người gia công. Giá trị gia tăng mà ta thu được từ gia công là rất thấp vì nồng độ chất xám của công việc không cao.


    Vậy, tại sao không tự làm chủ sản phẩm của mình? Sao cứ phải đi làm thuê cho Tây mà không bắt Tây làm thuê cho ta?


    VTC Online đã ý thức điều đó, quyết định đầu tư vào sản xuất nội dung, thuê một số người nước ngoài chuyên môn cao làm việc cho mình nhưng mình sẽ sở hữu bản quyền trí tuệ. Phương án này thực sự mang lại hiệu quả cao.


    - Nhắc đến VTC Studio, anh có kỳ vọng gì trong tương lai?


    Khi mới khởi động, chúng tôi xác định VTC Studio sẽ sản xuất game cho PC. Một thời gian sau, xu hướng thế giới chuyển sang mạng xã hội thì chúng tôi cũng cho ra đời một số sản phẩm dành cho mạng xã hội.


    Bây giờ, làn sóng mobile đang làm mưa làm gió nên VTC Studio cũng đang đẩy mái chèo sang hướng mobile. Tôi muốn VTC Studio phải “tiến hóa” nhanh chóng để bắt nhịp với thời cuộc.


    - Tôi thấy anh nói nhiều đến sự tiến hóa?


    Tôi rất thích từ “tiến hóa” – nó nói lên sự cần thiết của việc thay đổi để thích nghi ở mọi hoàn cảnh, để tồn tại và phát triển. Ngày trước, người ta vẫn nói: trên internet, nếu doanh nghiệp đứng trong Top 3 thì sẽ có cơ hội phát triển. Nhưng giờ với làn sóng công nghệ mới, xu thế người dùng mới thì bắt buộc doanh nghiệp phải là số 1 thì mới tồn tại và phát triển được.


    Ngành công nghệ vốn biến đổi rất nhanh, đòi hỏi chất xám nhiều, tính toàn cầu hóa cao, cạnh tranh lớn nên từng cá nhân trong doanh nghiệp đều phải làm việc hiệu quả hơn, tiếp thu cái mới nhanh hơn. Nếu không, họ sẽ bị đào thải. Nếu xét về góc độ một tổ chức, một cộng đồng hay thậm chí một quốc gia cũng vậy.


    “Tôi bảo mọi người đóng thuyền và tập bơi…”


    - Năm 2012 đã kết thúc, nhìn lại một năm nỗ lực với những kế hoạch đã đặt ra, anh đánh giá như thế nào?


    Đã tốt hơn nhưng chưa đủ.


    - Theo anh, VTC Online đã mang lại sự thay đổi như thế nào cho ngành Công nghiệp Nội dung số của Việt Nam?


    Trước khi VTC Online cho ra đời các dịch vụ về giáo dục thì cũng đã có nhiều doanh nghiệp triển khai nhưng hầu như chưa ai thành công. Thành công ở đây không nhất thiết phải là về tài chính.


    Thành công trên hết là phải có khách hàng. Cụ thể là dịch vụ IOE (Olympic Tiếng Anh) và Giao thông thông minh đang có khoảng 8 triệu người dùng. Hiện nay, Việt Nam có gần 90 triệu dân và khoảng 20 triệu học sinh phổ thông, như vậy đang có gần 10% dân số và gần 50% học sinh phổ thông ở Việt Nam tham gia các dịch vụ giáo dục của VTC Online.


    VTC Online tới giờ mới 'học bơi' nội dung số 3


    Trước khi chúng tôi mở ra VTC Studio thì ngành công nghiệp sản xuất và xuất khẩu nội dung online game ở Việt Nam cũng hoàn toàn là tờ giấy trắng.


    Tương tự với việc đi ra nước ngoài, chúng tôi cũng là doanh nghiệp đầu tiên. Như vậy, ít nhiều VTC Online đã viết thêm một vài dòng trong lịch sử phát triển internet và nội dung số của Việt Nam.


    - Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển VTC Online, anh đúc rút ra những bài học gì về sự thành bại của một doanh nghiệp?


    Đi qua một chặng đường, VTC Online đã phần nào để lại dấu ấn trong cộng đồng với hình ảnh tòa nhà 18 Tam Trinh, với go.vn, IOE, VTC Studio hay chiến lược Global… Một doanh nghiệp 5 năm, đi lên từ con số 0, thì những gì VTC Online làm được là tương đối nhiều so với mặt bằng chung.


    Người ta vẫn nói về câu chuyện 54 ngày đêm của go.vn. Nhiều người băn khoăn tại sao trong một thời gian ngắn như thế, VTC Online có thể khởi động và cho ra đời một “công trình” bề thế đến vậy. Đó chính là bài học thành công về dùng người.


    Nếu không phải Tuấn PA (Phan Anh Tuấn) đứng đầu, phụ trách và kích động anh em thì không thể có go.vn sau 54 ngày đêm ấy. Rồi, nếu không phải là Võ Bằng Phan, một người có chuyên môn tốt và niềm đam mê với lĩnh vực sản xuất game thì có lẽ đã không có VTC Studio ngày hôm nay.


    Nếu không phải là thầy Lê Thống Nhất thì cũng sẽ khó mà có 8 triệu học sinh học toàn quốc và thi trên Internet. Đó là những bài học lớn về việc đúng người, đúng việc.


    Tất nhiên, chúng tôi tôi không phủ nhận đã có những lúc sai lầm nhưng có lẽ điều đó không quan trọng bằng việc sau khi ngã, biết đứng dậy, rút kinh nghiệm để đi tiếp một cách an toàn và vững vàng hơn.


    - Những yếu tố nào làm nên sự thành công của VTC Online trong những năm qua?


    Tôi nghĩ, đó là sự dám nghĩ dám làm.


    - Chiến lược của VTC Online năm 2013 như thế nào trong bối cảnh cả Tổng công ty đang thực hiện ráo riết kế hoạch Tái cấu trúc lần 2?


    Thực tế, trong quá trình làm việc với các đối tác cả trong lẫn ngoài nước, chúng tôi nhận thấy Tổng công ty VTC là một bức tranh đẹp được rất nhiều người thích. Bức tranh sẽ đẹp khi các chi tiết bên trong liên kết với nhau với một bố cục hài hòa. VTC Online là một thành phần của bức tranh đó và được xác định là một trong những mũi tiến công của Tổng công ty trong lĩnh vực truyền thông hội tụ số.


    Xu hướng của làn sóng mới là hội tụ công nghệ. VTC Online hướng đến phân phối nội dung trên 3 màn hình: máy tính, các thiết bị di động và truyền hình. 5 năm qua, những gì chúng tôi làm chủ yếu vẫn chỉ liên quan đến máy tính. Đây là thời điểm để giải quyết triệt để nốt 2 màn hình còn lại.


    - Việc tái cấu trúc lần này có phải là một sự thay đổi lớn đối với VTC Online hay chỉ là một bước kiện toàn hơn sau lần tái cấu trúc thứ nhất?


    Trong thời buổi mọi thứ đều vận động rất nhanh, thị trường xuất hiện nhiều đối thủ mạnh thì bắt buộc VTC Online cũng phải tìm cách để thích nghi và sinh tồn.


    Tôi chủ trương tái cấu trúc lại doanh thu của VTC Online để có được nguồn lợi nhuận tốt nhất. Một số lĩnh vực mang lại doanh số cao nhưng lợi nhuận rất mỏng thì sẽ không chú trọng phát triển nữa.


    Đồng thời, chúng tôi cũng đang tự điều chỉnh để hình thành dần một hệ tư duy mới cho một giai đoạn mới. Nói một cách tóm gọn, chúng tôi sẽ cần “hướng con người, hướng khách hàng và hướng toàn cầu” hơn. Khi đã thay đổi hệ tư duy thì nhất thiết hành động cũng sẽ thay đổi theo.


    Chúng tôi cho rằng trong giai đoạn này các doanh nghiệp, đặc biệt là nội dung số và Internet, đều sẽ cần sự thay đổi đủ nhanh nhưng cũng không thể quá “sốc” thì mới có thể phát triển tiếp được.


    - Anh nghĩ gì về ngành Công nghiệp nội dung số Việt Nam trong năm tới?


    Câu chuyện về 3 màn hình (màn hình TV, PC và smartphone - btv) không phải là mới nhưng xung quanh nó vẫn có ý kiến nhiều chiều. Người cho rằng chưa đến lúc, kẻ lại nghĩ làm được rồi. Riêng tôi, ở thời điểm này, tôi xem đó là cơn “đại hồng thủy” đã ập đến.


    - Và VTC Online đã có kế sách đón đầu?


    Nhiều người nói đại hồng thủy là chấm dứt tất cả, nhưng tôi lại nghĩ đó là sự kết thúc một số thứ hiện tại để mở ra những trang mới. Với doanh nghiệp, đây có thể được xem là cơ hội, và phải sống chung với nó, đối đầu với nó.


    Nếu như trong phim “2012”, người ta có 7 con tàu khổng lồ để cứu nhân loại hay trong Kinh Thánh có chiếc thuyền vĩ đại Noah chở muôn loài đi tránh nạn hồng thủy thì VTC Online cũng đang nhanh chóng đóng cho mình một số “con thuyền lớn” và… “học bơi”. Có khi chưa học xong bơi sải đã phải tập bơi ếch, bơi ngửa, thậm chí tập lặn (cười).


    Tôi tin rằng với nền tảng đã có, cơ chế linh động cùng với nguồn lực về con người, về đối tác và tri thức thì VTC Online sẽ là một đoàn quân tốt trong tập đoàn quân của tổng công ty VTC tiến vào cơn đại hồng thủy.


    - Nhưng năm 2013 được dự đoán vẫn nằm trong “cơn bão suy thoái”, liệu những dự định của anh có hơi lạc quan?


    Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa và mở rộng hơn cách làm. Tận dụng cả thế và lực đang có. Tôi vẫn thường nói vui với anh em rằng, trước đây ta tự coi mình là “sinh viên nghèo học giỏi”, nay đã đi được một đoạn đường, đã học giỏi hơn nhưng vẫn chưa đủ, bởi xung quanh ta có rất nhiều ông “con nhà giàu học giỏi, bố làm to”. Vì thế, mình phải cố gắng giàu hơn. Muốn giàu hơn, thì kêu gọi đầu tư.


    Số tiền 10 triệu USD mà qũy Duxton đầu tư hồi tháng 7/2012 đã cải thiện được tiềm lực về tài chính cho VTC Online. Chúng tôi cũng đang liên hệ với một số đối tác Hàn Quốc để liên doanh và triển khai một số dịch vụ trên di động và truyền hình.


    VTC Online tới giờ mới 'học bơi' nội dung số 4
    VTC Online nhận đầu tư khủng từ Quỹ Deutsche Bank


    Vậy, xin chúc anh và VTC Online sẽ thành công với những dự định của mình!


    Theo VTC News

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày