Vụ trộm bí mật công nghệ rúng động ngành chip: ‘Công thần’ Samsung ăn cắp dữ liệu, xây nhà máy ‘copy’ ở Trung Quốc, nếu thành công sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng
Sự nghiệp một thiên tài công nghệ sụp đổ vì quyết định lầm lỡ.
- Dù cam kết không để lộ bí mật công nghệ, cựu giám đốc Samsung vẫn từ chức khỏi công ty Trung Quốc mới gia nhập
- Cựu giám đốc Samsung cam kết sẽ không để lộ bất cứ bí mật công nghệ nào khi về đầu quân cho công ty Trung Quốc
- 10 bí mật công nghệ ẩn sau những chi tiết vô cùng bình thường
- Motorola chiến thắng vụ kiện công ty Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ, thu về 764,6 triệu USD
- Tố cáo nhân viên cũ ăn trộm bí mật công nghệ, Huawei đưa ra bằng chứng là lỗi chính tả giống hệt nhau
Năm 2006, một kỹ sư người Hàn Quốc tên Choi Jin-seok được mệnh danh là “bậc thầy sản lượng chất bán dẫn”. Với tư cách người đứng đầu bộ phận sản xuất chip tại công ty SK Hynix, Choi phụ trách giám sát chứng nhận chip thế hệ mới trước Samsung - đối thủ Hàn Quốc giàu có và nổi tiếng.
“Anh ấy là thiên tài công nghệ và là người có năng lực, có khả năng điều hành một công ty lớn”, đồng nghiệp của Choi khen ngợi.
Tuy nhiên, sau cáo buộc ăn cắp công nghệ Samsung để xây nhà máy chip ở Trung Quốc, sự nghiệp Choi sụp đổ.
“Phạm vi tội phạm và thiệt hại nghiêm trọng hơn tất cả các vụ rò rỉ công nghệ riêng lẻ trước đây”, các công tố viên Hàn Quốc nói. “Nếu nhà máy trong nước bị sao chép và các sản phẩm có chất lượng tương tự được sản xuất hàng loạt ở Trung Quốc, ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc sẽ tổn hại và khó có thể khôi phục”.
Đáp lại cáo buộc của tòa, Choi phủ nhận mọi tội lỗi.
“Ông ấy được tôn trọng nhờ tài năng và chuyên môn của mình. Mọi chuyện vỡ lở khiến cái nhìn của mọi người khác đi”, một giám đốc điều hành từng làm việc dưới quyền của Choi tại Hynix cho biết. “Thật ngạc nhiên và đáng tiếc vì ông ấy dính vào một vụ án như thế này”.
Đối với người dân Hàn Quốc, vụ việc đặt ra câu hỏi về văn hóa doanh nghiệp cũng như nguy cơ ‘chảy máu chất xám’ ra nước ngoài. Rộng hơn, nó cho thấy vai trò của Hàn Quốc trong cuộc chiến địa chính trị Mỹ-Trung.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm có được công nghệ Hàn Quốc đã trở nên quyết liệt hơn trong những năm gần đây. Vào tháng 2, Mỹ công bố thành lập “Lực lượng tấn công công nghệ đột phá” để “bảo vệ các tài sản công nghệ quan trọng khỏi bị các đối thủ cấp quốc gia mua lại hoặc sử dụng”.
Quay trở lại với Choi Jin-seok.
Được đào tạo kỹ càng về chuyên môn, Choi bắt đầu sự nghiệp tại Samsung Electronics vào năm 1984. Người đàn ông này tiếp tục giữ chức phó Chủ tịch điều hành bộ phận công nghệ xử lý cho đến năm 2001, sau đó chuyển sang SK Hynix lãnh đạo bộ phận sản xuất chip nhớ.
Thời điểm đó, Hynix cố gắng cạnh tranh với Samsung dù đang gặp khó khăn về tài chính. Theo một người từng làm việc dưới quyền của Choi, vị lãnh đạo này đã cải thiện được hiệu quả quy trình sản xuất mà không tốn thêm chi phí.
“Hynix có thể duy trì tính cạnh tranh mà không cần đầu tư quá nhiều nhờ chuyên môn về công nghệ xử lý”, một nhân viên nói, đồng thời cho biết Choi đã giúp công ty chống lại nỗ lực thâu tóm từ Micron vào đầu những năm 2000. “Ông ấy không phải là người sẽ lừa dối người khác. Ông ấy là một người rất siêng năng và gần như không có ngày nghỉ cuối tuần”.
Choi gia nhập hội đồng quản trị Hynix vào năm 2007 với tư cách phó Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ. Đến năm 2010, ông từ chức.
“Choi là một trong những ứng cử viên CEO sáng giá nhưng buộc phải từ bỏ vì đồng nghiệp nhậm chức. Trong văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, bạn phải nghỉ việc khi đồng nghiệp hoặc cấp dưới thăng tiến thành sếp”, một cựu nhân viên kể.
Từ đó, Choi dành nhiều năm làm việc trong ngành pin mặt trời. Với tư cách chuyên tư vấn ở Đài Loan và Singapore, ông thành lập công ty tư vấn chip có tên Jin Semiconductor vào năm 2015. Mối quan hệ xây dựng được ở Trung Quốc đã giúp Choi tạo ra bước ngoặt lớn cho sự nghiệp.
Theo FT, Choi quen nhiều quan chức Trung Quốc nhờ tham gia vào quá trình xây dựng nhà máy Hynix ở thành phố Vô Tích, miền đông đại lục. Ông được nhận định là “nhà lãnh đạo công nghệ” cho lĩnh vực chip nhớ Trung Quốc nhờ kinh nghiệm dặn dày đúc kết được ở cả Samsung và Hynix.
“Ông ấy đã hứa với chúng tôi rằng sẽ giúp Trung Quốc vượt qua nút thắt cổ chai trong phát triển chất bán dẫn”, một quan chức Trung Quốc nói.
Năm 2019, công ty Jin Semiconductor của Choi đi vào hoạt động với khoảng 200 kỹ sư Hàn Quốc lành nghề. “Họ chính xác là những gì Trung Quốc cần. Họ có kinh nghiệm, từ đó có giúp Trung Quốc tăng tốc và tối ưu hóa sản xuất”, người đó nói.
Theo hồ sơ tòa án, Choi đã yêu cầu các nhân viên Hàn Quốc thu thập dữ liệu chi tiết về các nhà máy sản xuất chip Samsung, sau đó sử dụng chúng để xây dựng một “nhà máy copy” ở Tây An.
“Họ đã đánh cắp dữ liệu kỹ thuật cơ bản của nhà máy Hwaseong cũng như cách bố trí và bản thiết kế của nhà máy đầu tiên ở Tây An”, công tố viên phụ trách cuộc điều tra nói. “Việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu. Họ không thể ghi nhớ toàn bộ thông tin như vậy”.
Trước khi vụ việc bị phanh phui, Jin Semiconductor của Choi còn nhận được 6,2 tỷ USD đầu tư từ Foxconn. Foxconn, một đối tác sản xuất quan trọng của Apple, từ lâu đã ôm tham vọng gia nhập lĩnh vực chip.
“Foxconn biết về những suy đoán xung quanh vụ kiện pháp lý ở Hàn Quốc. Công ty không muốn bình luận bất kỳ điều gì. Chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp và quy định quản lý”, đại diện Foxconn khi đó nói.
Năm 2020, Choi thành lập CHJS High Technologies, một công ty liên doanh với chính quyền địa phương Thành Đô. Vào thời gian đó, Trung Quốc đang tăng tốc đẩy mạnh lĩnh vực chip nhớ để chống lại áp lực công nghệ ngày càng tăng từ phía Mỹ.
Các giám đốc điều hành của CHJS nhiều lần hứa với các quan chức chính phủ Trung Quốc rằng “CHJS sẽ sớm trở thành nhà sản xuất chip Dram lớn thứ tư thế giới sau Samsung, SK Hynix và Micron”. Một số chuyên gia từng làm việc với CHJS cũng nhận xét rằng năng lực của công ty này tương đương một nhà sản xuất chip nội địa lớn nhất Trung Quốc.
Công ty sau đó dự định mua thiết bị từ các nhà cung cấp AMAT, Lam và KLA của Mỹ, gã khổng lồ ASML và Tokyo Electron để bắt đầu sản xuất hàng loạt vào nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, những hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu chip đã ngăn cản kế hoạch này.
“Kế hoạch sản xuất hàng loạt của CHJS không tiến triển như mong đợi, kết quả sản lượng và năng suất không tốt”, một người cho biết.
Tình hình tài chính của CHJS bắt đầu xấu đi. Theo các công tố viên Hàn Quốc, Choi chỉ có thể huy động được 350 triệu USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc, tức thấp hơn rất nhiều so với tham vọng.
“Quan chức địa phương thất vọng trước kết quả thử nghiệm sản xuất hàng loạt và không muốn tiếp tục đầu tư”, một người nói. “Điều khiến một số quan chức lo lắng là đội ngũ CHJS cốt lõi đều được Choi đưa đến từ Hàn Quốc. Công nghệ và chip do người Hàn đứng đầu sẽ rất khó kiểm soát”.
Chia sẻ với FT, ba cựu nhân viên CHJS cho biết nhiều công nhân đã không được trả lương trong thời gian dài. Các Giám đốc điều hành thì thường xuyên vắng mặt.
Choi bị bắt tại Hàn Quốc vào tháng 5 nhưng kiên quyết phủ nhận mọi hành vi sai trái. Luật sư của ông khẳng định: “Choi không biết chuyện gì đang xảy ra. Ông ấy biết rằng nhà máy Tây An sẽ được xây dựng ở Trung Quốc nhưng không biết rằng đó là bản thiết kế và kế hoạch chi tiết của Samsung. Là một người từng làm việc trong ngành hơn 20 năm, Choi sẽ không bao giờ lệnh cho nhân viên lợi dụng bí mật thương mại của đối thủ”.
“Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu dữ liệu đã bị rò rỉ sang Trung Quốc và bao nhiêu trong số đó được dùng để xây dựng các nhà máy khác ở Trung Quốc”, Lee Dong-hwan, cựu điều tra viên, nói
Theo Ben Forney, một nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul, vấn đề thực sự không nằm ở bản thân Choi. Thực tế, rất nhiều giám đốc điều hành và kỹ sư Hàn Quốc y tuyển dụng sẵn sàng chuyển giao mọi thứ cho Trung Quốc.
“Nhiều kỹ sư Hàn Quốc coi việc đến Trung Quốc là bước chuyển hợp pháp”, Forney nói, đồng thời lưu ý rằng một trong những lý do giúp Hàn Quốc sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn tiên tiến chính là sự tiếp thu kiến thức và chuyên môn từ Mỹ và Nhật Bản.
Pahk Heui-jae, giáo sư kỹ thuật tại Đại học Quốc gia Seoul kiêm cựu Giám đốc Hiệp hội An ninh Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc, cho biết Hàn Quốc nên coi vụ việc trên như một động lực để lưu tâm hơn đến văn hóa doanh nghiệp cũng như bảo vệ chất xám nhân tài.
Theo: FT
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng