Vùng lãnh nguyên Alaska bị tàn phá như thể cháy rừng, nguyên nhân hóa ra lại từ một loài gặm nhấm
(Tổ Quốc) - Các bức ảnh vệ tinh đã phát hiện khả năng thay đổi thiên nhiên mãnh liệt của đàn hải ly ở Alaska.
Những con hải ly đang chiếm lấy vùng lãnh nguyên Alaska, biến đổi hoàn toàn các tuyến đường thủy mà nó hay sử dụng và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu ở Bắc Cực. Những thay đổi này đột ngột và quyết liệt đến mức mọi thứ có thể nhìn thấy rõ ràng từ không gian.
Khi vùng lãnh nguyên Bắc Cực ấm lên, các loài thực vật thân gỗ bắt đầu mọc dọc theo các con sông và suối, tạo ra môi trường sống hoàn hảo cho hải ly. Và khi loài gặm nhấm có lông này di chuyển tới đây theo những tuyến đường thủy này, chúng coi đây là nhà và bắt đầu làm công việc mà chúng giỏi nhất. Đó là gặm đổ và mang gỗ về để xây đập, làm tắc các dòng sông và suối chảy xiết để tạo nên những ao nước yên bình và tươi tốt.
Sự chăm chỉ của chúng có thể nhanh chóng biến một dòng suối chảy qua vùng lãnh nguyên trở thành một chuỗi ao để các đàn hải ly sinh sống và phát triển.
"Không có nhiều loài động vật có thể để lại dấu vết mà bạn có thể nhìn thấy từ không gian", Ken Tape, nhà sinh thái học tại Đại học Alaska Fairbanks, chia sẻ. "À có một loài, và được gọi là con người. Điều buồn cười là con người thậm chí cũng không thể xin giấy phép để làm những việc mà hải ly hiện đang làm ở nơi này."
Cuộc xâm lược vùng lãnh nguyên Bắc Mỹ của loài gặm nhấm có lông biết bơi lội này là một mớ hỗn độn. Các ao mà hải ly tạo ra biến thành những ốc đảo tươi tốt để sinh sống và sinh sản. Chúng có thể làm tăng mức đa dạng sinh học, nhưng những ao này cũng đóng một vai trò trong việc đẩy nhanh khủng hoảng khí hậu.
11.000 ao nước do hải ly tạo ra
Tape và các đồng nghiệp của ông đã đánh giá các bức ảnh chụp từ vệ tinh từ đầu những năm 1950 và không tìm thấy dấu hiệu nào về sự hiện diện của hải ly ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực của Alaska. Những dấu hiệu đầu tiên của hải ly xuất hiện trong các hình ảnh vào năm 1980. Trong hình ảnh vệ tinh từ những năm 2000 và 2010, các ao do hải ly tạo ra đã tăng gấp đôi.
Về cơ bản, các bức ảnh vệ tinh cho thấy hơn 11.000 ao hải ly đã xuất hiện trên vùng lãnh nguyên.
“Toàn bộ phía tây Alaska hiện nay thực sự đã trở thành nơi đông đúc dân cư với các ao nuôi hải ly”, Tape cho biết.
Điều đó cũng phù hợp với những gì người bản địa trong khu vực đã quan sát được. Ở các thị trấn như Kotzebue, cách đây 20 năm không ai nhìn thấy hải ly, còn giờ chúng có mặt ở khắp mọi nơi.
Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Báo cáo khoa học vào tháng Năm. Tape đã trình bày nghiên cứu tại cuộc họp của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ vào tháng 12, ngay khi Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia đưa ra cảnh báo hàng năm về việc Bắc Cực đang chống chọi với biến đổi khí hậu nhanh như thế nào.
Nhìn từ không gian, ảnh hưởng từ hải ly lên Alaska tương tự như nạn cháy rừng
Tape trước đây đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để tìm kiếm những thay đổi trong thảm thực vật - những thay đổi chậm và tinh tế về diện mạo của vùng lãnh nguyên.
Vì vậy, ông đã rất phấn khích khi nhìn thấy các dự án kỹ thuật do hải ly làm ra đã thay đổi hoàn toàn cảnh quan trên khắp Alaska.
"Nó giống như dùng búa đập vào đầu hệ sinh thái”, ông ví von.
Nhưng Tape cho biết mức độ nghiêm trọng và tốc độ của dấu vết do hải ly tạo ra trên cảnh quan, khi nhìn từ không gian, giống với nạn cháy rừng hơn.
Các hình ảnh vệ tinh đã giúp trả lời hai câu hỏi chính để nghiên cứu bất kỳ quần thể động vật nào: Chúng ở đâu? Và chúng có bao nhiêu ở đó?
Tuy nhiên, câu hỏi thú vị nhất vẫn còn ở phía trước. Chính xác thì hải ly đang thay đổi mọi thứ xung quanh chúng như thế nào?
Nhà vô địch mới của Bắc Cực
Các ao nước của hải ly có thể xem như những ốc đảo ấm áp ở vùng lãnh nguyên. Vì các vùng nước sâu, tĩnh lặng giữ nhiệt nhiều hơn những dòng sông chảy xiết từng cắt qua trước đó.
Tape hy vọng những khu vực ao này sẽ bắt đầu giống rừng phương bắc hơn là vùng lãnh nguyên. Nước lặng có thể sẽ thu hút các loài chim nước và các loài cá mới.
"Nếu bạn thích Bắc Cực theo kiểu cũ, thì hải ly sẽ không tốt cho điều đó. Trong khi nếu bạn gần như muốn thấy diện mạo mới của Bắc Cực, thì hải ly là một trong những nhà vô địch", Tape nói.
Nhưng một điều rõ ràng không thể chấp nhận được ở Bắc Cực kiểu mới là sự tan rã của các lớp băng vĩnh cửu. Các lớp băng vĩnh cửu bao phủ khoảng một phần tư bán cầu bắc, bao gồm gần 85% diện tích Alaska .
Khi nhiệt độ tăng lên, lớp băng vĩnh cửu tan ra và giải phóng khí nhà kính carbon dioxide và metan vào bầu khí quyển.
Đó là tác động duy nhất của hải ly mà nhóm của Tape chắc chắn. Các ao của hải ly đang làm tan lớp băng vĩnh cửu xung quanh, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu. Chỉ là tác động bao nhiêu vẫn chưa rõ ràng.
Trong tương lai, ngày càng nhiều hải ly có thể sẽ tiếp tục phát triển và lan ra khắp vùng lãnh nguyên, tiếp tục di chuyển về phía bắc khi Bắc Cực ấm lên.
Tape cho biết dải cực bắc của Alaska, phía bắc dãy núi Brooks, vẫn hầu như không có hải ly. Nhưng nó có thể giữ được tình trạng này quá lâu. Vì quần thể hải ly dày đặc đã ở ngay phía bên kia dãy núi.
“Tất cả những gì chúng phải làm là bơi xuôi dòng”, Tape nói. "Nếu chúng tìm thấy môi trường sống ở đó - nói cách khác, nếu nó đủ ấm, nếu cây bụi đủ cao, nếu có đủ nước không đóng băng vào mùa đông - thì chúng sẽ thay đổi nơi đó mãi mãi."
Tham khảo Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng