WHO cảnh báo số lượng người mắc tiểu đường đã tăng gấp 4 lần trong 3 thập kỷ

    zknight,  

    Chế độ ăn uống của người dân không được kiểm soát và tình hình ngày càng tệ.

    Theo một báo cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc tiểu đường trên toàn thế giới đã tăng gấp 4 lần, kể từ năm 1980 đến năm 2014. Sự tăng vọt đáng báo động này đến từ việc thay đổi lối sống, đặc biệt là ở những quốc gia có thu nhập trung bình trở xuống. Thực phẩm giàu đường và chất béo ngày càng có sẵn ở đây khiến chế độ ăn của người dân không được kiểm soát và tình hình ngày càng tệ.

     WHO báo cáo số bệnh nhân tiểu đường đã tăng gấp 4 lần

    WHO báo cáo số bệnh nhân tiểu đường đã tăng gấp 4 lần

    Báo cáo của WHO cho thấy có khoảng 422 triệu người trưởng thành sống chung với tiểu đường vào năm 2014. Trong khi đó, trở lại năm 1980, con số này chỉ khoảng 108 triệu người. Nếu tính toán thêm tỷ lệ gia tăng dân số, phần trăm số người tiểu đường cũng tăng gần gấp đôi, từ 4,7 lên 8,5%.

    Bệnh tiểu đường có thể xảy ra theo hai hình thức: tiểu đường type 1, khi cơ thể không thể sản xuất đủ insulin và tiểu đường type 2, insulin bằng cách nào đó không thể được sử dụng hiệu quả. Hooc-môn này được sản xuất bởi tuyến tụy và đặc biệt quan trọng với cơ thể. Nó cho phép các tế bào hấp thụ glucose và điều chỉnh lượng đường trong máu.

    Khi chức năng của insulin bị phá vỡ, lượng đường trong máu quá cao dẫn đến một loạt các hậu quả nguy hiểm như suy thận, biến chứng tim mạch mà có thể dẫn đến tử vong. Cũng theo báo cáo của WHO, đã có tới 1,5 triệu người chết vì các biến chứng tiểu đường trong năm 2012. Nồng độ đường cao trong máu đóng góp 2,2 triệu ca tử vong khác.

     Gia tăng tiểu đường gây ra bởi thay đổi lối sống và thói quen ăn uống

    Gia tăng tiểu đường gây ra bởi thay đổi lối sống và thói quen ăn uống

    Trước đây, tiểu đường type 2 chỉ xảy ra ở những người già và hiếm khi phát hiện ở độ tuổi dưới 40. Tuy nhiên, ngày nay, con số đáng ngại bắt đầu xảy ra ở người trẻ bởi nhiều thay đổi trong lối sống hiện đại.

    Bệnh tiểu đường gia tăng bởi một số yếu tố nguy cơ như béo phì, lượng đường và chất béo cao trong máu. Trẻ em cũng là đối tượng đặc biệt có nguy cơ sau này nếu chúng thừa cân và ít hoạt động trong những năm đầu đời.

    Trong giai đoạn sớm của cuộc đời, thói quen ăn uống và hoạt động thể chất được hình thành. Sự cân bằng năng lượng được lập trình ở đây, vì vậy, đó là giai đoạn cần sự can thiệp để giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường type 2 sau này”, báo cáo của WHO viết.

    Để có thể tận dụng được cơ hội này và cắt giảm bệnh tiểu đường, WHO nói cần có sự phối hợp của tất cả các chính phủ và toàn bộ xã hội. “Tất cả các quốc gia vần có hệ thống xem xét tác động sức khỏe của bất kỳ chính sách nào từ thương mại, nông nghiệp, tài chính cho đến giao thông vận tải, giáo dục và quy hoạch đô thị”.

    Ví dụ, trong báo cáo, WHO khuyến nghị ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên cần được các quốc gia đẩy mạnh trong từng trường học và gia đình. Khuyến khích đi bộ hoặc xe đạp trong quy hoạch đô thị cũng có thể đóng vai trò quan trọng để giảm sự gia tăng bệnh tiểu đường.

     Các bậc cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến lối sống của con cái

    Các bậc cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến lối sống của con cái

    Đối với trẻ em, các bậc cha mẹ được khuyến cáo áp dụng một “quan điểm sống khoa học”. Họ phải đảm bảo con cái mình có một lối sống lành mạnh kể từ khi còn rất nhỏ. Nhờ đó, các nguy cơ về tiểu đường và bất kể một loại bệnh tật sau này sẽ được cắt giảm đáng kể.

    Báo cáo của WHO cũng cho thấy sự gia tăng nhanh chóng tiểu đường ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trước đây, tiểu đường chỉ được chú ý ở khu vực các nước giàu có. Điều này là đặc biệt đáng báo động, bởi điều trị insulin là rất tốn kém và không có sẵn ở những đất nước nghèo đói. Một khi đã mắc tiểu đường, người dân ở các quốc gia này chắc chắn sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm nhất.

    Tham khảo Iflscience

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày