WHO: Thế giới chào đón công dân béo phì thứ 1 tỷ, con số tăng gấp 5 lần kể từ khi thế hệ 9x ra đời
Bước vào ngưỡng tuổi trung niên của cuộc đời, thế hệ 9x đang béo lên và đóng góp một phần lớn vào đại dịch béo phì trên thế giới.
- Đến năm 2035, thế giới có trên một nửa dân số đối mặt với nguy cơ béo phì
- Cần đi bao nhiêu bước mỗi ngày để giảm nguy cơ tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì?
- Nghiên cứu cho thấy người béo phì có thể "chết đuối" trong chính chất béo của họ
- Việt Nam có tốc độ gia tăng béo phì nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
- Nghiên cứu: Cứ nói béo phì là do “cái miệng hại cái thân” nhưng hóa ra gen cũng là nguyên nhân chính khiến bạn béo phì
Hơn một năm về trước vào ngày 15/11/2022, cả thế giới đã tưng bừng chào đón sự ra đời của một bé gái người Philippines: Cô bé Venice Mabansag, chào đời lúc 1 giờ 29 phút tại thủ đô Manila, được Liên Hợp Quốc vinh dự chọn là công dân thứ 8 tỷ trên Trái Đất.
Vậy là thế giới - kể từ năm 2022 - đã chính thức có nhiều hơn 8 tỷ người.
Thế nhưng, sự ra đời của cô bé Mabansag cùng cột mốc 8 tỷ dân đã làm lu mờ đi sự hiện diện của một người khác trên Trái Đất. Không ai biết tên của anh ấy hoặc cô ấy là gì, ở đâu, và đang làm gì? Chỉ có một điều chắc chắn, đó là công dân béo phì thứ 1 tỷ.
Một nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số lượng người béo phì trên thế giới đã âm thầm cán mốc 1 tỷ từ năm 2022. Nhưng phải đến tận bây giờ, số liệu phân tích được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet mới cho chúng ta biết điều đó.
Theo nghiên cứu này, số lượng người béo phì trên Trái Đất đã tăng phi mã kể từ khi thế hệ 9x ra đời. Nếu như năm 1990, thế giới chỉ có khoảng 226 triệu người béo phì. Hiện tại, con số đã là 1 tỷ 083 triệu người, tăng gấp gần 5 lần.
WHO gọi béo phì là một đại dịch toàn cầu và kêu gọi các quốc gia cùng hành động để chống lại nó. Nếu không năm 2035, cứ hai người bạn gặp ngoài đường sẽ có một người bị béo phì, bao gồm cả chính bản thân bạn.
Thế giới âm thầm đón công dân béo phì thứ 1 tỷ, sớm hơn dự kiến 8 năm
Con số được các nhà khoa học đưa ra, sau khi họ tập hợp số liệu điều tra được từ 3.663 nghiên cứu, với tổng kích thước mẫu 222 triệu người, đại diện cho dân số của 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Kết quả từ số liệu thu thập được đến hết năm 2022 cho thấy thế giới đang có 504 triệu phụ nữ và 374 triệu nam giới có chỉ số BMI trên 30, thuộc vào nhóm béo phì. Con số đã tăng gấp 4,5 lần so với 195 triệu người trưởng thành béo phì được ghi nhận vào năm 1990.
Số lượng trẻ em và thanh thiếu niên phải sống chung với bệnh béo phì vào năm 2022 là khoảng 159 triệu, tăng gấp hơn 5,1 lần so với con số của hơn 30 năm trước.
Tổng kết lại, thế giới đang có 1 tỷ 083 triệu người béo phì.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet là bản cập nhật cho một thống kê tương tự đã được thực hiện vào 5 năm trước. Khi đó, một nhóm hơn 1.500 nhà khoa học của WHO, tham gia vào Dự án Đánh giá Yếu tố Rủi ro liên quan đến Bệnh không truyền nhiễm, cũng đã ngồi lại để cùng nhau ước tính số lượng người béo phì trên toàn thế giới.
Con số được đưa ra vào năm 2017 là khoảng 774 triệu người. Họ ước tính phải đến năm 2030, số lượng người béo phì trên toàn thế giới mới cán mốc 1 tỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới bây giờ cho thấy cột mốc đó đã đến sớm hơn dự kiến tới 8 năm.
Thống kê mới cũng chỉ ra một điều đáng lo ngại khi có khoảng một nửa phụ nữ béo phì trên thế giới tập trung ở 11 quốc gia: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Ai Cập, Indonesia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.
Đồng thời, một nửa số nam giới béo phì sống ở 9 quốc gia: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nga, Ai Cập, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các quốc gia này, Hoa Kỳ có tỷ lệ béo phì ở nam giới cao nhất và Ai Cập có tỷ lệ béo phì cao nhất ở phụ nữ.
Các quốc gia xuất hiện trong cả hai bảng xếp hạng là Mỹ (với tỷ lệ dân số béo phì chung là 42,7%), Ai Cập (35,7%), Thổ Nhĩ Kỳ (20,2%) và Ả Rập Saudi (20,2%).
Tại sao chúng ta ngày càng béo lên?
Béo phì chưa từng là một vấn đề đối với nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử tiến hóa kéo dài hàng triệu năm. Cho tới tận giữa thế kỷ 20, WHO sau khi được thành lập vào năm 1948 cũng chỉ có một vấn đề chính để quan tâm, đó là nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng xảy ra trên toàn cầu.
Béo phì tới thập niên 1970 vẫn là một tình trạng tương đối hiếm gặp. Ngay cả ở những quốc gia giàu có nhất và khi có ai đó bị béo, họ cũng thường là những người thuộc giới thượng lưu giàu có.
Thế nhưng, dự cảm về một thế giới béo lên đã nhanh chóng xuất hiện. Sang đến thập niên 1980 và 1990, chỉ số BMI trung bình của dân số ở các nước thuộc thế giới thứ nhất bắt đầu tăng phi mã, do đó tỷ lệ người thừa cân và béo phì cũng gia tăng theo.
Năm 1997, khi tỷ lệ người dân béo phì và thừa cân đã tăng gấp 3 lần so với năm 1975, WHO đã phải chính thức công nhận béo phì là một đại dịch toàn cầu.
Một thập kỷ sau đó, là giai đoạn năm 2007-2009, số lượng người béo trên toàn thế giới đã nhiều hơn số lượng người gầy, số người béo phì đã vượt quá số lượng người bị suy dinh dưỡng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chris Damman, một chuyên gia về nội khoa và tiêu hóa tại Đại học Washington cho biết: "Khi thế giới chuyển đổi từ vấn đề suy dinh dưỡng tại các quốc gia có tỷ lệ thiếu cân cao, chúng ta đang đi thẳng sang một vấn đề mới là tình trạng thừa cân, béo phì và gia tăng bệnh chuyển hóa. Chúng ta thực sự đang đánh đổi một vấn đề này cho một vấn đề khác. Và nghiên cứu này xác nhận điều đó, về những gì đang xảy ra với tình hình dinh dưỡng trên thế giới".
Tốc độ gia tăng của các chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới từ năm 1971-2021
Yếu tố đầu bảng làm cho thế giới trở nên ngày một béo lên chính là chế độ ăn của chúng ta đã thay đổi rất nhiều kể từ thập niên 1970. Đó là khoảng thời gian bùng nổ của các loại thực phẩm chế biến và siêu chế biến, đóng gói calo rỗng trong một bữa ăn nhanh mà bạn có thể nạp hàng ngàn calo chỉ trong vòng 15 phút.
Các loại đồ ăn nhanh như hamburger, gà rán, khoai tây chiên…, các chuỗi nhà hàng toàn cầu như McDonald's, KFC, và Burger King… đã ra đời trong khoảng thời gian này. Chúng thúc đẩy loài người đi từ chỗ tự nấu một bữa ăn đa dạng thực phẩm, với nhiều món ăn và khẩu phần nhỏ chuyển sang một xã hội tiêu thụ đồ ăn nhanh, được sản xuất hàng loạt với khẩu phần lớn và chỉ một món duy nhất.
Yếu tố thứ hai góp phần vào quá trình này là việc chúng ta đang ngày một lười vận động. Đô thị hóa và sự phát triển của công nghệ đã tạo ra nhiều công việc văn phòng, mà con người chỉ cần ngồi một chỗ để kiếm tiền.
Máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng đang khiến chúng ta ngồi và nằm tại chỗ cả ngày, trong khi, lượng calo nạp vào từ thức ăn tiện lợi lại gia tăng. Sự tiện lợi của phương tiện giao thông, thang máy và thang cuốn càng làm chúng ta lười vận động.
"Tôi không quá ngạc nhiên khi thế giới ngày càng có nhiều người béo hơn, đặc biệt là sau sự ra đời của máy tính và điện thoại thông minh khiến thời lượng vận động của mỗi cá nhân đều giảm đi", tiến sĩ Damman nói.
Ngoài ra, các chuyên gia tại WHO chỉ ra nhiều yếu tố cũng góp phần vào đại dịch béo phì toàn cầu bao gồm việc sống trong một thế giới đang ngày càng có nhiều căng thẳng (yếu tố có thể khiến mọi người ăn nhiều hơn, trong khi vẫn ngồi một chỗ), di truyền ngoại gen (khi nhiều người béo phì bắt đầu di truyền thói quen ăn uống và ngủ nghỉ của mình sang cho con cái). Ô nhiễm không khí thậm chí cũng được tìm thấy trong một mối liên hệ với tỷ lệ béo phì gia tăng.
Khi Trái Đất có quá nhiều người béo
Béo phì, bản thân định nghĩa của nó đã là một dạng bệnh lý, trong đó mỡ thừa trong cơ thể tích tụ nhiều đến mức gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Mọi người được phân loại là béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI) của họ - cân nặng của một người chia cho bình phương chiều cao của người đó - vượt quá 30 kg/m2; phạm vi 25–30 kg/m2 được định nghĩa là thừa cân. Trong khi chỉ số BMI bình thường nằm dưới 25 kg/m2.
Béo phì và thừa cân được coi là nguyên nhân chính gây ra một số căn bệnh chuyển hóa bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, các rối loạn thần kinh và bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa mạn tính.
Ước tính của WHO cho thấy mỗi năm có khoảng 5 triệu ca tử vong liên quan đến các căn bệnh không lây nhiễm do béo phì gây ra. Con số này tạo ra một gánh nặng bệnh tật tương đương 2.000 tỷ USD mỗi năm, bằng khoảng 2,8% GDP thế giới.
Béo phì cũng gây ra các vấn đề tâm lý, nhất là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Đối mặt với béo phì sớm trong cuộc đời dễ khiến trẻ bị bắt nạt, phân biệt đối xử từ đó dẫn tới mất tự tin, ảnh hưởng tới kết quả học tập và chất lượng cuộc sống.
Trẻ em bị béo phì nhiều khả năng cũng sẽ lớn lên với bệnh béo phì, và mắc các bệnh không lây nhiễm như người béo phì trưởng thành.
"Bởi vậy nên, nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát béo phì ngay từ khi còn nhỏ cho tới khi trưởng thành, thông qua chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc y tế khi cần thiết", Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết.
WHO hiện đang thực hiện một số nỗ lực nhằm giải quyết đại dịch béo phì toàn cầu bao gồm: cung cấp các hướng dẫn về chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể chất tiêu chuẩn, phối hợp với các quốc gia để thiết lập chính sách dinh dưỡng như đánh thuế đồ uống có đường, hạn chế tiếp thị thực phẩm không lành mạnh đến trẻ em và cung cấp cho trẻ em các loại thực phẩm lành mạnh thay thế.
Bản thân nghiên cứu mới trên tạp chí The Lancet cũng nằm trong một phần kế hoạch hành động của WHO, nhằm thu thập dữ liệu, theo dõi và cảnh báo sớm về sự gia tăng của đại dịch béo phì trên thế giới.
Các nhà khoa học cho biết nếu chúng ta không hành động sớm để giải quyết vấn đề, tỷ lệ người béo phì trên thế giới sẽ nhanh chóng đạt tới con số 4 tỷ. Khi đó, cứ hai người trên thế giới sẽ có một người bị béo phì. Và kịch bản này có thể diễn ra sớm nhất vào năm 2035.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng