WHO: Virus corona mới chưa phải tình trạng khẩn cấp quốc tế, phong tỏa thành phố, cửa khẩu không ngăn được dịch bệnh lây lan

    zknight,  

    Hầu hết người nhiễm virus chỉ có triệu chứng nhẹ, những người tử vong đã mắc một bệnh mạn tính trước đó.

    Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa kết thúc phiên họp tại Genava, Thụy Sĩ với tuyên bố: Virus corona ở Vũ Hán, Trung Quốc hiện chưa phải là một Tình trạng khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng (PHEIC).

    "Không hề có sai sót gì ở đây cả. Đó là một tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể trở thành một tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu", Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO nói.

    Các thành viên của ủy ban khẩn cấp đã có nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên, về tổng thể, họ nhất trí rằng còn quá sớm để coi virus corona mới ở Trung Quốc là một PHEIC.

    WHO: Virus corona mới chưa phải tình trạng khẩn cấp quốc tế, phong tỏa thành phố, cửa khẩu không ngăn được dịch bệnh lây lan - Ảnh 1.

    Virus corona mới chưa trở thành một tình trạng khẩn cấp quốc tế

    Theo WHO, PHEIC chỉ được tuyên bố khi có tình huống "bất thường", "có rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác từ sự lây lan của dịch bệnh", "đòi hỏi một phản ứng đồng bộ của quốc tế" trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

    Trong trường hợp virus corona mới, ủy ban khẩn cấp của WHO nhận thấy vẫn còn có quá ít trường hợp bệnh nhân lây nhiễm ngoài Trung Quốc, và chính quyền Trung Quốc cũng đã thực hiện các bước cần thiết để ngăn chặn virus phát tán ra bên ngoài biên giới nước mình.

    Tuy nhiên, Tiến sĩ Tedros cũng nhấn mạnh rằng ông có thể lập lại một ủy ban khẩn cấp mới khi tình hình thay đổi. "Có thể là một ngày nữa, một vài ngày nữa, hoặc cũng có thể vào bất cứ lúc nào", ông nói.

    "Tôi muốn nhắc lại một thực tế là tôi đã không tuyên bố PHEIC ngày hôm nay, nhưng điều đó không nên được coi là một dấu hiệu cho thấy WHO không cho rằng tình hình hiện nay đủ nghiêm trọng, hoặc chúng tôi đã làm việc không nghiêm túc. Không gì có thể hơn được sự thật. WHO đang theo dõi đợt bùng phát này từng phút mỗi ngày".

    Thông báo được đưa ra chỉ một ngày sau cuộc họp ủy ban đầu tiên, sau đó WHO nói rằng họ cần thêm thông tin để đạt được sự đồng thuận về việc có nên tuyên bố PHEIC hay không.

    Việc chỉ định PHEIC sẽ cho phép tiến sĩ Tedros, dưới cương vị tổng giám đốc WHO, kêu gọi các nước không đóng cửa biên giới hoặc hạn chế thương mại. Lý do vì cắt đứt du lịch và thương mại với một quốc gia đang đối phó với dịch bệnh không hề có khả năng ngăn chặn dịch bệnh. Ngược lại, nó có thể khiến các quốc gia giấu giếm thông tin và không minh bạch về tình hình dịch.

    Các quy định về PHEIC được xây dựng sau đợt dịch SARS bùng nổ vào năm 2003 và thông qua bởi 194 quốc gia vào năm 2005. Từ đó tới nay, mới chỉ có 5 lần WHO tuyên bố PHEIC cho các đại dịch: cúm lợn H1N1 năm 2009, bại liệt năm 2014, Ebola năm 2014, Zika năm 2015 và một đợt tái bùng phát Ebola năm 2019.

    Năm 2013, WHO cũng từng thành lập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá liệu virus MERS có nên được tuyên bố là PHEIC hay không. Nhưng rốt cuộc sau nhiều phiên họp, họ kết luận rằng căn bệnh này không phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

    Hầu hết người nhiễm virus chỉ có triệu chứng nhẹ, những người tử vong đã mắc một bệnh mạn tính trước đó

    Trở lại với virus corona mới, cho tới thời điểm cuộc họp diễn ra, Tiến sĩ Tedros thông báo đã có 584 trường hợp nhiễm virus được báo cáo với WHO, trong đó có 17 trường hợp tử vong. Những con số này thấp hơn 630 trường hợp nhiễm bệnh và 18 trường hợp tử vong được báo cáo trước đó.

    575 trường hợp nhiễm virus corona mới và tất cả các trường hợp tử vong đều được báo cáo ở Trung Quốc. Các trường hợp nhiễm bệnh khác được báo cáo ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

    Tiến sĩ Tedros nói rằng virus corona mới có thể gây tử vong. Mặc dù vậy, với hầu hết những người nhiễm nó chỉ thể hiện các triệu chứng nhẹ hơn.

    "Chúng tôi biết rằng, một phần tư những người nhiễm bệnh là những bệnh nhân đã đang mắc các căn bệnh nặng khác", ông nói. "Hầu hết các bệnh nhân tử vong đều mắc sẵn các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh tim mạch làm hệ miễn dịch của họ suy yếu".

    Thêm vào đó, Tiến sĩ Tedros cũng cho biết virus corona có thể lây truyền từ người sang người ở Trung Quốc, nhưng giờ nó chỉ giới hạn giữa các thành viên gia đình và nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân.

    "Tại thời điểm này, không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc", ông nói. "Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra".

    WHO: Virus corona mới chưa phải tình trạng khẩn cấp quốc tế, phong tỏa thành phố, cửa khẩu không ngăn được dịch bệnh lây lan - Ảnh 3.

    Phong tỏa thành phố không hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus lây lan

    Tại Trung Quốc, để đối phó với dịch bệnh mới, họ đã có những động thái kiểm dịch cực kỳ nghiêm mật, được đánh giá là chưa từng có từ trước đến nay. Tại Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân nơi dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động đi ra và đi vào thành phố đã bị phong tỏa.

    Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang trong thành phố, đó là yêu cầu bắt buộc.

    Lân cận với Vũ Hán, thành phố Hoàng Cương với 7 triệu dân và thành phố Ngạc Châu với 1 triệu dân cũng đã bị phong tỏa. Cả ba thành phố này đều thuộc tỉnh Hồ Bắc.

    Các chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu một động thái như vậy có thực sự giúp ích hay không. Việc phong tỏa các thành phố có thể hạn chế nguồn viện trợ y tế đến vùng dịch bên trong. Quyết định này cũng có thể gây mất lòng tin đối với các nỗ lực của chính phủ giúp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, đồng thời gây hoang mang dư luận.

    Chưa kết, lệnh cấm đi lại ở Vũ Hán chỉ chính thức được ban bố vào sáng thứ năm 23/1, đã vẫn cho phép những người bị nhiễm virus có thời gian rời khỏi thành phố.

    WHO: Virus corona mới chưa phải tình trạng khẩn cấp quốc tế, phong tỏa thành phố, cửa khẩu không ngăn được dịch bệnh lây lan - Ảnh 4.

    "Có một câu hỏi cơ bản về tính hiệu quả ở đây", tiến sĩ Alexandra Phelan đến từ Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Georgetown cho biết. "Cách ly hàng loạt thường được coi là biện pháp kém hiệu quả".

    Khi được hỏi liệu WHO có ủng hộ các biện pháp kiểm dịch này hay không, tiến sĩ Tedros nói rằng Trung Quốc, với tư cách là một quốc gia, có chủ quyền để thực hiện các bước mà họ muốn trong nỗ lực kiểm soát ổ dịch.

    Tham khảo Statnew, Theguardian

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày