Wikipedia bị chính nhân viên chỉ trích vì chi tiêu quá trớn nguồn tiền hiến tặng, cộng đồng mạng nói gì?
Hầu hết các ý kiến đều tỏ ra không đồng tình với lời chỉ trích từ chính nhân viên lâu năm của Wikipedia và cho rằng tổ chức phi lợi nhuận này thực chất vẫn đang hoạt động tốt.
Trong bài viết có tựa đề “Wikipedia has cancer” (Wikipedia đang mắc ung thư) gần đây trên trang The Signpost của Wikipedia, Guy Macon, một nhân viên Wikipedia lâu năm đã gây bão khi cho rằng tổ chức này đang mắc “ung nhọt” với việc chi tiêu quá trớn nguồn ngân sách hạn chế vốn chỉ có được qua nguồn tiền quyên góp của người đọc.
Để chứng minh quan điểm của mình, Macon đưa ra bảng thống kê doanh thu (từ quyên góp) và chi tiêu hàng năm của Wikimedia Foundation (WMF - tổ chức phi lợi nhuận quản lý tất cả các dịch vụ như Wikipedia, Wikibook, Wikiquote,…) như dưới đây:
Theo số liệu của WMF, Wikipedia hiện đang có 16 tỷ page view mỗi tháng. WMF chi khoảng 2 triệu USD/năm cho dịch vụ hosting và trả lương 300 nhân viên vận hành. Trang Wikipedia hiện nay mới chỉ có số page nhiều gấp 11-12 lần so với hồi 2005, nhưng WMF đã “bạo chi” cho hosting số tiền gấp 33 lần so với thời điểm 2005. Tổng mức chi tiêu đã tăng gấp 1,250 lần. Chưa hết, chỉ trong vòng 3 năm qua, tổng chi của WMF đã tăng 85%. Trong khi đó, từ 2005 đến 2015, mức lạm phát hàng năm của Mỹ chỉ ở khoảng 1-3%/năm; lạm phát lũy kế trong suốt thập kỷ này là 21,4% - vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức tăng khủng khiếp trong chi tiêu của WMF.
Cuối cùng, Macon nhận định rằng, nếu cứ tiếp tục vung tiền không biết điểm dừng như hiện nay, WMF sẽ khiến những nhà quyên góp từ trước đến nay thất vọng và rút bớt số tiền hiến tặng. Doanh thu từ quyên góp sớm muộn gì cũng sẽ cạn kiệt, dẫn đến sự phá sản của các dịch vụ Wikipedia. Các tập đoàn lớn như Google, Facebook có thể sẽ thâu tóm WMF và biến Wiki thành nền tảng bán quảng cáo kiếm tiền, đi ngược lại hoàn toàn giá trị ban đầu mà các nhà sáng lập muốn hướng đến.
Bài viết của Macon đã khuấy đảo cộng đồng Reddit những ngày qua. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến trên Reddit lại tỏ ra không đồng tình với ông và cho rằng WMF thực chất đang hoạt động một cách rất hiệu quả.
Hãy thử cùng so sánh WMF với các tổ chức phi lợi nhuận cùng loại khác qua biểu đồ lợi nhuận biên dưới đây:
So sánh lợi nhuận biên của Wikipedia với các thư viện và nhà xuất bản lớn thời kỳ 2005-2016
Biểu đồ trên cho thấy mức lợi nhuận biên của WMF dù có giảm dần qua thời gian nhưng vẫn có thể chấp nhận được, thậm chí còn vượt trên cả 3 đối tượng được đem lên bàn cân là NY Public Library, British Library và Pearson.
Tất nhiên, so sánh này không phải là không có điểm khập khiễng bởi Wikipedia chỉ có thư viện online trong khi NY Public Library và British Library lại là hai trong số những thư viện lớn nhất thế giới với rất nhiều tòa nhà và tư liệu sách giấy, còn Pearson thì lại là nhà xuất bản giáo dục lớn nhất thế giới có cổ phần nhiều hãng truyền thông nổi tiếng như Financial Times hay The Economist.
Thế nhưng nhiều thành viên Reddit tranh luận rằng, Macon là một kỹ sư nên không hiểu rõ bản chất hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận. Cụ thể, đối với WMF, mặc dù lợi nhuận biên có giảm nhưng tỷ lệ này vẫn chưa bao giờ tụt xuống dưới 20%, trong khi tài sản ròng thì vẫn tăng dần đều. Ngay cả trong trường hợp không kiếm được thêm chút doanh thu nào, mức tài sản ròng hiện nay của WMF cũng cho phép họ hoạt động được tiếp tới 13-14 tháng (căn cứ theo số liệu chi tiêu các năm trước).
Với những con số như vậy, có thể nói WMF là một tổ chức phi lợi nhuận rất “khỏe mạnh” chứ không hề lao đao như Macon nhận xét. Trên thực tế, các tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới đều luôn phải đau đáu với câu hỏi: Điều gì sẽ tới nếu nguồn tiền quyên góp bỗng chốc biến mất? Với họ, tài sản ròng đủ để chi trả 3-4 tháng hoạt động không doanh thu đã là rất ổn. Và WMF, hay Wikipedia, hoàn toàn có thể được coi là một hình mẫu tốt trong giới phi lợi nhuận.
Tóm lại, Macon có thể đã nêu ra một điểm nhiều người không muốn đối diện, nhưng rõ ràng là Wiki đang làm tốt phần việc của mình trong thời kỳ lưu lượng thông tin trên internet gia tăng đột biến, và việc huy động hàng trăm nhân viên là một động thái cần thiết để kiểm soát tốt hơn chất lượng nền tảng này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng