Xiaomi đã hút cạn tinh hoa của Huawei để có thể trở thành hãng smartphone hàng đầu thế giới
Xiaomi chính là một Huawei thứ hai.
Huawei đã từng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường smartphone, là kẻ thách thức cả Apple và Samsung, từng khẳng định sẽ bước lên vị trí nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. Thế nhưng tất cả những điều đó giờ đây chỉ còn là dĩ vãng, để rồi tất cả tinh hoa của Huawei đang được một hãng smartphone khác kế thừa, đó chính là “hạt gạo nhỏ” Xiaomi.
Sự sụp đổ của Huawei
Trong giai đoạn 2018 - 2020, Huawei là hãng smartphone có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Huawei P20 Pro đã tạo ra cú hit lớn đầu tiên đưa gã khổng lồ Trung Quốc xuất hiện trên bản đồ smartphone toàn cầu. Đó là lần đầu tiên bạn có thể thấy những chiếc smartphone cao cấp của Trung Quốc xuất hiện phổ biến tại Châu Âu, thay vì iPhone hay Samsung.
Huawei đã tổ chức những sự kiện lớn tại Châu Âu để ra mắt những chiếc smartphone flagship của mình. P20 Pro khi đó đã ghi điểm mạnh mẽ với hệ thống camera được phát triển dựa trên sự hợp tác với Leica, một hãng sản xuất máy ảnh lâu đời và có danh tiếng bậc nhất thế giới.
P20 Pro vượt trội hơn hoàn toàn nhờ hệ thống camera tốt nhất trên smartphone lúc bấy giờ, tính năng chụp ảnh ban đêm, thời lượng pin ấn tượng, thiết kế tốt và nhiều tính năng độc quyền khác.
Tiếp nối thành công của P20, Huawei tiếp tục ra mắt loạt smartphone cao cấp của mình là Mate 20 và P30. Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Huawei ra mắt Mate 30 Pro, và cũng là lúc nhà sản xuất Trung Quốc này phải hứng chịu những đòn trừng phạt từ Chính phủ Mỹ.
Không được phép sử dụng các phần mềm và ứng dụng của Google, doanh số smartphone Huawei sụt giảm nghiêm trọng tại thị trường Châu Âu. Bị cấm sử dụng công nghệ của Mỹ, Huawei không thể tự sản xuất chip xử lý trang bị cho smartphone của mình nữa. Đây cũng là đòn trừng phạt kết liễu đối với Huawei khiến cho thị phần smartphone tại Trung Quốc của hãng cũng giảm thê thảm.
Là cơ hội của Xiaomi
Sự kết thúc của một hãng smartphone này, lại là sự khởi đầu mới với một hãng smartphone khác. Trong trường hợp này là Xiaomi, “hạt gạo nhỏ” vốn chỉ là một hãng sản xuất smartphone giá rẻ. Nhưng nhờ có sự sụp đổ của Huawei, mà Xiaomi có cơ hội để kế thừa tất cả những tinh hoa mà gã khổng lồ này để lại, để có thể trở thành một gã khổng lồ mới trên thị trường smartphone.
Xiaomi đã thành công với chiến lược giá rẻ, tập trung nhiều vào các dòng smartphone tầm trung và bình dân. Mặc dù có cố gắng để phát triển phân khúc flagship, nhưng Xiaomi luôn bị đánh giá thấp hơn bởi cái bóng quá lớn của Huawei.
Khi cái bóng đó biến mất, cũng là lúc Xiaomi khẳng định sẽ tham gia cuộc chơi smartphone cao cấp, cũng là khi Xiaomi ra mắt chiếc smartphone Mi 10 Ultra. Tập trung những công nghệ tiên tiến nhất, Mi 10 Ultra là chiếc smartphone thay thế dòng P và Mate của Huawei để thách thức với Note 20 Ultra và iPhone 12 Pro Max tại thị trường Châu Âu. Thật thú vị vì Mi 10 Ultra không được bán tại quê nhà Trung Quốc.
Sau đó, Xiaomi tạo được mối quan hệ tốt đẹp với Qualcomm. Nhà sản xuất chip xử lý hàng đầu cho smartphone Android đã chọn Mi 11 để ra mắt chip xử lý cao cấp Snapdragon 888. Thế nhưng Mi 11 Ultra mới thực sự là bùng nổ, với camera chính 108MP và tốc độ sạc vượt trội hơn tất cả smartphone khác trên thị trường.
Xiaomi đã thay đổi công thức thành công của mình và áp dụng vào công thức của Huawei. Thành phần của công thức chủ yếu là những công nghệ tiên tiến nhất, trong đó quan trọng là camera và pin.
Xiaomi và Leica Camera công bố hợp tác chiến lược dài hạn.
Mới đây nhất, Xiaomi còn kế thừa cả tinh hoa lớn nhất trong việc phát triển camera trên smartphone của Huawei. Đó là mối quan hệ hợp tác với hãng máy ảnh Leica, thứ đem lại thành công cho một loạt những P20, Mate 20 hay P30 của Huawei. Leica cũng xác nhận việc chấm dứt mối quan hệ hợp tác với Huawei, điều mà không khiến ai ngạc nhiên.
Xiaomi tiếp tục áp dụng công thức thành công khác của Huawei, đó là mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình tại Trung Quốc và Châu Âu. Xiaomi đã lên kế hoạch để mở thêm 20.000 cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc trong 3 năm tới để mở rộng hoạt động kinh doanh tại các khu vực nông thôn.
Đây cũng là động thái chiến lược của hãng di động Trung Quốc trong mục tiêu trở thành hãng sản xuất smartphone số một thế giới vào năm 2024. Khi mà trước đó, Xiaomi chỉ tập trung vào việc bán hàng online thông qua trang web của mình. Động thái này đã giúp Xiaomi chiếm lấy toàn bộ thị phần mà Huawei để lại.
Xiaomi chính là một Huawei thứ hai, nhưng không bị Mỹ cấm vận
Có thể nói rằng Xiaomi đã lột xác, thay đổi mọi thứ tạo nên thành công của bản thân, để trở thành một Huawei thứ hai. Chỉ có điều là Xiaomi không bị Mỹ trừng phạt giống như Huawei. Nhờ đó mà Xiaomi đã có tốc độ tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, 83% trong Q2/2021 và trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, vượt mặt Apple và chỉ kém Samsung 2% sản lượng xuất xưởng.
Huawei chắc chắn sẽ rất thành công, nếu như không có lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Còn giờ đây, Xiaomi đã kế thừa tất cả những tinh hoa của Huawei, chiếm lĩnh thị phần Huawei để lại và còn không bị Mỹ cấm vận. Vậy nếu tiếp tục với đà này, Xiaomi hoàn toàn có khả năng để trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. Điều mà Huawei cũng đã từng làm được trong một thời gian ngắn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng