Tâm sự của một người dùng Mỹ, về chiếc smartphone có xuất xứ Trung Quốc của Xiaomi.
*Dưới đây là toàn bộ những chia sẻ của Karlo Abapo - một kiểm thử viên phần mềm, một nhà phát triển ứng dụng, đã được chúng tôi tạm lược dịch lại.
Trước hết, xin khẳng định, tôi là một tín đồ Android chính hiệu trong suốt nhiều năm qua. Chiếc smartphone Android đầu tay của tôi là Samsung Galaxy Note 2 và đó chắc chắn là một chiếc điện thoại tốt. Bản thân tôi thực sự cảm thấy thán phục chiếc Note 2, vì sự bền bỉ và sự tiện dụng của nó.
Tuy nhiên, điều gì rồi cũng phải đến, tôi đã quyết định cho chiếc Note 2 nghỉ hưu, khi mẫu iPhone 6 xuất hiện. Đó là lần đầu tiên tôi sử dụng một thiết bị chạy nền tảng iOS, sau một khoảng thời gian dài gắn bó với Android. Tuy nhiên, ở đây tôi không muốn đề cập tới Android hay iOS. Đây là câu chuyện của Xiaomi.
Trước khi trở thành CEO của Xiaomi, ông Lei Jun từng là một người lính.
Ban đầu, tôi thực sự không biết, Xiaomi là gì. Chỉ tới khi một người bạn giới thiệu với tôi một chiếc smartphone Xiaomi, đồng thời chia sẻ rằng, đây là chiếc điện thoại tốt nhất mà người bạn đó từng dùng. Đặc biệt, tôi đã bị thu hút bởi một thông tin khá bất ngờ, giá thành của nó chỉ bằng 1 phần rất nhỏ của chiếc iPhone 6.
Khi đó, tôi đã rất hoài nghi về Xiaomi, và quyết định bắt tay vào việc nghiên cứu, mổ xẻ chiếc smartphone này. Chắn hẳn sẽ nhiều người tò mò rằng, tôi đang thực sự dùng chiếc smartphone nào vậy. Nhưng hãy để phần hay ở sau, bởi tôi đang có rất nhiều điều thú vị muốn kể cho bạn nghe.
Xiaomi cũng là một người bạn của Google!
Chỉ với vài từ khóa trên thanh tìm kiếm Google, tôi đã phát hiện ra rằng, Xiaomi là một công ty công nghệ Trung Quốc. Xiaomi được lãnh đạo bởi một anh chàng cũng người Trung Quốc có tên Lei Jun, từng xuất thân từ một cựu chiến binh. Và bất ngờ hơn cả, Xiaomi là nhà sản xuất lớn thứ 4 thế giới.
Cái gì? Lớn thứ 4 thế giới nhưng tại sao tôi lại không biết?
Điều này đã khiến tôi ngày càng cảm thấy tò mò về Xiaomi, một thương hiệu "hàng khủng" nhưng lại quá ít thông tin với một người Mỹ. Tôi bắt đầu với đội ngũ quản lý của Xiaomi. Thì ra, họ cũng sở hữu một dàn sao hạng A. Tuy nhiên, cái tên đáng chú ý nhất chính là ngài Hugo Barra.
Vào thời của tôi, Hugo Barra là một chuyên gia khá nổi tiếng, ông từng được biết tới như Phó chủ tịch mảng di động của Google. Dù sao, đây cũng là tin vui với tôi, khi ít nhất, tại một công ty Trung Quốc lại có một ngôi sao sáng giá như vậy. Nói cách khác, ít nhất cũng có người biết làm công nghệ tại Xiaomi.
Ông Hugo Barra cũng từng là Phó chủ tịch mảng di động của Google.
Do đó, tôi tự hỏi, Xiaomi có thể cung cấp những sản phẩm gì?
Tôi chắc chắn rằng, chẳng ai trong số các bạn sẽ muốn nghe về những thành tựu của Xiaomi, đặc biệt là doanh số, kỉ lục hay những thống kê, báo cáo điên đầu. Thay vào đó, tôi lại muốn trích dẫn lại những đánh giá thực tế, của các chuyên hàng đầu trên thế giới.
Hãy bắt đầu với Android Authority, ấn phẩm hàng đầu cho những ai thường xuyên theo dõi các thông tin về điện thoại Android. Tôi xin trích dẫn đánh giá của trang này về chiếc Xiaomi Mi 4i.
Khoan đã, các bạn đã biết được bí mật của tôi mất rồi, nhưng không sao, hãy đến với phần đánh giá sau đây.
"Không thể phủ nhận rằng, Mi 4i là một chiếc điện thoại thực sự tốt, nhưng giá bán lại rất cạnh tranh. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của Xiaomi lại nằm ở việc họ quá khiêm tốn. Họ quảng cáo một chiếc smartphone rất tốt, nhưng lại chỉ nói là tàm tạm hoặc khá tốt mà thôi.
Nếu thực sự cầm trên tay Xiaomi Mi 4i, bạn sẽ phát hiện ra rằng, nó chẳng khác nào một chiếc iPhone giá rẻ. Nghĩa là phần cứng tốt, phần mềm cũng tốt chẳng kém. Thêm vào đó, máy hiển thị nội dung của rất tuyệt vời, thời lượng pin cũng không tới nỗi tệ. Nhưng hay nhất phải kể tới hệ điều hành MIUI.
Nếu đã từng sử dụng qua Cyanogen, bạn sẽ phát hiện ra rằng, MIUI còn hơn cả những gì bạn đã sử dụng. Mi 4i rất mượt mà, mọi tác vụ đều tốt, khả năng tương thích với các ứng dụng tốt. Và nếu có cố gắng tìm kiếm một smartphone có mức giá tương tự, chắc chắn bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra".
Đây là chiếc smartphone Mi 4i của Xiaomi.
Còn tôi, tôi cũng có những đánh giá của riêng mình, tất nhiên là dưới góc độ của một kiểm thử viên phần mềm, cũng như nhà phát triển ứng dụng.
Điểm mạnh:
- Cấu hình tốt, thiết kế vừa miếng.
- Máy nhẹ, có thể rút ra, đút vào tùy thích trong túi quần.
- Hệ điều hành MIUI đặc trưng, mượt mà, nói chung là vi diệu.
Điểm yếu:
- Hệ điều hành MIUI tốt, nhưng chưa hẳn đã hoàn hảo.
- Pin chỉ đủ dùng cho một ngày.
- Máy rất dễ bị nóng.
Trên đây là trải nghiệm sau hơn 2 tháng gắn bó với chiếc smartphone Xiaomi Mi 4i. Đặc biệt, sau khi tham khảo với nhiều người dùng khác nhau, họ cũng đều đồng ý với tôi rằng, đây là một chiếc điện thoại cực kì mượt mà, và có thiết kế tốt. Nhưng các bạn hãy nhớ nhé, tôi cũng không nhận được một đồng thù lao nào từ Xiaomi đâu.
Một góc cửa hàng Xiaomi tại Trung Quốc.
Tới đây, chắc chắn sẽ có nhiều người đặt ra câu hỏi, một sản phẩm rẻ và tốt như vậy, thì Xiaomi lấy đâu ra lãi. Họ sẽ dùng tới nguồn lực nào để cạnh tranh với Apple, Google hay Samsung.
Tôi cho rằng, dưới đây là những nguyên nhân chính:
- Xiaomi đã tập hợp được một đội ngũ lãnh đạo toàn sao trong công ty của mình.
- Họ tận dụng rất tốt hiệu ứng đám đông, cũng như các cộng đồng người dùng trên thế giới.
- Họ giao hàng rất nhanh, và rất ít khi trễ hẹn.
- Mô hình kinh doanh của họ thực sự độc đáo, bán hàng trực tuyến thay cho bán lẻ.
- Họ chăm sóc các khách hàng của mình rất tốt.
- Họ sẵn sàng chịu phần thiệt hơn để tạo dựng thương hiệu với người dùng.
- Nếu bạn có thể tìm ra một sản phẩm tốt tương đương, nhưng rẻ hơn của Xiaomi, tôi cho là bạn đang đến từ hành tinh khác.
Các sự kiện của Xiaomi hấp dẫn chẳng kém gì Apple.
Cá nhân tôi rất tâm đắc với 2 chiến lược sau đây của Xiaomi:
Đầu tiên, tôi cho rằng, Xiaomi rất nhạy bén. Đây thực sự là một thế mạnh của nhà sản xuất này. Tất nhiên, cũng giao hàng rất nhanh. Bản thân tôi đánh giá, Xiaomi nhận thức được rất rõ các sản phẩm của mình. Họ không thường ỷ vào thương hiệu mà mình đang có. Họ luôn phấn đấu để đưa ra những sản phẩm tốt nhất.
Tốc độ phản hồi thông tin của họ cũng rất nhanh. Đây cũng là một trong những yếu tố được người dùng đánh giá cao. Ví dụ, khi một ai đó kêu than về một sự cố với nền tảng MIUI, gần như ngay trong đêm đó, người dùng đã được sửa lỗi. Về cơ bản, họ đã luôn coi trọng dịch vụ của mình, thay vì chỉ hướng tới doanh số.
Thứ hai, tôi tin chắc, ban lãnh đạo của Xiaomi cũng nghĩ như tôi, họ luôn đặt người dùng làm mục tiêu cốt lõi của Xiaomi. Họ nhắm tới giới trẻ, những người quan tâm nhiều tới công nghệ, những người luôn sáng tạo, tìm tòi và biết mình cần điều gì. Đó cũng là lý do tại sao, nhiều người trẻ dùng điện thoại Xiaomi tới vậy.
Ngoài ra, Xiaomi cũng rất biết cách chọn mặt gửi vàng, những đại sứ, đại diện hình ảnh cho họ cũng là những người trẻ. Họ không chọn các ngôi sao hạng A, mà là những người trẻ năng động, tràn đầy sức sống. Tin tôi đi, nếu Xiaomi nhờ cậy tới Justin Bieber, bạn có mua điện thoại Xiaomi không?
Có thể, tôi chỉ là một nhà phát triển, một người làm việc phía sau những chiếc smartphone, nên khả năng đánh giá, nhìn nhận các chiến lược kinh doanh chưa thực sự sác đáng. Nhưng tôi tin rằng, sẽ có nhiều bạn có cùng những trải nghiệm như tôi, khi đã dùng qua một sản phẩm bất kì của Xiaomi.
Sau đây, tôi sẽ chuyển về sử dụng chiếc iPhone 6, một phần vì công việc, một phần vì tôi không có đủ thời gian sử dụng cùng lúc 2 chiếc smartphone. Nhưng tôi tuyên bố, kể từ giờ phút này, tôi chính thức là một fan cứng của Xiaomi!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng