"Xin gamer trong nước đừng bén mảng ra server global nữa!"

    PV, Sa Kê 

    Đó là tâm sự của nhiều người chơi Việt đã và đang gắn bó với các server game online nước ngoài, họ lo sợ cuộc di cư lớn trong 6 tháng tới sẽ khiến mình bị ban IP hoặc bị đối xử khắt khe hơn.

    Như đã biết, nạn đói GO sắp hành hạ cộng đồng game thủ Việt Nam trong từ 6 ~ 8 tháng tiếp theo khi đã có lệnh tạm dừng cấp phép phát hành trò chơi trực tuyến chờ quy chế mới. Dĩ nhiên vẫn còn một số MMO kịp xin giấy phép để cập bến như Thiên Tử và 1, 2 webgame khác, nhưng chừng đó là chưa đủ để khỏa lấp quãng thời gian quá dài.
     
    Hiện tại, gần như game thủ trong nước chỉ có 2 lựa chọn trước mắt nếu không muốn "nhịn đói", một là quay lại với các trò chơi cũ và hai là kéo ra các server nước ngoài. Chất lượng đường truyền internet gần đây có nhiều cải thiện lại càng khiến phương án thứ 2 khả quan hơn, chỉ có điều đó lại là "cơn ác mộng" đối với cộng đồng vốn đã gắn bó với máy chủ "ngoại" từ trước.
     

    Gamer Việt tại server global lo ngay ngáy về đợt di dân sắp tới.
     
    "Tình hình là sắp sửa di dân mạnh sang A.V.A rồi các cậu ơi, điệu này lại sắp hack với spam nhảm thì anh em mình hết đường sống, đang yên đang lành lại khổ thế này", một game thủ đang gắn bó với Alliance of Valiant Arms - MMOFPS nổi tiếng tại Hàn Quốc - phát biểu trên diễn đàn.
     
    Ý kiến trên được rất nhiều thành viên xung quanh ủng hộ, họ đều lo lắng rằng sắp tới khi lượng gamer "tạp nham" theo phong trào mà kéo sang server global thì chắc chắn "thói quen" hack, bot, spam và chửi tục sẽ đi theo khiến NPH có cái nhìn khác với cộng đồng Việt Nam.
     

    Những hình ảnh như thế này đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người chơi.
     
    Trên thực tế tâm lý hoang mang ấy là hoàn toàn có lý vì với chuỗi "thành tích" không lấy gì làm tốt đẹp từng tồn tại trong quá khứ, đã có không ít server nước ngoài cạch mặt người chơi Việt bằng cách khóa IP hoặc ít nhất thì cũng phân biệt đối xử bằng cách theo dõi sát sao, phạt nặng hơn thông thường.
     
    Điển hình như cách đây chừng 2 năm, cộng đồng gamer ngoại ra sức đòi cấm cửa người chơi nước nhà khi Rohan: Blood Feud mở cửa open beta với lý do: "bởi họ lúc nào cũng chỉ phủ kín màn hình trò chơi bằng những thứ ngôn ngữ lăng nhăng trên kênh chat chung". Trường hợp tương tự cũng xảy ra với Requiem Online hồi tháng 3 khi gamer Singapore và Malaysia đòi cách ly tín đồ ảo Việt Nam.
     

    Rohan Online từng định cạch mặt tín đồ ảo Việt Nam.
     
    Lúc bấy giờ, 2 làn sóng ủng hộ và phản đối sự kỳ thị dâng lên cao nhưng phe phản đối dần chịu thua vì ngay cả các game thủ có uy tín người Việt từng ra sức bênh vực và muốn công bằng cho "đồng hương" cũng dần trở thành nạn nhân của nạn gian lận. Họ chấp nhận tách biệt và không muốn dính dáng gì tới vụ việc này nữa.
     
    "Đau đớn nhất là ngay cả cậu bạn GM người gốc Việt cũng ủng hộ phương án ban IP Việt Nam", game thủ nickname Valein tâm sự về scandal mới nhất khi BQT Cabal Elite định cách ly người chơi nước nhà tới vì có tới 90% account bị khóa vì gian lận có xuất xứ từ dải đất hình chữ S.
     

    Spam, chửi bậy trên kênh chat chung đã thành thói quen.
     
    Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có phải do thiếu hiểu biết mà một bộ phận không nhỏ tín đồ ảo Việt Nam thường xuyên gian lận hay chửi tục, spam nhảm hay không? Đúng là nhiều trường hợp do chưa thích nghi kịp và cũng không biết luật nên trót dại, nhưng nguy hiểm hơn cả là không ít người chơi dù biết mình đang làm việc sai trái nhưng vẫn nhắm mắt làm liều, đơn giản vì họ cũng chẳng gắn bó lâu hay tâm huyết với tựa game đó.
     
    "Lúc tôi chơi Granado Espada của Singapore, vào game tụi nước ngoài nó hỏi, mày là ai? Tôi bảo là người Việt Nam. Thế là chúng cười hô hố lên: Vietnamese = autobot, Vietnamese = autobot. Tôi không còn biết thốt lên câu nào nữa", ThienHaVoTranh, người từng nổi tiếng với bài Hịch và Văn tế game thủ tâm sự
     

    Tâm sự của game thủ ThienHaVoTranh.
     
    Sự kỳ thị mà những người chơi chân chính tại Việt Nam gặp phải như trên đã diễn ra hàng vài năm nay, đến nỗi chính họ cũng không còn cách nào khác là im lìm chịu trận. Nhiều trường hợp muốn xin vào bang hội hay guild của người nước ngoài nhưng hễ trót dại khai ra xuất xứ thì hầu như đều nhận được sự từ chối.
     
    "Thôi thì gamer nước mình thiếu ý thức mà thành ra như thế thì mình còn nói gì được nữa, đành ngậm đắng nuốt cay giải thích với họ, nếu họ thông cảm cho vào guild thì tốt còn không thì đành bỏ game vậy", nhiều người chơi thở dài, không biết đến bao giờ họ mới thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy.
     

    Còn phải fake IP đến bao giờ?
     
    Tóm lại, nửa năm tiếp theo sẽ là khoảng thời gian tốt để gamer Việt khám phá và hòa đồng với bạn bè năm châu tại các server global, hi vọng sau thời gian này câu chuyện về ý thức sẽ dần khả quan hơn.