YouTuber Vinh Vật Vờ: ‘Không ai nổi tiếng được mãi, phải tận dụng thời gian kẻo sau này hết thời’
Yêu mèo, ghét dùng Facebook, Trần Xuân Vinh để lại ấn tượng về một KOL gần gũi trong cách nói chuyện, một vị sếp của studio với 30 nhân sự nhưng chưa từng học quản trị và một YouTuber khao khát tạo ra sự khác biệt.
Trần Xuân Vinh - Vinh Vật Vờ, hay Vinh Xô là cái tên không xa lạ với những người yêu công nghệ tại Việt Nam. Chàng trai sinh năm 1993 sở hữu một kênh YouTuber với 2,2 triệu lượt follow, kênh TikTok 1 triệu follow và fanpage với 300.000 lượt thích cùng một số kênh cá nhân khác - là một trong những kênh về công nghệ lớn nhất tại Việt Nam với khoảng 30 nhân sự làm việc cho studio của mình.
"Câu cơm" bằng mạng xã hội nhưng từ vài năm qua, Vinh không dùng một tài khoản Facebook chính thức nào.
Người ta không hiểu vì sao Vinh Vật Vờ dừng hoạt động công khai trên Facebook trong vài năm qua? Bạn có thể chia sẻ thêm về câu chuyện đó?
Đối với mình, kể cả trước đây hay hiện tại mình thấy Facebook là một mạng xã hội cực kì "toxic". Thật ra khi dừng một thời gian, mình nhận thấy mọi người không kết nối được với mình, đặc biệt là đối tác. Mình chỉ sử dụng chính là Instagram và Telegram để liên hệ với mọi người, nhưng nhiều đối tác lại không dùng 2 nền tảng này, do vậy mình chỉ có tài khoản Messenger để chat với mọi người.
Mạng xã hội Facebook giống 1 công cụ làm việc và cập nhật thông tin hơn là giống như "ngôi nhà ảo của mình". Mình sử dụng để theo dõi các group do bên mình lập ra và đọc các comment nhận xét của mọi người để hiểu người xem hơn và biết họ cần xem gì.
Mình cũng có follow những trang tin tức từ tài chính, đầu tư, giải trí, công nghệ và học được khá nhiều kiến thức từ đó. Tuy nhiên khi đó, mình cũng sẽ gặp không ít những comment rất tiêu cực về đủ các chủ đề: cuộc sống cá nhân chia tay li dị, việc đầu tư thành công (khoe lãi), chia sẻ nhận định vv.. cảm giác là nhờ có mạng xã hội ảo nên mọi người sẵn sàng đều có thể chửi bới hay nhận xét khiếm nhã về một ai đó dù chưa thực sự hiểu câu chuyện như thế nào. Bản thân kênh YouTube của mình và các bạn reviewer hay KOL cũng gặp rất nhiều câu chuyện như vậy.
Chính vì thế mình không sử dụng Facebook để chia sẻ thông tin cá nhân nữa do mình có cảm giác mỗi khi đăng những tấm hình bản thân, ảnh gia đình hay cái gì đó lên, sẽ có rất nhiều người soi mói giống như kiểu mình là "con khỉ" trong sở thú mà người ta đi qua xem bình luận đủ thứ vậy.
Tất nhiên, mình là người làm social nên chắc chắn là phải quen với việc như vậy. Đó là sự đánh đổi khi bạn muốn nổi tiếng, kiếm được tiền từ sự biết đến từ mọi người. Tuy nhiên, mình lựa chọn không muốn gia đình đọc được những comment như thế nên hạn chế việc chia sẻ những thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây còn nổi lên hàng loạt vụ lừa đảo do lộ thông tin cá nhân, bạn bè mình cũng đã từng là nạn nhân.
Bạn nói về sự "đánh đổi" của một người nổi tiếng, đó là gì vậy?
Đó là những áp lực phải duy trì được sức hút cho kênh của mình và làm người xem lài hòng nhưng vẫn đảm bảo sự riêng tư và thời gian cho bản thân.
Sự riêng tư thì mình đã nói rồi. Khi nổi tiếng một chút, không chỉ mình mà các mối quan hệ của mình cũng được quan tâm. Khi còn dùng Facebook, mỗi khi mình comment ảnh một bạn gái nào đó, chắc chắn sẽ có người vào reply là sẽ mách người yêu mình (giờ đã là vợ), thậm chí còn tag vào… rất vô duyên, trong khi người mà mình comment là bạn hoặc đối tác của mình.
Trước đó, khi bạn bè vui chơi đàn đúm thì mình cắm mặt vào làm, gần như không tham gia được hoạt động nào vì đi học nửa ngày, nửa ngày còn lại phải làm việc. Sau này, khi công việc ổn định mình mới đi xây dựng những mối quan hệ bạn bè, nhưng thời gian nghỉ ngơi vẫn ít vì áp lực duy trì sự phát triển của kênh.
Không ai có thể "nổi" được mãi nên mình phải biết tận dụng thời gian kẻo sau này "hết thời".
Ai nổi tiếng, thành công đều phải nhờ thực tài cả. Tuy nhiên, bạn nghĩ gì về việc toàn bộ hoạt động của mình hiện đang phụ thuộc vào nền tảng bên ngoài (Facebook, YouTube, TikTok)? Nếu một ngày đẹp trời nào đó, các nền tảng này gặp vấn đề thì sẽ thế nào?
Bọn mình đã từng gặp phải vấn đề này rồi. Trong đợt dịch bọn mình bị hack tài khoản YouTube chính có hơn 2 triệu lượt theo dõi, bị hack thành kênh phát livestream tiền ảo. YouTube có chính sách cấm livestream tiền ảo và kênh nào vi phạm sẽ bị đánh sập luôn.
Hôm đó khá may mắn vì mình dậy sớm, nhận được mail về việc đổi pass và đổi tên kênh. Điểm may mắn là họ chỉ hack được email phụ và mình truy cập vào, đổi pass và đổi tất cả mọi thứ, nhưng tên kênh thì không đổi được, và may mắn là mình kịp can thiệp trước khi họ phát trực tiếp, vì nếu phát thì sẽ bị đánh 1 gậy vi phạm chính sách YouTube, 3 gậy thì sẽ bị xóa.
Với Facebook, mình cũng đã từng bị hack rất nhiều lần, gần nhất là do báo cáo mình mạo danh tài khoản Facebook khác. Một phần mình không muốn dùng Facebook nữa cũng vì những lổ hổng này.
Các thuật toán của những nền tảng này cũng thay đổi để giữ chân người xem, cả TikTok cũng vậy. Thế nên chúng mình có phương án dự phòng là phát triển website riêng và tự livestream trên website của mình, dể dần tránh phụ thuộc vào các nền tảng trên và phát triển theo hướng của riêng mình.
Thực tế, website không phải "phương án dự phòng" mà bên mình muốn phát triển song song. Ai làm social lâu cũng biết bản chất social là rất "ma giáo" trong các luật lệ và cách hoạt động. Ví dụ, một số video của mình lên vài năm rồi vẫn có thể bị dính bản quyền hay clip TikTok chịu một đống những quy định rất hài hước. Mình trêu đùa nhau thì bị coi là bạo lực, quay clip có hình nền sexy cũng "đánh gậy" video trong khi bên ngoài có hàng triệu các clip khoe thân phản cảm hay bạo lực lại không bị sao.
Vì thế, những hoạt động nào có thể đưa lên website thì mình sẽ đưa hết lên website để làm chủ nội dung và chất xám của mình.
Có vẻ bạn đã có những kế hoạch kỹ lưỡng cho mình. Tôi chỉ có một thắc mắc, một "sếp nhí nhố" như Vinh Vật Vờ quản trị nhân sự như thế nào? Bạn có chiến lược gì để có thể vận hành được kênh cũng như team của mình được trơn tru?
Năm vừa rồi khi mà mọi thứ phát triển, mình đã nhận ra được điểm yếu của cá nhân mình đó là team mình đang hoạt động dưới dạng tự phát. Từ xưa đến giờ mình chưa bao giờ được một người có chuyên môn tư vấn hay làm cùng.
Đã có lúc mình thấy khá stress và cân nhắc để cho một công ty nào đó tham gia vào việc quản trị nhân sự, nhưng sau đó vì những lí do khác cũng như chưa tìm được công ty phù hợp nên mình gác lại ý định đó.
Cách quản lý của mình cũng thiên về con người nhiều hơn. Nhiều người họ dùng máy móc để quản lí nhân sự nhưng mình tin vào yếu tố con người. Việc này cũng tạo ra khó khăn là mình phải sát sao với team, phải hiểu và nuôi dưỡng các bạn cũng như tư tưởng bên trong để các bạn thấu hiểu mình. Điểm mạnh là nếu như nuôi dưỡng được, họ sẽ trở thành nhân tài và theo mình lâu dài.
Quan điểm của mình là người khác phải làm được việc của mình, không được ôm đồm tất cả. Nhiều người làm quản trị họ sẽ chọn không cho nhân sự bên dưới quyết định, còn mình sẽ cho mọi người tự quyết định, tự làm hết. Cơ hội đến vào giai đoạn dịch khi lượng công việc giảm xuống, mình đã giao hoàn toàn quyền tự quyết cho các bạn làm, Đã có giai đoạn kênh bị đi xuống vì không đủ nhân lực sản xuất video, hiệu quả kém.
Tuy nhiên sau giai đoạn khó khăn đó, mọi người đã biết cách kết hợp tốt hơn và mọi thứ đã cải thiện rất nhiều về công việc mà không cần sự can thiệp trực tiếp của mình. Kênh này không chỉ của riêng mình mà là của chung tất cả mọi người trong công ty.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng gì đến bạn và công việc trong vòng 2 năm vừa qua?
Ở thời điểm năm 2020 mình không bị tác động quá nhiều nhưng sang đến năm 2021 mình có thể cảm nhận sự ảnh hưởng rõ ràng nhất.
Khi TP.HCM phong tỏa, tất cả các sản phẩm mới, sự kiện đều chủ yếu tổ chức ở đây. Bọn mình gần như không có sản phẩm mới để làm, mượn sản phẩm mới, vận chuyển hàng hoá cũng khó khăn. Không có bất kì sự kiện hay sản phẩm ra mắt nào để tham gia, nên những chủ đề về sản phẩm mới bị tác động rất nhiều. Một điều nữa là năm 2021 bọn mình phải làm việc ở chế độ giãn cách, chủ yếu ngồi văn phòng khiến team thay đổi rất nhiều về cách làm việc.
Nếu mình không lên clip mới, người xem sẽ xem ở nơi khác khiến mình không duy trì được lượng người xem, cảm giác giống như đang bị bào mòn về tinh thần. Công việc của mình là về sáng tạo nên việc liên tục ngồi một chỗ ở văn phòng như vậy khiến mình cảm thấy khá tù túng. Những công việc kinh doanh khác cũng bị tác động nhiều, hàng hóa không thể gửi đi được.
Sau cùng thì đại dịch cũng đã ở lại phía sau, mọi việc đều đã ổn thoả trở lại đúng không? Người ta thường kể về những khó khăn ngày đầu để đạt được thành công, còn với bạn, khi đã được xem là "thành công", bạn nghĩ thế nào về việc duy trì và phát triển hơn nữa trong tương lai? Những giới hạn để phát triển hơn nữa là gì? Bạn có nghĩ về nó không và giải pháp là gì?
Ở góc độ của mình ban đầu sẽ có những khó khăn liên quan đến vật chất, điều kiện để bắt đầu, nhưng sau khi đạt được thành công thì khó khăn để duy trì được sẽ liên quan đến tinh thần nhiều hơn.
Ví dụ như khi kênh của mình đạt được từ 1 triệu sub lên 2 triệu sub thì có thể nói là đang ở giai đoạn thị trường YouTuber, reviewer đang bùng nổ. Tuy nhiên giờ đây mọi người xem YouTube để giải trí nhiều hơn, các nội dung trending trên YouTube đều là nhạc, hài, gameshow,…chính vì vậy nhóm đối tượng của mình đang ngày càng bị thay đổi đi.
Cùng với đó nhờ sự nổi lên của TikTok, người trẻ đang xem ngày càng nhiều, những content trên TikTok khiến người tạo nội dung cũng dễ hơn. Ngày xưa để làm được kênh YouTube còn thấy khó ví dụ như phải có máy quay, điện thoại, căn chỉnh quay ngang dọc, chỉnh sửa thì bây giờ với TikTok, với một chiếc điện thoại 2 triệu là đã có thể trở thành 1 TikToker, reviewer dễ dàng. Nội dung cũng theo nhiều hướng khác nhau, không còn "truyền thống" như ngày xưa, rất sáng tạo khiến người tiêu thụ nội dung thay đổi. Mình cũng từng khá stress khi người dùng đang thay đổi cách xem nội dung.
Mình phải làm thế nào vì rất nhiều bạn trẻ họ đang làm và phát triển rất nhanh, có khi tăng vài triệu follow chỉ trong vài tháng cũng có. Nhưng sau đó mình nhận ra những gì mình đang làm có thể lượt view mình không bằng các bạn ấy, nhưng mình với kinh nghiệm lâu năm có thể làm được những nội dung chuyên sâu và khai thác kỹ hơn về sản phẩm so với các bạn.
Nội dung của mình đi theo hướng chuyên sâu thì các bạn trẻ mới sẽ không phù hợp, khiến mình cũng khó mở rộng được. Sự thích ứng của mình sẽ là không quan tâm đến những yếu tố "thị trường" đó nữa.
Mình sẽ chỉ chuyên tâm vào các nội dung thế mạnh của mình và cải thiện nó cho ngày càng tốt hơn. Điều mình quan trọng nhất bây giờ là các nội dung của mình làm phải thật sự có ý nghĩa và giúp ích với người xem. Dù là xem bây giờ hay nhiều năm về sau xem, nó vẫn có ý nghĩa với họ và xứng đáng với thời gian người xem bỏ ra.
Quay lại một chút về câu chuyện của cá nhân bạn: là một trong những YouTuber đời đầu, khi sự ghi nhận của xã hội với các bạn chưa quá rõ ràng. Cho đến nay, YouTuber, TikToker đã được xem là một "nghề", thậm chí nghề "hot", bạn nhìn nhận về "nghề" này thế nào?
Trước đây mình nhìn nhận công việc này khá đơn giản là vì mình thích được trải nghiệm các sản phẩm công nghệ thật sớm, nảy ra những ý tưởng để chia sẻ với mọi người.
Bản thân mình lúc mới làm còn biết nó sẽ đi tới đâu và cũng từng xác định nếu không làm được nữa sẽ di xin việc ở một công ty nào đó. Mình tin lúc đó mình đã đủ tích luỹ rồi.
Tuy nhiên, giờ mình đã có cái nhìn rõ ràng về đường hướng phát triển sau nhiều năm làm việc và xu thế bùng nổ của mạng xã hội bây giờ. Mình sẽ không dừng lại ở việc phát triển bản thân mà sẽ xây dựng, phát triển các bạn trẻ trở thành KOL trong tương lai – khi nó đã là một công việc được nhiều người biết tới hơn.
Để nhận được sự theo dõi cũng như ủng hộ như ngày hôm nay, bạn nghĩ điều gì ở bạn đã chinh phục được người xem?
Mình nghĩ khởi điểm từ sự vui vẻ, gần gũi và tự nhiên đối với người xem. Mình làm review theo kiểu gần gũi như bạn bè đang nói chuyện với nhau, nói chuyện với người xem để người ta tương tác với mình. Điều đó khiến mình gần gũi với người xem, không có khoảng cách vì vậy mà người xem cũng rất hào hứng và thích xem.
Thứ hai nữa là mình rất chịu khó học hỏi những format của nước ngoài đem về. Mình là người đầu tiên làm những nội dung speedtest - đua mở ứng dụng trên 2 máy để xem máy nào nhanh hơn. Sau đó tại Việt Nam cũng rất nhiều người làm, hay là nội dung hỏi đáp với người xem. Mình luôn luôn học hỏi và thay đổi nên đã khiến người xem trung thành với mình hơn.
Một điều nữa là nếu có cơ hội thì mình luôn tổ chức các buổi offline gặp gỡ người xem – là điểm các kênh khác không có nhiều. Những điểm này giúp mình có được tệp fan và người xem gần gũi, đồng hành với mình lâu dài.
Nói qua một chút về cuộc sống riêng của bạn đi. Lịch sinh hoạt hàng ngày thế nào?
Vì đặc thù công việc, cuộc sống riêng của mình cũng gần như chia thành 2 nhóm rõ rệt. Một là ở tại Hà Nội và 2 là đi công tác.
Khi ở Hà Nội, thời gian nhiều nhất của mình là ở văn phòng. Mình rất thích đi làm, rất thích lên văn phòng. Trong ứng dụng điện thoại của mình lúc nào cũng có ứng dụng nhắc nhở công việc, luôn luôn có đầu mục của ngày hôm sau, dù là nhỏ nhất,… mình đều note lại bởi trí nhớ mình không tốt lắm.
Khi về nhà mình sẽ chơi vài game nhẹ nhàng bởi mình không quá đam mê game. Bộ môn mình hay chơi là game AOE. Nếu còn thời gian, mình sẽ dành để xem phim. Mình xem phim thường không chỉ để giải trí mà mình còn xem mình có thể học được gì từ bộ phim đó.
Ngoài ra trong đợt dịch mình thích đọc sách, những tựa sách đi sâu vào yếu tố con người.
Khi mình công tác, đặc biệt là đi Sài Gòn, mình sẽ dành nhiều thời gian nhất có thể để gặp bạn bè, ăn uống vui chơi để có thể sáng tạo bởi mỗi lần về nhà sau mỗi chuyến đi chơi, mình đều nảy ra những ý tưởng, những dự án thú vị. Ở văn phòng mình cũng thôi thúc các bạn hoàn thành công việc sớm để có thể dành thời gian đi chơi, giải trí.
Bạn có "bí kíp" gì muốn tặng cho những người trẻ đang có ước mơ reviewer/YouTuber?
Lời khuyên đầu tiên là các bạn đừng làm công việc này vì tiền hay vì ánh hào quang. Mình cũng không ủng hộ nhiều với những bài viết tuyên dương về "richkid" hay kiếm tiền khủng từ YouTube, TikTok.
Mình biết điều này sẽ mang đến những điều tích cực là tạo động lực cho những người trẻ noi theo, nhưng tiêu cực là khiến mọi người đặt ra tiêu chuẩn rằng công việc này dễ, mình dễ dàng đạt được điều đó. Nếu bạn nào xác định đi theo con đường này, hãy coi đó là một đam mê, và nuôi dưỡng nó để làm.
Nhiều bạn trẻ bây giờ đang bị lầm tưởng giữa thích và đam mê, vì vậy bạn nào muốn theo đuổi hãy dùng hết sức lực và đam mê của mình để làm mọi thứ chứ đừng bỏ học, và cũng đừng chỉ đến với nó vì tiền, bởi ngay khi mục tiêu của bạn là đến vì tiền, nó có thể sẽ khiến bạn bỏ cuộc rất nhanh.
Hãy suy nghĩ về thời gian đầu mình có thể học được càng nhiều càng tốt, vì chính bản thân mình trước đây cũng vậy, các bạn trẻ hãy quan tâm là đến chỗ làm có thể học được những gì, chứ đừng chỉ quan tâm đến tiền. Và bạn nào muốn làm hãy thử sức với TikTok trước. Video ngắn sẽ dễ phát triển hơn YouTube và sau đó dùng những video đó để up lên YouTube.
Bạn đang ấp ủ một dự án rất đặc biệt, chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại thì phải?
Đúng. Mình đã nói chuyện với một vài người bạn về việc mình muốn làm trạm cứu hộ cho mèo hoang. Mình rất yêu động vật. Hiện mình nuôi 2 con mèo và chúng bị viêm xoang Mỗi ngày tan làm về mình đều đưa đi tiêm ở rất xa, xong về mới ăn cơm tắm rửa.
Trước đây mình đem chúng về từ chỗ 1 người chị chuyên nuôi mèo hoang. Mình muốn bản thân sẽ tạo được những gì thật sự giá trị cho xã hội.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng