7 thách thức smartphone màn hình gập phải giải quyết để xứng tầm cách mạng công nghệ
Dù ra mắt đã lâu và trở nên quen thuộc với người dùng công nghệ, các smartphone màn hình gập vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn tạo nên một cuộc cách mạng thực sự.
- Điện thoại realme giá chỉ hơn 5 triệu nhưng có chip Snapdragon 870, màn hình OLED 120Hz, sạc nhanh 80W
- Chiếc tablet này có giá chỉ 6 triệu, nhưng lại có nhiều điểm vượt trội hơn cả iPad đắt tiền
- Apple thông báo tin vui cho người dùng iPhone 14 Pro, 14 Pro Max
- Loa thông minh ‘thất sủng': Khi người dùng quay lưng, doanh số tuột dốc không phanh
Kể từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 2019, các điện thoại màn hình gập đang ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường cũng như được cải thiện nhiều hơn trong những năm gần đây. Có thể kể đến các bước tiến đáng chú ý về màn hình gập bền bỉ hơn, vết hằn trên màn hình cũng ngày càng nhỏ lại cũng như phần mềm được tinh chỉnh nhiều hơn.
Nhưng vẫn còn hàng loạt vấn đề quan trọng mà các thiết bị màn hình gập trong tương lai phải giải quyết được nếu muốn tiếp cận với nhiều người dùng hơn nữa và tạo nên cuộc cách mạng thực sự làm thay đổi cách dùng điện thoại của mọi người.
Nếp nhăn trên màn hình
Đây là vấn đề nghiêm trọng đầu tiên xuất hiện trên các thiết bị màn hình gập và cho đến tận bây giờ, nó vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bạn không chỉ cảm nhận được nó khi lướt tay trên màn hình mà còn nhìn thấy nó hiện lên khá rõ trong các thiết bị của Samsung như Galaxy Z Fold 4 và Z Flip 4.
Các đối thủ của Samsung trên thị trường điện thoại màn hình gập như Oppo, Huawei đều đang cố gắng giải quyết vấn đề này với nhiều mức độ thành công khác nhau. Ví dụ, vết hằn trên Huawei Mate X2 được thu nhỏ đến mức “gần như không nhận ra”. Trong khi đó, Oppo Find N chỉ để lại 2 vết hằn nhỏ thay vì một đường lõm trên màn hình. Tuy nhiên, các thành công này lại phải đánh đổi bằng khả năng chống nước kém hơn – một cái giá không hề nhỏ.
Rõ ràng vấn đề này cần được khắc phục trước khi điện thoại màn hình gập muốn tiến xa hơn.
Thiếu khả năng chống bụi
Trong khi Samsung là hãng đầu tiên trang bị khả năng chống nước cho các điện thoại màn hình gập của mình với chứng nhận IPX8. Ngay cả khi điều này khiến họ vượt trội so với các đối thủ khác, chữ X trong IPX8 cũng có nghĩa thiết bị màn hình gập của Samsung vẫn chưa có khả năng chống bụi.
Nếu nhìn vào bản lề và cơ chế gập hiện nay của các thiết bị màn hình gập, bạn sẽ thấy thách thức này lớn như thế nào. Với hàng loạt linh kiện cơ khí làm nên bản lề gập của các thiết bị này, cũng như khe hở giữa bộ khung thiết bị và màn hình, thật khó để ngăn được các hạt bụi cũng như các mảnh vụn nhỏ li ti lọt vào bên trong thân máy và xuống dưới màn hình. Nếu muốn cải thiện độ bền bỉ của các thiết bị này, khả năng chống bụi cần phải được giải quyết triệt để.
Ngoại hình “kém sang” của màn hình gập
Các màn hình gập đang ngày càng trở nên bền bỉ hơn trong những năm qua, khi lớp kính cường lực siêu mỏng (UTG) đang xuất hiện trên nhiều thiết bị. Samsung thậm chí còn trang bị cả bút S Pen cho dòng Galaxy Z, như một lời xác nhận về độ bền của màn hình các thiết bị này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nhiều màn hình gập trông vẫn “kém sang” và rẻ tiền khi so với các thiết bị thông thường.
Đối với các smartphone thông thường, lớp kính bảo vệ bóng bẩy, cứng cáp là một phần nguyên nhân làm cho màn hình trở nên sang trọng hơn. Trong khi đó, lớp kính dẻo dù cải thiện được độ bền, nhưng vẫn để lại những vết lóa và vết lõm trên màn hình gập, là yếu tố làm chúng trở nên kém sang hơn, rẻ tiền hơn.
Hiện tại một số thiết bị như Vivo X Fold Plus đã được trang bị lớp phủ chống lóa để giảm nhẹ vấn đề này nhưng vẫn chưa thể giải quyết nó triệt để. Nhà sản xuất kính Gorilla Glass cũng đang phát triển loại kính cường lực siêu mỏng cho màn hình gập có tên Willow Glass, nhưng vẫn chưa có thời gian ra mắt cụ thể. Do vậy, rất có thể, phải mất rất nhiều thời gian nữa, thách thức này mới có thể vượt qua được.
Ứng dụng hỗ trợ
Ngay từ đầu, Samsung và Google đã nỗ lực mang đến tạo ra một trải nghiệm phần mềm phù hợp trong các thiết bị màn hình gập và quả thật họ đã làm rất tốt điều đó. Tuy nhiên, tương thích với phần mềm vẫn là một vấn đề lớn đối với các điện thoại màn hình gập hiện nay.
Vẫn còn nhiều ứng dụng chưa thực sự hỗ trợ màn hình gập kích thước lớn như của dòng Galaxy Z Fold. Ví dụ rõ ràng nhất là Instagram khi cửa sổ ứng dụng chưa chiếm hết toàn bộ màn hình gập mà vẫn chỉ hiển thị giống như trên smartphone thông thường, để lại nhiều khoảng trống trên màn hình. Không chỉ Instagram, ứng dụng Amazon cũng không tối ưu tốt cho màn hình gập kích thước lớn. Ngoài ra ứng dụng của ngân hàng Wells Fargo cũng không hỗ trợ tốt trên Galaxy Z Fold 3 khi người dùng màn hình gập sẽ không sử dụng được máy quét vân tay để đăng nhập.
Mới đây Google đã ra mắt Android 12L bổ sung nhiều tính năng hỗ trợ tốt hơn cho màn hình gập. Hy vọng các bản Android trong tương lai sẽ kế thừa được điều này và mở ra cánh cửa mới để cải thiện khả năng hỗ trợ của ứng dụng trên thiết bị màn hình gập.
Cấu hình thấp hơn so với smartphone cùng thời
Dù được xem như các smartphone cao cấp hàng đầu thị trường nhưng nếu so với những flagship cùng thời, hầu hết thiết bị màn hình gập lại phải chấp nhận bước lùi đối với một vài thông số cấu hình.
Ví dụ, Galaxy Z Fold 4 chỉ có viên pin 4.400 mAh – ít hơn so với người tiền nhiệm cũng như không được trang bị cảm biến chụp ảnh 108MP hay camera zoom 10x như S22 Ultra. Trong khi đó, Xiaomi Mix Fold cũng không có sạc không dây, thiếu khả năng chống nước hoặc bản lề đóng mở tự do. Galaxy Z Flip 4 có viên pin lớn hơn nhưng camera lại chỉ giới hạn ở cụm camera kép 12MP.
Các thách thức kỹ thuật là nguyên nhân cho những hạn chế này. Galaxy Z Fold hay các thiết bị màn hình gập khác có bề ngang khá hẹp khi gập lại, một số thiết bị khác còn được làm mỏng hết mức có thể khi mở ra. Cùng với đó là cơ chế bản lề gập khá phức tạp vì vậy càng thu hẹp không gian bên trong các thiết bị màn hình gập, khiến chúng không còn chỗ cho các viên pin, các cảm biến lớn hơn và nhiều thành phần khác.
Đây gần như là một giới hạn của vật lý và chỉ có những bước tiến đột phá về pin cũng như ống kính máy ảnh mới có thể giải quyết được vấn đề này. Dù smartphone màn hình gập vẫn là các thiết bị hàng đầu trên thị trường nhưng so với giá bán đắt đỏ của chúng, việc phải chịu một số thiệt thòi về cấu hình vẫn làm nhiều người mua thất vọng.
Giá cả
Dù gì đi nữa có lẽ giá cả chính là trở ngại lớn nhất khiến người dùng ngần ngại tìm đến các thiết bị màn hình gập này. Galaxy Z Fold 4 có giá khởi điểm từ 1.799 USD, cùng thời điểm đó, Galaxy S22 Ultra có cấu hình nhỉnh hơn lại chỉ có giá từ 1.200 USD.
Đối thủ Huawei Mate XS 2 còn có giá cao hơn nữa, lên đến 1.980 USD, trong khi thiết bị lại không được Google hỗ trợ phần mềm. Các thiết bị màn hình gập dạng vỏ sò như Galaxy Z Flip 4 có mức giá mềm hơn, dễ tiếp cận người dùng hơn, nhưng nó lại không có được ưu điểm màn hình lớn như các thiết bị đắt đỏ trên. Với nhiều công nghệ phức tạp hội tụ trong một thiết bị màn hình gập, khó có thể hy vọng nó có giá rẻ để tiếp cận được người dùng phổ thông.
Tuy nhiên, nếu có thể đánh đổi lấy các thông số cấu hình thấp hơn – ví dụ như Exynos 1280 hoặc Snapdragon 7 Gen 1, 6GB RAM, 128GB bộ nhớ, … - rất có thể các thiết bị màn hình gập tầm trung sẽ ra mắt như cách Samsung đã làm với dòng Galaxy A. Không chỉ cắt giảm cấu hình, màn hình gập cũng có thể sử dụng từ những nhà cung cấp giá rẻ hơn như của hãng BOE.
Ít lựa chọn về nhà cung cấp
Một vấn đề khác mà điện thoại màn hình là số lượng nhà cung cấp ít ỏi. Samsung, Huawei và Motorola là các thương hiệu lớn duy nhất cung cấp điện thoại màn hình gập ra thị trường thế giới.
Còn các thiết bị đến từ Xiaomi, Honor, Oppo hay Vivo ư? Họ lại chỉ cung cấp sản phẩm của mình giới hạn tại thị trường Trung Quốc. Tất nhiên bạn vẫn có thể mua nó theo đường xách tay nhưng với việc không có bảo hành chính hãng, người mua sẽ gặp phải nhiều rủi ro khi sở hữu loại thiết bị có nhiều thách thức về độ bền như smartphone màn hình gập.
Hy vọng những vấn đề trên sẽ được giải quyết trong năm 2023, khi có nhiều công ty hơn tham gia vào việc phát triển smartphone màn hình gập cũng như giải quyết các khó khăn trong vấn đề chuỗi cung ứng. Có như vậy khả năng smartphone màn hình gập tiếp cận được nhiều người dùng hơn mới có thể khả thi trong tương lai.
Tham khảo Android Authority
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng