Nhưng liệu chúng có thu nhỏ lại được mãi?
Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Ecology Letters, biến đổi khí hậu và nhiệt độ gia tăng đang khiến các loài chim thu nhỏ lại.
Khám phá được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Đại học Michigan. Trong đó, họ đã kiểm tra hơn 70.000 mẫu vật của 52 loài chim di cư ở Bắc Mỹ được thu thập từ năm 1978 đến 2016.
Qua đó, họ nhận thấy kích thước cơ thể của cả 52 loài đã giảm dần trong khoảng thời gian 38 năm. Ngược lại, sải cánh của chúng lại lớn hơn cho thấy các loài sinh vật bay đã buộc phải thích nghi – một cách rất miễn cưỡng – với biến đổi khí hậu.
"Các nghiên cứu khác đã tìm thấy mối quan hệ giữa nhiệt độ và kích thước cơ thể sinh vật, tương tự như những gì chúng tôi tìm thấy. Nhưng đây là kết quả phù hợp [có giá trị] nhất", phó giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa Cameron Winger tại Đại học Michigan ở Ann Arbor cho biết.
"Những gì chúng tôi không biết là tốc độ thu nhỏ của các loài chim, như một phản ứng thích nghi với biến đổi khí hậu, liệu có thể bắt kịp mức nhiệt toàn cầu đang ấm lên không, hay chúng sẽ bị tụt lại phía sau?".
Biến đổi khí hậu đang thu nhỏ các loài chim ở Bắc Mỹ
Trái Đất đang ấm lên rất nhanh chóng mà không có dấu hiệu chậm lại. Thực tế này khiến các nhà khoa học phải đặt ra câu hỏi: Liệu sự thay đổi khí hậu do con người gây ra sẽ ảnh hưởng thế nào tới các loài động vật và môi trường sống tự nhiên của chúng?
Liệu điều đó sẽ đe dọa đến sự tồn tại của các loài sinh vật này hay không – như những gì chúng ta đã thấy ở loài gấu bắc cực? Hay chúng sẽ cố gắng thích nghi theo một cách nào đó để tồn tại được?
Trước đây, đã từng có một số nghiên cứu chỉ ra chim là nhóm động vật đặc biệt có nguy cơ khi đối mặt với khí hậu biến đổi.
Một nghiên cứu công bố hồi tháng 9 trên tạp chí Science cho thấy hoạt động của con người và những thay đổi môi trường sinh thái đang hủy diệt quần thể chim. Gần 3 tỷ cá thể chim ở Hoa Kỳ và Canada đã biến mất.
Trong nghiên cứu mới trên tạp chí Ecology Letters, các nhà khoa học đã tập trung phân tích các mẫu vật chim được thu thập tại Chicago. Trong chuyến di cư mùa xuân và mùa thu của mình, những con chim này đã không may tử nạn khi va chạm với các tòa nhà cao tầng ở thành phố.
Winger cho biết những loài chim này thường sinh sản ở các đồng cỏ và khu rừng phía bắc nước Mỹ. Sau đó vào mùa đông, tất cả sẽ di cư về phía nam trên một hành trình ngang qua Chicago.
Những con chim chết trong chuyến đi này đã được thu lượm và ướp xác để bảo quản. Các nhà khoa học sau đó biến chúng thành một kho tàng nghiên cứu, nơi họ có thể đo kích thước cơ thể, chỉ số BMI, sải cánh và chiều dài xương chân của chúng.
Kết quả cho thấy, kích thước cơ thể của các loài chim ở Bắc Mỹ đã nhỏ hơn 2,4% trong gần 40 năm qua. Chúng nhẹ cân hơn 2,6%, nhưng điều kỳ lạ là sải cánh các loài lại tăng lên, trung bình 1,3%.
Trong một số trường hợp, những con chim có kích thước giảm nhiều nhất lại có độ dài sải cánh tăng mạnh nhất, Brian Weeks, phó giáo sư sinh thái học tiến hóa tại Đại học Michigan, cũng là một trong số các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu không chắc chắn lý do tại sao cánh chim lại phát triển trong khi cơ thể chúng co lại. Nhưng Weeks tiết lộ một giả thuyết ban đầu, đó là khi chim càng nhỏ lại, chúng càng khó di chuyển. Do đó, những con chim cần tăng được chiều dài sải cánh mới có thể bay hiệu quả, ông nói.
Các nhà khoa học cũng chưa biết ý nghĩa của những thay đổi này đối với chim.
Wesley Hochachka, một nhà sinh thái học tại Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell ở Ithaca, New York cho biết trong một bình luận: Những thay đổi này có thể chỉ ra rằng chim đang cố gắng - và trong một số trường hợp thất bại – để thích nghi và theo kịp sự thay đổi trong môi trường sống của chúng.
Sẽ là một thảm họa nếu chim không thể thích nghi đủ nhanh với tốc độ nóng lên toàn cầu.
Một số nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra một mối quan ngại, rằng các loài chim đang phải "chuyển nhà", thay đổi phạm vi và môi trường sống của chúng để bù đắp cho sự thay đổi của khí hậu.
"Ở vùng núi Rocky, có những con chim đang sống trên cây và chúng ngày càng di chuyển lên cao hơn", Hochachka nói. "Tuy nhiên, khi biến đổi khí hậu làm thay đổi thảm thực vật, những con chim có thể không còn nơi nào để đi nữa, đến một lúc nào đó chúng sẽ leo cao tới cực điểm và ở đó không còn chỗ nào cao hơn để tới".
Sẽ là một thảm họa nếu chim không thể thích nghi đủ nhanh với tốc độ nóng lên toàn cầu, Stanley Temple, giáo sư danh dự về rừng và sinh thái động vật hoang dã tại Đại học Wisconsin-Madison bình luận.
"Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng và vượt quá giới hạn đối phó của các loài chim, chúng sẽ phải chịu đựng những thay đổi tiến hóa, lẽ ra đòi hỏi rất nhiều thời gian nhưng bây giờ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn", giáo sư Temple nói. "Tốc độ nhanh chóng của biến đổi khí hậu có thể làm cho những quá trình điều chỉnh này xảy ra vấn đề".
Weeks cho biết, ông và các đồng nghiệp của mình đang lên kế hoạch điều tra thêm những yếu tố có thể thúc đẩy những con chim di cư thu mình lại. Những phát hiện mới cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài chim có vẻ khá phức tạp.
"Chúng tôi nghĩ rằng những con chim này phải thay đổi hình dạng để duy trì lối sống của chúng, nhưng một câu hỏi thực sự là: Chúng có thể làm điều đó trong bao lâu? Chúng tôi không biết những xu hướng này là có bền vững hay không? Chúng có thể tiếp tục biến đổi cơ thể mình đến mức nào để không có những tác động tiêu cực khác đến đời sống".
Tham khảo NBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng