Các nhà khoa học phân tích thành công con hươu hai đầu, hai tim, hai bộ ruột nhưng chỉ có một hậu môn

    Dink,  

    Được phát hiện ngay khi mời bỏ mạng không lâu, con hươu đuôi trắng được bảo quản trong điều kiện gần như hoàn hảo.

    Chặng đường phiêu lưu lên núi có thể đem lại cho bạn nhiều thứ: chút hoa quả rừng, nấm dại, những công trình bỏ hoang bí ẩn, đôi khi là một con hươu hai đầu đã chết. Trường hợp cuối cùng rơi vào một người hái nấm ở Minnesota.

    Các nhà khoa học phân tích thành công con hươu hai đầu, hai tim, hai bộ ruột nhưng chỉ có một hậu môn - Ảnh 1.

    "Thật là tuyệt vời và cực kì hiếm gặp", nhà sinh thái học chuyên ngành hươu là Gino D’Angelo tại Đại học Georgia, người đích thân nghiên cứu cái xác con hươu nhỏ cho hay.

    "Chúng tôi không thể tính ra được mức độ hiếm của khám phá này. Khoảng 10 triệu con hươu nhỏ được sinh ra hàng năm trên đất Mỹ, nhiều khả năng có những những dị tật tương tự xảy ra ngoài tự nhiên nhưng ta hoàn toàn không biết tới".

    Con hươu nhỏ này là một cặp sinh đôi dính liền, và là trường hợp hươu đầu tiên được sinh ra với hình hài như vậy (mà ta biết tới). Tất cả những cặp sinh đôi hươu dính liền được phát hiện từ trước tới nay đều mới chỉ được phát hiện ra trong tử cung của hươu mẹ.

    Các ca sinh đôi dính liền thường chỉ thấy ở động vật đã được thuần hóa, điển hình như bò, cừu và thậm chí là cả mèo. Điều này rất hiếm xảy ra trong tự nhiên và thực tế, trong những văn bản khoa học được ghi lại trong khoảng thời gian giữa 1671 và 2006, chỉ duy nhất 5 trường hợp hươu sinh đôi dính liền được ghi lại.

    Lý do chính xác của việc sinh đôi dính liền nói chung vẫn chưa được tìm ra.

    Các nhà khoa học phân tích thành công con hươu hai đầu, hai tim, hai bộ ruột nhưng chỉ có một hậu môn - Ảnh 2.

    Con hươu đuôi trắng hai đầu này được tìm thấy từ 2 năm trước, tháng Năm năm 2016, tại một vùng rừng thuộc phía Đông Nam Minnesota, lúc ấy nó vẫn còn sạch, khô và vừa mới tử vong cách lúc được tìm thấy không lâu. Con hươu được gửi về Bộ Tài nguyên Môi trường Minnesota để bảo quản cho tới khi có điều kiện nghiên cứu kĩ càng hơn. Con hươu đã được bảo quản một cách hoàn hảo cho tới thời điểm mang ra nghiên cứu.

    Đội ngũ các nhà khoa học thực hiện giải phẫu, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp (CT) để có cái nhìn rõ hơn vào bên trong con hươu xấu số.

    Họ xác định ra rằng con hươu cái này có một cơ thể, nhưng xương sống lại chia ra thành hai cổ và hai đầu riêng biệt. Lá phổi của con hươu con khi dìm xuống nước thì chìm ngay lập tực, từ đó xác định được rằng nó chưa hít thở được chút không khi nào, bỏ mạng ngay khi rời bụng mẹ.

    Họ còn phát hiện được rằng con hươu này có hai bộ ruột, nhưng chỉ có một bộ duy nhất kết nối với hậu môn. Nó có hai quả tim khác nhau được bọc chung trong một màng tim, và có tổng cộng 2 lá lách. Con hươu chỉ có một lá gan duy nhất mà lại còn bị hỏng. Ngoài ra, lông, hai đầu, tứ chi của hươu vẫn bình thường, thậm chí vị trí đốm trên cổ con hươu còn được giáo sư D'Angelo gọi là "gần như hoàn hảo".

    Các nhà khoa học phân tích thành công con hươu hai đầu, hai tim, hai bộ ruột nhưng chỉ có một hậu môn - Ảnh 3.

    "Kết quả giải phẫu cho thấy con hươu này sẽ không thể sống được", nhà nghiên cứu D’Angelo cho hay.

    "Tuy nhiên, lông trên xác con hươu có dấu hiệu cho thấy nó được liếm sạch sẽ và được đặt trong một tư thế tự nhiên, điều đó cho thấy con hươu cái, mẹ của con hươu xấu số đã cố gắng chăm con sau khi sinh xong. Bản năng làm mẹ của nó quả thật vẫn rất mạnh".

    Và nhấn mạnh điều này là vì nhiều loài động vật có xu hướng bỏ con sau khi nhận thấy con mới sinh bị dị tật.

    Hiện tại, xác con hươu hai đầu đang được trưng bày tại trụ sở của Bộ Tài nguyên Môi trường Minnesota, đặt tại St. Paul, Minnesota.

    Tham khảo Science Alert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày