Cha đẻ của phím cơ Cherry và đế chế xây nên từ một nút bấm nhỏ bé
Cherry đã bắt đầu sản xuất switch cơ từ những năm 1950 của thế kỷ trước, thế nhưng nhãn hiệu "quả anh đào" mới trở nên thực sự nối tiếng trong một thập kỷ vừa qua.
- DREVO BladeMaster: Bàn phím cơ "cực phẩm" cho cả gaming lẫn công việc, chỉ mất 1 ngày để gọi đủ vốn trên Kickstarter
- Xiaomi ra mắt bàn phím cơ Yuemi Pro Silent Edition, khung nhôm, thiết kế TKL, giá 94 USD
- Đón hè rực lửa với bộ đôi bàn phím cơ cực ngầu dành cho game thủ: HyperX Alloy FPS Pro và Alloy Elite
- Trải nghiệm bàn phím cơ Leopold 750r PD: Hoàn thiện hơn nhưng không còn "chất riêng"
- Đột nhập "kho tàng trữ" bàn phím cơ trị giá 200 triệu của Giám đốc trẻ mua xe sang 7 tỷ ở tuổi 22
- Ngắm nhìn những bộ bàn phím cơ độc lạ của giới "nghiện nhựa" Hà Thành
Đôi khi thay vì sản xuất tràn lan đủ các loại thiết bị công nghệ, một công ty chỉ cần tập trung vào một thị trường với một sản phẩm duy nhất là đã có thể trở thành một đế chế mà khó đối thủ nào có thể lật đổ.
Và ‘sản phẩm duy nhất’ được nhắc đến ở trên, trong trường hợp này chỉ đơn giản là một thiết bị rất nhỏ mang tên "switch cơ học" (công tắc cơ học), được đặt dưới chiếc bàn phím cơ mà chúng ta vẫn hay sử dụng. Nhắc đến đây, nếu bạn là một người đã từng tìm hiểu về thế giới bàn phím cơ, có lẽ bạn đã biết công ty kia tên là gì.
Đó chính là Cherry, nhà sản xuất switch phím cơ nổi tiếng bậc nhất thế giới với lịch sử phát triển vô cùng thú vị mà không phải ai cũng biết.
Trước khi trở nên nổi tiếng với switch phím cơ như hiện nay, Cherry lại được biết đến với các mẫu switch điện dưới cái tên "Cherry Electrical Products" hay công ty điện tử Cherry.
Được thành lập vào năm 1953 tại tầng hầm của một nhà hàng ở Illinois, Mỹ. Người sáng lập ra Cherry, ông Walter Cherry, từ lâu đã có niềm đam mê với kỹ thuật điện tử, tuy nhiên ông không hề được cha mẹ ủng hộ khi đi theo con đường sự nghiệp này.
Lý do bởi cha mẹ Walter cho rằng vào những năm 1930, tất cả những thứ liên quan đến điện tử chỉ dành cho nhà sáng chế Thomas Edison, hơn nữa gia đình Cherry từ suốt thế kỷ 19 cũng không hề đi theo lĩnh vực mà Walter yêu thích và chỉ kinh doanh ở những mảng khác.
Cụ thể, công ty "J.G. Cherry Company" của dòng họ Cherry được đặt theo tên ông của Walter, chuyên kinh doanh các mặt hàng về sữa ở thành phố Cedar Rapids, bang Iowa. Bố của Walter khi đó có cương vị người điều hành và không lâu sau, nhãn hiệu sữa Cherry đã sáp nhập với Burrell vào năm 1928.
Nhưng không vì vậy mà Walter nản chí. Vượt qua nhiều khó khăn, ông vẫn đi theo niềm đam mê và thậm chí còn giúp nhà Cherry mở thêm một mảng kinh doanh mới, một lĩnh vực mà Walter thực sự giỏi, đó là kỹ thuật điện. Bằng chứng là công ty Cherry Electrical Products sau đó đã trở nên nổi tiếng trên thị trường bởi các mẫu switch hay công tắc điện mà về sau người ta đã gọi nó với cái tên "cherry switch".
Đây cũng là lời mô tả trên catalog giới thiệu về microswitch (một loại công tắc điện có lực ấn khá nhẹ) của hãng Cherry vào những năm 1960:
"Toàn bộ công ty cùng hết lòng vì một sản phẩm duy nhất, đó là switch. Sự chuyên môn này có nghĩa chúng tôi luôn tận tâm phân tích, ứng dụng kỹ lưỡng. Lắp ráp các switch một cách hiệu quả, đáng tin cậy. Áp dụng kỹ thuật thử nghiệm tự động và có dịch vụ nhanh hơn".
Ở thời điểm đó, microswitch Cherry đã được coi là loại switch đem lại cảm giác hoàn hảo khi sử dụng, là "chỉ tiêu vàng" trong làng nút bấm, được sử dụng rộng rãi từ các ngành công nghiệp cho đến các thiết bị gia dụng. Đặc biệt nhất có thể kể đến máy chơi game thùng (game arcade) trong những năm 90, bởi những trò chơi này luôn đòi hỏi độ trễ khi ấn nhỏ nhất có thể.
Không chỉ được sử dụng trên các loại máy tính bấm, microswitch của Cherry cũng có mặt trên cả… xe hơi.
Theo một ghi chú của Walter Cherry, vào những năm 1980, đế chế của ông cũng từng cung cấp các sản phẩm công tắc cơ học, cảm biến và thiết bị bán dẫn cho Ford và các nhà sản xuất khác để chế tạo điều hòa, máy bán hàng, khóa bấm hay các nút điều chỉnh cửa sổ xe hơi.
Switch cơ học của Cherry, sản xuất năm 1958.
Mảng kinh doanh này khi đó đã được Cherry Corp đầu tư tới hàng triệu USD và sau đó trở nên vô cùng phát triển vào những năm 1990, đại diện cho một trong những lĩnh vực kinh doanh quan trọng nhất của Cherry. Theo thống kê vào năm 2005, công ty đã sản xuất tới 80% công tắc điện cho xe hơi trên toàn Châu Âu.
Tuy nhiên những thành tựu trên của Cherry mới chỉ là bước đầu, cho đến khi switch Cherry MX dành cho bàn phím cơ ra đời.
Những năm 1990, Cherry không còn quá quan tâm vào mảng kinh doanh bàn phím. Công ty sau đó đã chuyển các nhà máy gia công bàn phím sang Đức và sau đó gọi các mẫu switch phím cơ là "do Đức chế tác", mặc dù thực chất, công ty gốc của họ vẫn có trụ sở ở Mỹ. Cũng trong thời gian này, Cherry vẫn sản xuất hàng loạt các sản phẩm công tắc cho ngành công nghiệp xe hơi tại nhà máy ở Illinois.
Walter Cherry sau khi qua đời vào năm 1996 đã nhường lại ghế lãnh đạo cho con trai ông, ngài Peter. Tới năm 2001, mảng kinh doanh về xe hơi của Cherry đã không còn đem lại lợi nhuận và buộc họ phải bán đi. Tuy nhiên đến năm 2008, Cherry Electronics đã thực sự thay đổi sau khi họ được sáp nhập với tập đoàn ZF Friedrichshafen của Đức.
Thương vụ này thực chất đã chuyển hẳn hướng kinh doanh của Cherry, không còn liên quan nhiều tới xe hơi nữa, thay vào đó họ tấn công vào miếng bánh thị trường rất béo bở lúc bấy giờ: Bàn phím cơ.
Trong khi Apple và Microsoft ngày càng làm cho bàn phím trở nên mỏng hơn, tuy nhiên cũng đem tới cảm giác bấm khó chịu hơn. Cherry lại làm ra các nút phím cơ dày cộp nhưng khi bấm lại vô cùng thoải mái, hơn nữa lại có khả năng tùy biến rất cao mà người dùng sẵn sàng bỏ thêm tiền để sở hữu chúng.
Đó cũng là lúc chiếc switch huyền thoại có tên "Cherry MX" ra đời.
Nó đã được công ty phát triển từ những năm 1980, được cấp bằng sáng chế vào năm 1984 rồi nhanh chóng lọt vào mắt xanh của những người dùng khó tính nhất. Mẫu switch này nổi tiếng với cách phân biệt lực nhấn và hành trình nút bằng các màu sắc như đỏ, xanh, đen và nâu.
Cherry MX sau đó đã rất thịnh hành và nhận được sự yêu thích nồng nhiệt giữa những người chơi PC. Thực chất switch Cherry MX có thể mua sỉ với mức giá không đắt hơn nhiều so với giá của một quả anh đào thật, vì vậy không có lý do gì mà người dùng không mua để sử dụng cho sướng tay hơn.
Mảng kinh doanh của tập đoàn ZF được xây dựng xung quanh Cherry đã thu về tới 94 triệu USD doanh thu bán hàng vào năm 2015. Đối với bàn phím cơ - một sản phẩm khá đặc thù trên thị trường, số tiền này là thực sự rất rất lớn. Doanh thu ấn tượng trên có lẽ đã khiến công ty đầu tư GENUI mua đứt lại Cherry từ tay ZF vào năm năm 2016.
Khi Walter Cherry qua đời vào năm 1996, ông đã để lại di sản một công ty với lý tưởng kinh doanh khá đặc biệt: Tạo ra những thiết bị nhỏ để phục vụ cho các ngành công nghiệp khác, những linh kiện tí hon giúp những cỗ máy to hơn hoạt động. Hơn 20 năm sau, lý tưởng này vẫn còn được áp dụng thành công, chỉ có điều sản phẩm mũi nhọn đã khác hoàn toàn.
Cherry cũng là một điển hình cho một thương hiệu chỉ trở nên nổi bật và khác biệt với đối thủ khi thay đổi phương thức kinh doanh, biến 1 thương hiệu B2B nổi tiếng với ngay cả những người dùng phổ thông. Đó cũng là lý do tại sao trường hợp của Cherry lại được coi là một case study rất hay dành cho các startup ở thời điểm hiện tại. Bởi Cherry không chỉ đơn giản xuất hiện trên Indiegogo hay Kickstarter vào một ngày nào đó, nó đã phải trải qua hơn 60 năm để có được vị trí như bây giờ.
Hơn nữa, sự phát triển của Cherry cũng phản ánh một thực tế: Dù thế giới công nghệ có thay đổi nhanh, ưa các loại máy tính cảm ứng và những thứ gọn gàng, chắc chắn vẫn có không ít người dùng yêu thích những cỗ máy đánh chữ cơ học sướng tay, hơn là những loại bàn phím đem lại cảm giác nhàm chán.
Trong một thế giới thay đổi liên tục, chính những công ty như Cherry mới là kẻ chiến thắng.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng