Chàng trai trẻ đột tử sau 40h làm việc liên tục: Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe khi bắt buộc phải thức đêm?
Câu chuyện chàng trai quay phim 31 tuổi đột tử sau 40 tiếng làm việc liên tục một lần nữa cảnh báo về cách làm việc "thừa sống thiếu chết". Nhưng có những công việc bắt buộc phải thức đêm thì làm thế nào để không rơi vào trường hợp đáng tiếc như vậy?
Không phải ai cũng được làm việc 8 tiếng, sáng đi đúng giờ, chiều về ăn cơm và nghỉ ngơi mỗi tối. Có rất nhiều công việc như bác sĩ, y tá, nhà báo, phóng viên, công an, lái xe...phải sống chung với cảnh làm đêm để hoàn thành nhiệm vụ. Từ câu chuyện chàng trai 31 tuổi đột tử khi làm việc liên tục trong 40 tiếng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về phong cách làm việc ''bạt mạng'' của một bộ phận ngành nghề đặc thù.
Ngay cả những bạn trẻ là học sinh, sinh viên cũng thường xuyên rơi vào tình trạng cày xuyên đêm để học hành, thi cử, làm đồ án, bảo vệ tốt nghiệp... Vậy nên, việc thức khuya mặc dù biết là không tốt, tuy nhiên trong nhiều hoàn cảnh bạn vẫn phải thức khuya để hoàn thành nhiệm vụ, trong trường hợp này cần áp dụng một số phương pháp để giảm những tác hại do thức đêm gây ra.
Câu chuyện của chàng trai quay phim cảnh báo thói quen của những người trẻ đang ngày ngày nỗ lực làm việc quên mình. (Ảnh: FBNV)
Một số phương pháp giúp bạn giảm thiểu tác hại của thức khuya
1. Ngủ ít nhưng phải đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Việc làm đêm khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng và rút ngắn lại, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, rối loạn tim mạch, gia tăng nguy cơ bị đột quỵ. Do vậy, bạn có thể ngủ ít từ 4-5 tiếng nhưng phải đảm bảo chất lượng giấc ngủ - ngủ liền mạch, giấc ngủ sâu, không bị đứt đoạn hay gặp mộng mị.
Theo các chuyên gia, nếu bạn ngủ ít hơn 4 tiếng, bạn sẽ khó có thể nào có được giấc ngủ sâu, não không thể thư giãn được tối đa, dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, mất ngủ, suy nhược thần kinh. Giả sử, nếu đêm hôm trước bạn ngủ lúc 3h sáng thì hôm sau cần ngủ đến 7h hoặc 8h sáng và ngủ trưa thêm khoảng 30 phút.
Hãy cố gắng tìm một nơi thoải mái để ngủ, không nên ngủ trên bàn làm việc
Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể ngủ được liền mạch nhất là trong hoàn cảnh áp lực công việc, thi cử. Tuy nhiên hãy cố gắng tập cho mình thói quen sắp xếp công việc để hạn chế việc thức đêm.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, khi cơ thể đã quá mệt, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái REM (Rapid Eyes Movement Sleep) - trạng thái ngủ sâu cho phép cơ thể hồi sức hiệu quả nhất.
2. Uống đủ nước mỗi ngày
Nhiều người làm việc khuya có thói quen uống cà phê hoặc nước tăng lực để không rơi vào trạng thái buồn ngủ. Hãy cố gắng thay thế bằng nước lọc để đảm bảo cơ thể hoạt động trơn tru, hỗ trợ các cơ quan khác như gan thận vì đây là những bộ phận phải làm việc "xuyên đêm" cùng với bạn.
Mặt khác, việc thức đêm khiến cơ thể bị mất nước nhanh. Chẳng hạn tối hôm trước ngủ muộn, hôm sau làn da của bạn thường bị khô và sạm trông thấy. Do vậy bất kỳ là ngày hay đêm, cần bổ sung đủ nước để cân bằng chất điện giải, cải thiện hệ tiêu hóa và tim mạch làm việc tốt hơn.
Uống nước khi bụng rỗng giúp tăng 24% tỷ lệ trao đổi chất. Người làm việc đêm nên để chai nước lọc trên bàn làm việc, trên giường ngủ và bổ sung ngay cả khi không thấy khát.
3. Ăn nhiều trái cây, ngũ cốc, rau xanh
Hầu hết những người làm việc ban đêm thường không đảm bảo chất lượng ăn uông do giới hạn thời gian và áp lực công việc không cho phép chuẩn bị những bữa ăn lành mạnh. Thói quen này là thủ phạm gây ra các căn bệnh nghiêm trọng về hệ tiêu hóa thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư như ung thư dạ dày, ung thư gan...
Thức ăn nhanh, đồ hộp, mì gói mặc dù nhiều năng lượng và giúp bạn vượt qua cơn đói, tuy nhiên đây lại là nhóm thực phẩm nhiều chất béo nhưng ít dinh dưỡng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và cân nặng của bạn.
Nếu phải thức đêm để làm việc, hãy cố gắng dùng bữa tối trước 8h tối. Từ nửa đêm trở đi, nếu quá đói hãy dùng các bữa ăn nhẹ nhiều chất xơ và protein như trái cây, ngũ cốc, tránh các món nhiều đường, giàu chất béo. Bạn cũng có thể ăn salad, các loại rau có màu xanh đậm, thực phẩm giàu vitamin có trong thịt cá; sữa chua hoặc trà xanh...giúp tăng cường sức đề kháng và giảm tác hại của việc thức khuya.
4. Giải tỏa áp lực cơ thể
Thức khuya triền miên khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần uể oải, tay chân mất dần sức lực. Do vậy hãy chuẩn bị một số bài tập nhẹ nhàng như hít thở sâu, đi lại trong khu làm việc để giải tỏa áp lực cho cơ thể.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, việc hít thở sâu, luồng không khí đi vào qua đường mũi sẽ tác động đến phần vỏ não trước trán, kích thích sản xuất dopamine và serotonin - hormone chống stress tự nhiên của cơ thể.
Ngoài ra, không nên ngồi làm việc liên tục trong 1 giờ (bất kể là ban đêm hay ban ngày) thì bạn cũng cần đứng lên, đi lại nhẹ nhàng hoặc khởi động tay chân để kích thích lưu thông máu tốt hơn, giảm stress và thư giãn cột sống.
Đối với công việc, việc đảm bảo và gặt hái được những thành công là điều đáng quý, tuy nhiên sức khỏe mới là điều quan trọng nhất. Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn mới có sức để cống hiến và nếu thành công, cũng phải khỏe mạnh mới tận hưởng được sự thành công đó.
Do vậy nếu buộc phải thức khuya, hãy trang bị những kỹ năng bảo vệ sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, cố gắng đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Những phương pháp trên đây chỉ mang tính tạm thời, giúp giảm thiểu một phần tác hại của thức đêm, khuyến khích hạn chế thức khuya sau 23 giờ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cận cảnh độc quyền Galaxy S25 Edge trực tiếp tại Mỹ: Phiên bản siêu mỏng của Galaxy S25 Ultra
Galaxy S25 Edge đã có màn ra mắt đầy bất ngờ, mặc dù chưa chính thức được bán ra.
Đây là Galaxy S25 Ultra: Galaxy AI tiếng Việt “như con người”, thiết kế mới với viền màn hình siêu mỏng, chip Snapdragon 8 Elite for Galaxy, giá từ 33.9 triệu đồng